GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ỨNG XỬ VĂN HOÁ TRÁCH NHIỆM TRONG KHÔNG GIAN MẠNG

25/02/2019

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, với 7 chương, 43 điều, Luật An ninh mạng sẽ siết chặt hơn nữa các hoạt động trên môi trường mạng, nghiêm cấm các hành vi gây bất ổn đến an ninh mạng. Điều này đòi hỏi mỗi người sử dụng mạng Internet cần hiểu về quyền và nghĩa vụ của bản thân khi tham gia hoạt động trên môi trường không gian mạng.

Đến nay, hẳn nhiều người vẫn chưa quên được sự phản đối tiêu cực của một nhóm người trước việc ban hành Luật Đặc khu và Luật an ninh mạng… tại Bình Thuận hồi tháng 6/2018. Mức độ nghiêm trọng của cuộc bạo động ở Bình Thuận được đẩy lên đỉnh điểm sau khi thông tin “20.000 cảnh sát cơ động đến trấn áp tại Bình Thuận” mà một số đối tượng đưa lên mạng xã hội, rồi lan truyền với tốc độ chóng mặt. Thông tin giả mạo này chính là hành động nhằm “đổ thêm dầu vào lửa”, góp phần kích động một bộ phận người dân thiếu thông tin, tin theo tin giả một cách cảm tính phản ứng chống đối chính quyền. Hậu quả nguy hại của vụ việc là trụ sở cơ quan nhà nước bị đập phá, xe cộ bị đốt cháy, lực lượng chức năng bị tiến công và hành hung, cuộc sống của người dân trong vùng bị đảo lộn, trật tự xã hội bị ảnh hưởng.

Không phủ nhận yếu tố tích cực từ Mạng xã hội, là công cụ kết nối toàn cầu, tuy nhiên nhiều đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội với ý đồ xấu để không chỉ phát tán  thông tin giả mà còn là những thông tin thiếu chuẩn mực, vi phạm thuần phong mĩ tục, đạo đức.

Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV

Trong những ngày cận Tết vừa qua, nhiều người dùng trên mạng xã hội tphản ánh nhận được khá nhiều tin nhắn thông báo trúng thưởng với phần thưởng giá trị tới hàng trăm triệu đồng. Đây là một trong những thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo để dụ dỗ người sử dụng mạng xã hội đăng nhập thông tin cá nhân, thậm chí tài khoản ngân hàng vào một trang web ảo để chiếm dụng tài khoản và thậm chí chiếm đoạt tài sản. Một số đối tượng thường nhắm đến việc đánh cắp thông tin tài khoản Facebook để đi lừa đảo bạn bè của người bị hại.

Theo thống kê của Hootsuite & We are social, hiện có tới 64 triệu tài khoản người dùng Facebook tại Việt Nam, chiếm 3% trên tổng số hai tỷ thành viên trên mạng xã hội này và đứng thứ 7 toàn cầu. Dù chiếm tỷ lệ người sử dụng lớn, đặc biệt là giới trẻ nhưng việc hiểu về ứng xử có văn hóa, không vi phạm Luật An ninh mạng trên mạng xã hội vẫn còn nhiều hạn chế. Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng cũng tích cực vào cuộc, yêu cầu các trang mạng xã hội như Facebook, Google gỡ bỏ hàng nghìn tài khoản vi phạm pháp luật, video clip có nội dung xấu độc, bịa đặt, vu khống cá nhân, chính quyền, kêu gọi biểu tình, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước... gây bất ổn trong xã hội, đất nước.

Khi chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01/2019, Luật An ninh mạng sẽ siết chặt hơn nữa các hoạt động trên môi trường mạng. Theo đó, sẽ có thêm nhiều điều luật nghiêm cấm các hành vi gây mất an ninh mạng đồng thời sẽ xử phạt theo các quy định của pháp luật. Điều này cũng đòi hỏi mỗi người sử dụng mạng Internet phải hiểu về quyền và có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, để xây dựng xã hội số an toàn, an ninh hơn.

Tuy nhiên, khó thể hình thành nên một cộng đồng mạng văn minh bằng những lời nói suông mà thiếu các biện pháp quản lý. Do vậy, Luật An ninh mạng được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả nhất định trong việc quản lý, đem lại hiệu quả mà vẫn tôn trọng những quyền cá nhân được pháp luật bảo hộ, đồng thời siết chặt các hoạt động lừa đảo trên môi trường mạng.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về việc sử dụng mạng Internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội một cách thiếu kiểm soát, thiếu trách nhiệm của một bộ phận người dân hiện nay?

Đại biểu Triệu Thế Hùng tại phiên họp Quốc hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Triệu Thế Hùng: Trước những khoa học kỹ thuật phát triển thì việc chia sẻ những yếu tố cá nhân hay xâm phạm những yếu tố cá nhân của người khác chúng ta cần phải có văn hóa về facebook, văn hóa truyền thông, thông tin. Và trước thực trạng về những thông tin giả như báo chí phản ánh hiện nay thì đã đến lúc phải có chính sách để quản lý, kiểm soát.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng: Luật An ninh mạng được ban hành để ngăn ngừa việc lợi dụng công nghệ cao để phá hoại công cuộc phát triển kinh tế, cuộc sống yên bình của người dân. Luật với mục đích phòng chống những âm mưu phá hoại mà không có bất cứ nội dung nào ngăn cản sự tham gia của người dân trong môi trường mạng.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh: Về mặt pháp luật, chúng ta hết sức chú trọng đến vấn đề an toàn thông tin xem đây là là một trong những nội dung quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng pháp luật. Đến thời điểm này, sau khi Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua thì hành lang pháp lý để đảm bảo an toàn thông tin nói chung cũng như chống hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này cũng đã được khẳng định.

Phóng viên: Đại biểu có thể cho biết Luật An ninh mạng được ban hành có ý nghĩa như thế nào đối với việc kiểm soát các thông tin sai sự thật, trái thuần phong mỹ tục hiện vẫn tràn lan trên mạng như thế nào?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng: Chúng ta có thể thấy rằng trên mạng xã hội hiện nay quá đa dạng, nhưng với nhận thức người dân không ngừng được nâng cao thì có thể dễ dàng nhận thấy đâu là mạng xã hội chân chính, thông tin trung thực và đâu là mạng xã hội nào với thông tin xuyên tắc bóp méo sự thật. Việc ban hành Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý các vi phạm trên khôgn gian mạng. Bởi nếu có hành vi phạm tội trong lĩnh vực công nghệ cao mà chúng ta không có khuôn khổ pháp luật để xử lý thì làm sao chúng ta bảo vệ được cuộc sống của người dân, bảo vệ được sự phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy, việc ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Triệu Thế Hùng: Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua nhưng cần phải hiểu đúng các quy định của Luật, tránh suy luận, xuyên tạc vấn đề. Một đạo luật ra đời không thể bao chứa tất cả các yếu tố kể cả các yếu tố các biệt nhưng Luật đã giải quyết được những vấn đề đại trà và cần thiết tại thời điểm hiện nay

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh: Hiện nay trong diễn biễn xu thể phức tạp khó lường thì những thông tin lộ lọt thông tin kinh tế thì còn vấn đề làm tổn hại an ninh trật tự, an ninh quốc gia. Vì vậy chúng tôi thấy rằng cần phải chủ động và trách nhiệm hơn trong việc quản lý tốt thông tin.

Phóng viên: Xin cảm ơn các đại biểu.

Bảo Yến