GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: GIẢI PHÁP CHO LÀNG NGHỀ TRANH DÂN GIAN VIỆT NAM

26/02/2019

Tranh dân gian đã trở thành nét văn hoá trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Nhưng thời gian gần đây, tranh dân gian đã bị vắng bóng và không còn chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống hội họa. Vấn đề đặt ra hiện nay, liệu tranh dân gian Việt Nam có tiếp tục được gìn giữ và bảo tồn như giá trị vốn có của nó ?

Trước những biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội, các dòng tranh dân gian của Việt Nam đang dần bị lãng quên và đứng trước nguy cơ mai một. Một thời cả làng làm tranh dân gian không còn và người tâm huyết giữ nghề và biết làm nghề chỉ là con số ít ỏi, nhiều dòng tranh dân gian chỉ còn trong ký ức. Đó là thực trạng đáng buồn về tranh dân gian của nước ta, một di sản văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần, tín ngưỡng, một nét đặc trưng trong dòng chảy của văn hóa dân tộc.

Một góc trưng bày tranh dân gian Đông Hồ

Thế kỷ 18, 19 được xem là thời kỳ hưng thịnh nhất của tranh dân gian Việt Nam cùng với sự phát triển của nghề in và khắc gỗ. Ở thời kỳ này, việc sản xuất tranh dân gian ngày càng mở rộng ở nhiều địa phương, tập trung thành từng làng hoặc do từng hộ in riêng, đáp ứng nhu cầu của cư dân khắp mọi miền  đất nước. Từ đó đã hình thành những trung tâm sản xuất tranh khắc gỗ dân gian nổi tiếng, được gọi theo địa danh hành chính, như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hoài Đức-Hà Nội), Nam Hoành (Nghệ An), làng Sình (Huế)... Với nội dung truyền tải ước mong về cuộc sống bình yên, hạnh phúc, tranh dân gian được sử dụng nhiều trong các dịp Tết hay cúng lễ, mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Tuy nhiên, trước sự biến đổi của lịch sử và đời sống kinh tế - xã hội, ngày nay, nhiều dòng tranh đã bị thất truyền như tranh Kim Hoàng, Nam Hoành. Những dòng tranh còn tồn tại như: tranh Đồng Hồ, tranh thờ Miền núi, tranh kính Nam bộ… cũng không còn hưng thịnh như trước.

Làng nghề Tranh Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, trước đây có tới 17 dòng họ làm tranh Đông Hồ . Nhưng rồi theo thời gian, trải qua nhiều thăng trầm, làng tranh Đông Hồ nay cũng thay đổi nhiều, người dân làm tranh đã chuyển dần sang làm hàng mã. Đến giờ, dạo quanh Đông Hồ đều thấy chật cứng đồ dùng cho người cõi âm. Cứ thế, theo thời gian, nghề tranh ở Đông Hồ ngày càng mai một. Số nghệ nhân còn đeo đuổi với nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Trải qua 400 năm tồn tại, hiện làng tranh Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ mai một. Xã Song Hồ giờ đây chỉ còn vài gia đình theo nghiệp cha ông. Tranh Đông Hồ dần mai một đến mức ngay trong lễ hội làng Đông Hồ cũng rất hiếm khi trưng bày tranh dân gian mà tập trung vào đồ mã. Do nhu cầu đời sống, hơn 90% hộ dân làng Hồ chuyển sang làm đồ vàng mã, còn nghề làm tranh dân gian cứ ít dần theo thời gian. Hiện nay, nỗ lực của nhiều nghệ nhân khó có thể “cứu” được dòng tranh nức tiếng Kinh Bắc bởi trước kia có tới 17 dòng họ gắn với nghề… thì giờ chỉ còn lại duy nhất 2 dòng họ. Không biết chục năm nữa , tranh dân gian Đông Hồ nói riêng, dòng tranh dân gian Việt Nam nói chung sẽ đi về đâu?

Trước thực trạng này, từ năm 2012 Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến 2030” với tổng kinh phí gần 60 tỉ đồng. Nhưng đến nay hoạt động của làng nghề vẫn trong tình trạng “cầm hơi”. Sở Văn hóa, Thế thảo và Du lịch tỉnh Bắc Ninh từng tổ chức các hoạt động khơi gợi giá trị di sản như: Các phiên chợ tranh vào cuối tháng chạp, giới thiệu, triển lãm tranh tại khu vực phố cổ Hà Nội… nhưng lác đác người quan tâm.

Việc truyền nghề, kế nghiệp các nghệ nhân là những thách thức không nhỏ của công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa, trong đó có tranh dân gian. Vừa qua, Bộ VH-TT&DL phối hợp với tỉnh Bắc Ninh xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là 'Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp' của nhân loại. Nhưng thực tế hơn 90% hộ dân làng Đông Hồ nay đã chuyển sang làm đồ vàng mã. Nhiều nghệ nhân cho rằng chỉ một đến 2 dòng họ không thể “cứu vãn” và vực dậy cả làng nghề truyền thống nổi tiếng bấy lâu nay.

Vậy giải pháp nào cho việc bảo tồn và giữ gìn nghề tranh dân gian Việt Nam? Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về tình trạng mai một của tranh dân gian hiện nay?

Đại biểu Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII

Đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An: Việc lựa chọn tranh nào để treo trong gia đình của mình hay để chơi là quyền của từng người. Với cá nhân tôi, tôi rất thích vẻ đẹp của đất nước được thể hiện trong những tranh tính dân gian, phản ánh văn hóa truyền thống dân tộc. Nếu để mai một những nét đẹp đó thì thực sự rất đáng tiếc.

Đại biểu Quốc hội khóa XII Cao Sỹ Kiêm: Tranh dân gian là vô cùng quý giá. Tuy nhiên chúng ta lại không gìn giữ phát huy được là vì nhận thức của chúng ta từ người làm chính sách đến người tổ chức thực hiện và người dân chưa thấy hết được giá trị vị trí cũng như khả năng khai thác của tranh Đông Hồ. Trong khi bạn bè thế giới lại nhìn ra rất nhanh giá trị đặc biệt của dòng tranh này thì ngay tại địa phương cơ sở việc trân trọng giữ gìn, phát huy, khai thác dòng tranh này lại chưa được nhiều. Theo tôi, bên cạnh ý thức, nhận thức thì đó còn là cách chúng ta tuyên truyền và cả chính sách và đời sống văn hóa và truyền thống dân tộc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng: Ngày nay, những người có điều kiện thì có thể chơi tranh vẽ, các bạn trẻ có thể chơi tranh công nghệ, ảnh chụp, ảnh in còn những cái mang tính truyền thống như những làng tranh thì dường như không bắt kịp với nhu cầu phát triển của xã hội và cũng không đáp ứng được yêu cầu thay đổi của xã hội. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân về quan niệm và quản lý khi mà một thời gian dài chúng ta không quan tâm nhiều nên dòng tranh truyền thống theo dòng chảy tự nhiên chịu tác động của điều kiện kinh tế xã hội cứ mãi một dần.

Phóng viên: Thưa đại biểu, nhiều làng nghề sản xuất tranh dân gian Việt Nam được nằm trong danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Đây được xem là nỗ lực của ngành văn hóa trong việc bảo vệ loại hình thủ công mỹ nghệ truyền thống. Nhưng thực tế việc triển khai các dự án, đề án để duy trì và phát triển làng nghề tranh dân gian vẫn chưa đạt được hiệu quả. Theo đại biểu giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?

Đại biểu Quốc hội khóa XII Cao Sỹ Kiêm: Để cho làng tranh và vị trí tranh được phát huy, phát triển thì phải có điều kiện về mặt xã hội, tinh thần, chính sách và các hoạt động của đoàn thể, tổ chức xã hội. Đối với làng tranh Đông Hồ cũng như những làng tranh truyền thống chúng ta cần giữ gìn, phát huy, phát triển và luôn luôn đổi mới và có những tuyên truyền để giữ được nét riêng, giữ được vị trí, cốt cách đã hình thành nhiều năm. Cùng với đó là phải có sự phối hợp với nhiều lĩnh vực khác.

Đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An: Chúng tôi cho rằng về mặt chính sách của Nhà nước cần có sự hỗ trợ để nghề tranh truyền thống không chỉ tranh Đông Hồ mà còn các nghề dân gian khác tương tự được phát triển. Hỗ trợ đó có thể là về mặt tài chính, cơ chế để nghề được phát triển ở chính địa phương và từ đó cung cấp khắp cả nước và ra nước ngoài qua còn đường xúc tiến thương mại, du lịch. Nghề được phát triển thì nghệ nhân mới sống được với nghề của mình từ đó thế hệ trẻ mới noi theo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng tại phiên họp Quốc hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng: Trước đây, Quốc hội đã xây dựng và ban hành Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, trong Luật chú ý nhiều đến các yếu tố văn hóa vật thể, các công trình kiến trúc nhiều hơn và dường như chưa quan tâm đúng mức tới những văn hóa phi vật thể và những nét văn hóa phi truyền thống. Tôi cho rằng, đây là một trong những nội dung mà cơ quan quản lý nhà nước phải quan tâm bởi còn những khoảng trống pháp lý để từ đó đề nghị đưa vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh bổ sung sửa đổi Luật Di sản văn hóa, để đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Phóng viên: Xin cảm ơn các đại biểu.

Bảo Yến