ĐẠI BIỂU PHẠM THỊ THU TRANG: ĐÀO TẠO CẦN GẮN VỚI NHU CẦU XÃ HỘI

23/03/2019

Hiện cả nước có khoảng 200 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm; tỷ lệ lớn sinh viên ra trường làm việc không đúng với chuyên môn. Điều đáng nói là tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. Theo đại biểu Phạm Thị Thu Trang, công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa hiệu quả, cơ sở giáo dục chỉ đào tạo những gì mình có mà không đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, nhưng bạn Nguyễn Thị Huyền lại không tìm được việc làm đúng với chuyên ngành đào tạo. Vì vậy, Huyền đã tìm đến Phiên giao dịch việc làm đầu xuân 2019 với mong muốn tìm được công việc với mức lương phù hợp, đặc biệt là được làm đúng với năng lực, sở trường và ngành nghề mình đã được đào tạo.

Bạn Nguyễn Thị Huyền, Quận Hà Đông, thành phố Hà Nội 

Phiên giao dịch việc làm đầu xuân 2019 do Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội tổ chức, đã thu hút gần 140 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng hơn 3.800 lao động. Đây là cơ hội thuận lợi dành cho người lao động, đặc biệt là thanh niên, sinh viên khi được tiếp cận và tham gia vào thị trường lao động, được tiếp xúc trực tiếp với các nhà tuyển dụng để lựa chọn những công việc phù hợp với trình độ và khả năng của bản thân. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, mục đích tổ chức Sàn giao dịch việc làm là tuyên truyền, cung cấp thông tin  thị trường, kết nối giao dịch việc làm dành cho người lao động và người sử dụng lao động. Đây cũng là tiền đề hướng tới  tổ chức các phiên giao dịch việc làm trong cả  năm 2019, qua đó nâng cao hiệu quả kết nối, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn lao động như mong muốn, để phát triển sản xuất kinh doanh.

Thống kê của Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm, số lao động có việc làm trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng, đạt khoảng 56 triệu lao động. Trong đó, thị trường lao động sẽ có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao, chất lượng lao động được nâng cao... Tuy nhiên, theo khảo sát ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại Phiên giao dịch việc làm đầu năm 2019, giữa nhà tuyển dụng và người lao động chưa tìm được tiếng nói chung, mà nguyên nhân cơ bản vẫn là đào tạo chưa gắn với nhu cầu của xã hội. Chị Nguyễn Thị Phương Huế, nhân viên nhân sự Công ty Vàng bạc đá quý Bảo tín Minh Châu cho rằng, trong quá trình đào tạo, các cơ sở đào tạo nên chú trọng hơn đến  dạy thực hành. Mặc dù học đúng ngành, ra trường làm đúng ngành  nhưng vẫn chỉ là lý thuyết, các bạn chưa được làm quen với công việc thực tế nên khi  được tuyển dụng vẫn còn bỡ ngỡ và doanh nghiệp lại mất một thời gian để đào tạo lại. Còn về phía doanh nghiệp cũng nên tạo điều kiện cho các bạn sinh viên đến thực tập và liên kết với các nhà trường để có được nguồn lao động có trình độ và kỹ năng.

Chị Nguyễn Thị Phương Huế, Công ty Vàng bạc đá quý Bảo tín Minh Châu cho rằng, các cơ sở đào tạo cần tăng thời gian dạy thực hành cho sinh viên

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận thực trạng hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp "là có thật" và gốc của vấn đề nằm ở chất lượng giáo dục. Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân một phần là cơ chế chính sách về giáo dục đào tạo còn nhiều bất cập; chưa tạo động lực khởi nghiệp, lập nghiệp; chưa đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng tương xứng.

Theo số liệu của của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có khoảng 1,1 triệu sinh viên đại học và cao đẳng, chia cho trung bình bốn năm học, mỗi năm có gần 300.000 sinh viên ra trường. Kể từ năm 2015 trở lại đây, số lượng người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên khoảng 200.000 người. Nhưng điều đáng lo ngại là có đến 60% sinh viên ra trường làm việc không đúng ngành đã học. Như vậy chỉ có khoảng 15% sinh viên mới ra trường có việc làm đúng với chuyên ngành mình được đào tạo. Việc dư thừa lao động có trình độ đại học không chỉ lãng phí nguồn lực của bản thân người học, gia đình, mà của cả Chính phủ. Trong khi đó mô hình giáo dục và đào tạo định hướng nghề nghiệp từ bậc trung học đã rất thành công ở một số nước trên thế giới, nhưng khi áp dụng ở Việt Nam lại gặp trở ngại lớn do việc chọn hướng nghề sớm từ bậc trung học của Việt Nam là tâm lý chuộng bằng cấp, và thích công việc “cổ cồn trắng” hơn là lao động có tay nghề.

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, công tác dự báo nhu cầu nguốn nhân lực có ý nghĩa quyết định và định hướng cho toàn bộ công tác tư vấn, hướng nghiệp và đào tạo nghề đối với người lao động. Để làm được điều này, chúng ta phải dự báo được các ngành, khu vực trước hết là trong ngắn hạn, sau đó là trung hạn và dài hạn để biết được cần bao nhiêu lao động, đối tượng lao động là gì. Từ đó thông tin, khuyến cáo, định hướng người lao động, học sinh sinh viên học ngành nghề gì. Đây là hoạt động có ý nghĩa quyết định tới việc sử dụng lao động và tuyển dụng lao động.

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Thực tế đang diễn ra phổ biến ở Việt Nam là nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề của các doanh nghiệp rất lớn, nhưng các trường dạy nghề luôn trong tình trạng thiếu chỉ tiêu tuyển sinh. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ trường phổ thông, thì câu chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” đã không diễn ra trong thời gian dài. Do vậy, ngay từ lúc này, Chính phủ cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng một hệ thống giáo dục mở, làm tốt định hướng nghề nghiệp và giáo dục nghề nghiệp cũng như có thời gian đào tạo công nhân lành nghề, công nhân bậc cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.

Trước thực trạng hàng trăm nghìn sinh viên ra trường không tìm được việc làm, đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã chất vấn bằng văn bản đối với Thủ tướng Chính phủ về nội dung này. Ngày 26/07/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 950 trả lời chất vấn của đại biểu. Công văn nêu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và thực hiện nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, như công tác dự báo, chất lượng dự báo cung cầu lao động còn thấp; công tác tư vấn và định hướng nghề nghiệp của học sinh chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; chất lượng đào tạo còn thấp, chưa phù hợp với yêu cầu thị trường lao động…

Công văn trả lời của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu một số giải pháp nhằm giảm tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc.

- Tăng cường đầu tư và hoàn thiện hệ thống dự báo và thông tin thị trường lao động.

- Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia.

- Xây dựng cơ chế xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề, đào tạo cao đẳng, đại học hàng năm phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia và nhu cầu thị trường lao động.

- Đẩy mạnh chủ trương tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập; khuyến khích liên kết với các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo và theo nhu cầu sử dụng.

- Quy trách nhiệm cho các cơ sở sử dụng lao động qua đào tạo thông qua việc tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, hỗ trợ các điều kiện thực hành, thực tập trong cơ sở đào tạo.

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục, đào tạo, thị trường lao động; tái cấu trúc nền kinh tế, tạo môi trường kinh tế vĩ mô minh bạch, ổn định, nhằm thu hút đầu tư, tạo ra nhiều việc làm mới…

Trong Công văn trả lời đại biểu của Thủ tướng Chính phủ đã nêu một loạt giải pháp giải pháp giảm tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường. Những giải pháp đó đã có chuyển biến như thế nào kể từ kỳ họp thứ 5 đến nay, phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Thị Thu Trang về nội dung này:

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV, Đại biểu đã có văn bản chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ. Vậy, xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung đại biểu đã chất vấn là gì?

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi: Từ thực tiễn tại địa phương cũng như qua công tác giám sát, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, tôi đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, làm việc trái với ngành nghề được đào tạo của học sinh, sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học, gây lãng phí cho công tác đào tạo cũng như hệ lụy từ vấn đề này.

Phóng viên: Sau khi nhận được văn bản chất vấn, ngày 26/07/2018 Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 950 trả lời chất vấn. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Thủ tướng?

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi: Thủ tướng Chính phủ cũng đã chuyển ý kiến trả lời tôi tại văn bản trong đó Chính phủ đã đánh giá thực trạng và nêu 6 nguyên nhân cơ bản và 10 giải pháp. Tôi cho rằng những giải pháp này mang tính khả thi và cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương.

Phóng viên: Trong công văn trả lời, Chính phủ cũng nêu lên một loạt giải pháp để giải quyết bài toán tạo việc làm cho lao động sau khi ra trường. Theo đại biểu, những giải pháp này đã giải quyết được những tồn tại trong thời gian qua?

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi: Theo tôi, về cơ bản những giải pháp Thủ tướng nêu đều tập trung hoàn thiện các chính sách pháp luật, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của các cơ sở đào tạo; phát triển thị trường lao động gắn với đào tạo và sử dụng.

Tôi cho rằng những giải pháp này tương đối đồng bộ và có tính khả thi trong thực tế. Tuy nhiên, vấn đề tôi quan tâm là công tác đào tạo theo nhu cầu thị trường và chất lượng đào tạo để hạn chế việc học sinh, sinh viên ra trường, đặc biệt là lực lượng thanh niên có trình độ cao nhưng lại thất nghiệp, không xin được việc làm. Hơn nữa, lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân có tới 60% là khu vực phi chính thức, lao động nông nghiệp, nông thôn chưa được đào tạo và rất cần có chính sách để đào tạo kiến thức, tạo cơ hội việc làm. Mặt khác, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp mà có trình độ tay nghề thấp thì cần đào tạo lại, để hạn chế tình trạng thiếu việc làm và nguy cơ thất nghiệp.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm, thừa thầy thiếu thợ diễn ra thời gian qua là do chưa làm tốt công tác phân luồng học sinh ngay từ trường phổ thông. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi: Chúng ta đang đào tạo cái mà nhà trường có mà chưa đào tạo cái mà thị trường lao động cần. Và quan trọng việc đào tạo của chúng ta chưa có dự liệu được khả năng sử dụng phù hợp với quy mô phát triển sản xuất, tức là cung đào tạo lớn hơn cầu sử dụng. Vấn đề quan trọng ở đây là phân luồng ngay từ khi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học để có ngay nguồn lực đáp ứng với thị trường lao động.

Phóng viên: Trong cuộc cách mạng 4.0 như hiện nay đòi hỏi lao động có trình độ, vậy Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành liên quan thực hiện những giải pháp đột phá gì, thưa đại biểu?

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi: Nguồn nhân lực ngày càng đòi hỏi chất lượng cao hơn để hội nhập và tham gia cách mạng 4.0 do đó Chính phủ cần chỉ đạo các ngành tập trung vào một số giải pháp đột phá như đầu tư cho các lĩnh vực, ngành nghề đi trước đón đầu. Các ngành công nghệ số, công nghệ sinh học; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ. Ngoài ra, đào tạo đi trước, đón đầu cho lực lượng lao động đang làm việc trong ngành có tay nghề thấp để chống trả nguy cơ thất nghiệp và thiếu việc làm./.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

 

Lan Hương