ĐBQH ĐỖ THỊ LAN: DU LỊCH VIỆT NAM CHƯA PHÁT HUY HIỆU QUẢ TIỀM NĂNG, LỢI THẾ

27/03/2019

Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam đón 15,6 triệu khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 620 nghìn tỷ đồng. Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, ngành “công nghiệp không khói” này đã có những bước tiến dài nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Vẫn còn nhiều "bài toán" phải giải, nhiều "nút thắt" phải gỡ mới có thể đạt được mục tiêu như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Năm 1994, Việt Nam đón 1 triệu lượt khách quốc tế.

Năm 2010 Việt Nam đón 5 triệu khách.

Năm 2015 gần 8 triệu du khách quốc tế đến với Việt Nam.

Năm 2018, lần đầu tiên ngành du lịch lập kỷ lục, đón 15,6 triệu khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 620 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy ngành du lịch Việt Nam đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Cũng trong năm 2018, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp thứ 3 trong số 10 quốc gia tăng trưởng khách du lịch cao nhất, tăng 3 bậc so với năm 2017. Việt Nam cũng được ghi nhận là điểm đến hàng đầu khu vực Châu Á và được xếp hạng thứ 67 trong số 136 quốc gia về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch và lữ hành.

Du khách Đức: Việt Nam thu hút khách không chỉ bởi vẻ đẹp thiên nhiên mà còn bởi nền chính trị ổn định, an ninh đảm bảo

Chị Alina, du khách đến từ Đức chia sẻ: Việt Nam thu hút khách không chỉ bởi vẻ đẹp thiên nhiên, các kỳ quan thiên nhiên, những bãi biển xinh đẹp, đồi núi, hang động, con người thân thiện mà còn bởi nền chính trị ổn định, an ninh đảm bảo.

Hệ thống hạ tầng du lịch và doanh nghiệp du lịch phát triển nhanh chóng. Cả nước có trên 2.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và gần 26.000 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 550.000 buồng. Số lượng lao động ngành ngày càng phát triển, hiện có khoảng 2,5 triệu người, trong đó lao động trực tiếp khoảng 820 nghìn người. Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch với trên 23.000 người được cấp thẻ. Những dự án có quy mô lớn, nghỉ dưỡng chất lượng cao được đưa vào sử dụng, cùng với việc tận dụng các danh lam thắng cảnh, đặc biệt các di sản đã được UNESCO công nhận cũng đã tạo thêm sức hút, tăng thêm nội lực điểm đến của du khách quốc tế cũng như khách du lịch nội địa.

Bên cạnh những bước tiến bứt phá du lịch Việt Nam cũng đáng phải đối mặt với không ít vấn đề nan giải. Khả năng cạnh tranh của ngành vẫn chưa nổi bật so với các nước trong khu vực. Thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy 80% khách du lịch không quay trở lại Việt Nam. Vấn nạn lừa đảo, chặt chém, chèo kéo khách du lịch vẫn còn diễn ra.

Du khách Nga: Môi trường và giao thông là những trở ngại lớn đối với du khách 

Chị Laura, du khách Nga cho rằng lý do du khách không muốn quay trở lại Việt Nam là vì Việt Nam chưa bảo vệ môi trường thiên nhiên, nhiều bãi biển thực sự rất đẹp như ở Vịnh Hạ Long nhưng rác thải thì cũng rất nhiều, giao thông thì cũng rất lộn xộn, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội.

Nút thắt về cơ sở hạ tầng cũng đang là rào cản lớn đối với du khách. Điển hình như ĐBSCL-nơi được đánh giá là vùng đất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, sinh thái, sông nước miệt vườn, núi rừng và biển đảo, được nhiều tổ chức du lịch nước ngoài bình chọn là điểm đến hấp dẫn của thế giới, tuy nhiên nơi đây chưa có tuyến hàng không quốc tế. Giao thông đường bộ với trục chính vẫn là Quốc lộ 1. Chính vì vậy mà tốc độ tăng trưởng du lịch của ĐBSCL so với các vùng khác còn chậm.

Chính sách visa, quảng bá xúc tiến, duy trì chất lượng dịch vụ mang tính chuyên nghiệp trong ngành hàng không, cũng như khả năng kết nối đường bay trực tiếp từ Việt Nam tới các thị trường trọng điểm vẫn còn một số hạn chế…

Hạt sạn trong phát triển du lịch của Việt Nam cũng được nhắc tới nhiều là chúng ta đang lãng phí không ít tài nguyên du lịch, những tiềm năng vẫn chưa được đánh thức và khai thác triệt để. Trên thực tế không ít tài nguyên được công nhận là di sản hàng đầu thế giới như Phong Nha - Kẻ Bàng…nhưng chủ yếu vẫn người Việt Nam tới tham quan, thưởng ngoạn là chính, khách quốc tế, đặc biệt là khách chất lượng cao chưa đáng kể. Minh chứng rõ hơn cho điều này bởi lẽ hiện nay, du lịch của Việt Nam mới chỉ đóng góp được khoảng 7,9 % vào GDP. Điều này chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Trước thực trạng nhiều điểm nghẽn trong phát triển du lịch, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, cho rằng du lịch đang đặt ra những thách thức không nhỏ khi Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, đón được 17-20 triệu lượt khách quốc tế, thu hút 82 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo ra trên 4 triệu việc làm trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan cũng chỉ ra rằng, Việt Nam chưa khai thác hiệu quả tiền năng, lợi thế của các địa phương, sự kết nối phát triển, nâng cao giá trị dịch vụ, du lịch. Trước thực trạng này, Đại biểu Đỗ Thị Lan đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về giải pháp trọng tâm, đột phá nào để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020.

Ngày 09/11/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã có công văn số 5100 trả lời chất vấn đại biểu Đỗ Thị Lan, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh. Công văn nêu rõ:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và các chế độ, chính sách, đảm bảo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của du lịch.

- Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của toàn xã hội về du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh quốc phòng.

- Hoàn thiện, cơ cấu lại ngành du lịch, đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập và hội nhập quốc tế.

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đột phá để du lịch phát triển, đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường.

-Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng hiện đại từ nội dung đến phương thức, phát huy nguồn lực nhà nước và toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến quảng bá của các cơ quan ngoại giao, cộng đồng người Việt ở nước ngoài và các cơ quan truyền thông.

- Tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để các doanh nghiệp và cộng động phát triển du lịch; hỗ trợ khởi nghiệp, có chính sách hỗ trợ cho cộng đồng tham gia hoạt động du lịch đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan.

Công văn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đưa ra giải pháp tăng cường phát triển nguồn nhân lực du lịch trên cơ sở tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo và giảng viên; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực; nâng cao kỹ năng nghề qua hoàn thiện và áp dụng các bộ tiêu chuẩn nghề; Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch du lịch; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, mô hình tổ chức quản lý ngành đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo môi trường du lịch.

Trong Công văn trả lời đại biểu của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch đã nêu nhiều giải pháp đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Những giải pháp đó đã có chuyển biến như thế nào kể từ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đến nay.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới hoạt động của Quốc hội, đồng thời nâng cao vai trò giám sát của đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát, phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan về nội dung này:

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, là một trong nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Xin đại biểu cho biết những nội dung chất vấn của đại biểu tập trung ở khía cạnh nào?

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan: Phát triển du lịch một cách nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động 

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Tôi đã chất vấn bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện xung quanh vấn đề phát triển du lịch, mong muốn Bộ trưởng cho biết các giải pháp trọng tâm và đột phá của Bộ để khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của các địa phương nhằm kết nối phát triển kinh tế du lịch, nâng cao giá trị của các dịch vụ du lịch, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cũng như là phát triển kinh tế du lịch trong thời gian tới, đáp ứng mục tiêu của Trung ương đã đặt ra là đến năm 2020 ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sở dĩ mong muốn được Bộ trưởng trả lời vì thực tế du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển trong những năm gần đây, tuy nhiên để đáp ứng mục tiêu nghị quyết số 08 của Ban Chấp hành Trung ương, tôi nghĩ rằng còn phải có những giải pháp trọng tâm và đột phá, có những kế hoạch thực hiện đồng bộ thì mới có thể đạt được trong thời gian tới.

Phóng viên: Với vai trò là đại biểu dân cử, đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xung quanh những vấn đề mà Đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Trong văn bản trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã cho biết một số nhiệm vụ tập trung trong thời gian qua để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế du lịch theo Nghị quyết Trung ương đã đề ra, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu  như tham gia hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách pháp luật…Bộ cũng đã tập trung xúc tiến quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường Quốc tế. Nhiều hoạt động thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong kết nối phát triển du lịch các vùng miền và khuyến khích các địa phương phát triển hạ tầng cơ sở, từng bước đồng bộ hiện đại để phụ vụ phát triển kinh tế nói chung và phát triển kinh tế du lịch nói riêng… Nhờ đó mà du lịch Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể với 15,6 triệu lượt khách quốc tế đến với Việt Nam và trên 80 triệu lượt khách nội địa, góp phần vào tăng trưởng kinh tế cũng như là thu ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, trong văn bản trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng chưa được rõ về những giải pháp trọng tâm, đột phá để khắc phục những hạn chế, đồng thời phát triển kinh tế du lịch mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Phóng viên: Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú với nhiều thế mạnh, tuy nhiên, ngành du lịch vẫn chưa phát triển xứng tầm so với những tiềm năng sẵn có. Theo Đại biểu thì đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này?

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh:

Phát triển kinh tế du lịch của Việt Nam vẫn còn có những hạn chế bất cập. Ngành kinh tế du lịch chưa thực hiện các quy hoạch chiến lược một cách hiệu quả. Dù nhiều địa phương đã thực hiện xây dựng chiến lược phát triển du lịch, thu hút các nhà đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhưng vẫn còn nhiều địa phương chưa quan tâm đến quy hoạch chiến lược; Giữa các địa phương chưa có sự kết nối chặt chẽ, dẫn đến tình trạng khai thác tiềm năng chưa hiệu quả. Hệ thống hạ tầng còn chưa được đồng bộ và chưa có điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế, trong khi đó nhiều nước trên thế giới có thành phố thông minh, thành phố đáng sống, những điều kiện đầy đủ đáp ứng được yêu cầu của đối tượng đẳng cấp cao. Chúng ta cũng chưa có sản phẩm đặc trưng của Việt Nam có giá trị để thu hút khách quốc tế sử dụng, ví dụ ở nước Úc có thuốc chữa bệnh hay là ở Nhật có dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ y tế…còn Việt Nam chưa đáp ứng được các sản phẩm đặc thù, đặc trưng, những sản phẩm có chất lượng cao này. Chất lượng nguồn nhân lực, thái độ phục vụ của nhiều điểm đến chưa đáp ứng và níu chân du khách. Tình trạng chặt chém, nâng giá, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường ô nhiễm, rác thải, tệ nạn xã hội cũng đang là bài toán nan giải cho nên cũng gây phản cảm cho khách du lịch, nhất là khách quốc tế đến với Việt Nam.

Phóng viên: Theo Đại biểu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có những giải pháp căn cơ gì trong thời gian tới để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra?

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Tiếp tục đổi mới tư duy phát triển du lịch một cách nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động của các cấp, các ngành; đồng thời là ý thức của cả người dân, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia vào quá trình phát triển du lịch.

Trong chương trình hành động của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra rất rõ các nội dung nhiệm vụ trọng tâm đột phá thực hiện, những giải pháp cần phải có sự triển khai thực hiện đồng bộ, sự vào cuộc của các cấp, các bộ, ngành, địa phương để đưa quy hoạch chiến lược, chương trình hành động đi vào cuộc sống. Cần hoàn thiện hơn nữa thể chế, cơ chế chính sách pháp luật tháo gỡ những khó khăn để thu hút khuyến khích các nhà đầu tư có tiềm lực kết nối phát triển chuỗi giá trị các dịch vụ phát triển kinh tế du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là thực hiện phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển dịch vụ du lịch cũng phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, thực hiện tốt nghĩa vụ thu nộp thuế để góp phần vào tăng trưởng kinh tế cũng như là tăng thu ngân sách Nhà nước. Đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn kết nối phát triển kỳ quan, khai thác có hiệu quả các kỳ quan thiên nhiên, các sản phẩm du lịch, các điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó có các biện pháp mạnh hơn nữa và có hiệu quả để xúc tiến, quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến các nước trên thế giới, nhất là các nước Châu Âu để có thể có những tuou du lịch có giá trị thường xuyên đến với Việt Nam và nâng cao giá trị, chất lượng hiệu quả phát triển ngành du lịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền vận động giáo dục nhân dân để huy động sức mạnh tổng hợp cùng tham gia phát triển kinh tế xã hội du lịch, tạo nên hình ảnh của Việt Nam trong du khách để tăng thêm lượng khách du lịch, nhất là lượng khách sử dụng dịch vụ có giá trị. Song song với đó là giải quyết hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, giữa các yếu tố tự nhiên và phi tự nhiên, giữa truyền thống và hiện đại./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Phương