GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP - THANH NIÊN LÀM KINH TẾ

11/04/2019

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành TW Đảng khoá VII về công tác thanh niên trong thời kỳ mới đã ghi dấu mốc quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đối với đoàn viên, thanh niên. Những năm gần đây, phong trào "thanh niên khởi nghiệp" đã lan tỏa mạnh mẽ. Nhưng làm sao để khởi nghiệp không bị "đứt ghánh"? Giải pháp nào tháo gỡ những khó khăn khi khởi nghiệp? Là những câu hỏi lớn được giải đáp dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Tốt nghiệp loại ưu trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Phạm Thiên Trang từ bỏ lời mời của các tập đoàn, công ty để tự thân khởi nghiệp với tình yêu hoa hồng và niềm đam mê kinh doanh cháy bỏng. Ước mơ, hoài bão của Trang cũng đã phải vượt qua bao thăng trầm để rồi hôm nay cô sinh viên ngày nào trở thành chủ nhân của 2 héc ta vườn hồng Việt Garden.

Nhớ lại những tháng ngày đầu khởi nghiệp, Thiên Trang không nghĩ mình đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách đến thế. Không chỉ vướng mắc về quỹ đất, Thiên Trang còn gặp khó khăn về nguồn vốn, về đầu ra của sản phẩm… Từ tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp, nên sự hỗ trợ từ các tổ chức đoàn thể trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm dường như không có, mà phải tự mình xoay xở. Thiên Trang tâm sự, giờ có thể thở phào nhẹ nhõm hơn khi những cây hồng nhuộm đầy sắc hoa. Tuy nhiên nỗi trăn trở mở rộng sản xuất vẫn chưa tìm được lời giải do thiếu các tổ chức đoàn thể hỗ trợ, thiếu nguồn vốn….

Chị Phạm Thiên Trang (bên trái) - chủ nhân của 2 héc ta Vườn hồng Việt Garden

Theo Phạm Thiên Trang – trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, khó khăn lớn nhất là về đất đai, vì làm nông nghiệp không có đất thì không thể làm gì được. Bản thân đã trải qua rất nhiều lần thuê vườn, đa số là thuê tạm bợ, đến giờ mới thuê được 2 héc ta nhưng cũng phải thuê qua nhiều chủ khác nhau và cũng chưa ký được hợp đồng dài hạn...

Sinh năm 1992, cũng với ước muốn kinh doanh cháy bỏng, Phạm Thị Hảo - quê ở Bắc Ninh, nhận định thị trường hoa phát triển, nhu cầu về hoa khô cũng rất lớn, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Nên ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Hảo đã ở lại Hà Nội và nhanh chóng tìm mọi cách mở 3 cửa hàng kinh doanh hoa khô nhập khẩu nhờ nguồn vốn từ gia đình, bạn bè. Nhưng không lâu sau, Thảo buộc phải đóng cửa 2 cửa hàng vì đòi hỏi vốn quá lớn. Hảo tâm sự: Nếu lập nghiệp ở quê khó 1 thì ở Hà Nội khó 10, thậm chí hàng chục, hàng trăm lần đối với sản phẩm hoa khô. Hảo quyết tâm ở lại Hà Nội dù có nhiều chông gai. Tuy nhiên khi quyết định lập nghiệp ở Thủ đô dường như mọi vấn đề Hảo đều phải tự xoay xở như thuê mặt bằng, phát triển thị trường…. Cũng do hộ khẩu vẫn ở cùng với cha mẹ nên việc nắm giữ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội là rất khó. Bản thân là một người trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, sau khi ra trường chị đều phải tự tìm hiểu, không có một đoàn thể nào hỗ trợ, định hướng... bản thân gặp phải nhiều bỡ ngỡ, lúng túng trong con đường định hướng kinh doanh của mình.

 Phạm Thị Hảo - Chủ cửa hàng hoa khô, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội​

Một mình khởi nghiệp, không tổ chức, đoàn thể nào tư vấn hay hỗ trợ là thực trạng chung của hầu hết các bạn trẻ từ các tỉnh lẻ ra Hà Nội lập thân lập nghiệp. Bên cạnh nhiều đoàn viên, thanh niên có khát vọng lớn, dám chấp nhận khó khăn, thử thách, thậm chí thất bại để khởi nghiệp vươn lên làm giàu chính đáng thì vẫn còn nhiều thanh niên chưa tìm được hướng đi cho mình trong việc định hướng tạo dựng mô hình, năng lực, phát triển thị trường, đầu ra sản phẩm, nguồn lực đầu tư… Trong khi đó, theo quy định, để tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi thì người vay vốn phải là chủ hộ và có tài sản thế chấp. Mà thực tế tất cả đoàn viên là người trẻ sống cùng bố mẹ, không phải là chủ hộ, cũng không có tài sản. Cũng chính vì thế mà nhiều thanh niên khởi nghiệp đã phải "đứt gánh" giữa đường, không có cơ hội phát huy hết khả năng, sự sáng tạo của bản thân.

Phạm Thiên Trang -chủ nhân của 2 héc ta vườn hồng Việt Garden, chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp đại học, bản thân có rất nhiều bạn quyết định khởi nghiệp. Việc các bạn khởi nghiệp góp phần làm giàu cho bản thân và làm giàu cho quê hương nhưng đều gặp rất nhiều khó khăn. Hy vọng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, giúp đỡ để mọi đoàn viên thanh niên có thể khởi nghiệp thành công...

Những năm gần đây, nhiều chương trình hỗ trợ "thanh niên khởi nghiệp" phát triển rộng rãi từ thành thị đến nông thôn nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Năm 2016, Chính phủ chọn là "năm Quốc gia khởi nghiệp" nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với thanh niên. Và cũng năm 2016, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chính thức triển khai chương trình "Thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2016 - 2021 tập trung vào 3 nhóm đối tượng chính: Sinh viên, thanh niên nông thôn và doanh nhân trẻ. Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình tư vấn, hỗ trợ chưa có sự thống nhất và thiếu chiều sâu; sự kết nối giữa thanh niên khởi nghiệp với các đơn vị tư vấn, nguồn vốn, công nghệ...còn hạn chế.

Ông Trương Công Nhàn - Phụ trách nông nghiệp xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội - cho biết, thanh niên hiện nay thừa nhiệt huyết nhưng bắt đầu khởi nghiệp phần lớn đều gặp khó khăn. Đặc biệt là khó khăn về việc huy động vốn, khoa học - kỹ thuật, đầu ra sản phẩm. Nhiều bạn trẻ cũng còn hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức thực tế. Sự liên kết, hỗ trợ, tư vấn từ các tổ chức đoàn thể cũng chưa nhiều. Chính vì vậy, khi biến từ ý tưởng đến thực tiễn khởi nghiệp gặp vô vàn khó khăn, bỡ ngỡ... dẫn đến bỏ cuộc giữa đường…

Theo Ông Trương Công Nhàn, các bạn trẻ khởi nghiệp muốn vay vốn, vay vài chục triệu thì không làm được gì, vay vài trăm triệu thì không có tài sản thế chấp nên không vay được. Từ cái khó đó nên số thanh niên lập nghiệp bị hạn chế. Đây là vấn đề chính yếu mà Nhà nước nên tháo gỡ.

Hội Nông dân Việt Nam cho biết, hiện trên địa bàn cả nước có hơn 51% lao động nông thôn là thanh niên. Số doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp ở vùng nông thôn cũng chiếm số lượng rất lớn. Đây được xem là lực lượng hùng hậu để triển khai các mô hình kinh tế nông nghiệp – nông thôn, nếu biết khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của từng vùng. Vì vậy, ngoài việc tháo gỡ thủ tục hành chính không cần thiết để thanh niên đẩy mạnh đầu tư vào các mô hình kinh tế thì các cấp, ngành cũng cần tạo ra nhiều nguồn quỹ hỗ trợ và tạo khâu kết nối chuỗi liên kết, từ áp dụng khoa học kỹ thuật cho đến đầu ra sản phẩm. Giải quyết vấn đề pháp lý, thủ tục hành chính, quy trình cho thanh niên tiếp cận cách thức sản xuất kinh doanh, dây chuyền sản xuất hiện đại. Bên cạnh đó cũng rất cần một cơ chế ưu đãi và thông thoáng hơn từ cả ngân hàng chính sách xã hội và ngân hàng thương mại. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thanh niên tiếp cận đa dạng các nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế.

Vậy làm sao để khởi nghiệp không bị "đứt ghánh"? Giải pháp nào tháo gỡ những khó khăn khi khởi nghiệp? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Đoàn đại biểu thành phố Hà Nộ​i

Phóng viên: Thưa đại biểu, thời gian qua, mô hình lập nghiệp, phát triển kinh tế của lực lượng đoàn viên, thanh niên phát triển ngày càng sâu rộng. Có nhiều thanh niên đã khởi nghiệp thành công. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Năm 2005, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh niên. Năm 2008, Trung ương đã ban hành Nghị quyết 25 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trên cơ sở đó, những chương trình hành động của Trung ương Đoàn và các bộ ngành cũng đã triển khai chương trình thanh niên với sự nghiệp khoa học công nghệ. Gần đây, vấn đề khởi nghiệp chính thức được đưa vào hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nên vấn đề khởi nghiệp ngày càng được triển khai sâu rộng trong các tổ chức Đoàn. Với luật pháp ngày càng được sửa đổi, bổ sung thì những quy định giúp người khởi nghiệp nói chung và thanh niên nói riêng ngày càng có cơ sở pháp lý.

Phóng viên: “Nút thắt” đối với các bạn trẻ trong quá trình khởi nghiệp đó là chưa định hình được hướng đi. Nhiều bạn trẻ lại khó khăn về nguồn vốn, đầu ra của sản phẩm…dẫn đến bỏ cuộc giữa đường. Ý kiến của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Các bạn khởi nghiệp cố gắng theo dõi bám sát những thông tin báo chí, thông tin trên mạng nói về chương trình khởi nghiệp của thanh niên. Trên cơ sở triển khai theo Nghị quyết ở các địa phương thì các đoàn viên, thanh niên cũng đã có những buổi trao đổi kinh nghiệm, được đi tham quan học hỏi những mô hình thanh niên lập nghiệp và có những kết quả cụ thể. Tuy nhiên, còn có một số không ít các bạn lập nghiệp hiện nay đang rất khó khăn trong vấn đề thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tất cả những người khởi nghiệp là đoàn viên, thanh niên đều được ưu đãi về đất đai, thuế, nguồn vốn vay. Nhưng thực tiễn còn rất nhiều bạn đang lúng túng về điều này. Các bạn nên tiếp tục, không nản chí, có những văn bản yêu cầu các tổ chức Đoàn phối hợp giúp đỡ khi làm việc với Ngân hàng hay Uỷ ban nhân dân các cấp.

Phóng viên: Theo đại biểu, cần có những giải pháp như thế nào để cởi những “nút thắt” trong quá trình khởi nghiệp như đại biểu vừa mới chia sẻ để khuyến khích, tạo điều kiện cho thanh niên lập nghiệp?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Các tổ chức Đoàn, lãnh đạo Đoàn cần phải chủ động phối hợp với các cơ quan, bộ ngành địa phương để khi các bạn có các công văn đề nghị địa phương thì phải có sự đồng bộ trong thực hiện; đồng thời phải thực sự quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của từng trường hợp cụ thể để tháo gỡ. Về Cơ quan quản lý nhà nước, Hội Liên hiệp Thanh niên cũng cần chủ động phối hợp với Trung ương Đoàn để có tiếng nói đề nghị cơ quan chính quyền các cấp triển khai, thực hiện. Trường hợp không thực hiện được, nên có kiến nghị với cơ quan các cấp.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Vân Ngọc