ĐBQH LƯU BÌNH NHƯỠNG: ĐẢM BẢO QUYỀN, LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG KHU VỰC PHI KẾT CẤU

02/05/2019

Tại Việt Nam, lao động phi chính thức chiếm tới 57%, tương đương 18 triệu người. Lao động phi chính thức đang góp phần quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên, lực lượng lao động này đang bị "bỏ quên" trong nhiều chính sách công, ít nhận được sự bảo vệ của công đoàn và pháp luật. Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực phi chính thức.

Hơn 18 triệu lao động chưa được quan tâm đúng mức

Báo cáo thống kê về việc làm phi chính thức được Tổng Cục Thống kê và Viện Khoa học Lao động – Xã hội công bố cho thấy, hiện Việt Nam có hơn 18 triệu lao động đang làm các công việc phi chính thức, chiếm 57,2% tổng số lao động phi nông nghiệp, 3/4 tổng việc làm trong nền kinh tế. Lao động phi chính thức được xác định dựa trên việc làm không chính thức, nghĩa là người lao động tự tạo công việc, không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hay hưởng lương cố định. Mặc dù lao động trong khu vực phi chính thức chiếm tỷ lệ cao nhưng pháp luật hiện hành vẫn chưa quy định cụ thể, trực tiếp điều chỉnh nhóm đối tượng này.

Lao động phi chính thức thường không có hợp đồng lao động bằng văn bản mà chỉ thỏa thuận miệng với chủ sử dụng lao động.

Theo các chuyên gia xã hội học, lao động phi chính thức thường làm việc mà không có hợp đồng lao động bằng văn bản liên quan đến công việc đang làm, chỉ thỏa thuận bằng miệng với chủ sử dụng lao động. Do đó, người lao động dễ bị bóc lột sức lao động. Thậm chí, do môi trường làm việc không được tuân thủ theo một quy định chính quy nào nên người lao động phải làm việc không kể giờ giấc, ngày đêm, môi trường sản xuất độc hại, không được bảo hộ nên rất dễ ốm đau, bệnh tật. Như vậy, dù là tiếp cận dịch vụ, an sinh xã hội hay tham gia vào cộng đồng, lực lượng lao động phi chính thức đều thiệt thòi. Trong 21 nhóm ngành kinh tế, lao động phi chính thức tập trung chủ yếu ở 3 nhóm ngành chính gồm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; và xây dựng.

Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế, cho rằng, lâu nay nhà nước tập trung quản lý và đưa ra những quy định đối với khu vực lao động chính thức. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn đề án để nghiên cứu, thống kê lao động trong khu vực chưa chính thức, tôi cho rằng đây là việc làm rất cần thiết. Bởi hiện nay vẫn chưa có đánh giá toàn diện về lực lượng lao động ở khu vực này, quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động như thế nào. Do vậy, nếu đưa ra những quy định cụ thể và áp dụng cả những quy định trong khu vực chính thức thì sẽ không phù hợp.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội ở Việt Nam lên tới 97,9% và chỉ có 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn lại 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chưa kể tiền lương bình quân/tháng của lao động phi chính thức (4,4 triệu đồng) thấp hơn lao động chính thức (6,7 triệu đồng) ở tất cả các vị trí việc làm. Những nghiên cứu về lao động phi chính thức ở Việt Nam cũng đã chỉ ra, lực lượng lao động phi chính thức có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần lấp đầy khoảng trống thiếu hụt việc làm và thu nhập. Tuy vậy, các chính sách an sinh xã hội vẫn chưa bao phủ lên số đông người lao động làm việc tại khu vực kinh tế phi chính thức. Lao động phi chính thức dường như bị lãng quên trong chính sách về việc làm, bảo hiểm.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay độ bao phủ bảo hiểm xã hội đang thấp, đặc biệt chỉ có khoảng 240 nghìn lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây chính là người làm ở khu vực phi kết cấu, lao động tự do. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tuyên truyền của ta còn hạn chế, người lao động tự do chưa nhận thức được vai trò ý nghĩa của việc đóng bảo hiểm có tác dụng về sau.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Tổng Liên đoàn Lao động VIệt Nam

Mặc dù có đóng góp vào nền kinh tế nhưng cũng không thể phủ nhận chất lượng lao động phi chính thức hiện nay khá thấp. Có tới 60% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều làng nghề truyền thống và các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác. Đặc biệt, tỷ lệ qua đào tạo khá thấp (14,8%) đã khiến lao động phi chính thức gặp khó khăn để tạo ra việc làm bền vững, ổn định hay chuyển dịch vào khu vực chính thức là điều dễ hiểu.

Mặc dù Việt Nam đang nỗ lực giải quyết sự bấp bênh giữa có việc làm và thất nghiệp của lực lượng lao động phi chính thức nhưng cần có chính sách và giải pháp mang tính đồng bộ. Trong đó, nhà nước cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể nhằm mở rộng sự bảo vệ đến nhóm lao động này. Khi chuyển đổi khu vực phi chính thức thành khu vực chính thức cần có các chương trình hành động cụ thể, khuyến khích các hộ/cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký thành lập dưới các hình thức doanh nghiệp; đồng thời cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường chế tài đối với những hành động cố tình vi phạm các quy định hiện hành về ký hợp đồng lao động, thực hiện các quy định về an toàn lao động, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động…

Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) đang được Chính phủ lấy ý kiến nhân dân, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến được kỳ vọng sẽ sửa đổi, bổ sung toàn diện, trong đó quy định cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động tổ chức đại diện của người lao động, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động, quản lý nhà nước về lao động. Bổ sung các quy định nhằm mở rộng diện bao phủ của Bộ luật về tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động... đến lực lượng lao động trong khu vực phi chính thức, lao động tự tạo việc làm, lao động làm việc theo các hình thức liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ số, lao động làm việc cho các doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng dưới 10 lao động...

Cần đảm bảo quyền lợi cho đối tượng khu vực phi chính thức

Pháp luật hiện hành đã quy định như thế nào về đối tượng này? Và liệu những quy định trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Chính phủ lấy ý kiến nhân dân, trình Quốc hội cho ý kiến có bổ sung các điều khoản để đảm bảo quyền và lợi ích của lực lượng lao động phi chính thức? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, về nội dung này:

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, Dự thảo bộ Luật lao động sửa đổi đang được lấy ý kiến nhân dân vẫn chưa điều chỉnh nhiều ở khu vực phi chính thức, trong khi đó, hiện kinh tế nước ta vẫn còn trên 50% là kinh tế phi chính thức, tương đương với 18 triệu người. Theo đại biểu, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quyền lợi của người lao động ở khu vực phi chính thức?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Trong Bộ luật Lao động hiện hành đã có quy định điều chỉnh đối với đối tượng lao động này. Ví dụ như lao động giúp việc gia đình là lao động trong khu vực phi kết cấu (phi chính thức), tuy nhiên việc điều chỉnh ở khu vực đó chưa được quan tâm đúng mức. Nói cách khác, chúng ta hiện mới chỉ tập trung vào điều chỉnh ở khu vực kết cấu (chính thức) vì ở đó các quan hệ lao động được hình thành và phát triển cũng như chấm dứt hợp đồng lao động có tính tổ chức cao. Ví dụ trong một doanh nghiệp sử dụng 1 nghìn lao động thì phải ký các hợp đồng để đưa lao động vào làm việc. Như vậy có khả năng được kiểm soát dễ dàng hơn. Trong khi đó, hiện nước ta có hàng chục triệu hộ gia đình sử dụng lao động nhưng lại không có hợp đồng lao động nên không kiểm soát được. Trong trường hợp này đặt ra bài toán về quản lý nhà nước chứ không phải là luật không điều chỉnh. Bài toán quản lý nhà nước hiện nay cần quản lý chặt hơn nữa để đảm bảo quyền lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực phi kết cấu.

Phóng viên: Nếu áp dụng hoàn toàn các tiêu chí của khu vực có quan hệ lao động sang khu vực kinh tế phi chính thức thì cũng không phù hợp. Theo đại biểu, trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần bổ sung hay sửa đổi quy định trong luật như thế nào cho phù hợp?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Đối với lao động trong khu vực chính thức, ví dụ như trong các doanh nghiệp thì sử dụng hợp đồng bằng văn bản, nhưng ở khu vực phi chính thức thì không sử dụng hợp đồng bằng văn bản. Tại sao cơ quan chức năng không hướng dẫn để giúp hình thành các quan hệ lao động, sau đó tiến tới thực hiện hợp đồng lao động bằng văn bản thay thế cho hợp đồng miệng. Bởi bản chất của hợp đồng miệng rất dễ bị vi phạm, bị thay đổi, thậm chí dẫn tới những tranh chấp. Vì vậy, trong trường hợp này, tôi cho rằng không thể áp dụng một cách máy móc những quy định của khu vực lao động có kết cấu vào khu vực phi kết cấu. Thay vào đó, các cơ quan có trách nhiệm phải cùng với các nhà khoa học, các nhà quản lý nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này để đưa ra cách quản lý phù hợp. Trong khu vực chính thức thì sẽ có tổ chức công đoàn, như vậy lao động sẽ được bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Còn đối với khu vực phi kết cấu, có thể tạo điều kiện thành lập các hội nghề nghiệp, tạo điều kiện, căn cứ pháp lý thực thi pháp luật; đồng thời tạo cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vấn đề liên quan.

Phóng viên: Bên cạnh điều chỉnh các quy định trong Luật, thì theo đại biểu những giải pháp nào mà Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương có thể triển khai để thúc đẩy chuyển dịch lao động trong khu vực phi chính thức sang khu vực có quan hệ lao động?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Theo tôi cần có sự điều tra, nắm bắt tình hình thị trường lao động ở khu vực phi kết cấu. Chúng ta lâu nay quen gọi là lao động khu vực phi chính thức, nhưng theo tôi cần thay đổi lại đó là phi kết cấu. Ví dụ giúp việc gia đình vẫn là chính thức, do vậy cơ quan nhà nước cần có quan điểm rõ ràng để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để mọi người dân trong xã hội thấu hiểu về quan hệ lao động, về quyền, lợi ích, trách nhiệm trong quan hệ lao động. Đặc biệt, hướng dẫn cho họ cách thức tổ chức, đồng thời giúp lao động trong khu vực này biết cách tổ chức, tự bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, giải quyết các bài toán liên quan đến quản lý lao động, đảm bảo cho thị trường lao động được phát triển hài hòa, ổn định kể cả ở khu vực kết cấu và phi kết cấu.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lan Hương