ĐBQH ĐỖ VĂN BÌNH: SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH VÀ TÊN GỌI CỦA LUẬT XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM

12/06/2019

Quan tâm đến dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, tại phiên thảo luận toàn thể ở hội trường Quốc hội sáng ngày 12/6, đại biểu Đỗ Văn Bình - Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng, đã đóng góp nhiều nội dung hoàn thiện dự án Luật.

Đại biểu Đỗ Văn Bình phát biểu tại hội trường

Theo đại biểu Đỗ Văn Bình, về sự cần thiết ban hành luật và tên gọi của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, việc xây dựng luật về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đảm bảo công khai, minh bạch, cụ thể hóa những quy định về quyền đi lại của công dân đã được quy định trong Hiến pháp từ năm 2013; đảm bảo đồng bộ với các văn bản pháp luật, nhằm nâng cao hiệu lưc, hiệu quả, giá trị pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam khi xuấ,t nhập cảnh không chỉ là cần thiết mà thực sự có yêu cầu cấp thiết hiện nay để góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta. Đồng thời, đây cũng là yêu cầu thực tiễn đặt ra khi số công dân Việt Nam xuất cảnh tăng nhanh. Năm 2007, chưa đầy 2 triệu lượt người nhưng đến năm 2018 đã tăng lên gần 10 triệu lượt người. Do vậy, đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng luật và tên gọi của luật với những lý do đã nêu trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Về giải thích từ ngữ, đại biểu chỉ rõ, khoản 5 Điều 2 dự thảo Luật giải thích hộ chiếu là giấy tờ chứng nhận nhân thân, quốc tịch do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân để sử dụng ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Khoản 3 Điều 6 quy định hộ chiếu là tài sản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, một loại giấy tờ chứng minh nhân thân, quốc tịch cấp cho công dân được coi là tài sản nhà nước. Việc quy định hộ chiếu là tài sản nhà nước theo thông lệ quốc tế dường như chưa thật thỏa đáng và chưa phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Trong báo cáo thẩm tra đã nêu việc xác định hộ chiếu là tài sản nhà nước sẽ làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ pháp lý trong việc sử dụng và hậu quả pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản nhà nước. Tại khoản 2 Điều 5 dự thảo luật quy định quyền và nghĩa vụ của công dân cũng chưa đề cập đến trách nhiệm của công dân quản lý tài sản của nhà nước là hộ chiếu sau khi được cấp. Mặt khác, một trong những nội dung quan trọng của luật là quy định đối tượng được cấp, trình tự cấp, sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông. Do đó, cần bổ sung một phần giải thích các cụm từ hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ các nội dung trên và hoàn thiện dự thảo luật.

Đối với việc cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm, đại biểu nhất trí với quy định đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ như phương án một tại dự thảo luật và quy định hạn chế xuất cảnh vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm với những lý do như đã nêu trong báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên, khi thể hiện phương án một phần các trường hợp cấp hộ chiếu ngoại giao dự thảo chỉ ghi: "Hộ chiếu ngoại giao được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cử hoặc quyết định cho ra nước ngoài" là chưa phù hợp. Vì khi thực hiện cấp hộ chiếu ngoại giao cho vợ, chồng, con dưới 18 tuổi được đi theo hoặc đi thăm những người trong ngành ngoại giao đã được phong hàm ngoại giao hoặc giữ các chức vụ từ tùy viên trở lên khi họ đang công tác ở nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cử hoặc quyết định cho. Tuy nhiên Dự thảo luật chưa quy định rõ biện pháp quản lý, sử dụng các loại hộ chiếu này. Việc quy định hộ chiếu còn thời hạn có giá trị thay thế căn cước công dân, chứng minh nhân dân được thực hiện như thế nào? Trong khi theo quy định hiện nay là người được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ sau khi đi công tác nước ngoài về nước phải nộp lại hộ chiếu cho cơ quan có thẩm quyền quản lý. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xây dựng bổ sung quy định quản lý, sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích, thuận lợi cho người được cấp và tránh việc lạm dụng các loại hộ chiếu này.

Về việc cấp hộ chiếu phổ thông trong nước, đại biểu chỉ rõ, các mục a, b, d tại khoản 4 Điều 12 quy định trường hợp công dân có giấy tờ chỉ định của bệnh viện cần đi nước ngoài để khám, chữa bệnh. Khi thân nhân ruột thịt ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, chết và các trường hợp vì lý do nhân đạo khẩn cấp khác do thủ trưởng cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Bộ Công an quyết định có thể thực hiện tại cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của Bộ Công an với thời hạn giải quyết không quá 3 ngày làm việc. Trong khi nếu thực hiện ở cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh tại các tỉnh, thành phố thì phải mất 8 ngày. Đây là quy định rất cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong trường hợp đặc biệt cấp bách phải ra nước ngoài. Để tạo thuận lợi hơn nữa cho công dân, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ và theo hướng mở rộng hơn các trường hợp đặc biệt để có thể được giải quyết sớm nhất việc cấp hộ chiếu khi công dân có nhu cầu chính đáng cấp bách phải ra nước ngoài và thực hiện việc này ở tất cả các cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, không chỉ ở cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của Bộ Công an./.

Hồ Hương

Các bài viết khác