CẦN CƠ SỞ LUẬT ĐỊNH ĐỂ THƯ VIỆN QUỐC HỘI PHÁT TRIỂN LỚN MẠNH, VÌ SỰ NGHIỆP PHỤC VỤ QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

13/06/2019

Phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật Thư viện vào chiều 11/6, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần có cơ sở luật định để Thư viện Quốc hội phát triển lớn mạnh, vì sự nghiệp phục vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phân tích, tại Điều 5 của dự thảo luật đã phân loại thư viện theo chức năng và nhiệm vụ bao gồm thư viện quốc gia, thư viện công cộng, thư viện đại học, thư viện thuộc các cơ sở giáo dục khác và các thư viện chuyên ngành. Đại biểu cho rằng Ban soạn thảo ý định thiết kế đưa thư viện của Tòa án, Viện kiểm sát của trung ương, Quốc hội, Chính phủ vào thư viện chuyên ngành. Tuy nhiên, quy định này vô hình chung bỏ sót các thư viện khác có vai trò quan trọng. Đại biểu đưa ra ví dụ là Thư viện Quốc hội. Theo đại biểu, Thư viện Quốc hội không phải là thư viện chuyên ngành, nội dung tài liệu của Thư viện Quốc hội bao hàm các ngành, lĩnh vực, đời sống xã hội gắn với thẩm quyền của Quốc hội. Thư viện Quốc hội là một thư viện có tính đặc thù cao, đặc thù đối tượng phục vụ, đặc thù nguyên tắc làm việc, đặc thù ở chức năng nhiệm vụ. Cụ thể, Thư viện Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập, không chỉ thực hiện chức năng thư viện truyền thống mà còn giúp Tổng Thư ký tổ chức các dịch vụ nghiên cứu, cung cấp thông tin, thẩm định tài liệu phục vụ đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định trong dự thảo Luật Thư viện các thư viện đặc thù, trong đó ví dụ như thư viện Quốc hội, đây là cơ sở luật định để Thư viện Quốc hội giúp cho thiết chế này phát triển lớn mạnh, vì sự nghiệp phục vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu

Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cũng cho rằng cần phải bổ sung Thư viện Quốc hội, vì  Thư viện Quốc hội là một trong những thiết chế quan trọng trong bộ máy của Quốc hội các nước, đó là nơi nghiên cứu cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ các nghị sĩ, đại biểu Quốc hội trong thảo luận, quyết định xây dựng luật và những vấn đề quan trọng của đất nước. Đó còn là nơi phục vụ công chúng trong nước và các nhà nghiên cứu nước ngoài đến thăm quan, tìm hiểu về quá trình lập pháp hay quyết sách những vấn đề quan trọng của quốc gia, thể hiện tính cởi mở, thân thiện và minh bạch của thể chế. Với tầm quan trọng và đặc thù của thiết chế này, nên Thư viện Quốc hội được xếp thành một nhóm riêng trong liên minh hiệp hội và định chế thư viện quốc tế. Ở Việt Nam từ khi Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 2000 thì Thư viện Quốc hội cũng đã thành lập và hoạt động gần 20 năm nay đây là nơi lưu trữ, cung cấp rất nhiều tài liệu quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, những nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử không thể thiếu vắng tư liệu của thư viện Quốc hội.

Đại biểu nêu rõ, thực tế hiện nay Thư viện Quốc hội đã và sẽ có vai trò quan trọng, song hành cùng những hoạt động khác của đất nước chúng ta, vì vậy đề nghị cần phải nghiên cứu bổ sung 1 điều quy định về Thư viện Quốc hội sau Thư viện Quốc gia./.

 

Hồ Hương

Các bài viết khác