ĐBQH TÔN THỊ NGỌC HẠNH: CẦN CHÚ TRỌNG CHÍNH SÁCH THU HÚT, TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI

21/06/2019

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Đây là một trong những dự thảo luật nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu cũng như cử tri cả nước, bởi những quy định của dự thảo sẽ tác động lớn đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, tạo sự đồng bộ, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế phát triển đất nước trong tình hình mới. Để đạt được mục tiêu này, một trong những nội dung được quan tâm sửa đổi đó là quy định về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài.

Chính sách thu hút nhân tài

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi nhân tố con người là vấn đề có tính chất phương pháp luận quan trọng nhất và nhân tài có vai trò to lớn, là một động lực để phát triển đất nước, phải được phát hiện, phát huy, trọng dụng vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Quan niệm của Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài bắt nguồn từ tư tưởng trọng dân, tin dân, nêu cao vai trò làm chủ đất nước của dân, là sự nối tiếp và phát triển quan niệm cầu hiền tài truyền thống trong điều kiện mới của đất nước.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng  cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương mẫu mực về trọng dụng nhân tài. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được nhiều nhân sĩ, trí thức khác nhau về xuất thân, địa vị xã hội nhưng họ đều là những trí thức có tâm huyết xây dựng nước Việt Nam mới.

Cho đến nay, Tư tưởng Hồ Chí Minh hoàn toàn đúng và phù hợp với một Chính phủ kiến tạo. Cốt tủy của một chính phủ kiến tạo là cán bộ và công tác cán bộ. Việc trọng dụng nhân tài để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực trí tuệ, bản lĩnh, một đội ngũ cán bộ phải hết lòng, hết sức, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Thực tế, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương về thu hút và tập hợp trí thức trẻ rèn luyện, trưởng thành, tạo nguồn nhân lực bổ sung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại, lúng túng trong thực thi. Quá trình thực hiện cho thấy các quy định hiện hành vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Các quy định về thu hút nhân tài chủ yếu mới chỉ ưu tiên về tuyển dụng đầu vào mà chưa tạo cơ chế, môi trường làm việc độc lập, cạnh tranh, sáng tạo để người tài có điều kiện phát huy tài năng, sở trường trong công tác.

Bời vậy, thời gian vừa qua một số các cán bộ công chức, viên chức nhà nước bất ngờ xin thôi việc. Trong đó, có nhiều trường hợp trường hợp cán bộ thuộc diện được cử đi đào tạo trong các đề án đào tạo quy hoạch lãnh đạo nhưng họ vẫn nộp đơn xin nghỉ việc. Câu chuyện chảy máu chất xám khu vực công vẫn gây nhức nhối bởi nếu không giữ chân được cán bộ đặc biệt là những cán bộ có năng lực sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Quy định về chính sách thu hút nhân tài tại dự thảo luật

Kịp thời sửa đổi những vướng mắc hiện nay trong công tác thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã đưa nội dung này vào sửa đổi. Cụ thể, theo Tờ trình của cơ quan soạn thảo, tiến hành sửa đổi chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ theo hướng giao Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Trên cơ sở quy định của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quy định chi tiết phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa phương mình.

Hiện tượng một lực lượng lao động có trình độ trong các khu vực công đã rời bỏ để sang khu vực tư; nhất là các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ cao (như ngành y tế, sư phạm), các chuyên gia trên các lĩnh vực quản lý (như kinh tế, đô thị, khoa học kỹ thuật, công nghệ...). Đặc biệt là đội ngũ bác sĩ tại các bệnh viện công hiện nay chuyển sang bệnh viện tư rất lớn. Nếu hiện tượng này tiếp tục tiếp diễn, không có giải pháp để xem xét một cách thấu đáo thì nạn “chảy máu” chất xám, lãng phí tài nguyên, nhất là nguồn vốn đầu tư khổng lồ của Nhà nước để đào tạo nhân lực, là vô cùng lớn. Vậy, trong lần sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức lần này, quy định về thu hút nhân tài cần được luật hóa như thế nào? Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Phóng viên: Thưa Đại biểu, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Vậy đại biểu đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung dự án luật?

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Tôi đánh giá cao sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều Luật cán bộ công chức và Luật Viên chức. Trước đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Cán bộ, công chức và tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Viên chức. Việc quy định tách bạch chế độ quản lý cán bộ, công chức và viên chức tại 02 luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ, tạo điều kiện thu hút và sử dụng đội ngũ viên chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Tuy nhiên,  sau 09 năm thực hiện Luật Cán bộ công chức và 07 năm thực hiện Luật Viên chức, đặc biệt là sau khi có Hiến pháp năm 2013 và chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4, 5, 6, 7 và 8 khóa XII thì một số quy định của Luật CBCC và Luật Viên chức đã bộc lộ những bất cập, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ với các quy định mới. Vì vậy, việc sửa đổi luật là nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương đã được xác định rõ tại các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, 5, 6, 7 và 8 khóa XII của Đảng; giải quyết các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn; đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung các luật quy định về tổ chức bộ máy và định hướng cải cách tiền lương đã được đề ra.

Phóng viên: Góp ý vào dự thảo luận nhiều cử tri cũng như chuyên gia cho rằng dự thảo cần làm rõ chính sách về thu hút nhân tài để tránh hiện tượng chảy máu chất xám? Vậy đại biểu có đồng tình với quan điểm này?

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Tôi đồng tình với ý kiến của chuyên gia và cử tri. Đúng là thời gian qua có hiện tượng nhiều cán bộ công chức viên chức đặc biệt là những cán bộ công chức viên chức có năng lực xin thôi việc đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động chung của cả bộ máy. Do vậy, tôi cho rằng rất là cần thiết và cần có chính sách cụ thể để chúng ta thực hiện hiệu quả chính sách thu hút nhân tài. Thực tế, thời gian qua chúng ta cũng đã có chính sách rồi nhưng quá trình tổ chức thực hiện ở các địa phương, đơn vị có điểm mạnh, điểm yếu; có hạn chế, bất cập cho nên chưa thu hút được nhiều nhân tài như mong muốn đạt ra.

Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu dự thảo cần có những quy định cụ thể như nào để đảm bảo thu hút được người tài vào làm việc trong khu vực công?

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Trong dự thảo luật cũng đã dành ra 1 điều khoản quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, các lĩnh vực, ngành nghề cần thu hút người có tài năng rất rộng, mỗi lĩnh vực có những đặc thù riêng nên việc quy định cụ thể hết các nội dung trong Luật là không khả thi. Do đó, việc giao Chính phủ quy định chi tiết là hợp lý nhưng theo tôi vẫn cần nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo Luật một số nguyên tắc chung trong việc xác định cơ chế, chính sách bảo đảm thu hút được những người thực sự có tài năng vào làm việc; trên cơ sở đó giao Chính phủ, các cơ quan hữu quan quy định cho phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa phương. Đồng thời cần làm rõ khái niệm “người có tài năng” để dễ vận dụng; có quy định về cách xử lý sau khi thu hút mà người này không thể hiện được tài năng trong hoạt động công vụ. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng trong luật vẫn cần có yêu cầu tuyển người tài thì phải có điều kiện tiêu chuẩn kèm theo là gì và phải làm sao tạo được môi tường cho người tài phát huy khả năng năng lực của họ.

Có thể thấy, nhân lực khu vực công đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi đó là tinh hoa của đất nước, là hình ảnh của nền chính trị quốc gia. Bởi vậy, thu hút, tuyển dụng được những nhân tài làm việc cho các cơ quan nhà nước ý nghĩa sống còn liên quan đến hiệu quả, chất lượng hoạt động của bộ máy. Công tác trọng dụng, thu hút nhân tài đã đang và luôn được Nhà nước quan tâm, đặc biệt trong lần sửa đổi bổ sung một số điều luật cán bộ công chức và Luật viên chức lần này việc sửa đổi quy định về thu hút người tài được cử tri kỳ vọng sẽ tạo ra bước tiến mới để hiền tài là nguyên khí của quốc gia.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

 

Lê Anh