ĐBQH HỒ THANH BÌNH: THÔNG XE CẦU VÀM CỐNG ĐÚNG NHƯ CAM KẾT CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

05/07/2019

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội trường, Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về nội dung liên quan đến “sức khoẻ” cầu Vàm Cống cũng như thời điểm thông xe công trình này.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Hồ Thanh Bình liên quan đến “sức khoẻ” cầu Vàm Cống cũng như thời điểm thông xe công trình này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nêu rõ: Trong quá trình hoàn chỉnh công trình, đã có một số yếu tố kỹ thuật liên quan đến chất lượng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức đấu thầu quốc tế xem xét, đánh giá nguyên nhân.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể

Sau khi có nguyên nhân cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đã trình Hội đồng nghiệm thu nhà nước về các phương án xử lý.

Bộ trưởng cũng thông tin thêm: Hiện tư vấn, nhà thầu Hàn Quốc đang thực hiện công tác sửa chữa. Theo kế hoạch, cuối 2018, dự án sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, do đây là dự án hết sức quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật cao nên Bộ Giao thông vận tải đang đấu thầu tư vấn kiểm định chất lượng toàn cầu sau khi nhà thầu sửa chữa xong để đảm bảo cầu Vàm Cống đưa vào vận hành theo đúng yêu cầu kỹ thuật.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng nhấn mạnh: hy vọng tháng 6/2019 sẽ khánh thành cầu Vàm Cống đồng thời với đường cao tốc từ Vàm Cống đến Rạch Giá (Kiên Giang).

Cầu Vàm Cống khánh thành ngày 19/5

Cầu Vàm Cống được khởi công vào tháng 9/2013 với tổng mức đầu tư dự án là 271 triệu USD bằng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Công trình được thực hiện bởi các nhà thầu Hàn Quốc.

Cầu Vàm Cầu là cầu di văng thứ 2 bắc qua Sông Hậu nối Đồng Tháp và Cần Thơ dự kiến hoàn thành trong 4 năm. Nhưng sự cố nứt dầm thép trên Cầu đã khiến công trình chậm tiến độ gần 2 năm. Sự việc được phát hiện ngày 14/11/2107. Trong quá trình thi công, khe co giãn tại trụ P29, nhà thầu nhận thấy dầm ngang trên đỉnh trụ bị nứt. Ngay sau đó, Bộ giao thông vận tải đã kiểm định, đánh giá độc lập đồng thời phối hợp với Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng và các chuyên gia đầu ngành đánh giá nguyên nhân.

Khắc phục sự cố này, thời điểm đó Bộ đã lựa chọn giải pháp khắc phục là thay thế 60% diện tích dầm thép ngang và tăng chiều dài bản đáy để nâng độ cứng của dầm. Việc sửa chữa dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018, đưa công trình vào sử dụng trước tết nguyên đán 2019.

Trên thực tế tháng 3/2019 việc sửa chữa hoàn thành được các đơn vị tư vấn kiểm định đánh giá bảo đảm yêu cầu chất lượng. Sau 1 năm rưỡi sửa chữa, ngày 19/05 công trình đã được khánh thành.

Thông xe cầu Vàm Cống 

Đây là cầu thứ 2 (sau cầu Cần Thơ) bắc qua sông Hậu. Cầu được xây dựng 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng chiều dài gần 3 km, chiều cao thông thuyền 37,5 m.

Cầu được thiết kế dây văng hình rẻ quạt gồm 114 dây bố trí trên 2 mặt phẳng xiên. Cầu dẫn phía Đồng Tháp gồm 28 nhịp; cầu dẫn phía Cần Thơ gồm 25 nhịp.

Sau khoảng 100 năm hoạt động, phà Vàm Cống đã "hoàn thành sứ mệnh" khi cầu dây văng trị giá 5.700 tỷ đồng khánh thành sáng 19/5. Ngày thông xe cũng là ngày mơ ước bao đời nay của bà con sinh sống nơi đây được thỏa nguyện.

Cầu Vàm Cống khi hoàn thành có vai trò đấu nối các tỉnh miền Tây với cả nước, việc lưu thông hàng hóa sẽ được rút ngắn lại, đồng thời giảm tải cho tuyến quốc lộ 1A thường xuyên quá tải vào các dịp lễ, Tết.

Với sự kết nối liền kề của 2 cây cầu Cao Lãnh và Vàm Cống người dân từ TP.HCM về các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang sẽ rút ngắn khoảng 2 giờ với hai hướng di chuyển: Một là đi đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đến TP Tân An tỉnh Long An rẽ vào nhánh đường N2 TP.HCM. Hai là từ TP.HCM đi quốc lộ 22 qua cầu vượt Củ Chi về tỉnh lộ 8 vào nhánh N2 đi Long An về cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống.

Cầu Vàm Cống được xem như mảnh ghép cầu cuối cùng của Dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL và Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Sau niềm vui thông xe vào ngày 19/5 này, hứa hẹn sẽ đưa “vựa lúa” cả nước bước vào vận hội mới. Bên cạnh đó, khi cầu Vàm Cống (bắc qua sông Hậu) cùng cầu Cao Lãnh (bắc qua sông Tiền) vận hành thông suốt sẽ cùng với tuyến lộ N2, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi hình thành một trục dọc thứ 2 bên cạnh QL 1 từ TP.HCM- các tỉnh Tây Nam Bộ.

Như vậy sau hơn 5 năm xây dựng, nhiều lần lỗi hẹn vì sự cố kỹ thuật trong quá trình thi công, cầu Vàm Cống trong mơ của người dân Miền Tây, nối liền hai bờ Đồng Tháp và Cần Thơ, chính thức được thông xe và đi vào hoạt động từ ngày 19/5/2019. Thời hạn thông xe hoàn toàn đúng với lộ trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã cam kết trước nghị trường Quốc hội. Những nỗ lực của Bộ trưởng sẽ được đại biểu nhìn nhận như thế nào? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã cuộc trao đổi với và đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã trả lời phỏng vấn của Cổng Thông tin điện tử Quốc hội. Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Xin đại biểu cho biết nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn trực tiếp tại hội trường, tôi đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải liên quan đến “sức khoẻ” cầu Vàm Cống cũng như thời điểm thông xe công trình này.

Phóng viên: Vậy xuất phát từ thực tế nào đại biểu lại chất vấn về nội dung nêu trên?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), theo kế hoạch ban đầu là thông xe vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29, các đơn vị đã phát hiện dầm ngang CB6 bị nứt. Khiến cho việc thi công công trình bị dán đoạn. Trong khi đó cầu Cao Lãnh nên cử tri đặc biệt là cử tri các vùng lân cận như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, An Giang mong muốn biết rõ nguyên nhân như thế nào? biện pháp khắc phục ra sao và cụ thể tiến độ khi nào sẽ thông cầu? Xuất phát từ thực tế và yêu cầu của cử tri tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về nội dung nêu trên.

Phóng viên: Sau khi nhận được câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã có phần trả lời trước nghị trường Quốc hội. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã phân tích các nguyên nhân của sự cố nứt cầu cũng như quá trình khắc phục, xử lý sự cố kỹ thuật như thế nào. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cam kết thời gian sẽ khánh thành cầu là tháng 06/2019. Tôi đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng trước nghị trường Quốc hội, đề cập đầy đủ nội dung đại biểu và cử tri quan tâm và đã đưa ra thời gian thông xe cụ thể.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về công tác chỉ đạo điều hành của người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải trong đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông đã được đại biểu Quốc hội nêu?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Cầu Vàm Cống thông xe vào ngày 19/05 đúng như thời hạn Bộ trưởng đã cam kết. Bộ trưởng và ngành giao thông đã rất khẩn trương và nỗ lực trong việc xử lý sự cố kỹ thuật cầu Vàm Cống. Với sự quyết liệt trong chỉ đạo của Bộ, cầu Vàm Cống đã được thông xe đảm bảo chất lượng, đáp ứng mong mỏi của người dân. 

Phóng viên:  Qua hoạt động giám sát cũng như tiếp xúc cử tri, Cầu Vàm Cống được khánh thành sẽ có tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Cầu Vàm Cống có ý nghĩa rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thứ nhất, Cầu Vàm Cống góp phần kết nối các tỉnh vùng "đất lõi" Đồng bằng Sông Cửu Long như TP.Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An với TP.Hồ Chí Minh không còn phụ thuộc vào Quốc lộ 1; tạo thuận lợi cho người dân trong đi lại; giúp giải tỏa tâm lý khó khăn trước đó khi phải đi lại bằng phà đò. Thứ hai, thông xe cầu Vàm Cống còn giúp các địa phương nơi đây thu hút đầu tư. Ngoài ra, còn có thuận lợi khác về chuyên chở nông sản, hoạt động du lịch,….Có thể nói cầu Vàm Cống được khánh thành đã mang lại hơi thở mới cho vùng đất nơi đây, thỏa ước nguyện của cử tri và người dân lâu nay.

 Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lê Anh

Các bài viết khác