ĐBQH HOÀNG QUỐC THƯỞNG: TRÁNH TÌNH TRẠNG CHỒNG CHÉO TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TOÁN

11/07/2019

Công tác thanh tra, kiểm toán là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước nhằm phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, các cơ quan thanh tra, kiểm tra cần phối hợp xây dựng chương trình thanh tra tổng thể, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra...

Qua hoạt động kiểm toán đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến các dự án BOT ở các địa phương

Kết quả kiểm toán 21 dự án BOT trong năm 2016 của ngành giao thông vận tải, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm trừ chi phí tài chính thực hiện hơn 1.150 tỷ đồng và giảm hơn 107 năm thu phí. Năm 2017, Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán 40 dự án đồng so với phương án tài chính ban đầu và kiến nghị giảm thời gian thu phí tới 120 năm, giảm chi phí tài chính thực hiện hơn 1.460 tỷ giao thông vận tải.

Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ một loạt sai phạm. Cụ thể, từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, với hơn 70 dự án đã thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu; dẫn đến nhiều bất cập sai sót, làm hạn chế hiệu quả thực hiện các dự án.

Trên đây chỉ là một vài kết luận thanh tra của Kiểm toán nhà nước và Thanh tra chính phủ đối với một số dự án của ngành giao thông vận tải. Trong đó, các kết quả kiểm toán, kết luận sau thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc chấp hành chính sách pháp luật. Điều này cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra giữ vai trò rất quan trọng, nhằm phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với Nhà nước các biện pháp xử lý, khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước.

Khẳng định thanh tra, kiểm toán là rất cần thiết để phát hiện ra những sai sót trong quá trình thực hiện nguyên tắc về tài chính, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhấn mạnh” “Thời gian qua Chính phủ cũng chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán hạn chế tình trạng chồng chéo, trùng lắp, gây khó khăn cho hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng chồng chéo, có quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán tại một đơn vị. Theo tôi, nguyên nhân là việc giám sát, công tác phối hợp giữa các đơn vị vẫn chưa hiệu quả. Muốn giải quyết điều này cần làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị, của người đứng đầu, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.

Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng cần làm tốt công tác giám sát và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thanh tra, kiểm toán.

Công tác thanh tra, kiểm toán là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước nhằm phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, phát hiện những sơ hở trong cơ chế, chính sách pháp luật để kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Hiện ở Việt Nam có nhiều cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật như Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, thanh tra thuế, và các lực lượng thanh tra chuyên ngành của các bộ, ngành. Có thể khẳng định, công tác thanh tra, kiểm toán là cần thiết nhưng trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lắp về nội dung thanh tra, kiểm toán giữa các cơ quan chức năng như thuế, kiểm toán và thanh tra chính phủ với lực lượng thanh tra chuyên ngành và thanh tra ở các địa phương. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm: Chúng ta không thể giới hạn được số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra, vì tùy thuộc vào yêu cầu công việc, tùy thuộc vào công tác quản lý nhà nước, đặc biệt tùy thuộc vào thực tiễn, nếu thực tiễn phức tạp, có nhiều hành vi có khả năng phạm tội thì phải có nhiều cuộc thanh tra. Vấn đề ở đây là chúng ta thực hiện kết quả thanh tra như thế nào, cũng như chất lượng thanh tra ra sao?

Khi thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước tại phiên họp 32 Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu cũng cho rằng, trên thực tế, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan thanh tra, kiểm tra có xảy ra sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, phạm vi và cả đối tượng, điều này phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra và đơn vị được kiểm toán. Việc chồng chéo còn làm lãng phí thời gian, kinh phí, nguồn lực của Nhà nước phục vụ cho hoạt động kiểm toán, thanh tra. Thực tế cho thấy, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán diễn ra phổ biến tại các dự án đầu tư xây dựng, nhất là ở các dự án giao thông, thủy lợi, xây dựng khu công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ…

Quay trở lại với những cuộc thanh tra, kiểm toán tại ngành giao thông vận tải, chưa thể kết luận số lượng 112 cuộc thanh tra, kiểm toán tại Bộ là nhiều hay ít? Bởi còn phụ thuộc vào từng vụ việc, từng lĩnh vực, nhưng vấn đề được dư luận quan tâm là chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm toán, đặc biệt là việc thực hiện các kết luận sau thanh tra của ngành giao thông như thế nào. Các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ về việc giảm thời gian thu phí, kiến nghị giảm chi phí đầu tư đã được ngành giao thông vận tải chấp hành ra sao?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm: Để giảm các cuộc thanh tra vô bổ, thanh tra theo hình thức thì cần nêu mục tiêu thanh tra, đảm bảo chất lượng cuộc thanh tra, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cuộc thanh tra đó. Nếu thanh tra không đạt kết quả thì phải truy trách nhiệm, hồi tố đối với những người thực hiện thanh tra, nhất là người đứng đầu. Có như vậy mới đảm bảo kỷ cương công vụ, cũng như hiệu lực quản lý. Thứ hai nữa là cần có cơ chế đảm bảo các cuộc thanh tra được thực hiện, tránh trường hợp ai thanh tra cứ thanh tra, kết luận cứ kết luận nhưng lại không thực hiện. Như vậy sẽ tạo sự đứt gãy trong quy trình quản lý, đảm bảo hiệu lực tức thời của kết luận thanh tra”. Những kết luận thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra nhiều sai phạm trong thực hiện các dự án của ngành giao thông vận tải. Với trách nhiệm người đứng đầu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cần khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm; đồng thời công bố rộng rãi các phương án xử lý sau thanh tra để đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động quản lý của ngành, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói.

Trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV cũng khẳng định, hiện nay tình trạng chồng chéo, trùng lắp của cuộc thanh tra, kiểm tra vẫn còn nhiều, đặc biệt trong ngành giao thông. Trước vấn đề này, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã có câu hỏi chất vấn trực tiếp tại hội trường đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Trả lời chất vấn cùa đại biểu Hoàng Quốc thưởng tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Tất cả những dự án quan trọng quốc gia mà Bộ Giao thông vận tải thực hiện đều được kiểm toán và thanh tra rất chặt chẽ. Trong thời gian vừa qua, Bộ đã thực hiện dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, các dự án BOT và các dự án quốc lộ lớn, trước khi quyết toán đều tiến hành kiểm toán. Trong 112 cuộc thanh tra, kiểm tra, có hơn 60 cuộc Kiểm toán nhà nước kiểm toán các dự án vốn ngân sách nhà nước, các dự án BOT để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Thanh tra của Bộ Tài chính tiến hành thanh tra việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước với những dự án vốn nhà nước. Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư thanh tra quá trình tổ chức thực hiện các dự án. Thanh tra Chính phủ cũng thanh tra theo kế hoạch và có cả thanh tra đột xuất. Người đứng đầu ngành Giao thông vận tải cũng nhấn mạnh những cuộc thanh tra, kiểm toán này không gây khó khăn gì cho hoạt động của ngành.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn đại biểu Hoàng Quốc Thưởng về công tác thanh tra, kiểm toán tại ngành.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Chúng tôi nghĩ rằng công tác thanh tra, kiểm toán như thế này là rất tốt với việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước và những dự án lớn có sử dụng vốn xã hội. Mặc dù có 112 cuộc thanh tra nhưng thuộc nhiều lĩnh vực và dự án khác nhau, có nhiều Ban quản lý dự án trực thuộc bộ, do đó việc thanh tra, kiểm toán này không khó khăn gì cho bộ mà chúng tôi còn rất hoan nghênh”. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng khẳng định, qua các cuộc thanh tra, kiểm toán cũng là dịp để Bộ công khai, minh bạch việc sử dụng vốn nhà nước cũng như những dự án lớn mà nhân dân quan tâm.

Thực tế, để giải quyết tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm toán, thanh tra giữa các cơ quan vẫn chủ yếu được giải quyết trên cơ sở Quy chế phối hợp công tác và các văn bản phối hợp, mà chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc rà soát, kiểm tra và xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Mặc dù Bộ Giao thông vận tải khẳng định các cuộc thanh tra, kiểm tra không gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngành, tuy nhiên trên thực tế, vẫn có tình trạng Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã ban hành danh mục kiểm toán, thanh tra rồi nhưng địa phương vẫn thanh tra trùng nội dung đã được ban hành.

Cần làm gì giảm sự chồng chéo và nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm toán, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương:

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã nhận lời phỏng vấn. Thưa đại biểu, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội  khóa XIV, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về công tác thanh, tra kiểm tra tại Bộ. Xin đại biểu cho biết nội dung cụ thể đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, tôi có chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải liên quan đến nội dung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với Bộ Giao thông vận tải. Trong báo cáo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán thì tôi có cộng lại, thì trong 1 năm có 112 cuộc thanh tra, kiểm tra kiểm toán tại ngành giao thông vận tải. Qua đó, tôi cũng băn khoăn, với một bộ với nhiều công việc như vậy lại có nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đến làm việc, với 112 cuộc/năm. Như vậy, có ý kiến cho rằng, số lượng cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là quá nhiều.

Phóng viên: Sau khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã thông tin trả lời, đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Trong phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, tôi thấy rằng, Bộ cũng xác định việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra đột xuất là việc làm cần thiết. Đặc biệt, đối với đặc thù là Bộ Giao thông vận tải, đây là cơ quan có nhiều dự án sử dụng nguồn vốn lớn của Chính phủ, của Quốc gia, thì các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán định kỳ là cần thiết.

Phóng viên: Trong phần trả lời của Bộ trưởng đã khẳng định các đoàn thanh tra, kiểm tra không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị, nhưng theo đánh giá của đại biểu, các hoạt động thanh tra ở các lĩnh vực, bộ ngành (không riêng gì ở Bộ Giao thông vận tải) hiện nay có tình trạng chồng chéo, trùng lắp hay không?

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Ở các bộ, ngành đều có cơ quan thanh tra, ở Bộ Giao thông vận tải cũng vậy. Chúng ta cũng có Thanh tra Chính phủ, có Kiểm toán Nhà nước, tôi nghĩ rằng, chúng ta cũng phải có sự phối hợp nhịp nhàng theo tinh thần của Trung ương, Chính phủ là đổi mới, không gây phiền hà cho các cơ quan, doanh nghiệp, dành thời gian đó cho đội ngũ cán bộ công chức dành thời gian tham mưu giải quyết công việc thường xuyên tại đơn vị.

Phóng viên: Nhờ các cuộc thanh tra, kiểm tra mà cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm, theo đại biểu các cơ quan thanh tra như kiểm toán, thuế, thanh tra cần phối hợp thế nào để nâng cao hiệu quả thanh tra, nhưng cũng tránh trùng lặp?

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với 112 cuộc ở Bộ Giao thông vận tải, tôi nghĩ rằng các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần ngồi lại với nhau để đưa ra chương trình tổng thể, xác định đâu là nội dung, chương trình có thể phối hợp thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và đâu là nội dung có thể làm đơn lẻ và độc lập. Như vậy, con số không phải số hàng trăm mà sẽ giảm đi. Theo tôi nghĩ, quan trọng nhất vẫn là chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra, chứ không phải là số lượng cuộc thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ được giao để đảm bảo khi thực hiện sẽ nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công việc lên hàng đầu, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Như vậy, không nhất thiết lúc nào cũng cần kiểm tra, thanh tra, tránh tình trạng thanh tra, kiểm tra theo hình thức, chạy theo số lượng. Vì vậy, tôi nghĩ là với trách nhiệm là tư lệnh ngành, không chỉ Bộ Giao thông vận tải mà các bộ khác phát huy cao độ trách nhiệm người đứng đầu đảm bảo thực thi nhiệm vụ xuyên suốt, như vậy, số cuộc kiểm tra, thanh tra sẽ giảm đi.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương

Các bài viết khác