ĐBQH HỒ THANH BÌNH: Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TỪ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

23/07/2019

Sản xuất nông nghiệp đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm nước, đất do sản xuất tăng vụ sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ tác động đến sức khỏe người dân và chất lượng nông sản. Trước thực trạng này, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về giải pháp liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng

Để tránh sâu bệnh hại cây trồng, anh Đào Văn Toàn, ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình thường xuyên phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong các giai đoạn sinh trưởng của cây cam. Theo chia sẻ của anh Đào Văn Toàn, mặc dù biết là độc hại và ảnh hưởng đến môi trường nhưng anh vẫn phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để phòng trừ sâu bệnh cho vườn cam của gia đình.

Thuốc bảo vệ thực vật thường xuyên được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp

Cũng như gia đình anh Toàn, nhiều hộ nông dân, các hợp tác xã hay các doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam đang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có thành phần hóa học để phòng trừ sâu bệnh, giúp tăng năng suất cây trồng và giảm công lao động cho người sản xuất. Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, thuốc bảo vệ thực vật là loại vật tư quan trọng và đóng góp nâng cao sản lượng cây trồng. Nhiều năm qua, vai trò của thuốc bảo vệ thực vật đã được minh chứng, các loại dịch bệnh xảy ra nếu không có sự hỗ trợ của thuốc bảo vệ thực vật sẽ dẫn đến mất mùa. Không riêng ở Việt Nam mà ở các nước tiên tiến trên thế giới họ vẫn phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần tuân thủ đúng liều lượng, quy trình. Nếu lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây ra nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp, với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm thuận lợi cho sự phát triển của nông nghiệp, nhưng cũng thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh, cỏ dại gây hại mùa màng. Do vậy, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh mùa màng, giữ vững an ninh lương thực quốc gia vẫn là một biện pháp quan trọng. Để sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách an toàn, tránh ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và môi trường, bà Đặng Thị Phương Nga, Trưởng bộ môn an toàn và đa dạng sinh học, Viện Môi trường nông nghiệp cho rằng: bà con nông dân cần tuân thủ quy tắc đúng thuốc, đúng liều lượng, nồng độ; đúng thời điểm và đúng phương pháp. Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng cần lưu ý cách sử dụng, bảo quản, tồn trữ cũng như thu gom bao bì, chai lọ sau khi sử dụng. Việc vứt vỏ thuốc, xả thải ngay tại kênh mương gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Chất thải nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường nước

Cùng với ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí thì ô nhiễm môi trường đất do sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật quá mức cũng đang là vấn đề đáng báo động hiện nay. Việc sử dụng phân bón không đúng kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp không những không mang lại hiệu quả mà ngược lại còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất. Khả năng hấp thụ của các loại cây trồng với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều hạn chế, chỉ đạt từ 45 – 50%.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, ở nông thôn còn có tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, ô nhiễm môi trường trồng trọt và thủy sản… Vì vậy, có thể thấy ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp đang là vấn đề đáng báo động, cần được quan tâm và tìm cách giải quyết triệt để.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Hồ Thanh Bình liên quan đến vấn đề ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Đúng là sản xuất nông nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường nếu như kiểm soát không tốt, từ phân bón, từ rác, phế liệu, từ áp dụng không đúng quy trình. Vì vậy, phải áp dụng đồng bộ tất cả các giải pháp. Ngành đã phối hợp với các địa phương, các thành phần kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Thứ nhất là, cần xác định là phải sản xuất đúng, áp dụng tuân thủ đúng quy trình, giống gì, ở đâu, mùa vụ nào để giảm thiểu chứ nếu không là làm trái vụ, trái giống thì nguy cơ dịch bệnh phải sử dụng các hóa chất, vật tư, đương nhiên đều gây ô nhiễm môi trường.

Thứ hai là, giám sát trong quá trình tổ chức sản xuất thật tốt để giảm thiểu những dư lượng.

Thứ ba là, tổ chức chế biến thật tốt để tận dụng phế liệu phụ biến nó thành tài nguyên, thành nguyên liệu chính. Vấn đề này phải phối kết hợp giữa các ngành, các thành phần kinh tế.

Vừa qua, chúng ta phải áp dụng đồng bộ tất cả những khâu đó thì mới mong giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát huy hiệu quả kinh tế cao nhất.

Bộ trưởng cho biết thêm, hướng của ngành nông nghiệp là cùng với các địa phương, các thành phần kinh tế biến chuỗi giá trị sâu hơn, không chỉ ở sản phẩm chính mà ngay cả ở các sản phẩm phụ, trấu cũng thành sản phẩm tốt, rơm cũng thành sản phẩm tốt, rồi nước thải con cá tra khi chế biến cũng thành sản phẩm tốt, vỏ tôm cũng thành sản phẩm tốt. Đó là nguyên lý, cách đi để bảo vệ môi trường, để thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo chuỗi giá trị sâu hơn, cạnh tranh với thị trường khi nông sản Việt Nam hội nhập.

Sản xuất nông nghiệp đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không kém gì sản xuất công nghiệp. Những thách thức về vấn đề ô nhiễm môi trường nông nghiệp tại Việt Nam cũng như một số quốc gia trong khu vực ngày càng lớn. Để khắc phục tình trạng này, liệu những giải pháp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra có khả thi ? và đâu sẽ là giải pháp căn cơ cho vấn đề này? Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.

Đại biểu Hồ Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Phóng viên: Thưa đại biểu, được biết tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Vậy, cụ thể nội dung đại biểu chất vấn được tập trung vào khía cạnh nào?

Đại biểu Hồ Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Tại kỳ họp thứ 6, trong phiên chất vấn trực tiếp tại Hội trường, tôi đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp là nghiêm trọng, gây ra nhiều hệ lụy. Chúng tôi có lo ngại là nếu chúng ta không kịp thời chấn chỉnh, không kịp thời có biện pháp thì ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp càng ngày sẽ càng trầm trọng hơn và điều này sẽ tác động trực tiếp lại những người sản xuất nông nghiệp hoặc tác động đến sản phẩm nông sản mà những sản phẩm này sau đó sẽ bán ra thị trường. Vì vậy, nếu người tiêu dùng ăn phải sẽ gặp vấn đề về sức khỏe còn nếu xuất khẩu ra quốc tế thì sẽ gặp phải những hàng rào kỹ thuật nên tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề Bộ Nông nghiệp cần phải sớm giải quyết để sắp tới chúng ta có sản xuất nông nghiệp bền vững

Phóng viên: Xuất phát từ lý do hay thực trạng nào đại biểu lại chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung này?

Đại biểu Hồ Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Xuất phát từ thực tiễn khi chúng tôi làm việc với địa phương cũng như thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động giám sát, các hoạt động tiếp xúc với cử tri với nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Qua phản ánh và ghi nhận, chúng tôi nhận ra một điều là hiện nay ô nhiễm trong môi trường nông nghiệp là hiện hữu. Bởi vì, hàng năm chúng ta sản xuất ít nhất là từ hai vụ tới ba vụ, cho nên đất không được nghỉ nghơi, liên tục thâm canh tăng vụ. Hệ quả là vụ trước nông dân sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu thì các loại hóa chất đó sẽ đi vào những môi trường như: không khí, môi trường đất, vào thân cây và nước. Bên cạnh dó, xuất phát từ một số đo đạc mà chúng tôi có tham khảo thì thấy được một số chỉ tiêu ô nhiễm đã xuất hiện ở những kênh, rạch nhỏ; thậm chí một số người dân tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước từ các kênh rạch cảm thấy cái da của họ bị kích ứng.

Phóng viên: Sau khi nhận được câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời đại biểu trên nghị trường? Đại biểu có hài lòng với nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Về cơ bản, tôi đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên nghị trường. Phần trả lời của Bộ trưởng khá đầy đủ, toàn diện thậm chí Bộ trưởng còn bổ sung thêm nội dung về chế biến giá trị gia tăng. Qua đó,  tôi thấy Bộ trưởng nắm rất là kỹ vấn đề này và quan tâm chỉ đạo rất quyết liệt các giải pháp nhằm khắc phục cũng như hạn chế ô nhiễm môi trường từ sản xuất nông nghiệp.

Phóng viên: Tại nội dung trả lời, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Vậy theo ý kiến của đại biểu liệu những giải pháp Bộ trưởng đưa ra có đáp ứng được yêu cầu?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Mặc dù rất đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, tôi cũng xin nhắc lại là hiện nay việc tổ chức sản xuất để mà đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường thì mặc dù chúng ta đã có truyền thông cho người dân nhưng tỷ lệ tham gia sản xuất theo quy chuẩn hay sản xuất hữu cơ còn tỷ lệ rất thấp. Điều này dẫn tới lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn tiếp diễn.

Phóng viên: Một trong những giải pháp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra là giám sát trong quá trình tổ chức sản xuất để giảm thiểu dư lượng. Vậy, để thực thi giải pháp này thì trên thực tế đơn vị nào sẽ thực hiện việc giám sát? Có những khó khăn gì để đảm bảo tính hiệu quả của việc giám sát?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Theo tôi, giám sát trong quá trình tổ chức sản xuất là một giải pháp cần thiết bởi có giám sát sẽ giảm thiểu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giúp quy trình sản xuất của bà con quy củ. Tuy nhiên, chủ thể nào thực hiện việc giám sát là vấn đề cần tính đến, đồng thời công tác giám sát phải được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc mới đạt được hiệu quả như mong muốn. Thông thường những người làm ở trong các tổ hợp tác xã  hoặc hình thức sản xuất liên kết thì việc giám sát cũng đã có và được tiến hành khá nghiêm túc. Trên thực tế, theo tôi biết về mặt trách nhiệm quản lý nhà nước thì thì có thể có chủ thể thực hiện giám sát nhưng chưa thấy triển khai nhiều, chủ yếu dừng lại ở việc lấy mẫu phân tích để phục vụ hoạt động khoa học còn giám sát để xử lý thì chưa . Thời gian tới, có thể xây đựng chương trình giám sát để qua đó có thông tin kiến nghị Chính phủ kịp thời.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Cơ bản đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại nghị trưởng, đại biểu Hồ Thanh Bình đánh giá cao những giải pháp do Bộ đưa ra cũng như những nỗ lực của Bộ trong việc góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp. Cho rằng, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nước ta, góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, giúp xoá đói, giảm nghèo, đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình kỳ vọng thời gian tới với hướng đi mới do Bộ đề xuất sản xuất nông Việt Nam sẽ tiến đến nền nông nghiệp hữu cơ, một nền nông nghiệp sạch, an toàn đối với môi trường mang tính ổn định và bền vững cao./.

Lê Anh