ĐBQH TRIỆU THỊ THU PHƯƠNG: GIẢI NGÂN NGUỒN VỐN ODA CẦN ĐẢM BẢO LỘ TRÌNH CAM KẾT

30/07/2019

Qua tiếp xúc cử tri và nghiên cứu báo cáo số 1272 ngày 18/10/2018 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về thẩm tra đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về nội dung làm rõ nguyên nhân việc giải ngân nguồn vốn ODA chưa đảm bảo lộ trình cam kết.

Bất cập trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA

Theo báo cáo số 1272 ngày 18 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về thẩm tra đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016 -2020 đã chỉ rõ: Việc xây dựng kế hoạch, danh mục đối với nguồn vốn ODA chưa đảm bảo tính chính xác, nhiều dự án chưa được bố trí đủ nguồn vốn đối ứng, chưa đúng nguyên tắc bố trí vốn đối ứng các dự án ODA, việc xây dựng kế hoạch đối vối nguồn vốn ODA chưa bao quát và tổng hợp được đầy đủ, dẫn đến tình trạng nhiều dự án bị thiếu vốn do phát sinh các hiệp định ký kết sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khi có nhiều dự án không thể giải ngân và việc giải ngân nguồn vốn một số dự án chưa đảm bảo theo đúng lộ trình, đúng cam kết. Đồng thời theo báo cáo của Chính phủ, do tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm chậm nên việc cân đối nguồn vốn trong 2 năm còn lại là rất lớn, khó có khả năng hàon thành kế hoạch đề ra.

Những bất cập, hạn chế này trong sử dụng nguồn vốn ODA là do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì việc xây dựng kế hoạch, danh mục đối với nguồn vốn ODA chưa bảo đảm tính chính xác, giải ngân vốn chưa đúng lộ trình chủ yếu là do việc lập kế hoạch vốn chưa sát với tình hình thực tế và khả năng giải ngân.

Ts. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế

Tuy nhiên, thực tế cũng chứng minh việc xác định chính xác khả năng thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài hàng nằm là rất khó khăn, do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau như: tiến độ giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp vốn của các nhà tài trợ, năng lực quản lý của chủ đầu tư, năng lực của nhà thầu.

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án ODA, vay ưu đãi, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc trình Quốc hội phương án điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương, trong đó có việc bổ sung thêm hạn mức kế hoạch và danh mục các dự án mới đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp và báo cáo phương án diều chỉnh và sử dụng 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của các địa phương.

Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Theo đó, giai đoạn 2018-2020, tập trung xử lý vướng mắc, thúc đẩy giải ngân và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã được ký; tiếp tục lựa chọn và chuẩn bị các dự án đầu tư công tốt, bảo đảm không sụt giảm đột ngột vốn đầu tư phát triển sau năm 2020. Tuy nhiên cần phải sàng lọc, lựa chọn các dự án tốt, hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời đảm bảo không vượt trần bội chi ngân sách và các chỉ tiêu an toàn nợ công do Quốc hội phê duyệt.

Nguyên tắc sử dụng viện trợ không hoàn lại, ưu tiên sử dụng để xóa đói giảm nghèo; các lĩnh vực xã hội; xây dựng chính sách phát triển thể chế và nguồn nhân lực; chuyển giao kiến thức và công nghệ; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; chuẩn bị các dự án kết cấu hạ tầng có kỹ thuật, công nghệ phức tạp, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc đồng tài trợ cho các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay.

Đối với giai đoạn 2021 - 2025, sử dụng vốn vay nước ngoài tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt để đảm bảo phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế theo quy mô. Cần có quá trình thẩm định, đánh giá chặt chẽ, khách quan, minh bạch thông qua xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, lựa chọn dự án theo chuẩn mực quốc tế, phù hợp với thực tế Việt Nam.

Ưu tiên sử dụng cho các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nhất là các dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ trong trung và dài hạn để tăng cường năng lực trả nợ của quốc gia,

Ưu tiên các dự án có tính chất hàng hóa công cộng, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, có hiệu ứng lan tỏa như thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ, kỹ năng.

Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn:

Ngày 18/12/2018, Thủ tướng đã có Công văn trả lời đại biểu về nội dung chất vấn. Công văn trả lời của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Về nguyên nhân việc xây dựng kế hoạch, danh mục đối với nguồn vốn ODA chưa đảm bảo tính chính xác, việc giải ngân vốn chưa đảm bảo đúng lộ trình cam kết là do:

Thứ nhất, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được xây dựng căn cứ vào các hiệp định, thỏa thuận vay ký kết trước tháng 6/2016 nên các hiệp định vay mới từ 2016 chưa được đưa vào kế hoạch giai đoạn này. Theo đó, tổng hạn mức vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội phê duyệt là 300.000 tỷ đồng (trong tổng mức đầu tư công trung hạn là 2 triệu tỷ đồng).

Thứ hai, về cơ chế giao và thực hiện kế hoạch: từ năm 2016, căn cứ Luật Đầu tư công 2014, Luật Ngân sách nhà nước 2015 và các Nghị định hướng dẫn quy định số vốn giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi phải nằm trong dự toán, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, nên cơ chế giải ngân theo tiến độ hiệp định nêu trên không được phép áp dụng nữa. Các bộ, ngành, địa phương chỉ được giải ngân theo kế hoạch vốn đã giao trong khi đó, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đến cơ chế giao kế hoạch mới nên việc dự kiến kế hoạch vốn nước ngoài không chính xác và vẫn cho rằng đặt kế hoạch cao hay thấp không ảnh hưởng đến giải ngân dự án mà vẫn theo tiến độ hiệp định, do vậy không quan tâm đầy đủ đến việc đăng ký kế hoạch. Đối với những dự án chưa ký hiệp định hoặc khởi công mới thì thường đặt kế hoạch cao hơn so với nhu cầu giải ngân.

Thứ ba, một số cơ quan chủ quản lập kế hoạch vốn chưa sát với tình hình thực tế và khả năng giải ngân.

Thứ tư, tiến độ thực hiện triển khai dự án và giải ngân của các bộ, ngành trung ương, địa phương rất khác nhau. Nguyên nhân việc giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài chậm chủ yếu do: khác biệt trong công tác đấu thầu giữa các thủ tục trong nước và nhà tài trợ; lúng túng trong triển khai thực hiện một số quy định mới của Luật Xây dựng; giải phóng mặt bằng còn chậm…

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án ODA, vay ưu đãi, thời gian qua, căn cứ vào báo cáo của Chính phủ về phương án điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương, trong đó có việc bổ sung thêm hạn mức kế hoạch và danh mục các dự án mới, Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tưu rà soát, tổng hợp và báo cáo phương án điều chỉnh và sử dụng 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của các địa phương, trong đó cần bố trí vốn nước ngoài, vốn đối ứng cho các dự án mới ký hiệp định nhằm xử lý những vướng mắc theo kiến nghị của đại biểu Quốc hội và những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công đang trong quá trình sửa đổi, trong đó đã kiến nghị sửa đổi các quy định liên quan đến việc lập kế hoạch, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài, điều chuyển nội bộ các cơ quan chủ quản theo hướng linh hoạt hơn, trao quyền cũng như tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan chủ quản trong các khâu.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt các dự án; thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công; gia hạn hiệp định; thẩm định và ký kết các hiệp định vay lại… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các dự án ODA, vay ưu đãi; chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, ngành, và địa phương đánh giá khả năng giải ngân của từng chương trình, dự án, khẩn trương triển khai các thủ tục điều chuyển kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương từ dự án giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn theo quy định hiện hành.

Vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi phát triển là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội Việt Nam phát triển trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng ODA vẫn còn những tồn tại bất cập cần sớm khắc phục để hiệu quả từ nguồn lực ODA ngày càng cao hơn. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIV, Đại biểu đã có văn bản chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ. Vậy, xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Tại kỳ họp thứ 6, tôi đã tham gia chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ.  Cụ thể tôi đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ câu hỏi tập trung làm nội dung: đề nghị Thủ tướng làm rõ nguyên nhân, cũng như giải pháp của việc xây dựng danh mục đối với nguồn vốn ODA.

Phóng viên: Sau khi nhận được văn bản chất vấn, ngày 18/12/2018 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1804 trả lời chất vấn. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Thủ tướng Chính phủ?

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Tôi đánh giá rất là cao và đặc biệt cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng trả lời rất đầy đủ nội dung chất vấn của tôi. Tại văn bản trả lời đã nêu rõ và phân tích rạch ròi các nguyên nhân việc xây dựng kế hoạch, danh mục đối với nguồn vốn ODA chưa bảo đảm tính chính xác, việc giải ngân vốn chưa đảm bảo đúng lộ trình cam kết. Đồng thời, văn bản trả lời cũng đã nêu rõ trách nhiệm của tập thể Bộ, ngành, đại phương trong vấn đề này và đề ra các giải pháp cụ thể trong thời gian tới.  

Phóng viên: Tại văn bản trả lời, Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân cơ bản khiến việc xây dựng kế hoạch, danh mục đối với nguồn vốn ODA chưa bảo đảm tính chính xác, việc giải ngân vốn chưa đảm bảo đúng lộ trình cam kết. Vậy theo ý kiến của đại biểu trong những nguyên nhân được nêu ra thì đâu là nguyên nhân cơ bản?

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Tại văn bản trả lời của Thủ tướng đã nêu 4 nguyên nhân cơ bản. Trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến việc xây dựng kế hoạch, danh mục đối với nguồn vốn ODA chưa bảo đảm tính chính xác, việc giải ngân vốn chưa đảm bảo đúng lộ trình cam kết. Từ việc cơ chế giao và thực hiện kế hoạch đến việc một số cơ quan chủ quản lập kế hoạch vốn chưa sát với tình hình thực tế và khả năng giải ngân hay tiến độ thực hiện triển khai dự án và giải ngân của các bộ, ngành, trung ương, địa phương khác nhau đều ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải ngân vốn chưa bảo đảm lộ trình cam kết.

Phóng viên: Để khắc phục bất cập, vướng mắc đối với các dự án ODA Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp cụ thể. Đại biểu có đồng tình với những giải pháp này của Chính phủ?

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Tôi cơ bản đồng tình với giải pháp Chính phủ đưa ra như văn bản trả lời. Để khắc phục khó khăn, vướng mắc các dự án ODA, vay ưu đãi, thời quan qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả như giao Bộ Kế hoạch và đầu tư rà soát, tổng hợp và báo cáo phương án điều chỉnh và sử dựng 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của các địa phương, trong đó cần bố trí vốn nước ngoài, vốn đối ứng cho các dự án mới ký hiệp định nhằm xử lý những vướng mắc theo kiến nghị của đại biểu Quốc hội. Trong thời gian, tới kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo ráo riết các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt các dự án; thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công;… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các dự án ODA, vay ưu đãi. Theo tôi, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài theo nguyên tắc đồng bộ, nhất quán, tránh mâu thuẫn chồng chéo. Đồng thời, phải thắt chặt quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay ODA.

Phóng viên:  Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Cơ bản đồng tình với nội dung trả lời chất vấn tại văn bản của Thủ tường Chính phủ, tuy nhiên đại biểu Triệu Thị Thu Phương cho rằng, để nâng cao chất lượng quản lý vốn ODA, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài theo nguyên tắc đồng bộ, nhất quán, tránh mâu thuẫn chồng chéo. Đồng thời, phải thắt chặt quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay ODA, kể cả các dự án hỗ trợ kỹ thuật. Đại biểu và cử tri kỳ vọng với những giải pháp Chính phủ đưa ra, tới gian tới dòng vốn ODA sẽ đi vào phục vụ phát triển tốt hơn nữa. /.

Lê Anh