ĐẠI BIỂU NGUYỄN HUY THÁI: CẦN MINH BẠCH THÔNG TIN TRONG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

06/08/2019

Công khai, minh bạch trong chỉ đạo, điều hành sẽ góp phần ngăn ngừa các hành vi sai trái, tiêu cực. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch, công khai ở một số bộ, ban, ngành, địa phương thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy, bức xúc trong dư luận. Trước vấn đề này, đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp mang tính đột phá để trị căn bệnh “sợ minh bạch”.

Thiếu minh bạch thông tin gây hậu quả nghiêm trọng

Thời gian qua, nhiều vụ đại án về tham ô, tham nhũng xảy ra tại các cơ quan nhà nước được đưa ra ánh sáng. Nhiều bất cập trong tuyển dụng, đề bạt cán bộ được phát hiện. Những thông tin thất thiệt, thiếu chính xác về giá xăng, giá điện, khiến người dân hoang mang, lo lắng… Trên đây chỉ làm một vài những hậu quả của việc thiếu minh bạch tại các cơ quan quản lý nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin của người dân.

Đơn cử như trong lĩnh vực quy hoạch, theo Báo cáo về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cho thấy, trong năm 2018, chưa tới 25% số người được hỏi được biết về quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất khu vực mình sống. Chưa đến 30% cho biết họ có cơ hội tham gia góp ý kiến cho kế hoạch sử dụng đất. Trong khi  đó, theo quy định hiện nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường của quận/huyện nơi mảnh đất tọa lạc có nhiệm vụ cung cấp thông tin khi có yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ dàng để người dân có được thông tin từ các cơ quan này.

Điển hình của việc thiếu minh bạch trong công khai quy hoạch đã tạo ra những khiếu nại bức xúc kéo dài tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, Tp.HCM). Dự án được Thủ tướng duyệt từ năm 1996 nhưng từ đó đến nay, người dân liên tục kiện tụng, khiếu nại vì không đồng tình về vấn đề xác định ranh giới quy hoạch và mức tiền đền bù đất quá "rẻ mạt". Đỉnh điểm khiếu kiện diễn ra trong năm 2018 khi xuất hiện thông tin bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị thất lạc. Bài học từ Thủ Thiêm cho thấy, việc thiếu công khai, minh bạch thông tin quy hoạch đang tạo ra những ảnh hưởng xấu, vừa không tạo ra sự đồng thuận của người dân trong quá trình triển khai dự án vừa là cơ hội cho tình trạng tham nhũng liên quan đến đất đai phát triển.

Theo Báo cáo về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) trong năm 2018, chưa tới 25% số người được hỏi được biết về quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất khu vực mình sống.

Nhận thấy sự thiếu minh bạch thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước là rào cản của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã đặt mục tiêu trở thành một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, Nghị quyết số 36a năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử đã được ban hành, với mục tiêu “phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng”. Nhờ vậy, nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương đã được triển khai, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện, với số lượng hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết rất lớn.

Chị Vũ Thị Thơm, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội chi sẻ: “Chúng tôi là lao động phổ thông, đi vắng cả ngày nên rất ít khi tiếp cận được thông tin của tổ dân phố cũng như của chính quyền, nhưng khi có chương trình công dân điện tử thì chúng tôi được nhận thông tin của chính quyền gửi vào máy điện thoại mọi lúc, mọi nơi, giúp tôi chủ động hơn trong thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như chủ động thời gian khi thực hiện các thủ tục hành chính”.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 cũng nêu rõ những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử thời gian qua. Đó là “nhiều nội dung triển khai Chính phủ điện tử chưa được như mong đợi, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, như: xếp hạng về Chính phủ điện tử còn thấp, dưới mức trung bình trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, còn thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn phụ thuộc vào giấy tờ, thủ công, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp”.

Theo đánh giá của ông Bạch Hồng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Mộ Lao, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, sau một thời gian triển khai chương trình công dân điện tử vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như công dân phải đóng một khoản để nhận thông tin từ chính quyền. Mặc dù, khoản chi phí không cao nhưng người dân tham gia không nhiều.

Nguyên nhân chủ yếu của việc triển khai Chính phủ điện tử ở Việt Nam vẫn còn chậm được Chính phủ nhìn nhận thẳng thắng. Đó là chưa phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện; các cấp, các ngành chưa xác định rõ lộ trình và các mục tiêu cụ thể trong triển khai. Tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu còn phổ biến, dẫn tới trùng lặp, không thống nhất về thông tin. Nhiều bộ, ngành địa phương còn coi nhẹ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành; còn thiếu gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính và đổi mới lề lối, phương thức làm việc….

Ông Nguyễn Thế Trung, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ về Chính phủ điện tử, cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về chia sẻ dữ liệu. Thực tế cho thấy một điều rất ngạc nhiên là chúng ta nói rất nhiều về dữ liệu nhưng hiện giờ giữa các cơ quan chưa có trách nhiệm về chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, đơn vị với nhau. Điển hình như khi công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhưng hiện chúng ta chưa có một hành lang pháp lý nào về việc xác thực thông tin.

Ông Nguyễn Thế Trung, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Theo báo cáo đánh giá về Chính phủ của Liên hợp quốc, năm 2016, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng thứ 89/193 quốc gia, tăng 10 bậc. Đến năm 2018, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng thứ 88/193 quốc gia, tăng 01 bậc so với năm 2016. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan và Philippines. Mặc dù chỉ số phát triển Chính phủ điện tử có tăng so với năm trước, tuy  nhiên mức xếp hạng này là thấp so với cả khu vực và thế giới.

Giải pháp nào trị căn bệnh “sợ minh bạch”?

Cần làm gì để cải thiện chỉ số phát triển Chính phủ, giải quyết căn bệnh “sợ minh bạch”, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Huy Thái đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Ngày 23/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 100 trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu. Công văn khẳng định:

Những năm gần đây Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp cụ thể, trong đó tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan hành chính các cấp. Các thủ tục hành chính thường xuyên được cập nhật, công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Mặc dù vậy, nhìn chung sự công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước thời gian qua ở một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế, chưa đạt được kỳ vọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như các vấn đề về cổ phần hóa doanh nghiệp, công tác quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương triển khai các giải pháp cụ thể thiết thực để tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, trong đó trọng tâm tập trung vào những nội dung:

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc ban hành và tổ chức triển khai các giải pháp cụ thể nhằm minh bạch hóa các hoạt động quản lý nhà nước; nâng cao trách nhiệm giải trình của các cá nhân, tổ chức trong thực thi công vụ.

- Tổ chức triển khai hiệu quả Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong việc tiếp cận thông tin theo quy định.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển Chính phủ điện tử với cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, tổ chức.

- Tăng cường tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp với người dân, doanh nghiệp để kịp thời tiếp nhận các phản ánh và chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, góp phần tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch, giảm phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.

Với những giải pháp vừa nêu có thể thấy quyết tâm của Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số là một chủ trương lớn cần được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Tuy nhiên, những rào cản thực hiện thành công Chính phủ điện tử để minh bạch thông tin vẫn còn nhiều, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu, của chính những người làm việc tại cơ quan hành chính nhà nước, Đặc biệt khi Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội ban hành năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Vậy giải pháp nào để bộ máy nhà nước các cấp thực sự phục vụ và đồng hành cùng nhân dân và doanh nghiệp? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu về vấn đề này:

Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu.

Phóng viên: Thưa đại biểu, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 6 Quốc hội khóa XIV, đại biểu là một trong nhiều đại biểu đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Xin đại biểu cho biết nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Tại thời điểm tôi chất vấn có câu chuyện đặt ra đó là cử tri rất quan tâm đến quyết tâm của Chính phủ loại trừ căn bệnh “sợ minh bạch”. Khi đó tôi đã chất vấn Thủ tướng về mức độ hài lòng của Thủ tướng và sắp tới, giải pháp nào mang tính đột phá và Thủ tướng đã có văn bản trả lời tôi.

Phóng viên: Qua hoạt động tiếp xúc cử tri cũng như giám sát ở địa phương, thì cử tri đang quan tâm và kỳ vọng như thế nào vào công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, cũng như người đứng đầu Chính phủ, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm này cũng đã qua hơn phân nửa nhiệm kỳ với mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động thì trong quá trình tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội Bạc Liêu cũng như của cá nhân tôi, tôi thấy rằng cử tri rất kỳ vọng và sự phấn khởi trước thành quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành bộ máy trong nhiệm kỳ này. Cá nhân tôi cũng kỳ vọng và có niềm tin. Và tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, khi trả lời báo chí, tôi cũng khẳng định điều này. Tuy nhiên, trong thực tiễn điều hành phát triển kinh tế xã hội của đất nước luôn phát sinh những điều mới. Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, quyết liệt và có hiệu quả, nhưng những câu chuyện xung quanh nó do có nhiều yếu tố tác động, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng chứ không riêng gì của Thủ tướng, nhưng những kết quả đã qua cũng cho thấy rằng cử tri đang đặt rất nhiều niềm tin vào sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Phóng viên: Thưa đại biểu, thời gian qua Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm và có những hành động cụ thể để xây dựng Chính phủ minh mạch. Đại biểu đánh giá như thế nào về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thời gian qua? Theo đại biểu đâu là những giải pháp xây dựng Chính phủ minh bạch?

Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Các nhóm giải pháp mà Thủ tướng đặt ra về thể chế, quy định cụ thể tôi thấy rất hài lòng, tôi cũng đặt niềm tin rất cao.

Từ sau khi Thủ tướng trả lời chất vấn đến nay, chúng tôi thấy có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên tôi cũng có những băn khoăn, ví dụ trong vấn đề minh bạch đầu tư, minh bạch về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức, minh bạch thông tin gắn với Luật tiếp cận thông tin đã có hiệu lực thi hành. Hay câu chuyện hiện nay Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ, có đơn vị làm tốt, nhưng có đơn vị làm chưa có sự chuyển biến, bởi đã là Chính phủ điện tử thì toàn bộ quá trình vận hành, xử lý vấn đề đều thể hiện trên hệ thống. Vậy đối với những nơi chưa thật sự quyết tâm minh bạch thì họ chưa mặn mà với câu chuyện này. Thậm chí thời gian qua có một số ý kiến cho rằng, cần chỉ đạo kiểm điểm những tập thể, cá nhân phát ngôn giá điện, giá xăng không chính xác hoặc có địa phương đề nghị báo chí không được khai thác sâu vào việc bán đất… Đây cũng là những vấn đề cần tiếp tục phải quan tâm để minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, của Chính phủ.

Phóng viên: Thưa đại biểu, thời gian qua, Chính phủ đang thể hiện quyết tâm xây dựng thành công Chính phủ điện tử để minh bạch thông tin, tuy nhiên vẫn có một số nơi không muốn làm hoặc chậm trễ, bởi nếu đưa công nghệ thông tin vào vào thì minh bạch hóa toàn bộ quá trình làm thủ tục và rõ trách nhiệm, nên bất kỳ lúc nào cũng biết lỗi ở đâu, chậm trễ ở đâu. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Trong quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ điện tử minh bạch hóa thì hiện nay vẫn còn tình trạng có những nơi chưa mặn mà câu chuyện này, nên việc xúc tiến còn chưa như Chính phủ, cử tri và doanh nghiệp mong muốn. Bởi nếu cố tình không minh bạch với dụng ý gì đó thì quyết tâm sẽ không cao. Và như tôi đã phân tích, có câu chuyện đặt ra là trên nóng, dưới ấm ấm, chứ chưa nóng theo.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương