GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: LỘ TRÌNH MIỄN GIẢM HỌC PHÍ CHO HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ

12/08/2019

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, với 91,53% đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi). Một trong những nội dung mới cơ bản trong Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này là quy định mức giảm học phí cho mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, học sinh THCS trong các cơ sở giáo dục công lập.

Luật giáo dục sửa đổi: Miễn học phí THCS theo lộ trình

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021. Theo đó, khung học phí cơ bản đối với giáo dục mầm non và phổ thông như sau: Ở vùng thành thị từ 60.000 – 300.000 đồng/tháng/học sinh; vùng nông thôn từ 30.000 – 120.000 đồng/tháng/học sinh; miền núi từ 8.000 – 60.000 đồng/tháng/học sinh. Từ năm học 2016 – 2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo. Căn cứ quy định trên, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn của mình.

Sáng ngày 14/6/2019, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khoá XIV với 414/453 đại biểu đồng ý tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo quy định mới trong Luật Giáo dục (sửa đổi), ngoài các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì trẻ em mầm non 5 tuổi thuộc các địa bàn còn lại và học sinh THCS sẽ được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định. Luật vừa thông qua cũng quy định học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí. Ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định. Luật quy định “được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định”, nhằm tạo hành lang pháp lý để Chính phủ chủ động về lộ trình, đối tượng áp dụng bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế đất nước.

                      Kỳ họp thứ 7 Quốc hội 14 thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Nhà nước phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020 nên học sinh THCS sẽ được miễn học phí. Theo quy định của Luật Giáo dục, phổ cập giáo dục là quá trình tổ chức hoạt động giáo dục để mọi công dân trong độ tuổi đều được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định theo quy định của pháp luật. Theo đó Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019, quy định giáo dục tiểu học là bắt buộc, nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục THCS.

Trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS sẽ được miễn học phí theo lộ trình

 Điều 99 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14

Tại Điều 99 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, học phí được quy định như sau:

- Miễn học phí đối với học sinh tiểu học trường công lập; trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo;

- Ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trường tư thục được hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định;

- Trẻ em mầm non 5 tuổi không thuộc đối tượng nêu trên và học sinh THCS được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định. 

 Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Hiện nay, chỉ học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội nhấn mạnh sự đồng thuận cao về những điểm mới của Dự án luật: “ Dự án luật giáo dục sửa đổi lần này góp phần thực hiện chủ trương theo tinh thần NQ29 của TW về phổ cập giáo dục cấp 9 năm, giảm học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS trên cả nước, tôi rất đồng tình”

Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An

Theo quy định của Hiến pháp 2013 thì Nhà nước “bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, nhà nước không thu học phí”. Luật Giáo dục sửa đổi dược thông qua quy định giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc; nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc. 

Bà Phạm Thị Đào, Giáo viên trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội đề cao vai trò của nhà nước trong công tác phổ cập:Đối với luật giáo dục sửa đổi, chủ trương miễn giảm học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh cấp THCS rất ưu việt và sẽ được xã hội ủng hộ, nếu được miễn giảm thì sẽ giúp rất nhiều cho phụ huynh học sinh và xã hội, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài trong tương lai.”

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Tây Hồ, thành phố Hà Nội đồng tình với những đổi mới của dự án luật: Tôi hoàn toàn tin tưởng khi Luật có hiệu lực vì nó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, lộ trình sẽ đảm bảo và thực hiện được với chủ trương không đóng học phí đối với cấp mầm non 5 tuổi và cấp học THCS. Và khi đã phổ cập rồi thì việc học là quyền của các cháu và nhà nước sẽ hỗ trợ mức này.”

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GDĐT Tây Hồ, thành phố Hà Nội 

Như vậy, từ ngày 01/7/2020, Luật Giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực. Với 7 điểm mới của Luật Giáo dục, trong đó, phải kể đến quy định: Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, học sinh THCS được miễn học phí và giao Chính phủ quy định lộ trình, sẽ có tác động tới nhiều đối tượng là học sinh, giáo viên hiện nay.

Luật giáo dục sửa đổi: Tháo gỡ bài toán quá tải trong các trường công lập  

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang thực hiện phổ cập bắt buộc từ cấp tiểu học, khi luật Giáo dục sửa đổi mới có hiệu lực, việc phổ cập 9 năm của Đảng, Nhà nước sẽ càng ý nghĩa hơn cho một môi trường giáo dục mới. Khi mặt bằng dân trí lên, kiến thức nâng lên thì công tác phân luồng cũng nâng lên, tạo nền tảng tốt đẹp cho học sinh và đảm bảo môi trường giáo dục như tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Việc giảm học phí cho đối tượng mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS góp phần tạo điều kiện cho các trường tư thục có điều kiện phát triển, đảm bảo bài toán công bằng trong chính sách giáo dục giữa trường công và trường tư, giảm áp lực trả lương cho giáo viên cơ sở công lập hiện nay. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về vấn đề này:

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) trong đó có quy định về lộ trình miễn học phí cho mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học và THCS. Vậy quan điểm của Đại biểu như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Quốc hội NGÔ THỊ MINH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: Quan điểm của cá nhân tôi và các đại biểu quốc hội, đây cũng là một trong những điểm rất mới quy định trong luật giáo dục sửa đổi toàn diện kỳ này và lộ trình là Chính phủ phải quy định chi tiết, cụ thể hơn đối với THCS. Theo luật cũ thì học sinh tiểu học ở các trường công lập cũng vẫn đang được miễn học phí. Với mầm non 5 tuổi thì những đối tượng mà chỉ thực hiện miễn khi luật có hiệu lực thi hành thì nhóm mầm non 5 tuổi ở những thôn xã đặc biệt khó khăn, ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở những nơi vùng sâu vùng xa, bãi ngang ven biển, hải đảo thì được miễn học phí. Còn những đối tượng khác của mầm non 5 tuổi, THCS sẽ được Chính phủ quy định có lộ trình. Tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề rất được cử tri quan tâm, trong đó với đối tượng học sinh tiểu học thì trước đây chúng ta vẫn quy định miễn học phí cho đối tượng này ở các trường công nhưng nếu chỉ quy định như vậy thôi thì hiện nay giữa công và tư đang bất bình đẳng.

Phóng viên: Thưa đại biểu, miễn học phí cho học sinh THCS là mục tiêu, cụ thể hóa Nghị quyết 29 của Trung ương để thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm. Đại biểu suy nghĩ như thế nào về việc thực hiện mục tiêu này?

Đại biểu Quốc hội NGÔ THỊ MINH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: Tôi nghĩ rằng Nghị quyết 29 của Đảng hoàn toàn đúng và chuẩn vì nhìn rộng ra các nước trong khu vực và thế giới thì người ta đã thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm rồi. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 thì Chính phủ cũng phải có những xem xét khảo sát và thực hiện lộ trình này như thế nào để đáp ứng được. Tôi nghĩ rằng lộ trình này giữ một vị trí quan trọng. Như giai đoạn vừa qua, chúng ta không thu học phí đối với học sinh tiểu học vì đang thực hiện giáo dục bắt buộc với bậc học tiểu học. Nếu Chính phủ chỉ miễn học phí cho học sinh trường công trước, thì tình trạng quá tải ở các trường công giống như tiểu học hiện nay lại tiếp tục diễn ra. Vậy lộ trình này nếu như Chinh phủ áp dụng cả trường công và trường tư thì Chính phủ phải xây dựng lộ trình để sao cho vấn đề hỗ trợ học phí cho học sinh THCS ở các trường tư để kéo dãn số học sinh này ra các trường tư và để thực hiện chính sách xã hội hoá thực sự phù hợp. Mục tiêu của Đảng là rất là chuẩn và rất là đúng, tức là sau năm 2020 chúng ta phải thực hiện việc mà phổ cập giáo dục bắt buộc, tức là giáo dục bắt buộc sẽ phải thực hiện 9 năm. Đây cũng là vấn đề mà đại biểu rất quan tâm và trong luật đã tháo và đã giao nhiệm vụ xây dựng lộ trình miễn học phí cho học sinh THCS cho Chính phủ. Chính phủ sẽ phải hết sức quyết liệt để xây dựng Nghị định về lộ trình này.

Phóng viên: Luật vừa thông qua quy định học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí. Đối với địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định. Ý kiến của Đại biểu về vấn đề này như thế nào? 

Đại biểu Quốc hội NGÔ THỊ MINH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: Điểm mới trong luật giáo dục sửa đổi toàn diện vừa được Quốc hội thông qua khác ở điểm nào. Nếu chúng ta chỉ quy định học sinh tiểu học ở các trường công lập không phải đóng học phí thì phụ huynh họ cũng đang dồn vào các trường công. Hiện nay, các trường công cũng đang rất quá tải. Và giáo viên chúng ta không có giải pháp phù hợp thì giáo viên cơ bản cũng chỉ tập trung ở các trường công. Và nếu như quy định như luật hiện hành, thì những vấn đề về sự quá tải này chưa thể tháo gỡ được. Và nếu như chúng ta đảm bảo chuẩn về trường lớp, chuẩn về đầu ra của học sinh đảm bảo chất lượng, thì sĩ số học sinh, tiêu chuẩn về trường lớp trong luật cũng đã quy định thì phải đảm bảo. Và nếu đảm bảo như vậy thì nhà nước sẽ tiếp tục xây thêm trường, để học sinh tiểu học có đủ chỗ học ở tất cả các trường công thì áp lực về tài chính cũng sẽ rất lớn. Vậy thì ở trong luật đã mở ra, nếu như ở những địa bàn chưa đủ trường công lập, với học sinh tiểu học thì nhà nước sẽ hỗ trợ học phí cho học sinh học ở các trường tư thục và mức hỗ trợ này do HDND cấp tỉnh quyết định. Và cái mở này trong luật mới vừa được QH thông qua sẽ là bài toán hết sức quan trọng. 

Phóng viên: Từ ngày 01/7/2020 Luật giáo dục có hiệu lực thi hành. Theo đó, đối tượng trẻ em mầm non 5 tuổi không thuộc đối tượng ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình. Đề xuất của đại biểu để thực hiện được lộ trình khi Luật chính thức có hiệu lực? 

Đại biểu Quốc hội NGÔ THỊ MINH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: Tôi thấy rằng từ 1/7/2020 khi luật bắt đầu có hiệu lực thì với nhóm trẻ em 5 tuổi ở những nơi vùng sâu vùng xa, xã thị trần vùng đặc biệt khó khăn và những đối tượng trẻ em ở những vùng bãi ngang ven biển hải đảo, vùng dân tộc thiểu sô đang được miễn học phí, khi luật có hiệu lực vẫn tiếp tục được miễn học phí. Ngoài nhóm trẻ em 5 tuổi ở những vùng này thì Chính phủ sẽ quy đinh lộ trình cùng với số học sinh trung học cơ sở thì vấn đề học phí cũng được Chính phủ quy định theo lộ trình. Vậy thì để lộ trình này có nhanh và hiệu quả thì khi luật có hiệu lực thi hành thì Nghị định này cũng phải ban hành để thấy sự tường minh. Khi Chính phủ quy định với lộ trình này ở những vùng khó khăn như trẻ mầm non 5 tuổi, Chính phủ cũng phải xem xét đến bởi vì vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển cũng là những nơi cần quan tâm, ưu tiên số một. Vậy thì học sinh THCS, Chính phủ xem xét cân đối nguồn tài chính hiện nay có thể miễn ngay cho đối tượng này được không cũng thể hiên trong Nghị Định của Chính phủ; đối với học sinh THCS, nếu thực hiện theo Nghị quyết thì Chính phủ cũng phải xem xét vì đã không phân biệt trường công tư, thì phải xem xét sau khi lộ trình miễn cho vùng bãi ngang ven biển, vùng sâu vùng xa sao cho khích lệ trường tư có điều kiện phát triển, có sự đánh gía nghiêm túc cho phù hợp và thưc hiện được lộ trình mà Quốc hội giao cho Chính phủ để mang lại hiệu quả lộ trình, tránh tụt hậu so với các nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Kim Yến