ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: GIẢI PHÁP NÀO ĐỀ SỐ NGƯỜI NGHIỆN ĐƯỢC QUẢN LÝ CHẶT CHẼ Ở CỘNG ĐỒNG

18/08/2019

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã có phiếu chất vấn đối với Bộ Công an về giải pháp để số người nghiện được quản lý chặt chẽ ở cộng đồng, số người tái nghiện ngày một ít hơn.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Ngày 20/6/2019, Bộ Công an đã có Công văn số 1675/BCA-V01 trả lời chất vấn của Đại biểu. Tại công văn trả lời nêu rõ:

Công tác cai nghiện ma túy hiện nay thuộc trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành, trong đó chủ trì chính là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Những năm gần đây, công tác cai nghiện ở nước ta được triển khai theo hướng đa dạng hóa các hình thức cai nghiện (cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, cai nghiện tự nguyện tại trung tâm và cai nghiện bắt buộc tại trung tâm). Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy việc cai nghiện là rất khó khăn, tỷ lệ tái nghiện cao, người nghiện ở ngoài xã hội còn nhiều, gây nhiều lo lắng, bất an trong nhân dân. Để góp phần làm giảm số người nghiện, quản lý chặt chẽ người nghiện tại cộng đồng và hạn chế tình trạng tái nghiện, theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Công an đã và đang phối hợp với các ngành triển khai thực hiện các giải pháp sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp đối với thanh, thiếu niên. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng phối hợp tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy; cảm hóa, quản lý, giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; quản lý, giáo dục con em không tham gia vào tệ nạn ma túy; tham gia công tác cai nghiệm và quản lý sau cai, giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng…

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản lý người nghiện tại cộng đồng, phòng ngừa phát sinh tội phạm. Bộ Công an đang tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống ma túy năm 2000, trong đó bổ sung nội dung quan trọng về quản lý người nghiện để tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả công tác này.

- Phối hợp với các ngành chức năng (Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế…) tiếp tục nghiên cứu các giái pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai, góp phần làm giảm số người nghiện hiện nay./.

Lê Anh