ĐBQH ĐINH DUY VƯỢT: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ TT&TT VỀ GIẢI PHÁP ĐỂ CÓ KHÔNG GIAN MẠNG SẠCH?

31/08/2019

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về giải pháp đột phá để có không gian mạng trong sạch. Theo đại biểu, dù Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, Bộ đã tập trung xử lý nhưng các thông tin sai sự thật, xuyên tạc, phản cảm… trên mạng internet vẫn đang diễn phức tạp, gây nhiều hệ luỵ lớn cho xã hội.

Mạng xã hội: Xuất hiện tràn lan thông tin xấu, độc hại

Hiên nay trên trang mạng youtobe xuất hiện tràn lan video clip phản cảm, ăn mặc hở hang, khiêu dâm, bạo lực…thu hút lượng lớn trẻ nhỏ theo dõi. Không ít youtobe có những tên tiêu đề lành mạnh nhưng thực chất lại chứa nội dung dung tục, khiêu dâm, gây ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến ý thức và nhận thức của lớp trẻ.

Nhiều kênh youtobe lại đăng tải thông tin kích động chiến tranh, gây thù hằn dân tộc và thông tin xuyên tạc nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự cá nhân.... tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, dấy lên sự nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Mạng xã hội xuất hiện tràn lan thông tin xấu, độc

Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tháng 6/2019, trên YouTube có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật. Đáng lo ngại là những thông tin này có tới trên 500 triệu lượt xem; các kênh này cũng có hàng triệu tài khoản đăng ký theo dõi. Do vậy thông tin phát tán rất nhanh và rộng rãi…

Trên Facebook, cũng tồn tại các đoạn video có nội dung kích động lối sống sai lệch với chuẩn mực đạo đức xã hội, tạo dư luận xấu trên không gian mạng. Tính đến tháng 6-2019, Facebook cũng đã phải gỡ hơn 200 tài khoản cá nhân giả mạo; 109 đường link tuyên truyền thông tin giả mạo, xấu, độc, kích động chống phá nhà nước; gần 2.500 đường link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; 214 đường link phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ các lãnh đạo Đảng và nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức; 215 fanpages về game cờ bạc, đổi thưởng.

Việt Nam là một trong 10 nước sử dụng Facebook nhiều nhất với khoảng 65 triệu người. YouTube cũng là một trong những trang mạng được người dùng truy cập và chia sẻ nhiều với 22 triệu người. Trong khi đó, cả hai mạng xã hội này đều là môi trường “lây lan” thông tin xấu, độc nhanh và mạnh nhất. Nguy hiểm và tinh vi hơn, nhiều kênh, nhiều trang phản động giả dạng là những trang tin chính thống để tiếp cận người dùng, tăng số lượng người đăng ký theo dõi sau đó đan cài những nội dung phục vụ ý đồ xấu.

Mạng xã hội “nóng” nghị trường Quốc hội

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa vấn đề không gian mạng ra nghị trường. Các đại biểu cho rằng Việt Nam có 455 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép. Ngoài ra, có khoảng gần 1 triệu trang thông tin điện tử cung cấp tin tức không phép có tên miền quốc tế, đặt máy chủ tại nước ngoài cung cấp vào Việt Nam do đó lượng thông tin phát tán trên mạng vô cùng lớn, tính lan truyền nhanh. Tuy nhiên, vẫn chưa kiểm soát được thông tin nào có ích, thông tin nào xấu, độc.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Lợi dụng mạng xã hội để gây hại ngày càng gia tăng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận vấn đề lợi dụng mạng xã hội để gây hại ngày càng gia tăng. Theo Bộ trưởng trong thế giới thực có những cái gì thì trên không gian mạng cũng có điều như vậy. Tuy nhiên, trong thế giới thực có hệ thống pháp luật, chính quyền trung ương, địa phương, lực lượng để duy trì sự lành mạnh của xã hội, nhưng trên không gian mạng lại chưa có những điều như vậy.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Chúng ta không thờ ơ trước mạng xã hội nhưng nếu chúng ta không có cách xử lý điềm tĩnh, trí tuệ, khoa học thì cũng không thể đẩy lùi được thông tin xấu độc. Ngoài việc nâng cao dân trí để phòng vệ trên mạng xã hội thì mỗi cá nhân đều phải có ý thức ngăn chặn, phản bác cái xấu một cách có lý, có tình, thuyết phục.

Các chuyên gia nhận định nguyên nhân tồn tại hơn 55.000 video xấu độc trên youtobe là do bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm "núp" dưới những tiêu đề, chuyên mục lành mạnh. Trên thực tế cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào hậu kiểm dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải các video clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm lại mất nhiều thời gian. Cụ thể trong vòng 1,5 năm (từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2019), Việt Nam làm việc với Google mới chỉ gỡ được 8.000 video ở 15 kênh có nội dung xấu độc nhưng việc đăng tải các video xấu, độc khác lại rất nhanh. Bên cạnh đó người đưa tin xấu độc cũng chưa chịu sự chế tài đủ sức răn đe của luật pháp.

Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Sáng ngày 31/10/2018, ngay sau chất vấn của đại biểu Đinh Duy Vượt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phụ trách lĩnh vực này đăng đàn trả lời do Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa mới nhận nhiệm vụ được 1 tuần.     

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn 

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ở tầm Chính phủ thì câu hỏi này cũng là một câu hỏi rất lớn. Phó Thủ tướng nhận định không gian mạng cơ bản là giống như cuộc sống thật. Cuộc sống thật có gian lận, có lừa đảo, có đánh bạc thì trên mạng cũng như vậy. Cuộc sống thật có tống tiền, trên không gian mạng có tống tiền. Các loại tội phạm và tệ nạn, cơ bản sẽ phản ánh giống như vậy. Vì thế, chúng ta phải hoàn thiện các quy định của pháp luật không chỉ về quản lý không gian mạng mà tất cả các quy định của pháp luật về quản lý xã hội đều phải lưu ý đến các hình thái phát sinh ở trên không gian mạng.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vấn đề quan trọng nhất là vai trò của các bộ, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông. Có những vấn đề về tệ nạn ở trên cuộc sống thực thì hệ thống pháp luật, hệ thống quản lý cũng như toàn xã hội nhận biết được và đấu tranh dễ dàng. Nhưng trên không gian mạng thường thông qua các giải pháp kỹ thuật gián tiếp và đặc biệt là không lưu vết hay tìm cách để không lưu vết, khó phát hiện, khó nhận diện, khó đấu tranh hơn. Việc này chính là trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các bộ, ngành có liên quan, phải làm sao cho những vấn đề này không quá phức tạp, quá cao siêu mà dễ nhận diện và việc đấu tranh này không chỉ của một số cơ quan chức năng mà của tất cả mọi người và toàn xã hội, giống như ở cuộc sống thực hiện nay. Để làm được như vậy, phải phổ biến kiến thức và phải tuyên truyền làm sao cho tất cả mọi người đều nắm bắt được các xu thế phát triển, tức là phải tiến tới làm sao mọi người dân đều nắm được tri thức cơ bản về công nghệ thông tin.

Tăng cường quản lý nhà nước trên không gian mạng

Sau gần một năm chất vấn, Luật An ninh mạng cũng đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực… nhưng những vấn đề đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt chất vấn từ kỳ họp thứ 6 đến nay vẫn còn nóng dư luận.

Không thể phủ nhận có quá nhiều lợi ích từ các trang mạng xã hội, thế nhưng đi kèm với những giá trị tích cực thì hàng loạt sai phạm đã và đang diễn ra và mạng xã hội được ví như “con dao hai lưỡi” ẩn chứa nhiều vấn đề bất cập và hiểm họa khó lường khi nhiều đối tượng, tổ chức trá hình lợi dụng truyền tải, phát tán thông tin, hình ảnh xấu, độc hại làm méo mó vấn đề, bản chất của sự việc, vi phạm quy định của pháp luật, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, Nhà nước. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai:

Đại biểu Đinh Duy Vượt: Nâng cao giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn tin xấu, tin độc trên mạng

Phóng viên: Ngày 31/10/2018, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Đại biểu đã trực tiếp chất vấn tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Xin đại biểu cho biết nội dung chất vấn của đại biểu tập trung ở khía cạnh nào?

Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Từ thực tiễn, ý kiến của cử tri và ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu trong các kỳ họp Quốc hội lo lắng về thông tin trên mạng xã hội hiện nay. Các thế lực thù địch đã và đang sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền nói xấu chế độ, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, lôi kéo các phần tử chống phá Nhà nước. Nhiều tổ chức, cá nhân lại vì lợi nhuận đăng tải những thông tin phản cảm, thiếu trung thực, bịa đặt… tràn lan trên mạng xã hội gây tâm lý hoang mang, lo lắng và ảnh hưởng tới nhận thức của người dân, khiến dư luận bức xúc…Từ những vấn đề này, tôi đã chất vấn tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về những giải pháp để người dân tiếp cận với không gian mạng trong sạch hơn.

Phóng viên: Khi đó Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới nhận nhiệm vụ, thực hiện đề nghị của Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt trả lời vấn đề đại biểu chất vấn. Với vai trò là đại biểu dân cử, quan điểm của đại biểu về phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam?

Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Khi đó Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa mới nhận nhiệm vụ, chủ trì Quốc hội phiên chất vấn hôm đó là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời. Tôi thấy trả lời của Phó Thủ tướng vừa mang tính bao quát rộng, vừa mang tính chuyên môn sâu, với những vấn đề cơ bản, trọng tâm. Đặc biệt Phó Thủ tướng đưa ra giải pháp tuyên truyền giáo dục để tất cả mọi người tham gia cộng đồng mạng thực hiện tốt luật pháp và nhận biết được vấn đề đúng, sai. Tôi rất tâm đắc với giải pháp này của Phó Thủ tướng.

Phóng viên: Từ kỳ họp thứ 6 đại biểu đưa vấn đề này ra nghị trường, cho đến nay vấn đề này đã có chuyển biến như thế nào? Và theo đại biểu đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Từ khi chất vấn đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các Bộ ngành liên quan dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và đã xử lý nhiều trường hợp vu khống bịa đặt, tung tin nói xấu…nhưng thực tiễn vẫn còn rất nhiều tin độc, tin xấu, tin bẩn, đặc biệt là những tin bôi nhọ lãnh đạo, nói xấu chế độ, vu khống bịa đặt. Hậu quả của nó hết sức ghê gớm nếu chúng ta không ngăn chặn kịp thời. Bởi lẽ các thông tin xấu bẩn nó reo rắc sự nghị ngờ, ảnh hưởng nghiêm trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, đồng thời cũng làm cho bức tranh xã hội trở nên lệch lạc, xa lạ với thực tiễn cuộc sống.

Nguyên nhân của sự tràn lan tin xấu, tin độc trên mạng là do công cụ pháp luật chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chưa thực sự vào cuộc, mà trách nhiệm chính thuộc về Bộ Thông tin và truyền thông.

Phóng viên: Đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì để chúng ta quản lý không gian mạng được hiệu quả hơn?

Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Tôi nghĩ cần nâng cấp cao hơn công cụ quét rác trên mạng xã hội, trong đó giải pháp kỹ thuật là rất quan trọng, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước ngăn chặn được tin độc, tin xấu diễn ra hàng ngày. Đồng thời tăng cường xử lý vi phạm, xử lý bằng pháp luật, hình sự. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu để không xả rác, không tiếp nhận rác và tránh tiếp cận với thông tin xấu độc. Tích cực làm việc với các nhà mạng, trang mạng xã hội như facebook, google, zalo để kịp thời ngăn chặn thông tin xấu độc, không để lây lan.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội giúp người dân cập nhật thông tin, có được sự tương tác, sự kết nối diễn ra một cách nhanh chóng, dễ dàng. Tuy nhiên có nhiều luồng thông tin đa chiều, khó phân định được tốt, xấu. Do vậy mỗi người sử dụng cần nhận diện, nêu cao cảnh giác, có kiến thức pháp luật và trở thành người tham gia mạng thông minh để đẩy lùi, tiến tới ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội nói riêng, trên Internet nói chung./.

Lê Phương