ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ GIẢI PHÁP VỀ TÌNH TRẠNG HÀNG GIẢ, HÀNG KÉM CHẤT LƯỢNG

28/08/2019

Hiện hàng giả, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người dân, các nhà sản xuất chân chính và tính minh bạch của thị trường. Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về những giải pháp quyết liệt ngăn chặn tình trạng này.

    

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra xuất xứ hàng hóa được bày bán trên thị trường.

Hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường

Hàng loạt vụ việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ và xử phạt, như thuốc ung thư giả từ bột than tre; hành vi tráo nhãn mác của thương hiệu Khaisilk; thuốc kháng sinh Zinat giả lưu thông trên thị trường; hay  mỹ phẩm, thực phẩm chức năng Thanh Mộc Hương vi phạm quy định về an toàn thực phẩm…. Điều đáng nói là hàng giả, hàng nhái có mặt từ các của hàng tạp hóa, các chợ truyền thống, thậm chí trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những khu đô thị, với nhiều chiêu thức tinh vi, nhằm qua mặt các cơ quan quản lý. Không chỉ những mặt hàng tiêu dùng thông thường bị làm giả, các sản phẩm gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, thực phẩm… cũng bị các đối tượng làm giả.

Thống kê của Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho thấy hiện có trên 30 ngành hàng ở Việt Nam bị làm giả.

Tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được nhắc đến nhiều, cơ quan chức năng đã vào cuộc tích cực nhưng vấn nạn này vẫn diễn biến hết sức phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất, ảnh hưởng tới sản xuất trong nước, doanh nghiệp chân chính, tổn hại người tiêu dùng...

Ông Thạch Mai Long, Giám đốc Khu vực miền Bắc Công ty Cổ phần cà phê Mê Trang lo lắng, nếu tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông tràn lan trên thị trường thì sẽ ảnh hưởng lớn tới những nhà sản xuất chân chính. Bởi khi các doanh nghiệp sản xuất một sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, tốt cho sức khỏe giá thành bao giờ cũng cao hơn so với hàng giả, hàng kém chất lượng, nên hàng thật khó cạnh tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng.

 

Ông Thạch Mai Long, Giám đốc khu vực miền Bắc Công ty cổ phần cà phê Mê Trang

Theo Bộ Công thương, từ năm 2016 đến hết tháng 9/2018, lực lượng quản lý thị trường toàn quốc đã xử lý 289.926 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 1140,65 tỷ đồng.  Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, quý I năm 2019 các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 33.549 vụ việc vi phạm (tăng 10% so với cùng ký năm 2018), thu nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 2470 tỷ đồng, khởi tố 820 vụ, 982 đối tượng.

Hà Nội là một trong những địa phương mà các đối tượng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả hàng nhái nhắm tới. Mặc dù những nỗ lực của lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái nhưng kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng, chưa đáp ứng mong muốn và kỳ vọng của người dân, bởi trong quá trình thực thi nhiệm vụ gặp không ít khó khăn:

Theo ông Nguyễn Công San, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, các thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm diễn biến ở nhiều mức độ, sử dụng nhiều biên pháp để trốn tránh lực lượng chức năng, hơn nữa việc phối hợp tuyến từ biên giới đến nội địa vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Mặc dù hiện nay, Chính phủ phân công chức năng, nhiệm vụ, địa bàn cụ thể đối với từng cơ quan, lực lượng chức năng, như: Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát tuyến biên giới, cửa khẩu; công an, Quản lý thị trường chịu trách nhiệm trong nội địa; thanh tra chuyên ngành chịu trách nhiệm quản lý theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành của mình. Tuy nhiên, số vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, gian lận thương mại vẫn gia tăng hàng năm. Nhiều ý kiến cho rằng, để “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng nhái đạt được hiệu quả như mong muốn cần có  sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và sự tham gia của toàn xã hội. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề xuất giải pháp hạn chế hàng giả, hàng nhái đó là pháp luật cần nghiêm và người thực thi pháp luật vào cuộc tích cực, có trách nhiệm và xử lý từ gốc, tức là từ nơi sản xuất, nơi tiêu thụ. Ý thức của người dân cũng rất quan trọng, chủ động phát hiện và tố cáo tới cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng để hạn chế hàng giả, hàng nhái đó là pháp luật cần nghiêm và người thực thi pháp luật vào cuộc tích cực, có trách nhiệm và xử lý từ gốc.

Công tác chống hàng giả, gian lận thương mại hiện vẫn còn không ít bất cập do hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chồng chéo. Các chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh, quy định còn thiếu rõ ràng, cụ thể… khiến việc xử lý vi phạm cũng như công tác phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng chức năng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Chưa kể, nhiều đối tượng vi phạm luôn sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ… Đây là bài toán đòi hỏi Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng như Bộ Công thương cần sớm tìm giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng này.

Kiên quyết đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Trước tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra ở nhiều địa phương với quy mô, mức độ ngày càng tinh vi, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã chất vấn bằng văn bản đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đề nghị Bộ phân tích thực trạng, đề ra giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Sau khi nhận được văn bản chất vấn, ngày 19/11/2018, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có Công văn số 9395 trả lời vấn đề đại biểu Phạm Văn Hòa.

Công văn nêu rõ: Theo Quyết định số 19/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 Quốc gia). Thực hiện chức năng được phân công, Bộ Công thương thường xuyên chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hàng hóa.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn đại biểu tại hội trường

Đáng chú ý, Bộ Công thương đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm. Triển khai nhiều đoàn công tác để chỉ đạo, đôn đốc, xử lý một số vụ việc vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi cộm như vụ việc sản phẩm VINACA giả thuốc chữa bệnh, khăn lụa khaisik, mỹ phẩm TS; kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh, nhập lậu, giả mạo xuất xứ hàng hóa; xử lý vi phạm đối với mỹ phẩm-thực phẩm chức năng Thanh Mộc Hương… Công văn của Bộ Công thương cũng nêu rõ, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó:

- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 41 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

- Nắm vững diễn biến, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện các lĩnh vực, mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn.

- Chủ động phối hợp, xây dựng triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

- Thông qua thực tiễn kiểm tra, xử lý vi phạm, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát tình hình thực tiễn.

Mặc dù Bộ Công thương đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, thể hiện qua các số liệu về tình hình gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái được các lực lượng chức năng bắt giữ năm sau luôn cao hơn năm trước, điều này cho thấy những giải pháp ngăn chặn hàng giả, gian lận thương mại bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, số vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả được các cơ quan chức năng bắt giữ tăng lên cũng cho thấy tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến ngày càng phức tạp cả về tính chất, mức độ và tinh vi hơn đòi hỏi những biện pháp quyết liệt hơn nữa từ phía cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công thương.

Để đánh giá và giám sát việc thực hiện trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Văn Hòa về vấn đề này:

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Phóng viênThưa đại biểu, được biết tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương. Vậy xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung đại biểu đã chất vấn ?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, tôi đã văn bản chất vấn Bộ Công thương về vai trò của Bộ trưởng trong việc chỉ đạo xử lý tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ trưởng đã chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên các đối tượng vẫn tìm mọi cách luồn lách để tuồn ra thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và thiệt hại rất về kinh tế. Vậy vai trò của Bộ trưởng và giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới ngăn ngừa tình trạng này như thế nào?

Phóng viênSau khi nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu, ngày 19/11/2018 Bộ Công thương đã có văn bản số 9395 trả lời chất vấn của đại biểu. Đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương ?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi đã nhận được văn bản trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương, tôi hoan nghênh tinh thần cầu thị của Bộ trưởng đã trả lời chất vấn của tôi, nội dung Bộ trưởng trả lời dài, nhưng nội dung đã đảm bảo yêu cầu mà tôi đã chất vấn.

Phóng viên: Tại văn bản trả lời Bộ trưởng Bộ Công thương đã nêu lên một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong thời gian tới. Vậy đại biểu có đánh giá như thế nào về hiệu quả thực hiện kể từ khi Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn đến thời điểm này ?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Trong công văn của Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, hữu hiệu. Tuy nhiên, tôi cũng có băn khoăn đó là việc thực thi nhiệm vụ giải pháp đó như thế nào; việc quyết liệt chỉ đạo của người đứng đầu Bộ Công thương và các địa phương như thế nào trong việc xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật. Nếu phát hiện sự lơ là, thậm chí bao che cho sản xuất hàng giả, hàng nhái thì xử lý như thế nào? Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, nhắc nhở và xử lý nghiêm, thì những giải pháp đó mới đi vào cuộc sống và được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu để khắc phục tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng như hiện nay cần có giải pháp căn cơ gì ?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Để khắc phục tình trạng này, theo tôi biện pháp căn cơ, cốt lõi là giáo dục cho người dân, những người trực tiếp tiêu thụ, tiêu dùng sản phẩm biết được sản phẩm an toàn. Cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra việc sản xuất hàng hóa, đặc biệt cán bộ thực thi cần hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao hay không, nếu cán bộ làm hết trách nhiệm thì hàng giả, hàng nhái sẽ bị triệt tiêu. Khi phát hiện hành vi vi phạm cần xử lý nghiêm minh, quyết liệt, không có vùng cấm để những giải pháp mà Bộ Công thương nêu ra phát huy hiệu quả trong thực tế.

Phóng viên: Trách nhiệm cũng như vai trò của Bộ Công thương cần được nhìn nhận như thế nào trong việc để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng ?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi nghĩ, để xảy ra tình trạng này không chỉ có trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương mà còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp. Vấn đề này Bộ trưởng Bộ Công thương đã nhận thấy và người đứng đầu chính quyền các cấp ở địa phương cũng đã nhận rõ và đã tiến hành xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân và xử lý nghiêm minh. Tôi cho rằng đây là động thái cầu thị, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương cũng như người đứng đầu các địa phương trong xử lý hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và người dân cũng quan tâm nhiều hơn và thường xuyên giám sát, báo cáo cho cơ quan chức năng nếu phát hiện vi phạm. Nếu làm được điều này sẽ giảm và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, các lực lượng như hải quan, biên phòng cũng cần có biện pháp phòng ngừa quyết liệt, kịp thời phát hiện những hàng hóa từ nước ngoài không đảm bảo chất lượng, nhãn mác vào thị trường Việt Nam.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương