ĐBQH THẠCH PHƯỚC BÌNH: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ KH&CN VỀ QUY TRÌNH CÔNG NHẬN NHÃN HIỆU, BẢN QUYỀN SÁNG CHẾ

10/09/2019

Đảng và Nhà nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, tiểu thủ công nghiệp trong đó có nội dung về nhãn hiệu, logo sản phẩm, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành về công nhận nhãn hiệu, bản quyền sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, thời gian thực hiện quy trình còn dài, phức tạp...

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Xuất phát từ thực tế, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, đã có chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về xem xét rút ngắn quy trình công nhận nhãn hiệu, bản quyền sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, thời gian thực hiện còn dài, phức tạp... nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Tiến độ xử lý đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa đáp ứng yêu cầu

Trong bối cảnh hội nhập khu vực hóa, toàn cầu hóa, thì quyền sở hữu trí tuệ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tuy nhiên số lượng tồn đọng đơn còn cao.

Thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 55.047 đơn các loại, trong đó có 34.047 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018). Công tác xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp có sự bứt phá mạnh với số lượng đơn được xử lý tăng cao kỷ lục, đến 66,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó kết quả xử lý đơn sáng chế và nhãn hiệu tăng rất cao, lần lượt là 79,2% và 83,8%. Các loại đơn đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam và đơn khiếu nại tồn sâu được quan tâm xử lý, trong đó, kết quả xử lý đơn khiếu nại tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2018. Kết quả, Cục đã chấp nhận và cấp văn bằng bảo hộ cho 16.285 đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2018).

Tuy nhiên, thực tế lượng đơn nộp xin cấp ngày một tăng, vẫn đang là thách thức đối với Cục Sở hữu trí tuệ. Mặc dù công tác xử lý đơn đăng ký sở hữu trí tuệ 6 tháng đầu năm tăng, Cục đã có nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, tập trung giải quyết đơn tồn đọng của một số năm trước… nhưng một số lượng lớn đơn nộp từ năm 2018, 2019 vẫn đang phải tiếp tục chờ đợi được giải quyết. Thực tế này cho thấy, công tác thẩm định cấp quyền sở hữu trí tuệ mới chỉ đáp ứng được 1 phần yêu cầu của xã hội.

 Nhiều cá nhân, doanh nghiệp chưa mặn mà với đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ do quy trình, thủ tục kéo dài

Từ thực tiễn nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn bảo hộ sở hữu trí tuệ, Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, quy trình thực hiện đăng ký dài, nhiều thủ tục khiến doanh nghiệp và người dân còn có tâm lý e ngại. Ví dụ, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, thời gian thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu là 1 năm, trong đó: 1 tháng kể từ ngày nộp đơn là thời gian thẩm định về mặt hình thức, 2 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ là thời gian công bố đơn, thời gian thẩm định nội dung là 8 tháng kể từ ngày công bố đơn và thời gian 1 tháng để cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian thẩm định và cấp văn bằng bảo hộ thường kéo dài hơn rất nhiều, từ 16 đến 18 tháng. Thậm chí cá biệt có trường hợp 4 năm từ ngày đăng ký vẫn chưa được giải quyết. Lý do là số lượng đơn trong Cục sở hữu trí tuệ quá nhiều, dẫn tới thời gian thẩm định có thể kéo dài hơn. 

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sáng tạo, đóng góp vai trò to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội như: Phát triển khoa học công nghệ; Phát triển kinh doanh, xuất nhập khẩu, điều chỉnh sản phẩm, kiểu dáng, thương hiệu và bao bì thích ứng với thị trường mới, doanh nghiệp nhận li-xăng; Tránh các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sao chép, giả mạo của người khác….Vì vậy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã nỗ lực phát triển thương hiệu, nhãn hiệu; tiến hành đăng ký bảo hộ phát minh, sáng chế,… Tuy nhiên, khi thực hiện các thủ tục đăng ký liên quan đến bảo hộ sở hữu trí tuệ còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. 

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ 

Phân tích thực tiễn này, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, trong bối cảnh hội nhập để mở rộng thị trường, giao thương với các nước thì việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ có vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, quy trình đăng ký nhãn hiệu với thời gian kéo dài như hiện nay vẫn là một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp. Để thẩm định đơn đúng là cần thời gian và thực hiện đủ các công đoạn cần thiết nhưng nên rút ngắn thời gian trong các bước thực hiện cho hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Những vướng mắc trong quy trình đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đang phần nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, quyền lợi của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập, tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại quốc tế... đòi hỏi lĩnh vực sở hữu trí tuệ cần có những điều chỉnh tương thích.

Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Ngày 20 tháng 11 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Văn bản số 3682 trả lời chất vấn của Đại biểu Thạch Phước Bình. Tại văn bản trả lời nêu rõ:

Trong 02 năm 2016 và 2017, tiếp nhận khoảng 117.000 đơn đăng ký Sở hữu công nghiệp các loại; Xử lý hơn 78.000 đơn; Cấp hơn 54.200 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó: năm 2016 là 25.900 Văn bằng bảo hộ; năm 2017 là 28.314 văn bằng bảo hộ, tăng 9,4% so với năm 2016 .

Trong 09 tháng năm 2018: Tiếp nhận 45.837 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; Xử lý 31. 492 đơn; Cấp 19.948 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, bao gồm: 1.807 Bằng độc quyền sáng chế (tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2017) và 246 Bằng độc quyền GPHI (tăng gần 144%) và 16.092 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Theo số liệu thống kê, đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp như sau: 27.353 nhãn hiệu thông thường; 935 nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận; 63 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, thuộc 38 tỉnh/thành phố. Hầu hết nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý đều được cấp đúng thời hạn, thậm chí trước thời hạn quy định theo yêu cầu của các địa phương để công bố trong dịp các ngày Lễ, hội chợ và sự kiện quan trọng của địa phương.

Về hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho nông sản ở nước ngoài, đến nay đã có 289 nhãn hiệu nông sản của Việt Nam được bảo hộ ở nước ngoài. Đối với chỉ dẫn địa lý, có 39 trong số 63 chỉ đẫn địa lý của Việt Nam được Liên minh Châu Âu (EU) đồng ý bảo hộ khi FTA Việt Nam – EU có hiệu lực; 03 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại Thái Lan (cà phê Buôn Mê Thuột, quế Văn Yên và chè San Tuyết Mộc Châu).

Về giải pháp đẩy mạnh tiến độ xử lý đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ chỉ rõ:

- Đối với giải pháp ngắn hạn: Rà soát quy trình để giảm bớt các tầng lấc thẩm định đơn để phát huy tối đa năng suất lao động của thẩm định viện; phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới triển khai Phần mềm quản trị đơn do WIPO tài trợ.

- Đối với giải pháp dài hạn: Xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia, tầm nhìn đến 2030 với Kế hoạch hành động 5 năm theo chỉ đạo của Chính phủ và hoàn thành vào Quý 2 năm 2019 nhằm định hướng cho hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam nói chung, trong đó có nội dung nâng cao năng lực của toàn hệ thống sở hữu trí tuệ. Đề xuất sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ để trình Chính phủ trình Quốc hội vào đầu năm 2020 để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, trong đó tập trung cải cách trình tự, thủ tục xử lý đơn cho đơn giản, minh bạch. Tích cực tham gia các cơ chế chia sẻ kết quả trong xử lý đơn như Cơ chế thẩm định đơn nhanh. Triển khai Dự án Mạng lưới các tổ chức hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và công cụ tra cứu phục vụ công tác thẩm định đơn sở hữu công nghiệp…

Việc triển khai tích cực các giải pháp nêu trên sẽ từng bước giảm thiểu tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, tiến tới cơ bản khắc phục được tình trạng này trong thời gian tới.

Tại văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ kết quả xử lý đơn năm 2016, 2017 và 09 tháng đầu năm 2018; phân tích hiệu quả của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho nông sản đồng thời đưa ra những giải pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Vậy nội dung trả lời của Bộ Khoa học và Công nghệ liệu đã thỏa đáng, đáp ứng được yêu cầu của đại biểu đưa ra? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc phỏng vấn với đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh:

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh

Phóng viên: Thưa đại biểu, được biết tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Vậy xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, từ thực tế, hiện nay Đảng và Nhà nước ta đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, tiểu thủ công nghiệp trong đó có nội dung về nhãn hiệu, logo sản phẩm, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành về công nhận nhãn hiệu, bản quyền sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, thời gian thực hiện quy trình còn dài, phức tạp. Vì vậy, tôi đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ Khoa học và Công nghệ về xem xét rút ngắn quy trình này

Phóng viên: Sau khi nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản số 3682 trả lời chất vấn của đại biểu. Vậy đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Sau khi chất vấn, tôi đã nhận được văn bản số 3682 của Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời nội dung chất vấn. Nghiên cứu văn bản trả lời, về cơ bản tôi hoàn toàn đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh. Cá nhân tôi và bà con cử tri mong muốn trong thời gian tới, Bộ sẽ triển khai mạnh mẽ, quyết liệt những giải pháp Bộ đưa ra nhằm rút ngắn thời gian, quy trình về đăng ký nhãn hiệu, sáng chế.

Phóng viên: Thực tế tại địa phương, người dân gặp khó khăn như thế nào trong việc đăng ký công nhận nhãn hiệu, sáng chế.. Việc chậm trễ trong đăng ký gây ảnh hưởng như thế nào đến phát triển sản xuất của người dân, thưa đại biểu?

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Thực tế tại địa phương việc chậm trễ trong cấp mã vạch, xuất xứ hàng hóa, nhãn hiệu,… cũng đã gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, mở rộng thị trường sản xuất, nếu sản phẩm được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ giúp tăng giá trị nông sản, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Phóng viên: Tại văn bản trả lời, Bộ trưởng nêu ra nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đại biểu có đánh giá như thế nào về những giải pháp này? Liệu giải pháp Bộ đưa ra có đảm bảo tính khả thi?

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Trong phần trả lời, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có cả giải pháp ngắn hạn và giải pháp lâu dài. Những giải pháp Bộ đưa ra là căn cơ và phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, khắc phục tình trạng tồn đọng trong xử lý đơn đăng ký sở hữu trí tuệ đòi hỏi những giải pháp này cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên thực tế.

Phóng viên: Đại biểu có kiến nghị cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ giúp việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được thuận lợi, nhanh chóng hơn?

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Những giải pháp Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra trong văn bản trả lời đã tương đối đầy đủ và toàn diện. Tôi kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chỉ đạo tích cực ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, Bộ có thể nghiên cứu mở thêm nhiều chi nhánh ở những khu vực, vùng miền đặc biệt là đồng bằng Sông Cửu Long để người thuận tiện hơn trong việc tiến hành các thủ tục đăng ký.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Cơ bản đồng tình với nội dung trả lời của Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra, Đại biểu Thạch Phước Bình đánh giá cao những giải pháp cũng như nỗ lực, quyết tâm của Bộ thời gian vừa qua trong việc thúc đẩy xử lý tồn đọng đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Theo ý kiến của đại biểu, những giải pháp ngắn hạn và dài hạn của Bộ Khoa học và Công nghệ nếu được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ sẽ mang lại hiệu quả cao. Đại biểu cũng bày tỏ kỳ vọng thời gian tới, bằng việc tích cực triển khai các giải pháp như đã đề xuất, quy trình đăng ký nhãn hiệu, sáng chế sẽ được rút ngắn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được tham gia vào hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ một cách thuận lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong bối cảnh hội nhập./.

Lê Anh