ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: CẦN QUYẾT TÂM CHÍNH TRỊ TRONG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT

16/09/2019

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị là một trong những nội dung giám sát chuyên đề trọng tâm của Quốc hội năm 2018. Đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều bất cập hạn chế. Vậy việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị như thế nào? Hiệu quả ra sao?... là những vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.

Còn nhiều bất cập trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị

Xuất phát từ sự quan tâm của cử tri đối với thực trạng phát triển nhanh chóng của các đô thị thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 61/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 về thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị 

Ngay sau khi thành lập, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát tại 12 địa phương (trong đó có những điểm nóng nhất về đất đai như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam và khảo sát 40 dự án sử dụng đất tại đô thị. Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng tiến hành làm việc với đã làm việc với Chính phủ, 7 bộ, ngành có liên quan như Tổng Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ,….để có số liệu, thông tin đầy đủ về lĩnh vực này.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã dành thời lượng 01 ngày tiến hành giám sát tối cao chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, qua giám sát, Đoàn giám sát ghi nhận trách nhiệm cao của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong giai đoạn qua và khẳng định việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị được ban hành khá đầy đủ. Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị từng bước đi vào nề nếp. Quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất đã góp phần định hình sự phát triển các đô thị. Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư đã được các địa phương thực hiện khá tốt. Chính sách tài chính về đất đai đã đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước. Các đô thị phát triển nhanh, diện mạo đô thị thay đổi rõ rệt ngày càng hiện đại, hình thành không gian sống tốt hơn cho người dân. Cơ sở hạ tầng cơ bản được bảo đảm, góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển sôi động, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ với chính sách phát triển đô thị. Bên cạnh các khu đô thị mới văn minh, hiện đại, các đô thị đã quan tâm bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND Tp. Hồ Chí Minh về việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018

Cùng với những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng chỉ ra công tác ban hành, thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai đô thị vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Trong đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị còn bất cập, hạn chế; chất lượng một số phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồ án quy hoạch đô thị chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm trong quản lý và phát triển đô thị; việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị tại một số địa phương còn hạn chế, chưa thực chất.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tóm tắt báo cáo của Đoàn giám sát

Một số dự án đầu tư có sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng gây nên tình trạng lãng phí, đất đai để hoang hóa. Chưa có chính sách hữu hiệu để hạn chế, xử lý tình trạng đầu cơ đất đai, ở một số nơi có hiện tượng đẩy giá đất tăng đột biến trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong công tác quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô. Việc xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời tiến độ thu tiền sử dụng đất, thuê đất, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Trong thời gian vừa qua, một số dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (dự án BT), việc triển khai các dự án thanh toán bằng quỹ đất còn bất cập trong xác định quỹ đất được sử dụng để thanh toán. Hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, tạo kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.

Các vị Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết 

Ở một số đô thị, công tác quản lý thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn tới việc triển khai vượt quá các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, gây lãng phí đất đai và nguồn lực xã hội; quy hoạch đô thị chưa đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội và cảnh quan môi trường, thiếu tính kết nối giữa các đô thị đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và nhu cầu của người dân đô thị; còn có tình trạng xây dựng không tuân thủ quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc.

Bên cạnh đó, báo cáo của Đoàn giám sát không chỉ nêu ra nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế mà còn chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, bộ ngành và địa phương trong việc ban hành văn bản, tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Cần một quyết tâm chính trị trong thực hiện Nghị quyết

Để kịp thời khắc phục những bất cập được Đoàn giám sát chỉ ra, cũng trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện ,nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị với 449 đại biểu tán thành, chiếm 92,77%. 

Nghị quyết cho thấy sự kịp thời và quyết tâm đến cùng của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát tối cao. Tại Nghị quyết đã chỉ rõ những vấn đề bất cập, nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị đồng thời nêu rõ nhiệm vụ, các giải pháp chủ yếu mà các cơ quan, đơn vị phải thực hiện nhằm khắc phục bất cập trong thời gian tới. Vậy cần làm gì để Nghị quyết được triển khai thực sự hiệu quả? Cổng Thông tin điện tử đã ghi nhận ý kiến của Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viên: Thưa đại biểu, là thành viên trong Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, xin đại biểu cho biết những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, bất cập hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi may mắn được tham gia Đoàn giám sát và phải nói là việc đi giám sát thực tế tại các địa phương nhất là các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, … thì thấy được rất nhiều vấn đề nổi lên trong thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Nhìn chung, chúng ta rất thành công trong việc làm cho đất nước đặc biệt là các đô thị ngày càng tươi đẹp. Các đô thị phát triển nhanh, diện mạo đô thị thay đổi rõ rệt ngày càng hiện đại, hình thành không gian sống tốt hơn cho người dân. Cơ sở hạ tầng cơ bản được bảo đảm, góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển sôi động, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ với chính sách phát triển đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh đó qua giám sát cũng bộc lộ nhiều tồn tài, có thể nói bất kỳ lĩnh vực nào vẫn tồn tại sai phạm từ quy hoạch, xây dựng, phân phối, … Những bất cập này đã được chỉ rõ trong Báo cáo của Đoàn giám sát.

Phóng viên: Một trong những bất cập là việc sử dụng đất sai mục đích đã khiến dư luận bức xúc, vậy qua giám sát đại biểu có thể phân tích rõ hơn thực tế này?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Trong quá trình giám sát một trong những sai phạm được chỉ ra là việc sử dụng đất sai mục đích. Cụ thể như: Quá tầng, thêm số phòng, sai với quy hoạch ban đầu;…Tôi lấy ví dụ, một dự án khi phê duyệt trong đó có khu cây xanh, khu cho trường học,.. nhưng khi thi công do lợi ích bán được các căn hộ lãi hơn rất nhiều nên nhà thầu đã phá vỡ quy hoạch. Đây là 1 dạng khá phổ biến trong sai phạm.

Bên cạnh đó còn tồn tại sai phạm trong việc đã cho xây dựng những tường thành lớn che chắn mất phần mặt sông, mặt hồ làm ảnh hưởng đến cư dân sống đằng sau khu vực đó. Tiếp đó là những sai phạm dưới dạng chiếm giữ những bãi biển, không cho người dân được thụ hưởng; tình trạng đắp những bờ sông tạo ra những khu đất để từ đó làm công trình xây dựng ngay sát bờ sông thì ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề dòng chảy của nước.

Phóng viên: Theo đại biểu đâu là nguyên nhân của những hạn chế, bất cập, đại biểu vừa nêu?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Theo tôi có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân trước hết phải kể đến là do chúng ta thiếu những quy hoạch tốt, quy hoạch mang tính tầm nhìn dài hạn. Tầm nhìn, dự báo và đánh giá tác động của các chính sách còn hạn chế.

Nguyên nhân thứ hai là do hám lợi nhuận những dự án về nhà ở thương mại thường rất hay vi phạm vì lợi nhuận quá lớn.

Nguyên nhân thứ ba là do quy định của pháp luật chưa đủ và người thực thi pháp luật chưa nghiêm. Một bộ phận cán bộ, công chức quản lý đất đai, quy hoạch đô thị phẩm chất đạo đức yếu kém, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Có thể nói, tất cả những nguyên nhân đó đã dẫn tới một loạt sai phạm như hiện nay.

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Vậy, để triển khai Nghị quyết này, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần được nhìn nhận như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện ,nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời nhưng tôi hiểu sâu sắc để thực hiện được những yêu cầu trong Nghị quyết kết luận là rất khó khăn. Do đó, trước hết phải có 1 sự quyết tâm chính trị lớn của những cấp cao nhất từ Thủ tướng Chính phủ về đến các Bộ, ngành, địa phương đến doanh nghiệp, cá nhân. Thứ hai, cần phải thực hiện rất nghiêm túc kết luận của Đoàn giám sát đã được thể hiện trong Nghị quyết của Quốc hội. Thứ ba, phải tiếp tục thực hiện giám sát nội dung này dưới nhiều hình thức: Quốc hội giám sát; Hội đồng nhân dân giám sát rồi chính quyền giám sát, nhân dân giám sát để việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị được đi vào nề nếp, quy củ.

Phóng viên:Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Vấn đề quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị là vấn đề nổi cộm được đông đảo cử tri cả nước quan tâm. Thực hiện, chức năng giám sát tối cao, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về vấn đề này. Thông qua giám sát, hàng loạt những vấn đề yếu kém, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị đã được chỉ rõ; những nhiệm vụ, giải pháp gắn với từng cơ quan, bộ, ngành cũng đã được nêu lên trong Nghị quyết. Việc thực hiện Nghị quyết sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Với sự kịp thời, quyết liệt của Quốc hội trong giải quyết vấn đề bất cập quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, cử tri kỳ vọng những sai phạm, vướng mắc sẽ được giải quyết triệt để trong thời gian tới./.

Lê Anh