ĐẠI BIỂU HỒ THANH BÌNH: CHẤT VẤN VỀ DƯ LƯỢNG HOOC MÔN TĂNG TRƯỞNG TRONG SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP

26/09/2019

Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định “nghiêm cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng”. Tuy nhiên, nhiều cử tri bày tỏ lo lắng về những tác hại của sử dụng thực phẩm có dư lượng hooc môn tăng trưởng đối với sức khỏe con người, đặc biệt tình trạng trẻ dậy thì sớm hiện nay. Vì vậy, đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về những giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nghiêm cấm sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi

Đầu những năm 2000, các cụm từ như: “Loạn hooc môn siêu tăng trưởng”, “thúc lợn tăng cân siêu nạc bằng thần dược hooc môn”, “báo động sử dụng chất kích thích tăng trưởng”, “10 ngày, lợn tăng 20kg nhờ hooc môn tăng trưởng… được đăng tải liên tục, dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng…. Cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cũng đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt hàng nghìn cơ sở sử dụng hooc môn tăng trưởng, tạo nạc để pha trộn vào thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh chất kích thước sinh trưởng trong chăn nuôi, thì hiện nay trên thị trường, các thuốc kích thích sinh trưởng thực vật được sử dụng dưới hàng ngàn tên thương mại khác nhau như: Siêu ra rễ, thuốc kích mầm, thần dược siêu tăng trưởng.... Theo các chuyên gia y tế, chất kích thích sinh trưởng sẽ ngấm sâu vào bên trong các mô và tế bào cây trồng, vật nuôi. Khi ăn thực phẩm này, dư lượng chất kích thích sinh trưởng đi vào cơ thể từ từ, tích tụ lâu ngày sẽ gây rối loạn sinh lý và sinh hoá của cơ thể người, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm...

Ông Lưu Huy Vinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội lo lắng trước thực trạng mất an toàn thực phẩm 

Ông Lưu Huy Vinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội bày tỏ lo lắng: Hiện nay vấn đề an toàn thực phẩm đang là vấn đề của toàn xã hội, từ người trẻ đến người già đều quan tâm. Bởi trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt họ dùng nhiều chất kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng làm cho mặt hàng nhìn ngon hơn, đẹp hơn. Ăn thực phẩm nay nó không ảnh hưởng ngay mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người dân. Với những người dân như chúng tôi thì rất khó phân biệt đâu là thực phẩm an toàn, đâu là thực phẩm có chứa dư lượng kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng. Chúng tôi mong muốn nhà nước, đặc biệt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế có giải pháp như thế nào để hạn chế tình trạng này.

Trước tình trạng lạm dụng, sử dụng tràn lan hooc môn trong sản xuất nông nghiệp, ngày 31/5/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 06 về danh mục, hàm lượng kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, với mục đích kích thích tăng trưởng tại Việt Nam.  Ngày 4/4/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục ban hành Nghị định số 39 về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Điều 6, Nghị định số 109 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ cũng nêu rõ: “không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, phân bón, chất bảo quản, chất phụ gia là hóa chất tổng hợp; thuốc kháng sinh, sinh vật biến đổi gen, hooc môn tăng trưởng”

Mặc dù, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều quy định nhằm hạn chế tình trạng sử dụng hooc môn tăng trưởng trong nông nghiệp, nhưng theo cảnh báo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới, tình trạng lạm dụng kháng sinh tại Việt Nam đang diễn ra theo chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt là trong chăn nuôi. Nghị định 39 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã quy định tương đối chặt chẽ, trong đó yêu cầu tuyệt đối cấm sử dụng các chất kháng sinh có chức năng kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi, thế nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa thực sự nghiêm túc chấp hành quy định, bởi việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng dường như đã trở thành một thói quen. Thậm chí thuốc kháng sinh còn được bổ sung như một thành phần không thể thiếu của thức ăn chăn nuôi.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, báo cáo trước Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng: an toàn thực phẩm là vấn đề rất phức tạp. Đảm bảo an toàn thực phẩm theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn có rất nhiều yếu tố tác động và trải qua rất nhiều khâu. Tuy nhiên sau cuộc giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội Khóa XIV về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020 đã có chuyển biến, như bộ máy quản lý về an toàn thực phẩm đã được kiện toàn trong đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh trực tiếp làm trưởng ban. Có 3 địa phương là Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Bắc Ninh đã thành lập Ban An toàn thực phẩm. Số vụ ngộ độc thực phẩm đã giảm 33,8%, số người ngộ độc thực phẩm giảm 26,4%. Chuỗi sản phẩm nông sản trong thời gian vừa qua đã hình thành được 1.038 chuỗi với 1.407 sản phẩm và 3.162 thí điểm phủ sóng cả 63 tỉnh thành.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết:An toàn thực phẩm là cả một quá trình rất phức tạp, nhiều quy trình, nhiều khâu, từ trang trại đến bàn ăn, có nhiều yếu tố tác động nhưng phải khẳng định là cuộc giám sát tối cao của Quốc hội khóa XIV đều rất thành công về thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm. Như vậy, chúng ta có bước chuyển rất tích cực sau giám sát khi thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại nhưng an toàn thực phẩm là cả một quá trình, lâu dài cho nên sự chuyển biến này cần có thời gian”.

Cũng tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật Chăn nuôi năm 2018, trong đó có quy định cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng. Quy định này đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ xây dựng một ngành nông nghiệp sạch, an toàn và phát triển bền vững, tuy nhiên để các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Dư lượng kháng sinh trong thực phẩm có khiến trẻ dậy thì sớm ?

“Nữ thập tam, nam thập lục” - câu thành ngữ này đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam khi nói về độ tuổi dậy thì ở trẻ. Tuy nhiên, hiện nay, thành ngữ hình như không phù hợp, khi mà độ tuổi dậy thì ở trẻ đã đến sớm hơn. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), độ tuổi dậy thì của các bé gái đang có hiện tượng sớm hơn 2-3 năm, trong khi bé trai cũng sớm hơn 1-2 năm.

Theo thầy thuốc nhân dân, GS. Nguyễn Anh Trí, tình trạng dậy thì sớm của trẻ không chỉ là hiện tượng của riêng Việt Nam mà xảy ra trên toàn cầu. Dậy thì sớm có nhiều nguyên nhân, như sử dụng các loại hóa chất thuốc men khác trong chữa bệnh, sử dụng mỹ phẩm làm đẹp, sử dụng thực phẩm chức năng để tăng trí tuệ cho con, tăng chiều cao… Trong đó, thực phẩm chứa nhiều hóa chất, đặc biệt thực phẩm chứa hooc môn tăng trưởng và ngay cả thực phẩm biến đổi gen là một trong những nhóm nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm.

Thầy thuốc Nhân dân, GS. Nguyễn Anh Trí 

Thầy thuốc Nhân dân, GS. Nguyễn Anh Trí cho biết, theo quan điểm của y khoa, không nên coi dậy thì sớm là một căn bệnh, nên coi đây là hiện tượng xuất hiện trong thời kỳ xã hội phát triển cao, công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ hơn so với thế kỷ trước. Cần nhìn nhận để bình tĩnh hơn để có hướng cho con em chúng ta trong việc sử dụng đúng các loại thức ăn, chất kích thích, các loại mỹ phẩm làm đẹp. Đồng thời, giáo dục cho các em có đời sống lành mạnh, thâm nhập vào phạm trù, lĩnh vực phù hợp với lứa tuổi của mình.

Dậy thì sớm được coi là một trong những “căn bệnh thời đại”. Thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 3 năm gần đây, bệnh viện đã điều trị cho khoảng 450 trẻ có biểu hiện dậy thì sớm. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh, gần đây số lượng bệnh nhi bị dậy thì sớm có chiều hướng gia tăng. Nếu như cách đây vài năm bệnh viện chỉ tiếp nhận 5 - 7 bệnh nhân, thì hiện nay, trung bình mỗi năm, Bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho 120 bé mắc hội chứng dậy thì sớm.

Hiện vẫn chưa có nghiên cứu xác định cụ thể nào về nguyên nhân gây ra tình trạng dậy thì sớm ở trẻ. Nhưng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, dậy thì sớm ở trẻ là một quá trình tương đối phức tạp liên quan đến trục hạ đồi tuyến yên, tuyến sinh dục. Và tuổi dậy thì liên quan đến yếu tố dinh dưỡng như: chế độ ăn giàu năng lượng, ăn quá nhiều thịt động vật có chứa các chất kích thích thúc đẩy quá trình tăng trưởng nhanh ở vật nuôi, lạm dụng thuốc bổ cho trẻ cũng là nhân tố làm dậy thì sớm. Bên cạnh đó, phim, hình ảnh… có yếu tố gợi ý về quan hệ giới tính cũng làm tăng khả năng dậy thì sớm ở trẻ.  

Bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội cho rằng: “Nguyên nhân trẻ dậy thì sớm thì Bộ Y tế cần vào cuộc để trả lời sau khi nghiên cứu tuổi dậy thì và tác động từ bên ngoài, ví dụ thực phẩm, thuốc. Trong lĩnh vực hóa học, mỗi một hóa chất bao giờ cũng có tác dụng phụ, bên cạnh tác dụng tốt. Cho nên việc lạm dụng quá sớm đó cũng là một nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Y tế cần vào cuộc và có nghiên cứu và báo cáo Chính phủ, nếu đây là nguy cơ, tôi đề nghị phải có giải pháp kịp thời để ngăn chặn vấn đề này, chứ dậy thì sớm sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe sau này”.

Bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội

Như vậy, đến thời điểm này vẫn chưa có một công bố chính thức hay nghiên cứu tổng quan của ngành y tế và ngành nông nghiệp về những tác hại của dư lượng chất kích thích thúc đẩy tăng trưởng trong thực phẩm đến sự tăng trưởng bình thường của con người, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên. Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã chất vấn đề nghị các Bộ Y tế, Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình và có biện pháp quản lý hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Thanh Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về chất kích thích tăng trưởng trong sản phẩm nông nghiệp ảnh hưởng đến sự tăng trưởng bình thường của con người, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: an toàn thực phẩm là một nội dung rất quan trọng, được sự quan tâm của cả xã hội và cả hệ thống chính trị. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có một bước cố gắng lớn và đã đạt được kết quả nhất định. Đặc biệt, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2017/QH14 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020 thì Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động trong đó yêu cầu tất cả các địa phương, các ngành, đặc biệt có 3 ngành y tế, công thương và nông nghiệp; cũng như các thành phần kinh tế và toàn xã hội tích cực vào cuộc. Nhờ vậy vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã có chuyển biến rõ nét.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường dẫn chứng: Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu khoảng 42 triệu tấn nông sản thuộc nhóm thực vật sang 180 quốc gia. Trong đó Ủy ban Codex là một tổ chức liên chính phủ của Liên hiệp quốc ban hành bộ tiêu chuẩn mà riêng chỉ tiêu giám định về thuốc bảo vệ thực vật có khoảng 385 chỉ tiêu. Các thị trường lớn như Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ áp dụng các tiêu chuẩn này để đo lường, nông sản Việt có vượt qua được thì mới xuất khẩu vào được các thị trường này. Với một khối lượng nông sản xuất khẩu như vậy chứng tỏ nông sản của chúng ta đã chuyển động theo hướng tích cực. Cùng với đó, các siêu thị của Việt Nam phục vụ cho thị trường 100 triệu dân, từ mẫu mã, hàng hóa cũng có bước chuyển biến tích cực.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, để đảm bảo an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn là một vấn đề lớn và khó, đòi hỏi phải cố gắng tiếp tục hơn nữa. Do đó, vấn đề này 3 ngành y tế, nông nghiệp và công thương sẽ phải cố gắng hơn nữa trong thời gian tới, để làm sao góp phần cùng các địa phương, các thành phần kinh tế và toàn dân, kể cả người tiêu dùng cũng có trách nhiệm để làm tốt hơn công tác này.

Trách nhiệm không chỉ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà còn có cả Bộ Y tế và Bộ Công thương

Vậy những giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra trong phần trả lời đại biểu tại nghị trường Quốc hội có nhận được sự đồng tình của đại biểu? Những giải pháp này liệu đã  thực chất, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn hay chưa? Mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trao đổi giữa phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội với đại biểu Hồ Thanh Bình:

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Cổng thông tin điện tử Quốc hội. Thưa đại biểu, được biết tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có văn bản chất vấn đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vậy, cụ thể nội dung đại biểu chất vấn được tập trung vào khía cạnh nào?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Trong kỳ họp thứ 6, tôi chất vấn về an toàn thực phẩm liên quan đến dư lượng một số hoạt chất tăng trưởng trong cây trồng, vật nuôi.

Phóng viên: Sau đại biểu khi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có câu trả lời tại Nghị trường. Vậy, đại biểu có hài lòng với nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Về nội dung trả lời, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nói hết trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp liên quan đến sản xuất thực phẩm an toàn, trong đó Bộ Nông nghiệp chủ yếu xoay quanh vấn đề sản xuất an toàn. Tôi rất đồng tình với Bộ trưởng về phương án sản xuất như vậy. Tuy nhiên đây là vấn đề hơi chuyên sâu về an toàn thực phẩm, đây là loại vi lượng nhưng loại vi lượng này tôi thấy nhiều người chưa để ý, quan tâm.

Thực tế, ở các nước phát triển, họ quan tâm đến vấn đề này không thua kém so với các hóa chất, bởi đây là một dạng của chất tăng trưởng. Về mặt khoa học, khi nấu chín thực phẩm nhưng hoạt chất này vẫn còn hoạt tính, khi ăn vào cơ thể, có thể có tác động đến sự phát triển của các mô, cơ quan trong cơ thể. Đó là nguyên lý khoa học của các loại hóa chất này, cho nên các nước trên thế giới họ rất chú ý tới các dư lượng liên quan đến an toàn thực phẩm, họ chú trọng lớn tới các hooc môn này. Trong chăn nuôi thì họ kiểm soát rất chặt. Các hiệp hội tiêu dùng, họ nhận thức rất rõ điều này và họ cũng tham gia vào quá trình giám sát, đánh giá chất lượng thực phẩm trong chuỗi cung ứng, bên cạnh hệ thống của nhà nước.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện nay theo tôi biết các ngành liên quan như ngành y tế, các chuyên gia, bác sỹ cũng như các nhà nghiên cứu hóa học cũng quan tâm đến và đánh động dư luận nhưng tôi thấy riêng mảng an toàn thực phẩm, vấn đề này tại diễn đàn Quốc hội chưa có ai lên tiếng, nên tôi cũng muốn qua đó đánh động tới dư luận để lưu ý vấn đề này, bởi nó sẽ liên quan trực tiếp tới sự tăng trưởng, phát triển bình thường của các cháu trong tương lại. Hiện nay đã có thấy tác động rồi, mặc dù tôi không quy kết 100% nguyên nhân trẻ tăng trưởng, dậy thì sớm là do sử dụng thực phẩm chứa hooc môn tăng trưởng nhưng tôi mong muốn cơ quan chức năng cần có lưu ý và bước nghiên cứu về vấn đề này.

Phóng viên: Tại phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể trong quản lý các chất kích thích tăng trưởng. Vậy, đại biểu có đề xuất gì để khắc phục tình trạng này?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Tôi đồng tình và đánh giá cao ngành Nông nghiệp đã rất cố gắng trong việc đưa sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn đặc biệt là lấy nền tảng các tiêu chuẩn quốc tế để sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, giải pháp cho vấn đề này vẫn còn cần thêm một số giải pháp khác. Ví dụ, bên cạnh giải pháp sản xuất nông nghiệp sạch thì hiện nay trước mắt tôi nghĩ ngành Nông nghiệp hay ngành Khoa học công nghệ và ngành Y tế cần khảo sát các mẫu thực phẩm đang bán trên thị trường hiện nay, nếu thực phẩm nào nghi ngờ, ví dụ thực phẩm chăn nuôi, thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhưng có sử dụng hoạt chất tăng trưởng, cần lấy mẫu phân tích kiểm tra dư lượng tồn dư.

Trên cơ sở đó cũng cần xây dựng quy chuẩn liên quan đến dư lượng thuốc tăng trưởng. Đó là về mặt pháp lý, trên cơ sở đó xây dựng quy chuẩn, từ đó áp dựng vào quản lý. Vì hoạt động này liên quan đến khâu sản xuất của ngành nông nghiệp nên ngành nông nghiệp lo, còn công đoạn khác thì bộ phận khác như công thương, y tế sử dụng quy chuẩn đã được xây dựng để giám sát, đánh giá và đây chính là chỉ tiêu an toàn thực phẩm cho cộng đồng.

Phóng viên: Thưa đại biểu, để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm thì vai trò, trách nhiệm của cả 3 bộ: Bộ NN&PT Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương cần được nhìn nhận như thế nào?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Trong buổi truyền hình trực tiếp về kết quả giám sát tối cao an toàn thực phẩm của Quốc hội, một số đại biểu trong đó có tôi có đề xuất nên thống nhất 3 bộ này trong quản lý. Bởi trên thực tế, quy định liên quan đến an toàn thực phẩm của 3 bộ này thì gần như đầy đủ nhưng quá trình thực thi còn nhiều vướng mắc, đặc biệt trong khâu phối hợp không nhịp nhàng, thậm chí cồng kềnh, không đảm bảo tính tức thì, kịp thời của cả quá trình. Đây là những bất cập, tồn tại, dẫn tới hệ thống tổ chức không có sự thống nhất trong công tác quản lý thực tiễn. Hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh đang thử nghiệm mô hình Ban An toàn thực phẩm, thì tập hợp các đơn vị liên quan để quản lý. Sắp tới, đơn vị này tiến hành tổng kết mô hình này, tôi hy vọng mô hình này phát huy hiệu quả, vì bộ máy được tinh gọn, phản ứng nhanh trong giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm. Còn với cách làm hiện nay thì chưa đảm bảo tính chuyên sâu cao về an toàn thực phẩm, bởi thực tế hiện nay gần như chỉ có ngành y tế phụ trách vấn đề an toàn thực phẩm và phối hợp với các ngành liên quan. Do vậy, tôi ủng hộ phương án nhập 3 đơn vị quản lý để vận hành hiệu quả, còn tổ chức như thế nào thì Chính phủ cần vào cuộc. Tôi cho rằng việc này rất quan trọng vì liên quan mật thiết đến sức khỏe và nòi giống lâu dài của Việt Nam.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Đánh giá cao những nỗ lực, giải pháp mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nêu ra nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, tuy nhiên, đại biểu Hồ Thanh Bình cho rằng, nếu chỉ cố gắng của ngành nông nghiệp thì chưa đủ, mà cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ 3 bộ là Y tế, Công thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, đại biểu đề xuất cần thống nhất đầu mối quản lý vấn đề an toàn thực phẩm, để có thể phản ứng nhanh nhạy, kịp thời đối với những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, ngành y tế và nông nghiệp cần sớm nghiên cứu, đưa ra đánh giá tổng quát về những ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng của con người nếu sử dụng thực phẩm có dư lượng thuốc kháng sinh trong các bữa ăn của người Việt./.

Lan Hương