ĐBQH LÊ CÔNG NHƯỜNG: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ VH,TT&DL VỀ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA

30/09/2019

Văn hóa luôn gắn kết chặt chẽ với kinh tế. Vì vậy, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Lê Công Nhường, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ VH, TT & DL Nguyễn Ngọc Thiện về việc thực hiện sơ kết Chiến lược.

Khai mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030". Trong đó, khẳng định phát triển ngành công nghiệp văn hóa phải đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường. Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung chỉ đạo phát triển 05 ngành công nghiệp văn hóa: Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; quảng cáo và du lịch văn hóa.

Theo bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc Chính phủ ban hành Quyết định số 1755 phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là vô cùng kịp thời và cần thiết. Đây là cơ sở quan trọng tạo tiền đề thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Sau 3 năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực và nhanh chóng triển khai việc thực hiện Chiến lược trên nhiều ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là công nghiệp điện ảnh, tuy nhiên kết quả đạt được mới là bước đầu.

Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Sau 3 năm triển khai chiến lược, Bộ đang tích cực tham mưu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, các quy định pháp luật chuyên ngành: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh; Luật Quảng cáo và các Nghị định hướng dẫn chuyên ngành: Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật; Nhiếp ảnh, tạo hành lang pháp lý khuyến khích phát triển sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa cùng với chính sách của Nhà nước đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa thông qua các hình thức, hoạt động hỗ trợ, tài trợ, đặt hàng, tổ chức các cuộc thi, triển lãm, hội chợ và lễ hội.

Gian nan công nghiệp điện ảnh

Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, lĩnh vực điện ảnh luôn được xếp vào vị trí hàng đầu khi nói đến mục tiêu hay nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã định hướng rõ ràng và vững chắc cho việc xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Hiện nay, phim truyền hình Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm yêu thích của khán giả. Phim truyền hình Việt Nam như “Về nhà đi con”, “Nàng dâu order”, …với dàn diễn viên chất lượng, nội dung đa dạng thu hút lượng lớn khán giả quan tâm theo dõi.

Khán giả Nguyễn Ngọc Hạnh, cư trú tại quận Long Biên, Hà Nội, cho biết phim truyền hình Việt Nam ngày càng hấp dẫn, lôi cuốn; diễn xuất của diễn viên chân thực và giàu cảm xúc; đề tài rất gần gũi với cuộc sống, nhiều nội dung trên phim cũng là thực tế diễn ra hàng ngày.

Về nhà đi con là phim truyền hình nhận được tình cảm của nhiều khán giả 

Theo thống kê của Cục Điện ảnh, hiện nay, mỗi năm, điện ảnh Việt Nam sản xuất khoảng trên dưới 40 phim, tăng gấp 2 lần so với năm 2012, chiếm khoảng 25 - 30% tổng số phim phát hành trong cả nước. Giá đầu tư trung bình để sản xuất một phim truyện Việt Nam có thời lượng từ 90 đến 100 phút là khoảng từ 12 đến 20 tỷ VND. Thị trường điện ảnh phát triển - tăng trên dưới 20% /năm. Trong đó, doanh thu năm 2015 là 2.400 tỉ, 2016 là 2.800 tỉ và 2017 là 3.250 tỉ. Ông Nguyễn Danh Phương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho biết, đối với ngành điện ảnh nước nhà đang mở ra nhiều cơ hội. Ngoài một phần đầu tư của nhà nước còn huy động nguồn lực xã hội tham gia. Hiện nay số lượng phim được sản xuất phát hành trong một năm là điều mơ ước trước đây chưa có được. Tuy nhiên, cần tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng phim. 

Tuy nhiên, bên cạnh những phim điện ảnh mang lại doanh thu tốt như Hai Phượng (200 tỷ VND), Cua lại vợ bầu (191,8 tỷ VND), thì khi phát hành và phổ biến trong mạng lưới rạp chiếu phim, chỉ có khoảng 10% phim thu hồi được vốn sản xuất, đa số các phim còn lại không thu hồi được vốn, đặc biệt là phim nghệ thuật. Nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh, thị phần phim Việt mới chiếm khoảng 25%. Phim nước ngoài vẫn chiếm lĩnh phần lớn thị phần.

Đối với công nghiệp rạp chiếu phim, nếu như tại Hàn Quốc, 2 đơn vị phát hành hàng đầu của nước này đều là đơn vị trong nước chiếm tới 90% thị trường phát hành phim. Một số nước lân cận trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Maylaysia… tỷ lệ hệ thống cụm rạp nội địa cũng áp đảo với trên 70% so với cụm rạp nước ngoài. Trong khi đó con số hệ thống rạp chiếu nội địa ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20%. Bên cạnh đó, các rạp chiếu phim chủ yếu ở các thành phố lớn, rạp của các công ty nước ngoài phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát, và chi phối hoạt động chiếu phim tại Việt Nam.

Nhận xét về sức hút của phim Việt chiếu rạp, khán giả Nguyễn Văn Nam, cư trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, cho rằng phim điện ảnh Việt chưa thực sự hấp dẫn so với phim nước ngoài, đa số phim chưa sử dụng nhiều kỹ xảo, thiếu các tình tiết hài hước, hình ảnh còn đơn điệu. Bên cạnh đó, chưa đầu tư vào quảng bá, giới thiệu phim dẫn đến tính hiệu quả, thu hút chưa cao.

Khán giả Nguyễn Văn Nam

Những bất cập, hạn chế nêu trên, một phần nguyên nhân được cho là do nhiều quy định trong Luật Điện ảnh, sau 12 năm thi hành đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế, khó thực thi, chưa thể hiện đầy đủ tính chất đặc thù của hoạt động điện ảnh. Khó khăn trong lĩnh vực phát triển ngành công nghiệp điện ảnh cũng là thách thức chung đối với các lĩnh vực khác trong thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, về việc thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết:  Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên đã ban hành một đề án về phát triển chiến lược công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Nước nhiều nước trên thế giới, các ngành văn hóa cũng được coi là ngành công nghiệp. Ví dụ, công nghiệp điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, các ngành về thời trang có thể nói đã đóng góp rất lớn vào GDP như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhấn mạnh, chúng ta cần phải tập trung vào ngành công nghiệp văn hóa. Từ đó đến nay, Bộ đã triển khai thực hiện đề án chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, rõ nhất là trong lĩnh vực điện ảnh, doanh thu khoảng hơn 3.000 tỷ tức là doanh thu đạt 150 triệu USD, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt được mục tiêu như trong đề án nêu ra.

Bộ trưởng cũng nêu vấn đề: chúng ta phải làm thế nào để các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp tích cực vào GDP và khẳng định nhiệm vụ này đang được Bộ triển khai rất tích cực.

Cần sớm sơ kết việc thực hiện Chiến lược

Trong phần trả lời chất vấn đại biểu Lê Công Nhường, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đồng thời, nêu lên một số chỉ số đạt được trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Vậy, những thông tin do Bộ trưởng nêu lên liệu có đáp ứng được yêu cầu Đại biểu đặt ra trong nội dung chất vấn? Về vấn đề này, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của  đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định:

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

Phóng viên: Thưa đại biểu, được biết trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu là một trong nhiều đại biểu đã có câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Vây, cụ thể nội dung đại biểu chất vấn được tập trung vào những nội dung như thế nào?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Văn hóa luôn gắn kết chặt chẽ với kinh tế. Vì vậy, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1755 ngày 08/09/2016 phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Vì vậy, trong phiên chất vấn, tôi hỏi Bộ trưởng: đến tháng 5/2019 Bộ đã sơ kết thực hiện chiến lược này chưa? Kết quả các chỉ tiêu đạt được như thế nào, ví dụ doanh thu các ngành công nghiệp Việt Nam đóng góp cho GDP, doanh thu các ngành điện ảnh, mỹ thuật, quảng cáo, du lịch, văn hóa.

Phóng viên: Xuất phát từ trực trạng nào mà đại biểu chất vấn Bộ trưởng về nội dung nêu trên?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Từ thực tế ngành công nghiệp văn hóa có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; các nước trên thế giới đã chú trọng và đạt được nhiều thành tựu trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, ở Việt Nam những năm trước đây chúng ta chưa chú trọng đúng mức đến công nghiệp văn hóa, phim ảnh nước ngoài nhất là phim Hàn du nhập vào Việt Nam rất nhiều, dẫn tới ảnh hưởng lối sống của giới trẻ, sống theo thần tượng. Phải đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, đến thời điểm này tôi muốn Bộ làm rõ đã thực hiện quá trình sơ kết hay chưa? Và kết quả các chỉ tiêu tính đến thời điểm này liệu có đảm bảo được mục tiêu để ra để tiếp tục có giải pháp thực hiện hiệu quả Chiến lược.

Phóng viên: Sau khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng đã có phần trả lời đại biểu tại nghị trường Quốc hội. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Bộ trưởng đã trả lời nhưng do thời gian ngắn nên Bộ trưởng trả lời còn chung chung, Theo như Bộ trưởng trả lời việc sơ kết vẫn đang triển khai. Tuy nhiên, ý kiến cá nhân tôi cho rằng, việc triển khai chiến lược thì thường người ta phải sơ kết để biết được đã đạt được tỷ lệ như thế nào ở từng mục tiêu cụ thể. Trên cơ sở sơ kết để có giải pháp tiếp tục thực hiện cho hiệu quả Chiến lược đề ra. Phần trả lời Bộ trưởng cũng mới chỉ đưa ra được doanh thu trong lĩnh vực điện ảnh tuy nhiên bên cạnh đó các ngành công nghiệp văn hóa còn nhiều chương trình, nội dung chưa có số liệu cụ thể.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Chưa hoàn toàn đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Lê Công Nhường cho rằng Bộ cần sớm có sơ kết, đánh giá để từ đó có cái nhìn tổng quan về quá trình thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, kịp thời đưa ra những giải pháp nhằm tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đạt mục tiêu như Chiến lược đề ra./.

Lê Anh