ĐBQH PHAN VIẾT LƯỢNG: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ TN&MT VỀ GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG XẢ THẢI CHƯA QUA XỬ LÝ

09/10/2019

Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý ra môi trường có chiều hướng gia tăng, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, đã chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về giải pháp để kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải chưa qua xử lý của doanh nghiệp ra môi trường.

Nhiều doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý ra môi trường

Nhiều doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý ra môi trường

Tháng 9/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt gần 300 triệu đồng đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn NCC Việt Nam (địa chỉ tại Khu công nghiệp Quế Võ, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh) và Công ty trách nhiệm hữu hạn PNP Vina (địa chỉ tại Khu công nghiệp Quế Võ 3, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ) do hai đơn vị này xả nước thải có một trong các thông số môi trường vượt từ 100% trở lên so với tiêu chuẩn quy định

Trước đó, vào tháng 5/2019, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã phải yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mía đường cồn Long Mỹ Phát tạm dừng nhà máy sản xuất, vì kết quả điều tra ban đầu cho thấy việc xả thải của nhà máy này khi sản xuất đường là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông nghiêm trọng khiến 6.000 hộ dân lâm vào tình trạng thiếu nước sạch.

Tại khu công nghiệp Di Trạch, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, Công ty Cổ phần Sơn Infor Việt Nam, Công ty Cổ phần Sơn Jymec Việt Nam và Công ty Cổ phần Sơn Facomax Việt Nam cũng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Hiện nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý chất thải, khí thải nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành để đối phó, hình thức với cơ quan chức năng. Theo đánh giá của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường C49, hiện nay, hơn 70% lượng nước thải hằng ngày từ các khu, cụm công nghiệp đang xả thẳng ra nguồn tiếp nhận, không qua xử lý. Tình trạng này đã khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp, hoa màu của người dân bị ảnh hưởng và đe dọa môi trường sống của người dân.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày thành phố Hà Nội thải ra ngoài môi trường khoảng 300.000 tấn nước thải bao gồm nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp ra các con sông hồ lớn như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, hồ Linh Đàm, hồ Bảy Mẫu. Đặc biệt phần lớn lượng nước thải này chưa qua xử lý nên chứa nhiều các chất độc hại. Cụ thể, lượng chất hữu cơ xả thẳng ra môi trường là 3.600 tấn/năm, dầu mỡ là 317 tấn cùng hàng chục tấn các kim loại nặng độc hại như chì, thủy ngân, sắt…

Hàng nghìn con sông dọc theo chiều dài đất nước cũng đều đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau, trong đó ô nhiễm chủ yếu các vùng trung và hạ lưu. Hiện tượng ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn ở khu vực tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp.

Ngoài ô nhiễm nguồn nước, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với ô nhiễm đất và ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Sự bức tử của ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng đối với hệ sinh thái, sự phát triển kinh tế – xã hội mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy mỗi năm Việt nam có 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, trên 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư mà một trong những nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.

Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 01/01/2018 đã cụ thể hoá về lưu lượng xả thải và số lần vượt quy chuẩn để làm căn cứ xử lý hình sự đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gây ô nhiễm. Theo đó, các hành vi xả thải gây nguy hại cho môi trường có thể bị phạt tiền lên đến 3 tỉ đồng, hoặc phạt tù đến 7 năm. Dù đã có một chế tài rất mạnh nhưng trên thực tế tình trạng xả thải bẩn, cố tình không chấp hành bảo vệ môi trường gần như đã trở thành thói quen của một số doanh nghiệp. Điều đáng nói ở đây cũng chính là việc chấp pháp, thực hiện chưa nghiêm túc của chính quyền sở tại cũng như các cơ qua chức năng có liên quan đến môi trường đã dẫn đến hành vi chống đối các quy định pháp luật về môi trường,thậm chí là cả văn bản hành chính của chính quyền sở tại.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Trước những bất cập trong việc xả thải ra môi trường đang diễn ra ở nhiều địa phương, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 04/6/2018 của Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường về giải pháp kiểm soát tình trạng này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề xã hội bức xúc

Giải trình trước Quốc hội về nội dung đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề xã hội rất bức xúc hiện nay. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Bộ trưởng cũng cho rằng vi phạm về ô nhiễm môi trường trong thời gian qua là do năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng không hiệu quả và chưa đầy đủ, chưa đưa ra được những yêu cầu về giám sát, kiểm soát. Do đó cần thanh tra đột xuất trên cơ sở phát hiện của người dân. Bên cạnh đó, công nghệ xử lý của một số doanh nghiệp không đáp ứng với tiêu chuẩn hiện nay.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thẳng thắn cho rằng vấn đề này cần rút ra bài học trong thời gian tới. Theo đó cần phân loại những lĩnh đầu tư sản xuất kinh doanh để có những đánh giá về tác động môi trường. Qua đó xác định đâu là những doanh nghiệp cần thường xuyên tập trung để quản lý và cần phải xác định được đối tượng rõ ràng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Yêu cầu đối với những khu vực khó có thể giám sát thường xuyên được thì phải có quan trắc tự động về không khí, nước và hệ thống đó phải chuyển đến các cơ quan quản lý trực tiếp ở địa phương để giám sát. Nếu phát hiện đơn vi sai thì có thể xử lý kịp thời. Nếu đánh giá doanh nghiệp vi phạm một vài lần và trên thực tế công nghệ về sản xuất không thể khắc phục được, trong trường hợp đó cần tiến hành yêu cầu đình chỉ hoạt động.

Tương lai, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phân dòng các loại đầu tư và phân dòng từ công nghệ sản xuất, sau đó mới quan tâm đến vấn đề giám sát, kiểm soát. Những loại hình thân thiện với môi trường thì chỉ quan tâm tới hậu kiểm.

Tăng cường kiểm soát vấn đề xả thải chưa qua xử lý ra môi trường

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách mạnh mẽ là “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng gây ô nhiễm môi trường vẫn luôn là vấn đề nóng, đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội hiện nay. Bên cạnh đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm thì vẫn còn đó sự thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ môi trường của nhà nước cũng là nguyên nhân tiếp tay cho hành vi phá hoại môi trường. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, về nội dung này:

Đại biểu Phan Viết Lượng: Tăng cường kiểm soát vấn đề xả thải chưa qua xử lý ra môi trường

Phóng viên: Thưa đại biểu, trong phiên họp toàn thể tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, là một trong nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Xin đại biểu cho biết nội dung chất vấn của đại biểu tập trung ở khía cạnh nào?

Đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường về tình hình vi phạm và việc xử lý các doanh nghiệp xả thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường. Bảo vệ môi trường là nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa lớn đến phát triển kinh tế xã hội và luôn luôn là vấn đề nóng được cử tri và xã hội quan tâm.

Phóng viên: Với vai trò là đại biểu dân cử, đại biểu có ý kiến như thế nào về nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà xung quanh  vấn đề Đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Với phương pháp hỏi ngắn, đáp gọn trong thời gian cho phép, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên cũng chỉ trả lời được những vấn đề trọng tâm, đặc biệt là lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ trưởng.

Trước khi đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã thừa nhận những vấn đề tôi chất vấn là những vấn đề rất xác thực và tình hình vi phạm cũng khá lớn trên thực tiễn. Bộ cũng đã chỉ ra nội dung, tính chất, nguyên nhân của vi phạm và cũng đề ra được các giải pháp để xử lý khắc phục các sai phạm đó và phần nào Bộ trưởng nhận phần trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra các sai phạm.

Tôi cũng rất muốn Bộ trưởng thực hiện cam kết tại kỳ họp, đó là cần phải nâng cao trách nhiệm quản lý ngành, quản lý lĩnh vực của ngành tài nguyên và môi trường trong việc thẩm tra các báo cáo đánh giá tác động về môi trường của các đơn vị khi thực hiện quyết định đầu tư, đồng thời tăng cường năng lực về con người, về khoa học công nghệ thông tin để kịp thời theo dõi phát hiện những sai phạm diễn ra. Đặc biệt trong theo dõi cũng phải thực hiện đúng cam kết của mình, phân loại các doanh nghiệp, xác định các vị trí trọng điểm và có theo dõi quản lý đặc biệt.

Phóng viên: Thực tế thời gian qua vẫn còn rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào? Theo đại biểu, trách nhiệm này phải được nhìn nhận như thế nào đối với chính quyền sở tại, trong đó có vai trò người đứng đầu?

Đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Trong khi chúng ta đặt vấn đề rất lớn đến bảo vệ môi trường và thủ tướng cũng đã phát biểu là chúng ta không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá, phải bảo vệ môi trường để bảo vệ và cũng để đảm bảo cho phát triển bền vững. Từ thực tiễn các khu công nghiệp việc xả thải tôi thấy vi phạm tương đối lớn. Qua số liệu thống kê trên 70% khu công nghiệp có vi phạm trong xả thải ra môi trường và thực tế quan sát cũng như nghiên cứu các tài liệu cho thấy nhiều doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế trước mắt đã quên nghĩa vụ bảo vệ môi trường, xả trực tiếp nước, khí, chất thải rắn ra môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến môi trường phát triển kinh tế xã hội và gây bức xúc dư luận.

Trách nhiệm Bộ trưởng Bộ tài nguyên trả lời chất vấn tại kỳ họp cũng đã nhận trách nhiệm Bộ ngành quản lý cỉa mình. Nếu nhìn rộng ra theo quy định của pháp luật thì còn phải nhiều cấp, nhiều ngành kể, cả chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan địa phương đều chịu trách nhiệm trong đó có cả trách nhiệm của cá nhân, các doanh nghiệp nhận thức còn hạn chế và chưa chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật đã vi phạm pháp luật xả thải ra môi trường. Theo tôi, trách nhiệm ở các cấp, các ngành, đặc biệt đối với những người đứng đầu các bộ ngành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, cũng như các quận huyện, thị xã.

Phóng viên: Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về xử lý hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra và có chiều hướng gia tăng. Theo đại biểu đâu là những nguyên nhân dẫn tới thực trạng này?

Đại biểu Phan Viết Lượng: Có 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất là ý thức chấp hành pháp luật và ý thức bảo vệ môi trường của các cá nhân, doanh nghiệp đã vi phạm. Họ đã chưa tôn trọng, coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường so với lợi ích kinh tế mà đã cố tình xả thải chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Thứ hai: Kiểm soát đầu vào, kiểm soát bằng công nghệ thông tin bằng cách phân loại các đơn vị các doanh nghiệp để theo dõi quản lý của các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và môi trường vẫn chưa mạng lại hiệu quả nhất định.

Thứ 3: Việc phát hiện chưa kịp thời, chưa thường xuyên, xử lý cũng chưa thực sự đồng bộ, chưa quyết liệt, chưa đủ sức răn đe để ngăn chặn các vi phạm trong xả thải ra môi trường.

Phóng viên: Theo Đại biểu, cần có những giải pháp như thế nào để kiểm soát vấn đề này?

Trước hết chúng ta phải đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ trưởng cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện lời hứa của Bộ trưởng tại kỳ họp. Bộ trưởng cam kết trả lời chất vấn rằng sau kỳ họp Bộ trưởng quan tâm hơn đến việc đầu tư nhân lực công nghệ để theo dõi kiểm soát chặt chẽ các trang thiết bị nhập các công nghệ vào sản xuất đảm bảo yêu cầu về môi trường một cách chặt chẽ, không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường như Thủ tướng và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra.

Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, Bộ trưởng cũng cam kết rằng ngoài thanh tra kiểm tra thường xuyên thì phải coi trọng hơn việc kiểm tra, thanh tra đột xuất và đặc biệt Bộ trưởng cam kết trước Quốc hội là đối với các đơn vị có ý thức chấp hành không nghiêm túc và vi phạm nhiều lần thì có thể là đình chỉ và thu giấy phép không cho hoạt động.

Giải pháp liên quan đến hỗ trợ cho cơ quan nhà nước đó là cần nắm bắt thông tin từ người dân, từ các khu dân cư có thể lập ra các đường dây nóng hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời nắm bắt thông tin các hành vi vi phạm để từ đó các cơ quan chức năng vào cuộc một cách kịp thời và xử lý nghiêm túc. Kết quả xử lý phải thông tin kịp thời để công luận biết theo dõi, giám sát, đặc biệt cùng với cơ quan quản lý nhà nước thì các cơ quan đại biểu dân cử cùng tham gia vào giám sát để các cam kết của Bộ trưởng cũng như các quy định của pháp luật thực hiện tốt hơn việc bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường. Chỉ tính riêng năm 2018, đường dây nóng của Tổng Cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã nhận được hơn 1.100 thông tin phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước. Đây quả là con số không hề nhỏ khi nhiều người dân, doanh nghiệp đã đặt lợi ích kinh tế lên bàn cân. Đã đến lúc chúng ta phải có những biện pháp tổng thể, mạnh hơn nữa, đủ sức răn đe hơn nữa với những trường hợp cố tình vi phạm để chủ trương mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” thực sự phát huy hiệu quả./.

Lê Phương