GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: XÓA TIỀN PHẠT CHẬM NỘP CẦN ĐẢM BẢO ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG

31/10/2019

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước đang được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 8. Theo đó, dự kiến có 07 nhóm đối tượng được áp dụng, với tổng số tiền khoảng 16.300 tỷ đồng. Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng các quy định trong Nghị quyết cần đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và gắn trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan...

Tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2019 là 88.253 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thương mại Hồng Hà, trụ sở tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội đang nợ thuế hơn 22 tỷ đồng, nhưng Chi cục Thuế quận Cầu Giấy không thể thu hồi được vì doanh nghiệp đã mất tích. Thời gian qua, mặc dù Cục Thuế thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp đôn đốc, thu hồi nợ thuế khó đòi nhưng số nợ khó thu ngày càng tăng đã khiến nỗ lực giảm tổng số nợ thuế của cơ quan thuế không đạt hiệu quả.

Còn tại Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh, 10 năm qua, do có số nợ thuế khó đòi quá lớn nên đơn vị này luôn bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, với số nợ thuế luôn chiếm 7-8% tổng số thu ngân sách của đơn vị. Thực tế, đây là số nợ lũy kế qua nhiều năm của nhiều đối tượng khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh đề xuất, đối với những đơn vị, doanh nghiệp nào mà chậm nộp thuế theo quy định, để nợ đọng thuế kéo dài thì nên công bố công khai lên phương tiện thông tin đại chúng. Thời gian qua, ở một số địa phương  cũng đã thực hiện. Tuy nhiên, ở phạm vi toàn quốc tôi cho rằng cũng nên có giải pháp đủ mạnh, đủ răn đe để hạn chế tình trạng doanh nghiệp để nợ đọng thuế quá cao. Điều này ảnh hưởng đến ngân sách chung của quốc gia. Theo đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, một trong những nguyên nhân chính là chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh đối với đơn vị vi phạm, cố tình chây ì trong thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Tôi cho rằng, nên áp dụng nhiều giải pháp, từ việc giám sát, tổ chức bộ máy hành thu cho tới cơ chế công khai, chỉ đích danh đơn vị vi phạm.

Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2019 là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng thu nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế.  Dù toàn bộ hệ thống thuế đã tích cực thu hồi nợ đọng, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân như người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, phá sản, bị thiên tai, thảm họa bất ngờ không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước… nên các khoản nợ không có khả năng thu hồi.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng tình trạng nợ đọng, thậm chí thất thu thuế là hiện tượng khá phổ biến và kéo dài, với xu hướng ngày càng gia tăng và đáng lo ngại. Để xử lý vấn đề này cần phải có sự bóc tách, ví dụ doanh nghiệp đã phá sản, đã biến mất trên thực tế, thì đây là nợ khó đòi cần phải xóa, tránh trường hợp ghi đi ghi lại. Thứ hai là đối với doanh nghiệp có khả năng trả nhưng vì lý do nào đó đặc biệt là lạm dụng chiếm đoạt tiền đóng thuế như một khoản vay không lãi suất thì chúng ta cần phải có cơ chế nghiêm.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Thực hiện Nghị quyết số 55/2017 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, trong đó tại Khoản 2 Điều 1 Quốc hội giao Chính phủ: “Thực hiện các biện pháp để xử lý hiệu quả tình trạng nợ đọng thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng qua từng năm; sớm báo cáo Quốc hội tổng thể các khoản nợ đọng thuế và phương án xử lý”. Chính phủ đã trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Dự thảo Nghị quyết là chính sách lớn, nhiều nội dung nằm ngoài quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành và Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2020. Với dự kiến số tiền xoá nợ tiền thuế theo các tiêu chí của Chính phủ rất lớn, có thể tác động đến số thu ngân sách nhà nước, liên quan đến ý thức tuân thủ pháp luật về thuế; cũng như đảm bảo sự công bằng của người nộp thuế. Do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải xử lý những tồn tại trong việc nợ đọng thuế của doanh nghiệp cũng như của người dân.

Ông Cao Anh Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính nhấn mạnh, Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước rất quan trọng. Bởi Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, nên vấn đề đặt ra là từ nay đến tháng 7/2020 chúng ta phải xử lý những tồn tại trong nợ đọng thuế của doanh nghiệp cũng như của người dân. Vì vậy, Quốc hội đã đưa vào chương trình tại Kỳ họp 8 Quốc hội khóa XIV xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý nợ.

Ông Cao Anh Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính

Trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nay, Luật Quản lý thuế sửa đổi được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đã quy định đầy đủ các đối tượng được xử lý nợ và các điều kiện xử lý, thẩm quyền xử lý nợ. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 và không quy định với các khoản nợ phát sinh trước ngày 01/7/2020. Do đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội có biện pháp để xử lý nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước nhằm tạo cơ sở pháp lý để xử lý nợ tồn đọng trước ngày 01/7/2020 mà không còn khả năng thu nộp ngân sách nhà nước với 07 nhóm đối tượng. Dự kiến, theo phương án xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp với các đối tượng quy định tại dự thảo nghị quyết này là 16.357 tỷ đồng.

Báo cáo Thẩm tra vấn đề này do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày cũng khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không có khả năng nộp ngân sách theo đề nghị của Chính phủ.

Tuy nhiên, các nhóm đối tượng được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Dự thảo Nghị quyết đã phù hợp, đúng đối tượng, thẩm quyền và gắn trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan; đảm bảo tính công khai, minh bạch việc xử lý nợ, đảm bảo việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, giám sát của người dân? Việc xử lý nợ cũng vừa tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng cũng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế. Các trường hợp đã được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, nếu cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế  đã được xóa nợ khi quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải xử lý như thế nào? Đây là những nội dung đang được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại Kỳ họp 8 để ban soạn thảo tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội, việc bổ sung quy định về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp sẽ giảm số nợ ảo, giảm chi phí quản lý, chi phí nhân lực của các cơ quan quản lý thuế. Bên cạnh đó, việc xóa tiền phạt chậm nộp không làm mất tiền của ngân sách mà thực chất là xóa và khoanh nợ để không phát sinh việc chậm nộp thuế. Tuy nhiên, dự kiến số tiền xóa nợ là rất lớn nên Dự thảo Nghị quyết cần nêu rõ trách nhiệm của các cá nhân khi để xảy ra việc xóa nợ thuế sai đối tượng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách hoặc lợi ích nhóm, làm thiệt hại ngân sách nhà nước.

Tránh tình trạng lợi dụng chính sách khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp thuế

Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước được kỳ vọng sẽ tạo cơ chế để xử lý dứt điểm các khoản nợ thuế, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm nhưng thực tế không có khả năng thu hồi mà hiện tại cơ quan thuế các cấp vẫn phải theo dõi, quản lý, gây lãng phí nguồn nhân lực. Vậy các nhóm đối tượng được trong Dự thảo Nghị quyết đã thực sự phù hợp với tình hình thực tế? Nguyên tắc, cơ chế nào để giám sát trong quá trình xem xét đối tượng được khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp về nội dung này:

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Thưa đại biểu, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước đang được Quốc hội cho ý kiến. Đại biểu đánh giá như thế nào về sự cần thiết ban hành Nghị quyết này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Thời gian qua, tình trạng chậm nộp, hoãn nộp, không có khả năng nộp thuế cho nhà nước đã diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Đây là vấn đề quan trọng mà ngành tài chính cần có đề xuất đối với Chính phủ, Quốc hội để ban hành nghị quyết để xử lý vấn đề này. Cá nhân tôi rất ủng hộ Quốc hội ban hành Nghị quyết xử lý nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp đối với các cá nhân, tổ chức không còn khả năng nộp thuế.

Phóng viên: Dự thảo Nghị quyết đã nêu 07 nhóm đối tượng được khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. Đại biểu có đồng tình với nội dung trong Tờ trình của Chính phủ?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi thấy những nhóm đối tượng đưa ra trong Dự thảo Nghị quyết theo tờ trình của Chính phủ là phù hợp, vì đây là những đối tượng không còn khả năng nộp thuế. Tuy nhiên, những đối tượng này cũng tùy theo tính chất, điều kiện, hoàn cảnh mà xem xét cho thật kỹ lưỡng, khách quan khi tiến hành xóa nợ thuế. Mặc dù đối tượng là phù hợp nhưng phải công tâm, vô tư, tránh mức thấp nhất tình trạng tiêu cực của cơ quan công quyền khi xóa nợ thuế cho các tổ chức, cá nhân.

Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng gì nếu Nghị quyết được thông qua, sẽ có tác động như thế nào khi đi vào cuộc sống?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Nghị quyết được thông qua thì ngành thuế không còn day dứt về tình trạng nợ đọng thuế đối với những trường hợp không còn khả năng nộp thuế. Còn những đối tượng được xóa tiền phạt chậm nộp cũng được an tâm khi họ không còn là đối tượng nợ thuế, để họ yên tâm sản xuất kinh doanh tốt hơn. Vì thực tế, hệ thống công nghệ thông tin đang kết nối rộng rãi, đơn vị nào nợ thuế thì được liên kết với toàn hệ thống, sẽ gây khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hợp tác với các đối tác trong nước và nước ngoài. 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Theo ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa có thể thấy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước là cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần nêu rõ trách nhiệm chủ quan của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế lớn, kéo dài qua nhiều năm; báo cáo rõ việc khoanh nợ, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các khoản nợ liên quan và có đánh giá tác động cụ thể. Bên cạnh đó, việc xử lý nợ phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và đảm bảo điều kiện quy định hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Thực hiện xóa nợ thuế cần công khai, minh bạch, đảm bảo việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, giám sát của người dân. Việc xử lý nợ nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế./.

Lan Hương