ĐBQH TRẦN ANH TUẤN: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT VỀ TÌNH TRẠNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG HẠ TẦNG GIAO THÔNG XUỐNG CẤP NHANH

11/11/2019

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về tình trạng đa số các công trình xây dựng hạ tầng giao thông có chất lượng khá kém, nhiều công trình xuống cấp nhanh. Nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?

Cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi bị hư hỏng

Chất lượng công trình giao thông còn nhiều bất cập

Thời gian vừa qua, hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, sau khi nghiệm thu đi vào khai thác, các công trình này có biểu hiện hư hỏng, nhanh chóng xuống cấp. Có thể gọi tên một vài ví dụ như: Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, sau hơn 1 năm đưa vào khai thác, đoạn tuyến Km0+000 - Km65+000 đã xuất hiện tình trạng mặt đường hư hỏng cục bộ tại một số vị trí; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê có kinh phí gần 250 tỷ đồng do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, chiều dài hơn 10,8 km, khởi công tháng 5/2018 và mới hoàn thành tháng 6/2019. Tuy nhiên, ngày 03/9 vừa qua, dự án đã xuất hiện sụt lún khoảng 130 md (mét dài)…

Ngoài những sự cố nghiêm trọng vừa kể trên, thời gian qua, một số tồn tại về chất lượng công trình xảy ra cục bộ tại các dự án khác cũng gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành giao thông như hằn lún trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hư hỏng mặt cầu Thăng Long (Hà Nội)... Đặc biệt, sau nhiều lần sửa chữa với chi phí hàng trăm tỷ đồng nhưng mặt cầu Thăng Long vẫn xuất hiện nhiều sống trâu cao từ 3-5 cm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Không chỉ kém chất lượng, nhanh xuống cấp tại các công trình giao thông đường bộ, trong lĩnh vực hàng hải, đường thủy, nhiều công trình của ngành giao thông cũng gặp vấn đề về chất lượng công trình. Tiêu biểu phải kể đến việc sạt lở bờ tại Dự án Luồng sông Hậu, xói lở tại Dự án kênh Chợ Gạo… chỉ sau thời gian ngắn đưa vào khai thác.

Sụt lún tại Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê 

Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, từ năm 2015 đến nay, ngành Giao thông vận tải đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng 218 công trình. Mặc dù các công trình giao thông hoàn thành được đánh giá là đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thiết kế. Tuy nhiên, một nghịch lý là sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, một số lượng không nhỏ công trình giao thông lại xuất hiện khiếm khuyết về chất lượng công trình.

Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, những khiếm khuyết này không chỉ mất an toàn giao thông trước mắt mà có nguy cơ ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình, tốn phí hàng tỷ đồng để sửa chữa, hiệu quả khai thác sẽ bị giảm sút. Hơn thế nữa, thực trạng này cho thấy việc quản lý đầu tư của ngành giao thông đang rất lỏng lẻo, gây lãng phí ngân sách của nhà nước và nhân dân, làm mất lòng tin trong xã hội.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội

Nguyên nhân khiến chất lượng các công trình giao thông không đảm bảo có thể nằm ở tất cả các khâu trong suốt quá trình triển khai dự án, có thể là sai sót từ khâu khảo sát thiết kế, thẩm định hay thi công… Từ thực trạng các công trình giao thông tại Việt Nam bị xuống cấp trong thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, cho rằng sai sót chủ yếu nằm ở phần thi công, do năng lực yếu kém của nhà thầu thi công. Bên cạnh đó, một số công trình giao thông hiện nay thường được phân chia thành nhiều gói thầu và nhiều nhà thầu tham gia, kể cả một số nhà thầu nhỏ năng lực hạn chế đang gây ra nhiều khó khăn cho quản lý chất lượng dự án.

Hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật và hệ thống văn bản pháp luật quy định về chất lượng công trình nói chung và giao thông nói riêng khá đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những người thực hiện có tuân thủ hay không. Do đó, theo ý kiến một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, trong quá trình xử lý các sự cố về chất lượng công trình phải xử lý tới cùng, tìm ra nguyên nhân để quy trách nhiệm cá nhân, tập thể trực tiếp gây ra lỗi. Nếu cá nhân, tập thể nào sai đều phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, từ đó mới có tính chất răn đe, đảm bảo sự tuân thủ nghiêm chỉnh về chất lượng công trình.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể

Ngày 21/6/2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã có văn bản số 5876 trả lời chất vấn của Đại biểu Trần Anh Tuấn.

Tại văn bản trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã phân tích rõ nguyên nhân chủ quan dẫn đến hư hỏng, khiếm khuyết về chất lượng tại một số công trình giao thông là do ý thức và năng lực thi công của một số nhà thầu còn hạn chế, không tuân thủ theo quy định của thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các cam kết hợp đồng xây dựng; nhà thầu còn chậm trễ thực hiện trách nhiệm bảo hành trong việc khắc phục, sửa chữa các hư hỏng, khiếm khuyết về chất lượng công trình… Bên cạnh đó còn có nguyên nhân khác như ảnh hưởng của điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp, ảnh hưởng của mưa lũ, biến đổi thời tiết, khí hậu;…

Về trách nhiệm của các bên liên quan, phần lớn các công trình xuất hiện hư hỏng, khiếm khuyết về chất lượng nêu trên thường được phát hiện sau khi đưa công trình vào khai thác một thời gian ngắn và đang trong thời gian bảo hành công trình. Việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, khiếm khuyết thuộc trách nhiệm bảo hành của các nhà thầu theo quy định của hợp đồng xây dựng; các nhà thầu phải chịu mọi chi phí của việc bảo hành công trình. Đối với Chủ đầu tư, Ban QLDA, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 46 của Chính phủ, Chủ đầu tư, Ban QLDA có trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng công trình trong quá trình thực hiện đầu tư và kiểm tra, nghiệm thu việc thực hiện bảo hành của nhà thầu thi công xây dựng công trình; các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát chịu trách nhiệm liên quan về chất lượng công trình đối với phần công việc do mình thực hiện.

Để nâng cao chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra một số giải pháp cơ bản như: Bộ tiếp tục rà soát, cập nhật, chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản điều hành trong ngành giao thông vận tải cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn; tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đơn vị liên quan về chất lượng công trình giao thông; quản lý chặt chẽ vật liệu xây dựng dùng cho dự án; tăng cường áp dụng công nghệ, vật liệu mới cho các công trình;….

Khắc phục tình trạng các công trình giao thông xuống cấp

Các công trình giao thông hoàn thành mặc dù được đánh giá là đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thiết kế. Tuy nhiên, sau khi đưa vào khai thác, nhiều công trình giao thông đã xuất hiện khiếm khuyết về chất lượng. Vậy, những giải pháp Bộ Giao thông vận tải đưa ra có đảm bảo tính khả thi và vai trò, trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông vận tải trong lĩnh vực này cần được nhìn nhận như thế nào? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn về vấn đề này.

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh

Phóng viên: Thưa đại biểu, được biết tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Vậy xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, tôi đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông về vấn đề: Đa số các công trình xây dựng hạ tầng giao thông có chất lượng khá kém (trừ những công trình xây dựng có nhà đầu tư (nhà thầu) nước ngoài thực hiện). Hiện có nhiều công trình xuống cấp nhanh, chưa hết thời gian bảo hành đã bị “ổ voi, ổ gà, nhiều vết nứt,…. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, tránh gây lãnh phí nguồn lực Nhà nước, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng hạ tầng giao thông?”

Phóng viên: Sau khi nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu, ngày 21/6/2019 Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 5876 trả lời chất vấn của đại biểu. Đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Tôi cơ bản đồng tình với nội dung trả lời của Bộ Giao thông vận tải. Tại văn bản trả lời, Bộ đã có phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến thực trạng công trình xây dựng hạ tầng giao thông xuống cấp, đồng thời nêu trách nhiệm các bên liên quan trong việc để xảy ra tình trạng công trình hư hỏng, không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã đưa ra được nhiều giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình trong thời gian tới.

Phóng viên: Trong nội dung trả lời chất vấn, Bộ Giao thông vận tải đã phân tích nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của nhà thầu và đơn vị giám sát. Theo đại biểu, cần có giải pháp nào để thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất lượng công trình giao thông hiện nay?

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Tôi nghĩ rằng việc tuân thủ hợp đồng xây dựng các công trình là vô cùng quan trọng. Nếu như bất kỳ bên nào không tuân thủ đúng theo quy định tại hợp đồng phải có một cơ chế, chế tài xử lý rất là nghiêm minh. Trong trường hợp, trách nhiệm thuộc đơn cam kết trong hợp đồng thì những công trình sau những đơn vị này khó có khả năng trúng thầu. Ngay cả đối với Ban Quản lý dự án hay chủ đầu tư một mặt trách nhiệm hiện hữu đối với công trình đang thi công nhưng mặt khác những công trình sau này cũng không nên giao cho Ban Quản lý, chủ đầu tư được phép thực hiện nếu đã xảy ra sai sót. Phải xử lý nghiêm minh tránh tình trạng không làm tốt ở công trình này mà lại được trúng thầu các công trình khác.

 Phóng viên:Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng Bộ Giao thông vận tải  vẫn để xảy ra sai sót, thậm chí nghiêm trọng đối với nhiều công trình giao thông. Đại biểu đánh giá gì về trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải?

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Tôi cho rằng, Bộ Giao thông vận tải có một phần trách nhiệm và đã có nhận trách nhiệm trong việc giám sát và quản lý nhà nước đối với các công trình giao thông xuống cấp, hư hỏng. Bộ trưởng cũng đã trả lời, đã nhận trách nhiệm, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục vấn đề này trong thời gian tới.

 Phóng viên:Theo đại biểu, vai trò chỉ đạo điều hành của người đứng đầu ngành giao thông vận tải cần được nhìn nhận như thế nào?

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Vai trò của người đứng đầu ngành giao thông vận tải vô cùng quan trọng. Tư lệnh ngành cũng rất thẳng thắn, trách nhiệm và quyết tâm xử lý các vấn đề bất cập xảy ra. Với tinh thần đó, tôi hy vọng Bộ trưởng sẽ phát huy vai trò và làm tốt hơn nữa trong thời gian tới./.

Phóng viên:Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Cơ bản đồng tình với nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao tinh thần cầu thị, trách nhiệm của Bộ khi đã phân tích, chỉ rõ nguyên nhân cũng như nêu lên trách nhiệm của các bên liên quan trong việc để xảy ra tình trạng các công trình xây dựng hạ tầng giao thông chất lượng kém, nhanh xuống cấp. Đại biểu kỳ vọng, với quyết tâm chính trị cao những giải pháp do Bộ đã ra sẽ đem lại hiệu quả trên thực tế, khắc phục triệt để tình trạng chất lượng công trình kém, nhanh xuống cấp./.

Lê Anh