GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: MINH BẠCH KHI LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ DỰ ÁN CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ LONG THÀNH

12/11/2019

Theo chương trình, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 1, liên quan đến hình thức đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng và việc bố trí quỹ đất tái định cư phục vụ dự án. Theo ý kiến của một số đại biểu, việc lựa chọn hình thức đầu tư cần công khai minh bạch, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Được kỳ vọng sau khi đưa vào khai thác, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ giảm quá tải Sân bay Tân Sơn Nhất

- Ùn ứ, liên tục điều chỉnh các tuyến bay.

- Tắc nghẽn vận tải chuyên trở dưới mặt đất.

Đó là tình trạng diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại Sân bay Tân Sơn Nhất, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê số lượt chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trung bình đạt hơn 700 chuyến bay/ngày. Năng lực thông qua đường cất hạ cánh đang được điều phối 44 chuyến bay/giờ, tức trung bình cứ 1 phút 20 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh. Công suất thiết kế 25 triệu khách/năm nhưng đến năm 2018, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đón 38,5 triệu lượt khách. Yêu cầu cấp bách và cần thiết là xây dựng thêm một cảng hàng không nhằm giảm tải cho Sân bay Tân Sơn Nhất.

Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 94 ngày 25/6/2015 thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tại tỉnh Đồng Nai.

Theo quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được quy hoạch đạt cấp 4F – cấp cao nhất theo xếp hạng của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực. Cảng có tổng diện tích 5.000 ha, có tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 là 111.689 tỷ đồng, tương đương: 4,779 tỷ USD. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự kiến Cảng hàng không quốc tế Long Thành phục vụ khoảng 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Nghị quyết số 49 năm 2010 Quốc hội Khóa 12 về dự án, công trình quan trọng quốc gia thì trường hợp dự án, công trình có tổng vốn đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện kéo dài trong nhiều năm thì Quốc hội có thể xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chung. Sau đó, trên cơ sở dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi), Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư cụ thể. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã trình bày Tờ trình về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Trong đó, Chính phủ trình và kiến nghị Quốc hội cho ý kiến về 04 nội dung chính, gồm:

-        Chấp thuận hình thức đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

-        Điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên 1.810 ha.

-        Điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha để đất xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung cho nhiệm vụ quốc phòng và dân dụng.

-        Chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ số 01 và 02 vào Dự án để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.

Do đây là công trình lớn, quan trọng quốc gia dự án, có tổng vốn đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện kéo dài trong nhiều năm, hàng chục nghìn hộ dân phải di dời đến nơi ở mới… nên nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và cử tri cả nước. Một trong 4 nội dung Chính phủ đề xuất đó là chỉ định Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành thay vì đấu thầu công khai.

Trình bày Tờ trình Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long thành giai đoạn 1, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu, phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Do đó, việc giao Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) đầu tư, khai thác Cảng cần phải được Quốc hội thông qua. Trường hợp, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ mất thêm thời gian khoảng 1,5-2 năm, trong khi ngoài ACV, khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng an ninh và lợi ích quốc gia đối với một Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ, quan trọng quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành).

Theo lý giải của Chính phủ, nếu tiến hành theo các bước của Luật đấu thầu, thì dự kiến đến năm 2022 mới có thể khởi công dự án. Như vậy sẽ không đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2025 hoàn thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 1 của dự án. Mặc dù, đề xuất này của Chính phủ vẫn đang được Quốc hội cho ý kiến, tuy nhiên theo ý kiến của nhiều chuyên gia giao thông, dù chỉ định thầu hay đấu thầu rộng rãi cũng cần đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch trong các khâu của dự án. Đặc biệt, việc lựa chọn nhà thầu phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý; đồng thời đảm bảo vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia, hiệu quả đầu tư, có năng lực quản lý vận hành cảng hàng không.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy

Ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông nêu quan điểm: Muốn đảm bảo an ninh, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm cho xã hội, quản lý chặt chẽ, sát sao và hiệu quả thì phải có sự cạnh tranh và cạnh tranh đó là phải đấu thầu. Ví dụ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam nếu giỏi có thể đấu thấu, nếu thắng thầu thì cũng chứng minh được năng lực. Không nên chỉ định thầu, vì có thể dẫn tới nhiều bất lợi.

Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên tin rằng Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ đề xuất giải pháp phù hợp, nhưng cần cố gắng tránh chỉ định thầu. Còn không tránh được thì giải quyết như thế nào? Các bộ, các ngành cần làm cho dân rõ, cho đại biểu rõ, thông suốt về lý do tại sao chỉ định thầu. Chúng tôi cho rằng cần có căn cứ khoa học, căn cứ luật pháp, quy định về đấu thầu xây dựng cơ bản.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên

Trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Chính phủ trình đề xuất điều chỉnh trong số 1.050 ha đất quốc phòng, có 570 ha dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha dùng chung giữa quân sự và dân sự (đường cất hạ cánh số 4 và đường lăn). Nhiều ý kiến cho rằng, việc dùng chung diện tích đất này vừa bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, vừa bảo đảm thực hiện kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng. Tuy nhiên,  theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam, hiện chưa có quy định nào về đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng. Do vậy, Chính phủ cũng cần làm rõ căn cứ trước khi đưa vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

Theo báo cáo Nghiên cứu khả thi, Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành phấn đấu đạt tiến độ như Nghị quyết của Quốc hội giao là hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025, tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cũng như chuyên gia giao thông bày tỏ băn khoăn hoài nghi về tiến độ hoàn thành. Bởi sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, Chính phủ tiếp tục phải tiến hành lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án, sau đó mới khởi công. Ngoài ra, công tác đền bù giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 của Quốc hội đang được UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện. Tuy nhiên, tính đến tháng 08/2019, việc giải ngân mới chỉ đạt 1,07% (khoảng 123 tỷ đồng) mức vốn được giao. Với tiến độ thu hồi đất khó bảo đảm, sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ của Dự án, do vậy, Chính phủ cần có các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt để Dự án hoàn thành đúng tiến độ khi đã được Quốc hội thông qua.

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Nghị quyết số 94/2015 của Quốc hội đã nêu rõ mục tiêu xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Quy mô của Dự án dự kiến đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm, chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 của dự án. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cần làm gì để đẩy nhanh tiến độ; sử dụng hiệu quả quỹ đất; cũng như lựa chọn hình thức đấu thầu phù hợp. Vậy quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào? Mời quý vị cùng theo dõi cuộc phỏng vấn của Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, về nội dung này:

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp này Quốc hội dự kiến cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, trong đó Chính phủ đề xuất Quốc hội phương án đầu tư chỉ định thầu thay vì đấu thầu công khai. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Tôi nghĩ việc chỉ định thầu là một trong những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ của công trình đó. Nếu chúng ta thực hiện đầy đủ các khâu theo Luật đấu thầu thì thời gian có thể sẽ kéo dài. Tuy nhiên, nếu chỉ định thầu cũng cần theo đúng quy trình thực hiện và được đúng cấp thẩm quyền có liên quan thực hiện. Các nhà đầu tư được chỉ định phải có năng lực về nhân lực, công nghệ, tài chính… Ngoài ra, trong quá trình chỉ định thầu cũng cần công khai, minh bạch để người dân và các tổ chức liên quan giám sát việc chỉ định đó.

Phóng viên: Trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án này, Chính phủ cũng đề xuất điều chỉnh từ 1.050 ha đất dành cho quốc phòng xuống còn 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung (đường băn) giữa quốc phòng và dân dụng. Trong Luật Đất đai 2013 chưa có quy định nào về đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng và không quy định đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý vận hành. Ý kiến của đại biểu về đề xuất này của Chính phủ?

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Tôi nghĩ đề xuất của Chính phủ cũng khá hợp lý, mặc dù trong Luật Đất đai năm 2013 không quy định rõ về vấn đề này, Tuy nhiên, chúng ta có giải pháp linh hoạt, mà thẩm quyền để quyết định thì thuộc về Quốc hội. Nếu phân tích, mổ xẻ vấn đề này tôi cho rằng đề xuất này cũng hợp lý, vì khi dành quỹ đất cứng cho quốc phòng để xây dựng các nơi để đảm bảo an ninh hàng không, nhưng khi không sử dụng hết có thể linh hoạt sử dụng vào mục đích dân dụng. Đây là giải pháp Chính phủ đã có phân tích và lý lẽ khá thuyết phục để sau này sử dụng linh hoạt. Nếu khi nào Quốc phòng cần thì có thể sử dụng.

Phóng viên: Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 1. Theo đại biểu các bộ, ngành, địa phương liên quan cần làm gì để đảm bảo tiến độ như kiến?

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Chúng ta cũng cần gấp rút triển khai và tạo sự đồng thuận cao, huy động toàn bộ lực lượng vào, kể cả những sự phối hợp giữa các bộ ngành trung ương kịp thời để từng giai đoạn, từng dự án thành phần triển khai nhanh, đúng tiến độ. Đặc biệt khâu giải phóng mặt bằng chúng ta cũng thấy có một số vấn đề phát sinh về công trình đầu tư, quy mô đầu tư, thay đổi một số tuyến đường, cần có tuyên truyền, thuyết phục để người dân đồng thuận, thấu hiểu cơ chế chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng, để có mặt bằng sạch giao cho đơn vị thi công. Nếu làm khẩn trương và sự phối hợp chỉ đạo kịp thời từ các bộ ngành trung ương để có mặt bằng đưa vào xây dựng thì tiến độ đến năm 2025 mới có thể đạt được. Nếu triển khai chậm khâu giải phóng mặt bằng thì sẽ chậm tiến độ của các khâu sau. Hoặc việc triển khai không theo tiến độ đề ra thì cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng của công trình sau này.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Được kỳ vọng sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ trở thành cảng hàng không trung chuyển lớn nhất Đông Nam Á và giảm tải cho Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều nhưng khối lượng công việc cần giải quyết rất lớn. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu thì việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Dự thảo Nghị quyết lại đưa nội dung chỉ định thầu để Quốc hội quyết định. Đây là điều chưa có tiền lệ nên đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng cần có sự minh bạch, công khai trong tất cả các khâu của dự án từ giải phóng mặt bằng, lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, đặc biệt công tác giám sát, quản lý cần tiến hành chặt chẽ, để tránh những sự cố đáng tiếc đã xảy ra ở nhiều dự án trong thời gian qua./.

Lan Hương