ĐẠI BIỂU NGUYỄN QUANG DŨNG CHẤT VẤN VỀ GIẢI PHÁP XỬ LÝ RÁC THẢI RẮN

27/11/2019

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 22, Quốc hội Khoá XIV, Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về giải pháp xử lý rác thải. Theo đại biểu Nguyễn Quang Dũng, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, chất thải rắn ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng, tuy nhiên việc xử lý ở nhiều địa phương (bao gồm cả thành thị và nông thôn) chưa tốt gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho người dân.

Bãi chôn lấp rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đã quá tải

Nhiều bãi xử lý rác trong tình trạng quá tài

Đi vào hoạt động từ năm 1999 và là nơi tập kết và xử lý rác thải lớn nhất Hà Nội, bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đã và đang nằm trong tình trạng quá tải. Dù với diện tích hơn 80 ha, nhưng do hàng ngày phải tiếp nhận tới 5.000 tấn rác thải của các quận nội thành Hà Nội nên nhiều năm trở lại đây, các hố chôn lấp rác luôn phải hoạt động quá công suất. Theo quyết định số 609 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch quản lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội, đến năm 2020 Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn có công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt khoảng 4.500 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện nay, công suất tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt tại đây đã lên tới 5.000 tấn/ngày. Còn Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, theo quy hoạch đến năm 2020, công suất xử lý khoảng 700 tấn/ngày đêm, tuy nhiên hiện nay đã phải tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt vào trên 1.000 tấn mỗi ngày.

Thống kê của ngành chức năng cho thấy, tổng khối lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay khoảng 6.500 tấn/ngày. Tuy nhiên do một số khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt cấp huyện bằng phương pháp chôn lấp đã đầy và đóng cửa, vì thế lượng rác thải sinh hoạt của Hà Nội được phân luồng tập trung chủ yếu về 2 khu xử lý chính là Nam Sơn và Xuân Sơn. 90% lượng rác đưa về đây được xử lý bằng phương thức chôn lấp, còn lại là phương thức đốt và hầu như chưa có nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao. Đáng chú ý, cả 2 bãi rác chủ lực của thành phố Hà Nội là Nam Sơn và Xuân Sơn đều đã hoạt động quá tải. Do đó, khi một trong hai bãi rác của Thành phố gặp sự cố dường như rác lại ùn ứ trong nội thành. Đơn cử là vào tháng 1 và tháng 7 năm 2019, người dân Hà Nội đã phải liên tiếp hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ các bãi rác thải ùn ứ lâu ngày tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Nguyên nhân là do người dân huyện Sóc Sơn chắn đường không cho xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn.

Bà Nguyễn Thị Thùy Ninh: Khối lượng phát sinh rác rất lớn, thành phần rác phức tạp

Phó Phòng điều hành sản xuất, Công Ty Môi trường Đô thị Hà Nội Nguyễn Thị Thùy Ninh cho biết: Đô thị đang trong quá trình đô thị hóa mạnh, đông dân nhập cư nên khối lượng phát sinh rác rất lớn, thành phần rác phức tạp, trong đó tỷ trọng rác hữu cơ cao chiếm 60% và cũng chưa có giải pháp phân loại rác từ đầu nguồn khiến cho việc thu gom, xử lý còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, thiếu quỹ đất nên việc quy hoạch các điểm tập kết rác thải phế liệu xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế cả về số lượng điểm và quy mô một điểm. Trên thực tế cũng chưa có cơ chế quản lý, thu gom rác thải cồng kềnh (giường tủ, bàn, ghế hỏng thải bỏ sau khi sử dụng) nên thường bị đổ trộm và đốt.

Không riêng gì Hà Nội, nhiều đô thị khác cũng trong tình trạng khủng hoảng chôn lấp rác. Đơn cử như bãi rác Khánh Sơn, thành phố Đà Nẵng. Sau gần 30 năm hoạt động, bãi rác này đã quá sức chịu đựng, gây nhiều hệ lụy với môi trường sống. Nhiều lần, người dân đã xuống đường chặn xe chở rác ra vào bãi. Cả chục cuộc đối thoại giữa chính quyền và người dân diễn ra suốt nhiều năm cũng chưa tìm được lời giải.

Tại khu vực nông thôn, cùng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội và sự gia tăng về dân số, khối lượng chất thải sinh hoạt, sản xuất cũng tăng lên nhanh chóng. Nhiều địa phương do chưa có quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải rắn nên đã hình thành tự phát các bãi rác tạm với quy mô diện tích từ vài chục m2 đến vài trăm m2. Các bãi rác phần lớn tận dụng các vùng đất trũng, ao, hồ, không thực hiện phân loại chất thải, không lót đáy, không có hệ thống thu gom, không xây dựng tường bao ngăn cách nên đã gây ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí nghiêm trọng và luôn trong tình trạng quá tải.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày có khoảng gần 40.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh ở khu vực nông thôn, song tỷ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 40 – 55%. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 11/2016, cả nước có 35 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung, tuy nhiên công nghệ xử lý hầu như chưa thật sự hiện đại, xử lý không đồng bộ, một số chất thải chỉ áp dụng công nghệ tiền xử lý, xử lý sơ bộ bước đầu, chưa giải quyết triệt để việc xử lý rác. Số lượng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt có khoảng 50 lò đốt, nhưng đa số là các lò đốt cỡ nhỏ, lạc hậu và ảnh hưởng tới môi trường. Ngoài ra, 660 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, nhưng mới chỉ có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Các loại nhựa khi chôn xuống phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy

Các chuyên gia nhận định: Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở Việt Nam hiện nay khoảng 25,5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên do không phân loại rác được ngay từ đầu nguồn nên việc áp dụng công nghệ cao khó thành công. PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng do không phân loại rác từ đầu nguồn nên các loại nhựa khi chôn xuống phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Tuy nhiên, phương pháp chôn lấp không chỉ tốn diện tích mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, không khí nghiêm trọng. Do vậy, cần làm tốt khâu phân loại rác tại nguồn. Ngoài ra, bài toán kinh tế là rác thải không phải bỏ đi tất cả mà có thể tận dụng, rác thải của ngành nghề này có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác.

Trong khi mới đây, biển nước bao quanh các ngôi nhà sau khi siêu bão đổ bộ vào miền Trung Nhật Bản nhưng không hề mang theo bất cứ một cọng rác nào thì tại Việt Nam vấn đề quản lý và xử lý rác thải vẫn đang là bài toán đau đầu từ cấp cơ sở cho tới Trung ương. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, Việt Nam đang mất khoảng 69 triệu đô la Mỹ thu nhập từ ngành du lịch do hệ thống xử lý vệ sinh kém, trong đó có xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt. Môi trường ô nhiễm, không chỉ làm mất cảnh quan, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, mà còn là nguyên nhân làm cho tình hình dịch bệnh của cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế cũng như sự phát triển xã hội.

Chính phủ trả lời chất vấn

Ngày 02/04/2018, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký văn bản số 421 trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Quang Dũng.

Văn bản nêu rõ: Trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn và khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ dự án đầu tư xử lý chất thải rắn. Công tác quy hoạch cũng được Thủ tướng Chính phủ và địa phương quan tâm, tổ chức lập và phê duyệt theo thẩm quyền, làm cơ sở để kêu gọi đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn cũng như việc thực hiện tốt hơn công tác quản lý chất thải rắn.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua vẫn còn có sự bất cập trong quản lý chất thải rắn, chưa thống nhất và đồng bộ trong quản lý chất thải từ Trung ương tới địa phương; hiệu lực, hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt chưa cao; xu hướng, mức độ phát sinh chất thải rắn đang tiếp tục gia tăng, nhất là chất thải rắn sinh hoạt ở các khu vực đô thị.

Nguyên nhân chủ yếu do chưa có chế tài áp dụng và đồng bộ cho các công đoạn thu gom, xử lý chất thải rắn tại nguồn, ở các đô thị loại IV và V, công tác thu gom vẫn chưa được cải thiện nhiều do nguồn lực còn hạn chế, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang áp dụng ở nước ta ngày càng đa dạng nhưng hiệu quả thực tế chưa được tổng kết, đánh giá đầy đủ.

Về giải pháp:  Văn bản trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng nêu rõ: Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cụ thể:

- Kiện toàn hệ thống tổ chức phục vụ công tác bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

- Tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý chất thải rắn nhằm thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn và quản lý một cách đồng bộ, hiệu quả; ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về mô hình xử lý chất thải phù hợp, theo hướng giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng, thu năng lượng từ chất thải phù hợp với điều kiện Việt Nam. 

- Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, xử lý chất thải rắn, nguồn ngân sách Nhà nước, quỹ bảo vệ môi trường, vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tiếp tục tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn và áp dụng cơ chế giá dịch vụ công trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm.

- Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các biện pháp chế tài nghiêm khắc, phù hợp với các hành vi vi phạm quy định về thu gom, xử lý chất thải rắn tại nguồn theo từng công đoạn. Bên cạnh đó, tăng cường nghiên cứu khoa học, hiện đại hoá công nghệ và sản xuất thiết bị tái chế, xử lý chất thải rắn. Định hướng các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện của các vùng miền, địa phương và điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội.

Quản lý, xử lý rác thải rắn đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc và đồng bộ 

Hiện các bãi rác trong cả nước đang quá tải và sắp “đóng cửa”, phần lớn các tỉnh, thành phố vẫn loay hoay trong việc quy hoạch các điểm chôn lấp chất thải rắn, xây dựng và đầu tư trang thiết bị thu gom và xử lý rác. Vậy giải pháp nào đạt hiệu quả cao trong việc thu gom, xử lý rác thải rắn trong thời gian tới? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội có cuộc phỏng vấn với đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam về vấn đề này:

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng: Tăng cường quản lý nhà nước đối với chất thải rắn

Phóng viên: Thưa đại biểu, Nguyễn Quang Dũng, được biết tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 22, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có văn bản chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Vậy cụ thể nội dung đại biểu đã chất vấn là gì?

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: Tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi có gửi câu hỏi chất vấn đến Thủ tướng Chính phủ về vấn đề xử lý rác thải rắn ở cả thành thị và nông thôn của nước ta hiện nay. Những năm qua, dù việc thu gom, xử lý rác đã được triển khai mạnh mẽ nhưng để đạt hiệu quả cao, bền vững trong công tác này thì vẫn đang là vấn đề đặt ra. Dư luận, người dân, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý và thu gom xử lý rác thải vì xu hướng rác ngày càng gia tăng và thành phần rác cũng phức tạp.

Phóng viên: Với vai trò là đại biểu dân cử, đại biểu có ý kiến như thế nào về nội dung trả lời của Chính phủ?

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: Ngày 02/04/2018, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản số 421 trả lời chất vấn vấn đề tôi đặt ra. Tôi rất hài lòng với nội dung trả lời của Chính phủ. Trong văn bản trả lời chất vấn, Chính phủ đã thể hiện tinh thần cầu thị, nội dung trả lời đầy đủ và kịp thời chất vấn của đại biểu. Đặc biệt, Chính phủ đã khái quát thực trạng, từ đó đưa ra những giải pháp tổng thể nhằm xử lý vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện việc thu gom, xử lý rác thải rắn của nước ta còn đang gặp những khó khăn, thách thứ gì?

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam:

Ở Việt Nam, mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay khoảng 25,5 triệu tấn/năm. Mặc dù đã có những bước tiến đáng ghi nhận song công tác quản lý chất thải rắn hiện vẫn còn nhiều tồn tại. Phần lớn loại rác thải đang được xử lý theo phương pháp thủ công bằng cách đốt hoặc chôn lấp. Nhưng các nhà máy xử lý rác thải bằng phương pháp đốt cũng đã lạc hậu, việc triển khai các nhà máy xử lý rác công nghệ tiên tiến hơn thì lại gặp quá nhiều vướng mắc. Một phần do cơ chế chính sách, một phần do người dân địa phương phản đối.

Công tác thu gom rác với quy mô còn nhỏ, phương tiện xe gom không đủ, thô sơ và không đúng quy cách, thời gian thu gom cũng không thống nhất ở nhiều vùng nông thôn, miền núi. Nhiều địa phương, việc thu gom, vận chuyển rác mới chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, hiệu quả còn thấp. Đáng chú ý là rác thải chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác, gây ô nhiễm môi trường và khiến dư luận bức xúc.

Việc thu gom xử lý rác thải hạn chế không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, mà để lại hệ lụy lâu dài cho nhiều thế hệ sau, nhất là những loại rác phải có thời gian phân hủy hàng trăm năm như rác thải nhựa. Ngoài ra, hệ thống chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn còn chưa đầy đủ, chồng chéo. Việc tổ chức, phân công trách nhiệm về chất thải rắn vẫn còn phân tán và thiếu sự thống nhất, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện. Công tác xã hội hóa còn yếu, chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư. Vấn đề nhân lực và năng lực quản lý, thực thi của các đơn vị, đặc biệt ở cấp địa phương cũng còn nhiều bất cập; Cán bộ môi trường hầu hết là kiêm nhiệm, chưa được quan tâm trong đào tạo, nâng cao kỹ năng chuyên môn. Vấn đề thu phí và lệ phí trong quản lý chất thải rắn nông nghiệp, làng nghề cũng đang là bài toán đặt ra.

Phóng viên: Đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý rác thải rắn hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy, họ đã tận dụng hiệu quả rác thải, biến rác thải thành tài nguyên, mang lại giá trị kinh tế lớn. Ở nước ta, với hơn 90 triệu dân, mỗi năm lượng rác thải ở gia tăng thêm 10%, nếu như số lượng rác này được tái chế và tái sử dụng, Việt Nam có thể tiết kiệm được một lượng tài nguyên lớn. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với chất thải rắn. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn. Cải thiện cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp tham gia quản lý,xử lý chất thải rắn. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý chất thải rắn phù hợp. Cùng với đó, thực hiện các biện pháp phân loại rác tại nguồn. Tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể thấy được trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Dự báo, các phế phẩm, rác thải ngày càng đa dạng hơn về thành phần và chủng loại và đặc biệt là các thành phần khó phân hủy thì áp lực lên môi trường khi không được xử lý tăng lên rất đáng kể. Trong khi đó, Quyết định 491 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn mục tiêu đến 2025, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý; 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung. Tuy nhiên, để làm được điều này trong 5-6 năm tới đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc và đồng bộ từ các bộ, ngành trung ương xuống địa phương, trong đó vai trò của chính quyền các cấp, vai trò của mỗi cá nhân, cộng đồng dân cư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng./.

Lê Phương