ĐBQH TRẦN THỊ DIỆU THÚY: NGHIÊN CỨU, XEM XÉT QUY ĐỊNH CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG THEO HƯỚNG ĐƠN GIẢN HƠN

05/12/2019

Cho ý kiến tại Phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy- Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đề nghị nghiên cứu, xem xét quy định cấp giấy phép xây dựng theo hướng đơn giản hơn; bổ sung quy định hướng dẫn đối với công trình sửa chữa, cải tạo.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy cho ý kiến

Cho ý kiến tại Phiên thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy đánh giá Luật Xây dựng năm 2014 đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thị trường bất động sản, chất lượng, phát triển đô thị và các công trình xây dựng nhà ở. Nhưng sau hơn 4 năm thực hiện, Luật Xây dựng đã bộc lộ một số hạn chế không còn phù hợp nên rất cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng với các nội dung được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật lần này vẫn chưa tháo gỡ được toàn diện, triệt để các vấn đề khó khăn, bất cập hiện nay trong lĩnh vực xây dựng. Do đó, đại biểu đề xuất rà soát lại quy định các luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch để đảm bảo không chồng chéo. Vì nếu sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng mà không sửa đổi các luật có liên quan sẽ không giải quyết được hết những vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng.

Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét quy định cấp giấy phép xây dựng theo hướng phải đơn giản hơn để thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Quy trình cấp giấy phép xây dựng phải bao gồm trong đó cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật. Vì theo pháp luật xây dựng hiện nay, quy định này đang tách thành 3 quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, quy trình thẩm định thiết kế kỹ thuật và quy trình cấp giấy phép xây dựng là chưa phù hợp. Đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 78, khoản 3 Điều 82, khoản 4 Điều 91 theo hướng tích hợp quy trình cấp giấy phép xây dựng. Đồng thời với công tác thẩm định thiết kế cơ sở phân cấp và giao quyền cho cơ quan chuyên môn về xây dựng là Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và cấp giấy phép xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn, trừ công trình cấp đặc biệt, công trình theo tuyến hoặc công trình có liên quan đến 2 tỉnh, công trình có ảnh hưởng đến an toàn, lợi ích cộng đồng. Trong trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng là Sở Xây dựng có đề nghị thì Bộ Xây dựng thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở công trình xây dựng nhằm hỗ trợ một số Sở Xây dựng chưa đảm bảo năng lực thẩm định thiết kế xây dựng công trình cấp 1 hoặc công trình có kỹ thuật phức tạp. Về lâu dài, đại biểu đề nghị xã hội hóa công tác thẩm định thiết kế cơ sở, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm ban hành quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế và thực hiện công tác hậu kiểm để nâng cao vai trò và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng. Bộ Xây dựng chỉ thẩm định thiết kế cơ sở đối với công trình đặc biệt hoặc có ảnh hưởng đến an toàn, lợi ích cộng đồng.

Đối với quy định chung về cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng tại Điều 89, đại biểu phân tích Khoản 2 Điều 89 quy định 10 trường hợp công trình được miễn giấy phép xây dựng, trong đó có nhà ở thuộc dự án nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2 đã quy hoạch 1/500 và thiết kế mẫu nhà. Đại biểu cho rằng, quy định này chưa phù hợp thực tế và chưa hợp lý. Ví dụ, nhà liên kế có diện tích xây dựng 100 m2 có 7 tầng, bao gồm tầng hầm thì tổng diện tích sàn khoảng 700 m2 trên 500 m2 sàn và mỗi nhà đều phải xin giấy phép xây dựng thì làm tăng khối lượng công việc cho cơ quan nhà nước, do đó không cần thiết cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trong dự án. Từ phân tích đó, đại biểu đề nghị sửa khoản 2 Điều 89 theo hướng bổ sung các trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng như sau: đối với các công trình đã được Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và đã được chủ đầu tư thẩm định thiết kế kỹ thuật; các công trình kỹ thuật, công trình xây dựng thuộc các dự án nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng đã được thẩm định thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và đã được chủ đầu tư thẩm định thiết kế kỹ thuật; các công trình xây dựng nhà ở đơn lẻ, nhà liên kế, biệt thự trong dự án nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở; các công trình xây dựng nhà ở đơn lẻ của cá nhân, hộ gia đình trong đô thị đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Điểm c khoản 2 Điều 89 cần xem xét bổ sung quy định hướng dẫn đối với công trình sửa chữa, cải tạo để có cơ sở thực hiện và quản lý theo đúng quy định vì thực tế có những trường hợp đề nghị cấp giấy phép xây dựng để tháo dỡ công trình cũ, xây dựng lại công trình mới nhưng chủ đầu tư chỉ sửa chữa, cơi nới trên phần diện tích hiện trạng cũ, bỏ qua công tác khảo sát, kiểm định, đánh giá khả năng chịu lực của kết cấu hiện trạng công trình để có phương án gia cố, thi công thích hợp nên rất nguy hiểm trong quá trình thi công và cho người sử dụng. Ngược lại, thực tiễn có nhiều trường hợp người dân nâng nền, nâng mái sửa sàn gỗ, thành sàn bê tông cốt thép nhưng không ảnh hưởng đến an toàn của kết cấu công trình, nhưng khi hoàn công thì căn cứ giấy phép ghi nội dung xin phép tháo dỡ công trình cũ, xây dựng lại công trình mới, không làm được thủ tục hoàn công theo quy định. Vì vậy, điểm c khoản 2 nên chỉnh sửa như sau: "Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình tự sửa chữa mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc, nội dung sửa chữa cải tạo bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực của công trình phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường và an toàn phòng, chống cháy nổ. Trường hợp sửa chữa có thay đổi kết cấu chịu lực đề nghị có quy định trong luật để giải quyết nhu cầu người của người dân".

Ngoài ra, đại biểu đề nghị phải xem xét cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, tại các đô thị lớn cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, cần bổ sung quy định hướng dẫn thực hiện việc phân định khu vực nông thôn và khu vực đô thị, làm rõ khái niệm đô thị là đô thị hiện hữu hay đô thị phát triển mới để người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quyền và trách nhiệm của mình theo đúng quy định./.

Hồ Hương