ĐBQH TÔ VĂN TÁM: CHẤT VẤN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TÁI CƠ CẤU NỀN KINH TẾ, ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG

14/01/2020

Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình kinh tế tăng trưởng giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng vẫn còn chậm, sức cạnh tranh của nền kinh tế doanh nghiệp và sản phẩm vẫn còn yếu so với các nước. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tun đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về giải pháp tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

Tái cơ cấu kinh tế còn chậm

Theo báo cáo về nghiên cứu “Đánh giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 -2020” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các chương trình cơ cấu nền kinh tế đặt mục tiêu vào 3 trọng tâm chiến lược và đã đạt được những kết quả nhất định như: Tái cơ cấu đầu tư, giúp đầu tư xã hội đạt mục tiêu đề ra, tăng mạnh đầu tư tư nhân; hiện tình trạng sở hữu chéo về cơ bản đã được xử lý, giảm từ 56 cặp sở hữu chéo năm 2012 xuống chỉ còn 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau; việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém cũng đã được triển khai tích cực, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng được cải thiện, bình quân đạt 12,08%; nợ xấu được xử lý một bước và thực chất hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì tái cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mối mô hình tăng trưởng giai đoạn vừa qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế.  Đến nay, cơ cấu đầu tư vẫn chưa đồng đều, đầu tư vẫn chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải kho bãi, trong khi một số lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bảo hiểm lại giảm xuống; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhưng số lượng và chất lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa và thoái vốn vẫn còn rất chậm so với mục tiêu đề ra.

 Ts. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế 

Phân tích về những tồn tại này, TS.Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân chính thức trong nước còn quá nhỏ, tăng trưởng chưa nhanh, chưa khẳng định đúng vai trò của mình; trong khi khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn chiếm nguồn lực rất lớn. Vì vậy, để tạo sự tương tác, hỗ trợ giữa các thành phần kinh tế, tạo thành nền kinh tế thống nhất đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp phù hợp. Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất, định hình mô hình tăng trưởng kinh tế mới.

Dù đã chuyển sang nền kinh tế thị trường với rất nhiều cải cách về thể chế nhưng chất lượng của thể chế kinh tế thị trường chưa cao và chưa đồng đều ở các ngành nghề, lĩnh vực; thị trường chưa thực sự là cơ sở, căn cứ để huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển. Hơn nữa, tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng đã làm được nhiều việc và đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng việc “gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng” chưa thực sự rõ nét. Một mô hình tăng trưởng mới dựa trên tăng năng suất lao động, trình độ công nghệ - kỹ thuật sản xuất cao chưa được hình thành. Vì vậy, theo ý kiến nhiều chuyên gia, cần nhanh chóng tháo gỡ triệt để những điểm nghẽn này trong quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mô hình tăng trưởng giai đoạn vừa qua đã đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn chậm. Cạnh tranh của nền kinh tế, cạnh tranh doanh nghiệp, sản phẩm còn yếu so với các nước phát triển.

Về những giải pháp đột phá, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Trước hết, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chứng tỏ nguồn tăng trưởng tốt hơn nữa bởi đây chính là nền tảng cho sự phát triển. Như vậy cần phải làm tốt ba khâu: thể chế pháp luật; nguồn nhân lực và đặc biệt là hạ tầng chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh cần tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế, tái cơ cấu. Trong đó, nhà nước tạo thuận lợi về thủ tục gia nhập thị trường, rút khỏi thị trường. Nhà nước can thiệp thị trường bằng công cụ kinh tế, không bao cấp cho sự yếu kém, không bao cấp tràn lan.

“Nhà nước phải có biện pháp mạnh hơn nữa, tốt hơn nữa trong quá trình tái cơ cấu, diễn ra nhanh hơn một số lĩnh vực trong các lĩnh vực chúng ta đã xác định, như doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng, đầu tư công và nhất là tái cơ cấu các ngành kinh tế, các doanh nghiệp” - Thủ tướng Chính phủ NGuyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đánh giá cao phần trả lời của Thủ tướng Chính phủ

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình kinh tế tăng trưởng giai đoạn vừa qua vẫn còn chậm. Nguyên nhân được xác định là do điểm nghẽn về thể chế pháp luật; nguồn nhân lực và hạ tầng chất lượng cao. Vậy những giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV liệu có giải quyết được những điểm nghẽn này? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc phỏng vấn với đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, về nội dung này:

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum

Phóng viên:  Cảm ơn đại biểu đã trả lời phỏng vấn. Thưa đại biểu, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIV, là một trong nhiều đại biểu đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Xin đại biểu cho biết nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, tôi đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về nội dung: Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình kinh tế tăng trưởng giai đoạn vừa qua đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn chậm. Sức cạnh tranh của nền kinh tế doanh nghiệp và sản phẩm vẫn còn yếu so với các nước. Chúng ta có rất ít doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Thủ tướng còn hơn 1 năm nữa là hết nhiệm kỳ. Thủ tướng dự kiến sẽ có giải pháp đột phá gì để cải thiện thực trạng trên?

Phóng viên:  Xuất phát từ thực tiễn nào đại biểu chất vấn Thủ tướng về nội dung trên?

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tái cơ cấu kinh tế vẫn còn không ít hạn chế: tái cơ cấu kinh tế chưa tác động đáng kể đến thay đổi mô hình tăng trưởng; tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả cao; Tái cơ cấu doanh nghiệp thiếu thực chất, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa gắn chặt với tái cơ cấu và đa dạng hóa sở hữu; …Các hạn chế của quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua được xác định là bắt nguồn từ các nguyên nhân chủ yếu như: Chậm đổi mới thể chế huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển; tổ chức thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế còn thiếu hiệu lực và đồng bộ; tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự gắn kết với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; …

Phóng viên: Ngay sau khi đại biểu chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn, đại biểu có hài lòng với nội dung trả lời của Thủ tướng?

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Tôi đánh giá rất cao phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đã chỉ rõ 3 điểm nghẽn trong quá trình tái cơ cấu kinh tế hiện nay đồng thời kịp thời nêu ra những biện pháp để thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, hiệu quả hơn. Thủ tướng Chính phủ bên cạnh việc nêu những giải pháp cụ thể ngay tại hội trường cũng khẳng định sẽ gửi văn bản trả lời cụ thể làm rõ hơn nội dung này. Điều đó, cho thấy tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ rất cao, rất quyết liệt.

Phóng viên: Trong phần trả lời, Thủ tướng đã nêu 3 điểm nghẽn trong quá trình tái cơ cấu kinh tế đó là thể chế pháp luật; nguồn nhân lực và hạ tầng chất lượng cao. Để tháo gỡ những nút thắt này, vai trò chỉ đạo của Chính phủ cũng như người đứng đầu Chính phủ cần được nhìn nhận như thế nào?

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Vai trò của người đứng đầu Chính phủ là vô cùng quan trọng trong việc chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế đất nước. Thực chất, thời gian vừa qua Chính phủ cũng đã rất nỗ lực, quyết liệt và đạt được những kết quả nhất định, đáng ghi nhận trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. Hy vọng, thời gian tới với những giải pháp Thủ tướng Chính phủ đã nêu, cùng với sự điều hành khoa học, quyết liệt của người đứng đầu, sự phối hợp nhịp nhàng của các Bộ, ngành, quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng sẽ có những bước đột phá, khởi sắc mới.

Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt nam sẽ phải tiến hành trong nhiều năm với không ít khó khăn, thách thức. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, đại biểu và cử tri kỳ vọng vào những giải pháp trọng tâm của Chính phủ sẽ được triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả trong thời gian tới nhằm đưa quá trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam có những bước đột phá mạnh mẽ. Trong quá trình đó, bên cạnh những đổi mới, sáng tạo ở trong nước, thì việc tham khảo những kinh nghiệm, bài học thành công và thất bại trong tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới để xây dựng một chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam cho phù hợp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay là rất cần thiết./.

Lê Anh