GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐỂ PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 HIỆU QUẢ RẤT CẦN SỰ PHỐI HỢP CHẶT CHẼ GIỮA CÁC BỘ, NGÀNH

14/02/2020

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra cũng như đảm bảo chăm sóc, giáo dục học sinh hiệu quả rất cần sự phối hợp đồng bộ từ các Bộ ngành, địa phương, nhà trường và phụ huynh.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID -19) gây ra được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay, dịch bệnh đã lan ra nhiều quốc gia khác với sự ghi nhận hàng chục nghìn trường hợp mắc phải, và tâm dịch vẫn chủ yếu ở 2 thành phố lớn của Trung Quốc là Hồ Bắc và Vũ Hán.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trên thế giới đã có hàng chục nghìn số ca nhiễm virus corona, trong đó có hơn 1.600 người đã tử vong. Riêng ở Trung Quốc có đến hàng chục ngàn số ca nhiễm virut, số người tử vong cũng đang tập trung hầu hết ở Trung Quốc và vẫn đang tăng theo từng ngày.


Để phòng chống dịch corona bùng phát, nhiều địa phương đã cho học sinh nghỉ học dài ngày (ảnh minh họa).

Việt Nam cũng là một trong những nước bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo thống kê của Bộ Y tế, cho đến nay, cả nước có 16 ca nhiễm virus corona. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và với sự nỗ lực của ngành Y tế cùng các Bộ, ban ngành khác, đến nay, Việt Nam đã chữa trị bình phục cho 7 bệnh nhân và hiện đang áp dụng cho việc điều trị ngay tại tuyến huyện, nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến rRung ương cũng như khoanh vùng, hạn chế sự lây lan của virut.

Trước dịch COVID-19 gây ra bùng phát trên diện rộng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố  tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. 

Chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân

Chủ trì cuộc họp về phòng chống, ngăn chặn và kịp thời đối phó với dịch COVID -19 bùng phát diễn ra đầu tháng 02/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân. Các Bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là các ngành chức năng và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chủ động kiểm soát, đề ra biện pháp trên cơ sở tham mưu của ngành y tế để khoanh vùng. Đồng thời tiến hành một số biện pháp cần thiết để ngăn chặn hiệu quả dịch corona lây nhiễm qua khách du lịch, đường hàng không, đường thủy, đường bộ...


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo kiểm soát dịch COVID-19. 

Phát biểu khai mạc tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng ngày 10/02/2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Chính phủ đã rất khẩn trương, chủ động, vừa chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội vừa chỉ đạo kiểm soát dịch bệnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn theo dõi và đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy cũng như các các biện pháp kịp thời, chủ động của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, các địa phương.

Chủ tịch Quốc hội hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống dịch này; Kiên quyết vừa chống dịch, không để dịch chồng dịch và vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đề nghị các cơ quan, người dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc các giải pháp, chỉ đạo mà Chính phủ đề ra.

Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ tin tưởng cả nước chắc chắn sẽ vượt qua những khó khăn đầu năm do dịch COVID-19 gây ra và hoàn thành những nhiệm vụ của cả năm.

Phụ huynh nên sắp xếp công việc để quản lý, giáo dục trẻ trong thời gian nghỉ học

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của bệnh COVID-19 gây ra, để phòng tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng, Bộ GD-ĐT cho biết, đến nay có 57 địa phương cho học sinh nghỉ thêm một tuần (từ ngày 10-16/2), 01 tỉnh cho nghỉ đến 11/2 và 05 tỉnh chưa xác định thời điểm học sinh trở lại trường. 

Tuy nhiên, việc cho học sinh nghỉ học dài ngày lại khiến nhiều phụ huynh lúng túng, băn khoăn khi vừa đảm bảo công việc và sắp xếp thời gian, nhân lực ở nhà quản lý, chăm sóc và giáo dục trẻ. Vì vậy, để phòng chống dịch bệnh và chăm sóc, quản lý trẻ hiệu quả thì cần sự phối hợp đồng bộ của các địa phương, các Bộ, ngành Trung ương.


Phụ huynh Lê Minh Châu khá lúng túng trong việc vừa phải làm việc và trông con khi cháu được nghỉ học dài ngày.

Có con trai 4 tuổi nhưng khá hiếu động, không phải theo sát con học tập nhưng chị Lê Minh Châu, ở phố Bạch Mai, Hà Nội lại khá vất vả khi phải vừa bán hàng ăn uống và chăm sóc con. Chị Minh Châu cho biết, trước việc nhà trường thông báo cho con nghỉ học, chị khá lúng túng trong việc sắp xếp, bố trí người trông con vì chồng đi công tác xa nên đành cho cháu đến luôn nơi làm việc để vừa bán hàng, vừa trông con.

Là  phụ huynh có 2 con đang học mẫu giáo và lớp 5, vợ chồng chị Lê Hồng Hà, ở phố Phú Viên, quận Long Biên, Hà Nội thay phiên nhau xin nghỉ để ở nhà trông con và nhắc nhở cháu lớn có phương pháp và tự chủ động trông cháu nhỏ.

Khi không có người thân hay ông bà nội - ngoại ở cùng, khá lúng túng trong việc sắp xếp thời gian để chăm sóc các cháu, chị Hồng Hà mong muốn cơ quan, công ty tạo điều kiện cho phụ huynh được nghỉ hay có thể làm việc trực tuyến qua mạng Internet ở nhà để chăm sóc, quản lý và theo sát việc học tập của các cháu hơn, trong thời điểm bùng phát dịch bệnh.

Trong khi học sinh được nghỉ học dài ngày thì đảm bảo lịch trình học tập và để các con tự giác ôn luyện cũng nhận được sự quan tâm của nhiều trường học, phụ huynh.

Bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thực nghiệm, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, hiện nay, nhà trường có 3 cấp học từ Tiểu học đến THPT. Trước khi có thông báo của Sở GD-ĐT Hà Nội cho học sinh nghỉ học để phòng ngừa lây nhiễm virus COVID-19, nhà trường đã có sự chuẩn bị để các em vẫn có thể đảm bảo việc học tập và phòng chống dịch bệnh.


Bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Thực nghiệm, quận Ba Đình, Hà Nội.

Đối với học sinh THCS, THPT, nhà trường đã giao đề cương ôn tập cho học sinh theo từng ban để các em ở nhà làm bài và kiểm tra giữa kỳ. Còn với học sinh Tiểu học, tùy theo từng lớp, nhà trường cũng giao bài tập cho học sinh để các em ở nhà làm mà vẫn không quên kiến thức. Ngoài ra, giáo viên cũng thông báo là sẽ kiểm tra kiến thức của học sinh sau thời gian nghỉ học.

Theo bà Mai Hương, để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe và học tập cho học sinh, phụ huynh nên dành thời gian quan tâm đến các con hơn từ việc ăn, ngủ, phòng chống bệnh đến thời gian học tập, vui chơi, hạn chế đưa con đến nơi tụ tập đông người.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết, để phòng chống dịch COVID-19, Sở đã có thông báo để cho học sinh nghỉ học. Phụ huynh nên sắp xếp thời gian cũng như bố trí người để chăm sóc, quản lý các em trong thời gian nghỉ học. Nhằm đảm bảo sức khỏe và giúp học sinh không sao nhãng học tập, phụ huynh nên nhắc nhở và theo dõi con thường xuyên hơn. Các em cũng lên kế hoạch, sắp xếp thời gian học tập, vui chơi lành mạnh, không nên xem tivi, điện thoại và chơi game nhiều.


Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội.

Với những lịch trình, hoạt động dạy học thông qua trao đổi qua tin nhắn, các phụ huynh có thể đôn đốc con tự học ở nhà một cách hiệu quả.

Chị Phạm Thị Vân, đường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, để đảm bảo việc học tập trong thời gian học sinh nghỉ, hai con của chị đều được giáo viên giao bài tập thông qua tin nhắn nội bộ trong nhóm của phụ huynh ở lớp. Các phụ huynh sẽ biết được bài tập giáo viên giao và nhắc nhở con làm bài theo như thời gian học ở trường.

Chậm nhất là đến 21h tối, phụ huynh phải gửi lại bài mà học sinh đã làm qua tin nhắn để giáo viên xem có đạt yêu cầu không. Nếu không đạt thì giáo viên sẽ nhắn tin riêng với từng phụ huynh để nhắc nhở con ôn lại bài.


Phụ huynh Phạm Thị Vân cho rằng, thông qua trao đổi qua tin nhắn, các phụ huynh có thể đôn đốc con tự học ở nhà một cách hiệu quả.

Theo chị Phạm Thị Vân, thông qua việc giao bài tập và nhắc nhở học sinh, phụ huynh qua tin nhắn đã góp phần đảm bảo việc học tập của các em trong những ngày nghỉ. Học sinh sẽ học và làm bài tập giống như khi ở trường, thời gian nghỉ chỉ khi đã làm xong bài. Điều này cũng giảm thiểu tình trạng các con chỉ ở nhà xem tivi, chơi điện tử...

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch COVID-19 gây ra, để phòng tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng cũng như đảm bảo việc chăm sóc, quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ nhỏ, học sinh hiệu quả, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long.


Đại biểu Phạm Tất Thắng-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Phóng viên: Hiện nhiều địa phương đã kéo dài thêm thời gian cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19​ gây ra, đại biểu nhìn nhận giải pháp này như thế nào?

Đại biểu Phạm Tất Thắng-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Để phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus COVID-19 gây ra hiệu quả thì việc hạn chế điểm tập trung đông người là một trong những giải pháp hữu hiệu. Đối với các em ở cấp Mầm non, Tiểu học chưa có nhận thức đầy đủ và kỹ năng tự phòng chống dịch bệnh hiệu quả thì việc nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học là giải pháp cần thiết, phù hợp.

Học sinh được nghỉ học nhưng phụ huynh vẫn phải đi làm thì việc quản lý, chăm sóc sức khỏe và theo dõi lịch trình học tập cho con vẫn phải đảm bảo. Vì vậy, các địa phương, trường học phải tính toán lịch trình, thời gian, phương thức học tập như thế nào để đảm bảo tiến độ chung của năm học.

Phóng viên: Sau khi nhận được thông báo kéo dài thêm thời gian nghỉ học, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự lúng túng trong việc sắp xếp thời gian, công việc và phối hợp với nhà trường để chăm sóc sức khỏe, quản lý việc học tập của học sinh. Đại biểu có ý kiến gì về điều này và đưa ra sự tư vấn đối với phụ huynh?

Đại biểu Phạm Tất Thắng-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:  Việc các địa phương cho học sinh nghỉ học dài ngày để phòng lây nhiễm dịch COVID-19 chắc chắn là tác động lớn tới các phụ huynh khi vừa phải đảm bảo công việc và chăm sóc các cháu.

Thực tế hiện nay, nhiều trẻ em, học sinh chưa tự chăm sóc sức khỏe và tự giác trong học tập. Vì vậy, để phòng chống dịch bệnh cho các em được nghỉ học nhiều ngày thì phụ huynh phải sắp xếp thời gian khoa học, kế hoạch công việc hợp lý để vừa hoàn thành nhiệm vụ công việc ở cơ quan, công ty nhưng vẫn đảm bảo việc quản lý, chăm sóc, giáo dục các cháu.

Phóng viên: Theo đại biểu, trong trường hợp xấu nếu như dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì ngành Giáo dục, các trường học, phụ huynh và học sinh cần có sự chuẩn bị đối phó, bảo vệ nhưng vẫn đảm bảo lịch trình học tập, giảng dạy như thế nào?

Đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Theo phân tích của các chuyên gia y tế, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus

Phóng viên: Hiện nhiều địa phương đã kéo dài thêm thời gian cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19​ gây ra, đại biểu nhìn nhận giải pháp này như thế nào?

Đại biểu Phạm Tất Thắng-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Để phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus COVID-19 gây ra được hiệu quả thì việc hạn chế điểm tập trung đông người là một trong những giải pháp hữu hiệu. Đối với các em ở cấp Mầm non, Tiểu học chưa có nhận thức đầy đủ và kỹ năng tự phòng chống dịch bệnh hiệu quả thì việc nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học là giải pháp cần thiết, phù hợp.

Học sinh được nghỉ học nhưng phụ huynh vẫn phải đi làm thì việc quản lý, chăm sóc sức khỏe và theo dõi lịch trình học tập cho con vẫn phải đảm bảo. Vì vậy, các địa phương, trường học phải tính toán lịch trình, thời gian, phương thức học tập như thế nào để đảm bảo tiến độ chung của năm học.

Tuy nhiên, nếu như trong trường hợp xấu dịch bệnh diễn biến phức tạp thì gia đình, nhà trường phải đưa ra những giải pháp đồng bộ để vừa có thể ngăn chặn được bệnh dịch lây lan, đảm bảo sức khỏe cho tất cả mọi người và chăm sóc học sinh tốt nhất nhưng cũng không ảnh hưởng tới các hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh...

Tôi cho rằng, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương cũng phải tính đến việc nếu như dịch bệnh diễn biến phức tạp thì phải có những biện pháp phối hợp chặt chẽ phòng chống, ngăn chặn hiệu quả, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân một cách cẩn thận. Tất cả các thông tin, giải pháp đưa ra không nên gây áp lực nặng nề làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và nền kinh tế-xã hội.

Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương, Bộ ngành và người dân không chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch bệnh nhưng cũng không nên quá bi quan, lo lắng và có những phản ứng thái quá trước dịch bệnh corona.

Phóng viên: Việc đảm bảo lịch trình và chất lượng học tập, thi cử nhận được sự quan tâm của phụ huynh và xã hội. Đại biểu có ý kiến gì về vấn đề này và đưa ra giải pháp hữu hiệu?

Đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Ngành Giáo dục các địa phương phải chủ động trong việc ứng phó với việc phòng chống dịch bệnh. Với những học sinh ở cấp học thấp như Mầm non, Tiểu học có sức đề kháng yếu và chưa tự chăm sóc được bản thân và lịch trình học với khối lượng kiến thức không nhiều thì việc cho nghỉ học là rất cần thiết.

Còn với học sinh cấp THCS, đặc biệt là lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 và học sinh cấp THPT chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT Quốc gia có lịch trình học liên quan đến khối lượng kiến thức và thời gian ôn tập dày đặc thì ngành Giáo dục và các địa phương cần có sự chủ động trong việc đảm bảo việc học tập, giảng dạy. Theo đó, các địa phương cần có sự phân loại xem học sinh ở cấp học nào, lớp nào cần tiếp tục nghỉ học và khối lớp nào cần có kế hoạch tổ chức cho các em trở lại trường  học.

Còn những cấp học, lớp học nào đã, đang và sẽ nghỉ học thì các địa phương, trường học cũng cần có kế hoạch, phương pháp bù đắp khối lượng kiến thức mà đáng lẽ học sinh phải học trong thời gian nghỉ nhằm đảm bảo tiến độ năm học và chất lượng học tập.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Trước diễn biến khó lường của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả cũng như đảm bảo việc chăm sóc, giáo dục và quản lý học sinh diễn ra suôn sẻ, đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng rất cần sự quan tâm của Chính phủ, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ các Bộ ngành, địa phương, nhà trường và phụ huynh./.

Bích Lan