ĐBQH NGUYỄN VĂN MAN: GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ LUẬT ĐÊ ĐIỀU

14/02/2020

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận cho ý kiến lần đầu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn Man, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, bày tỏ tán thành sự cần thiết phải sửa đổi và ban hành dự án Luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Man, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

 1. Đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai:

Về sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 3: Đại biểu đề nghị bổ sung thêm hiện tượng hỏa hoạn do nắng nóng vào sau cụm từ nắng nóng; vì hỏa hoạn do nắng nóng, đặc biệt là nắng nóng kéo dài dẫn tới hỏa hoạn, cháy rừng... là một trong những hiện tượng thiên tai phổ biến trong điều kiện biến đổi khí hậu hết sức phức tạp ngày nay. Đồng thời, sửa lại cụm từ các loại thiên tai khác ở đoạn cuối của quy định này thành: các hiện tượng tự nhiên bất thường khác để phù hợp hơn với định nghĩa về thiên tai.

Về sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 3: Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung vào quy định công trình phòng, chống thiên tai các loại công trình: chống ngập, công trình chống lũ ống; đồng thời, giải thích rõ nhà kết hợp sơ tán dân là công trình gì. Tại các địa phương thường xảy ra lũ lụt, các địa điểm như trường học, trụ sở các cơ quan, đơn vị hành chính, doanh nghiệp đóng trên địa bàn vẫn thường được huy động sử dụng để sơ tán dân; vậy những công trình này có được coi là nhà kết hợp sơ tán dân không? Nếu coi đây cũng là nhà kết hợp sơ tán dân thì trong quá trình đầu tư xây dựng, từ thiết kế đến thi công cần phải tính đến tính năng kết hợp này để đầu tư cho phù hợp, tương xứng.

Về sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 5: Dự thảo Luật có bổ sung tại Khoản 1, Điều 5 quy định điều tra cơ bản. Theo ý kiến đại biểu, quy định này phải được đặt lên trước và phải được tiến hành thường xuyên hàng năm; phải điều tra cơ bản rồi mới có thể đưa ra chính sách đầu tư hợp lý. Mặt khác, đối với công trình trọng điểm phải có sự ưu tiên đầu tư. Đối với việc hỗ trợ địa phương xây dựng công trình phòng, chống thiên tai cũng cần có quy định ưu tiên cho các địa phương thường xuyên bị thiên tai tàn phá, kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, đại biểu đề nghị sửa lại khoản này như sau:“Hàng năm tiến hành điều tra cơ bản để có chính sách đồng bộ về đầu tư, huy động nguồn lực và giải pháp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai; ưu tiên đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm; hỗ trợ địa phương xây dựng công trình phòng, chống thiên tai theo phân cấp của Chính phủ; trong đó, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các địa phương thường xuyên chịu sự tác động của thiên tai, kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn”.

Về bổ sung Khoản 6 vào Điều 5: Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để có quy định đầy đủ, chặt chẽ hơn. Có thể sửa lại là: “Ưu tiên bố trí nguồn lực phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng và triển khai ứng dụng các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai”. Việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai là vô cùng quan trọng, cần thiết; đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp hiện nay. Vì vậy, luật cần quy định để có sự quan tâm đầu tư tương xứng.

Về khoản 2, Điều 6: Trên cơ sở nghiên cứu, đối chiếu với các quy định pháp luật liên quan như Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Phòng, chống thiên tai, đại biểu Nguyễn Văn Man cho rằng tại Khoản 2, Điều 6 quy định dân quân tự vệ là lực lượng nòng cốt nên có sự điều chỉnh. Bởi theo đại biểu, không chỉ dân quân tự vệ mà cả lực lượng Công an xã cũng là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống thiên tai tại chỗ và đều chịu sự điều động của người có thẩm quyền. Mặt khác, nếu thành lập lực lượng nòng cốt để phòng, chống thiên tai tại chỗ thì cũng cần quy định rõ cấp nào có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập và điều động lực lượng này khi thiên tai xảy ra; đồng thời, cũng cần phải có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đặc thù cho lực lượng này.

2. Đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều:  

Đại biểu cơ bản nhất trí với Dự án Luật, tuy nhiên để đảm bảo tính thống nhất với quy định tại Luật Phòng, chống thiên tai, đại biểu đề nghị sửa lại tên gọi Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương tại Khoản 7 Điều 36 của Luật Đê điều thành “Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai”.

Lê Anh