ĐBQH NGUYỄN SỸ HỘI: HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG TRONG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

28/02/2020

Nhằm tiếp tục hoàn thiện một số nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, đại biểu Nguyễn Sỹ Hội- Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, đã cho ý kiến liên quan đến việc sử dụng lực lượng vũ trang trong phòng, chống thiên tai.

 

Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội phát biểu

Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội bày tỏ sự đồng tình cao với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Theo đó, đại biểu cũng bày tỏ cho ý kiến vào những nội dung có liên quan đến sử dụng lực lượng vũ trang trong phòng, chống thiên tai. Cụ thể:

Đối với Khoản 2 Điều 6, dự Luật quy định “lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức, đoàn thể khác tại địa phương là lực lượng tại chỗ, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án phòng, chống thiên tai của địa phương và sự điều động của cấp có thẩm quyền”. Theo đại biểu, một số nội dung, câu, từ thiết kế chưa phù hợp. Vẫn còn trùng lặp hoặc sử dụng cụm từ “lực lượng xung kích” là không sai nhưng chưa sát. Bởi thiên tai xảy ra thường có dự báo nhưng vẫn bất ngờ, khốc liệt, giải quyết phải khẩn trương và bằng mệnh lệnh, cụm từ “xung kích” phù hợp với văn nghị quyết hơn là văn luật. Đồng thời, thiên tai xảy ra trên diện rộng, không chỉ nằm trên một xã, có thể nhiều xã, nhiều huyện và thậm chí nhiều tỉnh. Do vậy, chỉ nói “lực lượng nòng cốt ở cấp xã” là chưa đủ và chỉ nói “nòng cốt chỉ có dân quân tự vệ” cũng chưa đủ. Ví dụ bão, gió trên biển, sóng thần, lũ ống, lũ quét ở vùng sâu, vùng xa không có dân quân tự vệ thì các đơn vị quân đội đóng quân trên đảo, bộ đội biên phòng, cửa sông, cửa biển, biên giới, các đơn vị quân đội đang làm nhiệm vụ tại các địa bàn đó là những lực lượng tại chỗ nhanh nhất.

Do vậy, đại biểu đề nghị Khoản 2 Điều 6 nên thiết kế theo hướng “lực lượng nòng cốt phòng, chống thiên tai tại địa phương gồm: Dân quân tự vệ, các tổ chức, đoàn thể của địa phương và lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn”.

Đại biểu cũng chỉ ra rằng, tại Khoản 3 Điều 6 quy định Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội theo điều động của người có thẩm quyền. Đại biểu cho rằng quy định như vậy mang tính liệt kê như vậy thì dài nhưng chưa đủ. Ví dụ, thiên tai xảy ra thì nhiệm vụ tuyên truyền, giúp đỡ, cảnh báo và kể cả cưỡng chế, khắc phục hậu quả thiên tai khi có thương vong về người, thiệt hại về tài sản.

Do vậy, đại biểu đề nghị Khoản 3 Điều 6 cũng nên sửa đổi theo hướng lực lượng vũ trang có trách nhiệm điều động lực lượng, phương tiện, trang bị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, phối hợp giúp đỡ khắc phục thiên tai, đảm bảo trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền. Nếu quy định như vậy thì lực lượng vũ trang bao gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ. Khi điều động lực lượng thì đương nhiên phải có phương tiện và thiết bị đi cùng. Viết như vậy sẽ tương thích với Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, đặc biệt là nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngoài ra, đại biểu cũng đưa ra một thực tế đó là Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ tham gia các hoạt động phòng, chống thiên tai rất hiệu quả. Bắt đầu từ khi có dự báo, nắm thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, giúp đỡ nhân dân trong phòng, chống di dời, sơ tán và tổ chức cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân để khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo Chính phủ nên chỉnh sửa Khoản 3 và thiết kế lại Điều 6 có nội dung liên quan đến lực lượng vũ trang, điều động phương tiện, lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai làm cơ sở cho các đơn vị quân đội, công an xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhanh và hiệu quả nhất./.

Hồ Hương