ĐBQH NGUYỄN NHƯ SO: DỰ ÁN LUẬT DOANH NGHIỆP (SỬA ĐỔI) CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU MỘT SỐ NỘI DUNG

28/02/2020

Phát biểu tại Hội trường trong Kỳ họp thứ 8 vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã cho ý kiến cụ thể vào một số nội dung của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

 

Đại biểu Nguyễn Như So đưa ra quan điểm

Đại biểu Nguyễn Như So bày tỏ sự tán thành với việc cần thiết sửa đổi Luật Doanh nghiệp cũng như mục đích quan điểm chỉ đạo của luật như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đại biểu phân tích, sau 5 năm thi hành Luật Doanh nghiệp đã có tác động tích cực đến môi trường kinh doanh, tạo sự thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập doanh nghiệp phát triển. Mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước sự phát triển của đất nước, yêu cầu chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế một số nội dung của doanh nghiệp đã không còn phù hợp, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ thi hành pháp luật. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết. Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu cho ý kiến như sau:

Thứ nhất, đề nghị cần xem xét, đánh giá lại việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, vì nếu được hộ kinh doanh và Luật Doanh nghiệp sẽ có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh vốn đang yên ổn hoạt động phải tiến hành đăng ký lại theo quy định. Điều này gây khó cho hộ kinh doanh và đe dọa đến sinh kế của hàng triệu cá nhân kinh doanh sản xuất nhỏ lẻ. Hơn nữa, quy định hình thức hộ kinh doanh cá thể là một loại hình doanh nghiệp hay hình thức kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế nó sẽ phá vỡ các quy định về hình thức doanh nghiệp hiện nay đang quy định trong Luật Doanh nghiệp. Do đó, chúng ta cần có biện pháp phù hợp và có lộ trình phù hợp với thực tiễn chứ không thể áp đặt các ý chí về mục tiêu phát triển doanh nghiệp cho quá trình này. Đồng thời cần nghiên cứu ban hành một nghị định riêng về hộ kinh doanh đảm bảo khuyến khích quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất theo năng lực và tuân thủ pháp luật.

Thứ hai, về quyền của cổ đông phổ thông theo Điều 114 dự thảo luật, bởi việc quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu 10% xuống còn 3% là không phù hợp, không đảm bảo được môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp, bởi lẽ điều này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho cổ đông nhỏ, thường xuyên can thiệp vào hoạt động quản trị điều hành sản xuất kinh doanh và có thể ảnh hưởng đến việc bảo mật thông tin của doanh nghiệp. Do vậy, cần giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên của nhóm cổ đông như quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Thứ ba, việc quy định doanh nghiệp nhà nước bao gồm doanh nghiệp nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số vốn cổ phần có quyền biểu quyết tại khoản 8 Điều 87a dự thảo luật là chưa phù hợp, chưa đảm bảo quyền của nhà nước, chưa đảm bảo sự chi phối của nhà nước đối với quyết định quan trọng. Việc chi phối của hoạt động doanh nghiệp bao gồm việc thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên ít nhất là 75%, nghị quyết của đại hội đồng cổ đông trong tổng công ty cổ phần ít nhất là 65%. Do đó cần tăng mức nắm giữ lên 75% vốn điều lệ trong tổng số cổ phần là phù hợp.

Thứ tư, về con dấu của doanh nghiệp, theo Điều 44 dự thảo Luật quy định doanh nghiệp có quyền quy định hoặc có hoặc không có con dấu, đây là một điểm tiến bộ giúp giảm bớt thủ tục hành chính theo xu thế chung của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc bỏ con dấu lại phát sinh thêm những thủ tục phức tạp hơn, trong khi có tranh chấp xảy ra doanh nghiệp phải chứng minh tính pháp lý của chữ ký trong trường hợp có tranh chấp. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, đánh giá lại những tác động nếu quy định bỏ con dấu. Đại biểu cho rằng nên thận trọng, từng bước tiếp cận những vấn đề này và áp dụng theo lộ trình, trước mắt cần giảm bớt những quy định như bắt buộc họ phải dùng con dấu như đăng ký thành lập doanh nghiệp, phải có mẫu con dấu hay quy định giấy chứng nhận cổ đông, biên bản họp đại hội đồng cổ đông phải có con dấu mới có hiệu lực. Sau khi tháo gỡ hành lang pháp lý này thì mới tiến hành dần và không sử dụng con dấu.

Thứ năm, đề nghị bổ sung quy định đối với doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích theo Điều 9, Điều 10 của dự thảo nhằm tạo thuận lợi về thủ tục thành lập, cấp phép quản trị cũng như có chính sách ưu đãi hơn để khuyến khích phát triển loại hình doanh nghiệp này./.

Hồ Hương