ĐBQH VŨ THỊ NGUYỆT: CHẤT VẤN BỘ CÔNG AN VỀ SỰ KHÁC BIỆT SỐ LIỆU TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

18/03/2020

Hiện số người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam được xếp hạng cao trên thế giới, tuy nhiên, con số mà phía cơ quan chức năng cung cấp mỗi nơi một khác, như: số liệu của Bộ Công an bằng 1/2 số liệu của Bộ Y tế và bằng 1/3 số liệu của Tổ chức Y tế thế giới. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, Đai biểu Vũ Thi Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về nguyên nhân dẫn đến sư khác biệt giữa các số liệu? Giải pháp để khắc phục sự khác biệt số liệu trên?

Tai nạn giao thông – Nhức nhối chung cho toàn xã hội

Vào khoảng 15h20 ngày 2/1/2019, xe container BS 62C – 043.48 kéo theo xe rơ mooc BS 62R – 001.08 do tài xế Phạm Thành Hiếu (32 tuổi, ngụ huyện Bến Lức) điều khiển, chạy hướng từ Tiền Giang đi Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngã tư Bình Nhựt (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An) đã va chạm với 21 xe máy đang chờ đèn đỏ. Hậu quả, 3 người chết tại chỗ và 1 người chết tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An, 18 người bị thương được đưa đi cấp cứu (trong đó có nhiều người bị thương nặng) tại Bệnh viện đa khoa Bến Lức.

Khoảng 6 giờ ngày 23/9/2019, tại Km 63+500, QL5, đoạn qua xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, lái xe Hà Văn Hoàng điều khiển xe tải mang BS 29H-150.97 theo hướng Hà Nội - Hải Phòng đã va chạm với dải phân cách giữa 2 làn đường khiến xe bị đổ và đè lên 7 người đang đứng chờ qua đường. Vụ tai nạn đã làm 5 người tử vong.

Báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia về tình hình tai nạn giao thông được đưa ra qua 3 năm 2017- 2018 -2019 như sau: Tính từ 16/11/2016 tới 15/11/2017: Toàn quốc xảy ra 20.080 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 19.798 vụ, làm chết 8.089 người, bị thương 16.970 người. Đường sắt xảy ra 164 vụ, làm chết 133 người, bị thương 50 người.

Tính từ ngày 16/11/2017 đến 15/11/2018: Toàn quốc xảy ra 18.736 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ TNGT giảm 1.348 vụ (giảm -6.71%), số người chết giảm 33 người (giảm -0.40%), số người bị thương giảm 2.238 người (giảm -13.13%). Trong đó, đường bộ xảy ra 18.490 vụ, làm chết 8.079 người, bị thương 14.732 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 1.308 vụ (-6,61%), giảm 10 người chết (-0,12%), giảm 2.238 người bị thương (-13,19%). Đường sắt xảy ra 147 vụ, làm chết 119 người, bị thương 60 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 17 vụ (-10,37%), giảm 14 người chết (-10,53%), tăng 10 người bị thương (+20%).

Năm 2019 (từ ngày 15/12/2018 - 14/12/2019): Toàn quốc xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.624 người, bị thương 13.624 người. So với năm 2018, số vụ TNGT giảm 939 vụ (giảm 5,06%), số người chết giảm 587 người (giảm 7,15%), số người bị thương giảm 934 người (giảm 6,42%). Trong đó, đường bộ xảy ra 17.394 vụ, làm chết 7.458 người, bị thương 13.569 người. So với năm 2018 giảm 936 vụ (-5,11%), giảm 595 người chết (-7,39%), giảm 927 người bị thương (-6,39%). Đường sắt xảy ra 153 vụ, làm chết 126 người, bị thương 46 người. So với năm 2018 tăng 10 vụ (+6,99%), tăng 11 người chết (+9,57%), giảm 12 người bị thương (-20,69%).

                                                                                    Hiện trường một vụ tai nạn giao thông đường bộ 

Theo thống kê của Bộ Công an, mặc dù so với các năm trước các thông số đều giảm nhưng thực tế cho thấy số người thiệt mạng vẫn còn là con số rất lớn. Mỗi ngày, vẫn còn 24 người chết và gần 60 người thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông. Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông phần lớn vẫn nằm ở ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt là việc sử dụng rượu bia, ma túy khi điều khiển phương tiện.

Thượng tá Vũ Văn Quang, Phó Trưởng Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt Công an Tp. Hải Phòng khẳng định: Nhìn chung tình hình các lái xe điều khiển phương tiện có chất ma tuý ở trong người, khi chúng tôi kiểm tra là rất ít, không có nhiều, tuy nhiên vẫn phải tiếp tục duy trì để những đối tượng có chất ma tuý ở trong người sẽ có hướng đi tìm việc khác để làm hoặc không điều khiển phương tiện.                                      

Khi dư luận bức xúc trước các vụ tai nạn nghiêm trọng, hàng loạt các biện pháp đã được thực hiện. Kết quả trước mắt thu về khả quan nhưng vẫn còn đó băn khoăn, việc làm chỉ mang tính hình thức, sau đó lại như "ném đá ao bèo". Cùng với đó, vấn đề đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe có phần dễ dãi với tiêu cực nổi lên như vấn đề "chống trượt" trong thi sát hạch cấp bằng lái xe cũng là một trong những nguyên nhân khiến người tham gia giao thông bất an, với nỗi lo thường trực nhầm chân phanh với chân ga.

                                                                              Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh: Các cơ sở đào tạo trong nhiều năm, là loại hình đào tạo đặc biệt, thời gian tới sẽ điều chỉnh lại Nghị định, Thông tư và yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát những cơ sở vi phạm, thu hồi giấy phép, đảm bảo sự răn đe. Nếu phát hiện vụ việc, đề nghị xử lý nghiêm vì những cơ sở đào tạo lái xe mà lái xe tham gia giao thông dẫn tới tai nạn chết người”.

Cơ quan chức năng cần thống nhất trong thống kê tai nạn giao thông

Nếu theo dõi các số liệu thống kê định kỳ nhiều năm qua từ Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia có thể thấy cơ bản cả ba tiêu chí số vụ, số người chết và người bị thương đều giảm xuống. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại biểu Quốc hội, số liệu báo cáo về tình hình an toàn giao thông của các địa phương, bộ, ngành chưa thật sự tiệm cận thực tế, thậm chí có ý kiến cho rằng, một số nơi xảy ra tình trạng “giấu” số liệu tai nạn giao thông, do sợ bị phê bình, khiển trách.

Ông Dương Minh Tuấn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bày tỏ: Hầu như năm nào chúng ta cũng thấy trên báo cáo chung là số lượng tai nạn giao thông đều giảm cả 3 tiêu chí, đó là con số về mặt giấy tờ, thực tế ai cũng thấy được rất nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra. Đơn cử có một tỉnh một năm xảy ra từ 30 tới 40 vụ tai nạn giao thông. Tôi cho rằng nếu nói năm nào cũng giảm thì 10 năm sau có tỉnh hết tai nạn giao thông.

Các đại biểu Quốc hội đã nêu ra hàng loạt bất cập nổi cộm trong thời gian qua. Trong đó, tai nạn giao thông là một trong nhiều vấn đề được đặc biệt quan tâm, chưa bao giờ tai nạn giao thông lại nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận và luôn làm nóng nghị trường như các kỳ họp Quốc hội gần đây. Mặc dù, cả hệ thống chính trị đã chung tay vào cuộc, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí trong năm qua, nhưng đến nay, tai nạn giao thông vẫn là nỗi nhức nhối chung của toàn xã hội.

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm, nêu ví dụ số liệu thống kê TNGT cả nước năm 2015 của Bộ Công an cho thấy hơn 8.000 người chết, song Bộ Y tế đưa ra con số hơn 15.000 người, còn Tổ chức y tế thế giới là trên 24.000 người. Nhìn vào số liệu do Tổ chức Y tế thế giới công bố về thực trạng TNGT ở Việt Nam thì còn sửng sốt hơn nhiều. Con số năm 2017 là trên 22.000 người chết vì tai nạn giao thông. Và như vậy, số liệu của Bộ công an chỉ bằng ½ Bộ y tế, 1/3 Tổ chức y tế thế giới.

Ngành y tế thống kê các vụ nhập viện, số người chết vì TNGT thường “vênh” nhau khá xa, thậm chí cao gấp nhiều lần so thống kê của Bộ Công an. Ngoài ra, có tình trạng nạn nhân đánh nhau bị thương tích nhưng khai bị TNGT để tránh phiền phức và được điều trị ngay, trong khi các bác sĩ không có trách nhiệm kiểm chứng những lời khai. Đó là chưa kể một số trường hợp thương tích quá nặng xin về nhà chờ chết, cả cảnh sát giao thông và ngành y tế đều không thể thống kê được.

Chị Nguyễn Hải Yến - thành phố Hải Phòng, chia sẻ: “Tôi đang đi xe máy, thì có một thanh niên đi xe máy đi rất nhanh và lao vào mình mà không kịp xử lý vì không kịp nhận thức được và tôi bị đau không biết thế nào. Trong khi tôi đi đúng tốc độ, sang đường có xi nhan, có chấp hành luật an toàn giao thông. Nhưng mà sự việc xảy đến ngoài ý mình do yếu tố khách quan đem lại cao, tôi mong pháp luật càng nghiêm minh hơn, để mọi người biết tuân thủ luật, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông và biết bảo vệ chính bản thân mình và những người tham gia giao thông trên đường”.

Bác  sỹ Nguyễn Văn Phương, khoa cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 bày tỏ: “Khoa cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân chấn thương hàng ngày và hàng giờ, có khá nhiều trường hợp và tình huống chấn thương đều được xử lý một cách nhanh chóng và kịp thời. Trong đó, những bệnh nhân đa chấn thương thì sẽ được đưa vào khu đỏ, được làm đầy đủ các kỹ thuật để bệnh nhân được sống. Việc lấy số liệu tại hiện trường không chính xác vì phân biệt giữa tỷ lệ tử vong tại hiện trường so với tỷ lệ tử vong trong bệnh viện thì số liệu tử vong cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, phần bệnh nhân chấn thương nặng như tàn phế là tỷ lệ cần quan tâm đến. Vì vậy, cần phải có thống kê toàn bộ, đó là một quá trình dài, ngay cả tình trạng chấn thương cũng có quá trình điều trị ở bệnh viện và sau khi ra viện”.

Theo quy định của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), thống kê tai nạn giao thông bắt đầu tính từ ngày 16 tháng này đến ngày 15 tháng kế tiếp. Còn ở bệnh viện, các bệnh nhân gặp tai nạn được tiếp nhận tại phòng khám cấp cứu, được khai thác nguyên nhân, xác định loại tai nạn gì, nên số liệu đầu vào của nạn nhân tai nạn giao thông tại bệnh viện khá chính xác. Mặt khác, khi xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), chỉ khi các cơ quan chức năng can thiệp, lập biên bản xử lý mới thống kê, trong khi thực tế có nhiều trường hợp các bên gây TNGT thương lượng, hòa giải không nhờ công an can thiệp, nạn nhân tự vào bệnh viện cấp cứu. 

Sửa đổi quy định để nâng cao tính chính xác trong thống kê tai nạn giao thông

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực An toàn giao thông (ATGT), các số liệu thống kê TNGT và phân tích nguyên nhân TNGT là căn cứ hết sức quan trọng để chỉ đạo điều hành và hoạch định chính sách về ATGT. Nếu những số liệu này đầy đủ, kịp thời và chính xác, hiệu quả bảo đảm trật tự ATGT sẽ được cải thiện rất nhiều. Còn ngược lại, số liệu không chính xác, chưa đầy đủ, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới công tác bảo đảm ATGT từ cấp vĩ mô cho đến cấp vi mô tổ chức thực hiện.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh: Bản chất là do phương pháp, hiện nay luật thống kê quy định vế số liệu tai nạn giao thông là do Bộ công an thống kê và theo như hướng dẫn hiện nay Bộ Công an thống kê về số vụ, số người chết và số người bị thương tại hiện trường tại thời điểm vụ tai nạn xảy ra. Con số thống kê này hoàn toàn đầy đủ và chính xác. Còn Bộ Y tế có cách thức thống kê của Bộ Y tế theo những trường hợp được đưa vào và được xử lý qua hệ thống y tế, tuy nhiên trong báo cáo của Bộ y tế nêu rất rõ chưa xử lý được việc trùng lặp. Hiện nay, theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới, thống kê người chết do tai nạn giao thông là sau 30 ngày, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Công an sửa đổi Thông tư 58 để có phương pháp thống kê phù hợp với phương pháp thống kê của thế giới. Và đã chỉ đạo rất rõ trong thông tư mới sẽ quy định cả ngành y tế phải phối hợp như thế nào với ngành công an để cung cấp, bổ sung, hoàn chỉnh dữ liệu về tai nạn giao thông để đảm bảo thông tin đầy đủ, toàn diện, có khả năng so sánh với các quốc gia khác.

Khi định nghĩa về TNGT thay đổi, có thể dẫn tới số người chết và bị thương do TNGT lớn hơn, do vậy, biện pháp hành động cũng như các nguồn lực huy động để giảm các tiêu chí lớn hơn, thậm chí phải thay đổi tư duy, xây dựng chính sách và cách huy động nguồn lực nhằm nâng cao ATGT. Tại các quốc gia phát triển và một số nước khu vực như Thái Lan, In-đô-nê-xi-a gần đây đã tích hợp và kiểm tra, xác minh dữ liệu của cả cảnh sát giao thông, y tế, bảo hiểm, khi đó số liệu TNGT tăng lên 30 đến 40%, sau đó trở nên ổn định, được các chuyên gia đánh giá là phản ánh khá sát thực tế.

Một nguyên nhân khác nữa là, số liệu thống kê về TNGT là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT từng địa phương, để mỗi nơi nghiên cứu, áp dụng các giải pháp tuyên truyền giáo dục, đầu tư kết cấu hạ tầng tốt và tổ chức giao thông phù hợp, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Vì thế, cần giao chỉ tiêu giảm TNGT cho mỗi địa phương nhưng nên cụ thể, dựa trên các yếu tố về mật độ dân số, số km đường, đầu phương tiện có chỉ tiêu phù hợp.

Theo Bộ Công an, nguyên nhân lớn nhất của tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường (chiếm 20,51%), còn các vi phạm khác như vi phạm tốc độ xe chạy chiếm 5,52%, lái xe sử dụng ma túy chiếm 0,04%, lái xe sử dụng rượu bia chiếm 1,46%; về lĩnh vực đường sắt, nguyên nhân lớn nhất là do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường ngang, lối đi tự mở (chiếm 57,5%). Chính vì thế, để bảo đảm tính thống nhất trong số liệu về TNGT, Chính phủ đã giao Bộ Công an nghiên cứu, hoàn thiện quy định thống kê và phân tích TNGT theo thông lệ quốc tế. Cục cảnh sát giao thông đang phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi quy định về thống kê TNGT đảm bảo số liệu thống nhất phục vụ cho công tác hoạch định, đưa ra chính sách về ATGT phù hợp thực tiễn.

Từ phân tích nêu trên cho thấy, ngoài các lý do khách quan dẫn đến tai nạn giao thông (như: mật độ phương tiện giao thông tăng cao, công tác quy hoạch một số nơi chưa hợp lý, một số vị trí kết cấu hạ tầng giao thông còn bất cập...) thì nguyên nhân chính của các vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông chưa tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự ATGT; công tác quản lý lái xe của một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, trong khi lực lượng chức năng thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, tuần tra kiểm soát còn mỏng trên các địa bàn quản lý. 

Đâu là giải pháp đảm bảo công tác thống kê chính xác?

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, trong đó yêu cầu nghiên cứu sửa đổi quy định thống kê về tai nạn giao thông. Theo quy định hiện hành, Bộ Công an được giao thống kê về TNGT trên cả nước, số liệu được Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và các đơn vị sử dụng tham mưu chính sách cho Chính phủ. Vì thế, thống kê bảo đảm chính xác, sát thực tế là căn cứ rất quan trọng trong hoạch định chính sách về ATGT, từ đó có giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi TNGT. Việc “Vênh” quá lớn về số liệu TNGT thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức của người dân về TNGT cũng như công tác hoạch định chính sách, kéo giảm tai nạn giao thông phù hợp thực tiễn.

Trước thực tế đó, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, đại biểu Vũ Thị Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, đã chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Nội dung chất vấn của đại biểu nêu rõ: “Quốc hội và cử tri đồng tình và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong đó có Bộ Công an trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm các tai nạn giao thông. Tôi và nhiều cử tri băn khoăn về sự chênh lệch số liệu thống kê, số người chết do tai nạn giao thông đường bộ ở nước ta. Con số thống kê của Bộ Công an chỉ bằng ½ số liêu thống kê của Bộ Y tế và bằng 1/3 số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới. Xin hỏi Bộ trưởng, nguyên nhân nào dẫn tới sự khác biệt như vậy và số liệu nào là số liệu chính xác và đầy đủ nhất? Bộ công an có giải pháp gì để để khắc phục sư khác biệt này và có phải đến lúc Bộ công an cần thay đổi cách thống kê hay chưa? ”

Ngay sau khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã có phần giải trình trước Quốc hội, trong đó Bộ trưởng khẳng định: Sự chênh lệch về số liệu xảy ra do một nạn nhân bị TNGT chuyển qua nhiều tuyến bệnh viện khác nhau, khi thống kê các cấp bệnh viện trên toàn quốc, gây hiện tượng trùng lặp. Việc chênh lệch số liệu thống kê giữa các cơ quan khác nhau do cách định nghĩa về TNGT mỗi cơ quan khác nhau, đó là nguyên nhân cơ bản.

                                                                                                   Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

“Bộ Công an thống kê số liệu người chết vì tai nạn giao thông chủ yếu tại hiện trường, tại nơi xảy ra vụ tai nạn. Còn thống kê của cơ quan y tế là thống kê khi tiếp nhận bệnh nhân tại nạn giao thông và thống kê số lượng tử vong tại bệnh viện sau tai nạn”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Qua phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, có thể thấy Bộ đã có những gỉải trình cụ thể, rõ ràng về nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự chênh lệch số liệu tai nạn giao thông giữa thống kê của Bộ y tế, Bộ Công an. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm chưa đưa ra được giải pháp để khắc phục sự khác biệt số liệu thống kê tai nạn giao thông. Vậy thời gian tới, Bộ Công an sẽ triển khai những giải pháp cụ thể nào hay không? Đại biểu kỳ vong gì vào những giải pháp thực tế của Bộ Công an trong thời gian tới? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Vũ Thị Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên về vấn đề này.

                                                                              Đại biểu Vũ Thị Nguyệt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên

Phóng viên: Xuất phát từ thực tế nào, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá XIV, đại biểu có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an? Nội dung chất vấn tập trung ở khía cạnh nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: Là cán bộ làm trong ngành y tế, cũng có điều kiện tiếp xúc rất nhiều với các trường hợp tai nạn giao thông, cũng đã chứng kiến rất nhiều những hậu quả liên quan tới tai nạn giao thông, tôi hết sức quan tâm tới công tác thống kê số người chết trong các vụ tai nạn giao thông. Khi đọc báo cáo thống kê số liệu của Bộ Công an, rõ ràng số liệu này có sự chênh lệch so với báo cáo của Bộ Y tế. Tôi thấy rằng sự chênh lệch này cần được làm rõ và chúng ta cũng cần có sự hiểu đúng về số người chết trong tai nạn giao thông ở mức độ nào. Từ đó, có giải pháp tuyên truyền cũng như công tác hoạch định chính sách, tham mưu để có những giải pháp cụ thể làm giảm số vụ tai nạn giao thông và số người chết.

Phóng viên: Trước Nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề này. Quan điểm của đại biểu về phần nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: Trong phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng cũng nói rõ về cách thức giữa hai ngành công an và y tế thống kê số người chết trong các vụ tai nạn giao thông. Đối với ngành công an, theo quy định của pháp luật hiện nay chỉ thống kê số người chết tại hiện trường xảy ra tai nạn nhưng Bộ Y tế thống kê rộng hơn, đó là số người khi bị thương vào các cơ sở y tế điều trị, có tử vong sau quá trình điều trị hoặc là không qua khỏi được, con số ấy có sự vênh nhau. Tôi không nói ở góc độ Bộ nào đúng Bộ nào sai mà tôi chỉ muốn rằng chúng ta nên có sự nhìn nhận chính xác hơn về con số thực tế, số người chết trong các vụ tai nạn giao thông.

Một vế nữa, tôi muốn đặt ra là liệu đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách tính hay chưa thì Bộ trưởng Bộ Công an cũng chưa đề cập tới vấn đề này.

Phóng viên: Theo đại biểu, sự chênh lệch số liệu thống kê về số người chết do tai nạn giao thông đường bộ giữa Bộ Công an, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới gây nên những hệ quả xã hội như thế nào?

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: Tôi cho rằng, với số liệu của Bộ Công an đưa ra chỉ bằng một phần hai so với Bộ Y tế và bằng 1/3 so với Tổ chức y tế thế giới. Nếu xét về giá trị tuyệt đối, con số này là rất thấp so với thực tế, chính yếu tố đó làm cho nhận thức của người dân cũng như các cơ quan chức năng sẽ có sự chủ quan nhất định đối với vấn đề tai nạn giao thông hiện nay ở nước ta về việc thống kê số người chết. Do đó, tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận một cách đúng đắn hơn số người chết trong các vụ tai nạn giao thông. Để người dân có thể nhìn nhận rõ hơn bởi thực tế tai nạn giao thông đã mang lại hậu quả như thế nào đối với con người, với nền kinh tế và sâu xa hơn là đối với các gánh nặng về y tế mà người dân phải chịu đựng. Làm sao để khi chúng ta đưa ra được số liệu liên quan tới số người chết vì tai nạn giao thông thì con số đó thực sự có ý nghĩa và mang tính chất cảnh báo, từ đó thì chúng ta xây dựng được một kịch bản cũng như giải pháp để hạn chế tai nạn giao thông một cách thực tế hơn.

Phóng viên: Bên cạnh những giải pháp mà Bộ Công an đưa ra, đại biểu có đề xuất gì trong vấn đề đảm bảo con số thống kê đầy đủ?

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: Tôi cho rằng đã đến lúc Bộ Công an, Bộ Y tế và các cơ quan khác cần phải ngồi lại với nhau để xây dựng ra một tiêu chuẩn chung về cách thống kê, có tham khảo phương cách thống kê trên thế giới mà đang áp dụng ở nhiều quốc gia tiên tiến. Chúng ta có thể xây dựng một mẫu thống kê chung sử dụng cho Việt Nam. Và các mẫu này phải có sự tích hợp giữa các ngành để chúng ta có được số liệu hết sức chính xác và sát với thực tế.

Bên cạnh đó, về mặt yếu tố kỹ thuật, tôi cho rằng cần có những biện pháp về cách xử lý số liệu để chúng ta có thể ra được con số mang giá trị thực tế hơn trong công tác thống kê. Điều đó sẽ giúp chúng ta có được cái nhìn toàn cảnh hơn cũng như tham mưu được về công tác hoàn thiện chính sách để có thể có được mục tiêu về giảm số vụ tai nạn giao thông và số người chết mang tính chất thực tế.

Tôi cũng được biết trong thời gian qua, các bộ phận có liên quan của Bộ Công an và Bộ Y tế đã ngồi họp bàn, tuy nhiên vẫn là trong giai đoạn bàn bạc để ra được một phương án chung. Tôi hy vọng rằng các bộ phận có liên quan sẽ sớm hoàn thiện xong việc bàn thảo để có thể có được một biểu mẫu chung và thích hợp giữa hai Bộ và có được số liệu thống kê chính xác hơn trong thời gian tới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Năm 2020, công tác đảm bảo TTATGT tiếp tục được Bộ công an đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT, trong đó, trọng tâm triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư tại Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 18-CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021. Đặc biệt, việc sửa đổi Thông tư 58 mà Bộ Công an đã và đang thực hiện nhằm đảm bảo thống kê chính xác số TNGT. Đây được đánh giá là giải pháp cần thiết trong phòng ngừa TNGT, là căn cứ quan trọng trong hoạch định chính sách về ATGT, từ đó có giải pháp hữu hiệu nhằm kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông phù hợp thực tiễn./.

Kim Yến