ĐBQH LÊ CÔNG NHƯỜNG CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VỀ XU HƯỚNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ THÔNG MINH

26/03/2020

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn ĐBQH thành phố Bình Định đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về xu hướng giới trẻ chạy theo điện thoại thông minh và các đô thị xây dựng thành phố thông minh hiện nay.

Xu hướng xây dựng thành phố thông minh

Thế giới hiện đang thay đổi nhờ vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ở đó mọi hoạt động đều được tự động hóa nhờ công nghệ thông minh gúp kết nối toàn cầu. Và những thành phố thông minh trên thế giới đã bắt đầu xuất hiện như: New York, LonDon hay Singapo.

Lấy con người làm vị trí trung tâm trên nền tảng của thể chế và công nghệ, việc xây dựng thành phố thông minh đạt chuẩn các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn là mục tiêu mà nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện. Thành phố thông minh giúp chính phủ quản lý được mọi hoạt động đang diễn ra cũng như những nguy cơ tiềm ẩn đang có. Hiện nay, nhiều quốc gia và doanh nghiệp đang quan tâm tới các thành phố thông minh như một hướng đi quan trọng trong nền kinh tế của tương lai.

Đánh giá về xu hướng này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cho rằng, vấn đề xây dựng thành phố thông minh trên thế giới là xu hướng tất yếu của thời đại công nghiệp thời đại 4.0. Việc xây dựng thành phố thông minh giúp cuộc sống của con người được thuận lợi hơn, giúp quản trị quốc gia được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Với thực trạng di dân từ nông thôn ra thành thị rất lớn như hiện nay, các nhà lãnh đạo thành phố không chỉ Việt Nam mà trên thế giới đang phải gấp rút tìm kiếm những giải pháp để giải quyết những thách thức do áp lực tăng dân số mang lại như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự bất ổn, yếu kém về cơ sở hạ tầng gây ra. Việc đảm bảo cung cấp dịch vụ công, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân cũng ngày một khó khăn và phức tạp. Với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu hướng xây dựng thành phố thông minh đã trở thành phương thức phát triển tất yếu đối với các đô thị, nhất là những thành phố lớn trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đặc biệt là với những thành phố có tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, khái niệm thành phố thông minh bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh,… đang bước đầu hướng tới mô hình này.

Thực tế, phát triển đô thị thông minh nước ta chính thức được hiện thực hóa từ cuối năm 2015 bằng Quyết định số 1819 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước với mục tiêu và nhiệm vụ “triển khai đô thị thông minh ít nhất tại 3 địa điểm theo tiêu chí do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn”. Tiếp đó, ngày 01 tháng 8 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 950 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Thời gian qua, triển khai Quyết định 950 ngày 1/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030”, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Quyết định 829 ngày 31/5/2019 ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh phiên bản 1.0 và văn bản 3098 ngày 13/9/2019 về việc công bố Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 phiên bản 1.0. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thí điểm dịch vụ đô thị thông minh nhằm tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.

Do công việc cũng như nhu cầu di chuyển hàng ngày, anh Tùng cư trú quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội thường xuyên phải di chuyển vào các tuyến phố và khó khăn trong việc tìm chỗ đỗ và gửi xe. Sau một thời gian sử dụng ứng dụng tìm kiếm chỗ và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (IPARKING), anh chia sẻ, giờ đây việc tìm chỗ đỗ và trông giữ xe đã trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn nhiều; tiết kiệm được thời gian.

Ứng dụng tìm kiếm chỗ và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (IPARKING) 

Từ ngày 01/5/2017, Thành phố Hà Nội đã thí điểm triển khai ứng dụng tìm kiếm chỗ và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (IPARKING) trên 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) với 17 điểm đỗ, sức chứa 248 xe. Ứng dụng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người sử dụng, phần nào giúp người dân rút ngắn thời gian tìm chỗ đỗ xe và tạo ra sự minh bạch trong hoạt động trông giữ xe. Ngoài ra, hệ thống giao thông thông minh của Hà Nội còn gồm các hạng mục như: Cải tạo, nâng cấp hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi thành phố Hà Nội - giai đoạn 2; Bổ sung trang thiết bị và cơ sở dữ liệu nâng cao hiệu quả hệ thống giám sát hành trình GPS; ....

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, cho biết, Hà Nội đã và đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng hệ thống giao thông thông minh với các ứng dụng tiên tiến, hiện đại. Hệ thống giao thông thông minh khi đưa vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao năng lực tổ chức giao thông, quản lý giao thông tốt hơn, xử lý kịp thời các vi phạm, mang tính răn đe cao hơn và xây dựng ý thức tự giác chấp hành an toàn giao thông của người dân.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị

Thời gian qua, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các vấn đề của đô thị như y tế, giáo dục, giao thông; ..... Nhiều dịch vụ công đã được các cơ quan cung cấp trực tuyến qua môi trường internet, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh, phục vụ nhu cầu của người dân ngày càng tốt hơn. Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh,… và nhiều tỉnh, thành phố khác đã xây dựng đề án thí điểm thành phố thông minh. Ở các thành phố lớn, quá trình này tập trung vào một số lĩnh vực thiết yếu như giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh,… nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân.       

Chính phủ chủ trương xây dựng, phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam. Mục tiêu đề ra là đến năm 2020, phải triển khai ít nhất 3 đô thị thông minh. Trong rất nhiều thành phần của đô thị thông minh, Chính phủ ưu tiên phát triển công nghiệp số, du lịch thông minh và nông nghiệp thông minh.

Một trong những thuận lợi để triển khai đô thị thông minh là Việt Nam có hạ tầng viễn thông tương đối tốt, tỷ lệ người dùng Internet tăng nhanh. Lượng thuê bao Internet băng rộng phát triển mạnh. Bên cạnh đó, việc tăng cường hội nhập quốc tế cũng là một đòn bẩy giúp tăng tiến độ chuyển giao công nghệ và xây dựng các đô thị thông minh. Việt Nam cũng đang tiến hành triển khai chính quyền điện tử. Tất cả bộ, ngành, địa phương tại Việt Nam đều đã có cổng thông tin điện tử. Nhiều cơ quan đã cung cấp dịch vụ giải quyết thủ tục hành chính ở mức độ 1, 2, thậm chí ở mức 3 và 4. Đây là một thành phần cốt lõi mà các bộ, ngành, địa phương đang theo đuổi để phát triển đô thị thông minh.

Thách thức lớn nhất trong việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam nằm ở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, đặc biệt là tại nhiều tỉnh vùng sâu, vùng xa. Một vấn đề khác là tốc độ phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tầm quốc gia triển khai còn chậm. Chính quyền điện tử ở nhiều bộ, ngành, địa phương phát triển rộng nhưng việc kết nối với nhau vẫn còn hạn chế.

Tính hai mặt của smartphone

Một nhóm bạn bè đang ngồi cùng nhau, nhưng mỗi người lại chỉ chăm chú vào chiếc điện thoại của mình... Cảnh tượng này không chỉ xảy ra với người lớn mà còn rất phổ biến ở trẻ vị thành niên.

Một khảo sát của do Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ thực hiện cho thấy, 78% thanh thiếu niên tuổi từ 12-17 có điện thoại di động. Và trẻ không chỉ sử dụng điện thoại để gọi cho bố mẹ. 1/4 trẻ vị thành niên có thể truy cập Internet. Liệu đây có phải là điều tốt hay không? Ở Việt Nam lượng trẻ em sử dụng điện thoại thông minh ngày càng gia tăng. Một em học sinh dấu tên cho biết, lúc đầu bố mẹ cho em sử dụng điện thoại để liên lạc. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng điện thoại em đã trở nên nghiện game; mạng xã hội;… thời gian em dùng điện thoại từ 06 - 08 tiếng/ngày.

Sống ảo dường như trở thành trào lưu của giới trẻ

Dễ dàng nhận thấy hiện tượng sống ảo bằng hình ảnh giới trẻ giờ dán mắt vào điện thoại hay máy vi tính; điện thoại thông minh dường như trở thành vật bất ly thân. Chủ đề trò chuyện thay bằng những trò chơi game đang rầm rộ trên mạng xã hội hay những tin hot trên mạng xã hội.

Không thể phủ nhận rằng điện thoại di dộng là một công cụ hữu ích ngày nay. Nó đã trở thành một phần quan trọng của xã hội. Nó giúp chúng ta dễ dàng giao tiếp với đồng nghiệp, bạn bè và người thân. Nhưng mọi công nghệ mang đến lợi ích thường đi kèm với mặt trái. Do đó, quan trọng là cần chế ngự, giảm thiểu tối đa những mặt tiêu cực của việc sử dụng điện thoại thông minh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Công Nhường, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây chúng ta sống trong thế giới thực, đến khi thế giới ảo xuất hiện và giải quyết được những vấn đề nhất định thì con người có xu hướng lấn nhiều sang thế giới ảo. Để giảm thiểu tình trạng này thì trào lưu “sống chậm” lại được nhiều người lựa chọn.

Vì thế, Tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng cần tìm kiếm sự hài hòa trong việc sử dụng công nghệ và giao tiếp giữa con người với nhau: Nếu ta coi đô thị thông minh xoay xung quanh con người và lấy con người là trọng tâm để người dân giao tiếp với chính quyền một cách thuận lợi, nhanh chóng hơn, để người dân có tiếng nói và tham gia vào các câu chuyện của chính quyền nhiều hơn thì đây là việc tốt. Vì thế, khi xây dựng chính quyền thông minh thì trách nhiệm của Nhà nước và các bộ ngành là giải quyết hài hòa mối quan hệ này, tránh việc con người sống trên không gian ảo nhiều quá”.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ra hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh trong cấu phần công nghệ thông tin để giải quyết vấn đề Đại biểu đã nêu.

Tìm kiếm sự hài hòa trong việc sử dụng công nghệ và giao tiếp giữa con người với nhau

Như vậy, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng xây dựng thành phố thông minh đã trở thành phương thức phát triển tất yếu đối với các đô thị, nhất là những thành phố lớn trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đặc biệt là với những thành phố có tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,.... Tuy nhiên, lo ngại của đại biểu Lê Công Nhường về những tác động tiêu cực từ xu hướng giới trẻ lạm dụng smartphone cũng như sự phát triển mạnh mẽ những ứng dụng công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh cũng là vấn đề cần tìm giải pháp hài hòa nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cuộc sống của người dân mà không đánh mất các giá trị truyền thống, đạo đức.

Vậy, những giải pháp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra liệu có hợp lý và khả thi? Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, về vấn đề này.

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

Phóng viên: Xuất phát từ thực trạng nào đại biểu lại chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về nội dung xu hướng giới trẻ chay theo điện thoại thông minh và xây dựng thành phố thông minh?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Hiện nay ở nước ta, giới trẻ có xu hướng chạy theo điện thoại thông minh, các đô thị đua nhau xây dựng thành phố thông minh. Trong khi đó một số nơi trên thế giới đã nhận thấy mặt trái của điện thoại thông minh, ảnh hưởng đến phát triển nhân cách, sức khỏe nên đã cấm trẻ sử dụng tại trường học. Thành phố Yokohama (Nhật Bản) năm 2010 xây dựng thành phố thông minh nhưng nay đã không theo đuổi nữa vì không dự đoán được vấn đề sức khỏe, đạo đức xã hội trong tương lai. Hiện nay nhiều thành phố trên thế giới sống chậm và xây dựng thành phố đáng sống bởi họ không dự đoán được trong tương lai nếu tất cả là internet vạn vật thì hình dáng con người sẽ như thế nào?

Phóng viên: Trong phần trả lời, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, khi xây dựng đô thị thông minh, trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của các bộ, ngành là giải quyết hài hòa mối quan hệ này để tránh việc cực đoan theo nghĩa sống trên không gian ảo nhiều quá. Đại biểu có đồng tình với quan điểm này?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Bộ trưởng đã có phần trả lời câu hỏi chất vấn của tôi tại nghị trường khá đầy đủ. Quan điểm Bộ trưởng đưa ra là giải quyết hài hòa trong việc sử dụng công nghệ và giao tiếp giữa con người với nhau: “Nếu ta coi đô thị thông minh xoay xung quanh con người và lấy con người là trọng tâm để người dân giao tiếp với chính quyền một cách thuận lợi, nhanh chóng hơn, để người dân có tiếng nói và tham gia vào các câu chuyện của chính quyền nhiều hơn thì đây là việc tốt. Vì thế, khi xây dựng chính quyền thông minh thì trách nhiệm của Nhà nước và các bộ ngành là giải quyết hài hòa mối quan hệ này, tránh việc con người sống trên không gian ảo nhiều quá”. Tôi nghĩ nếu giải quyết được hài hòa trong việc sử dụng công nghệ và giao tiếp, tránh việc con người sống trên không gian ảo nhiều quá thì sẽ hạn chế được nguy cơ mà tôi đã phân tích và nêu ra.

Phóng viên: Theo đại biểu, cần có giải pháp gì để giới trẻ hạn chế việc sống trên không gian ảo nhiều quá như hiện nay?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Hiện nay, giới trẻ đang lún sâu vào thế giới ảo, việc dành nhiều thời gian cho điện thoại thông minh đang ảnh hưởng đến lối sống và gây ra nhiều hệ lụy. Theo tôi cần giáo dục, kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại thông minh của trẻ em. Bên cạnh đó, tạo nhiều sân chơi lành mạnh cho giới trẻ. Điện thoại thông minh có nhiều tiện lợi, quan trọng là phải phát huy và sử dụng đúng tính năng, có chừng mực tránh sa đà khiến mặt tích cực lại trở thành tiêu cực.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã hình thành xu thế phát triển mới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có đô thị thông minh. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây là các khái niệm mới, cần được nghiên cứu thấu đáo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới địa phương, phù hợp với xu thế phát triển chung và điều kiện của Việt Nam để phát triển bền vững. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn và điều kiện của từng địa phương, tránh đầu tư theo phong trào, lãng phí, thất thoát./.

Lê Anh

Các bài viết khác