ĐẠI BIỂU PHẠM HỒNG PHONG: CHẤT VẤN CHÁNH ÁN TANDTC VỀ THÔNG TƯ 01/2017/TT -TANDTC LIÊN QUAN ĐẾN VỊ TRÍ CHỖ NGỒI TRONG PHÒNG XỬ ÁN

26/03/2020

Đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang) có văn bản chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm rõ một số nội dung của Thông tư 01/2017/TT-TANDTC quy định về vị trí chỗ ngồi trong phòng xử án?

Theo đại biểu Phạm Hồng Phong, Thông tư số 01 ngày 28/7/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định phòng xét xử quy định vị trí chỗ ngồi của Hội đồng xét xử. Kiểm sát viên, Luật sư khác với trước đây. Chỗ ngồi của kiểm sát viên thấp hơn hội đồng xét xử, ngang, đối diện với người bào chữa. Đại biểu băn khoăn rằng, việc quy định như vậy có ảnh hưởng tới chức năng, quyền công tố, quyền kiểm sát tại phiên tòa của kiểm sát viên không? Khi nào mô hình này được thực hiện rộng rãi trong toàn hệ thống Tòa án.

Đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngày 28/7/ 2017 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ký ban hành Thông tư số 01/2017/TT - TANDTC quy định về phòng xử án trong đó có những điểm mới so với các quy định trước đây như: vị trí ngồi của kiểm sát viên và người bảo chữa được bố trí đối diện và ngang hàng với nhau; trong xét xử các vụ án hình sự, “vành móng ngựa ” được thay thế bằng “Bục khai báo”; có hành lang ngăn cách giữa khu vực xét xử và những người tham dự phiên tòa; có khu vực dành riêng cho báo chí; có quy định nêng về phòng xử án “thân thiện "khi xét xử để giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên. Việc bình hành Thông tư nói trên là nhằm tuân thủ các quy định của Hiến pháp, pháp luật, đảm bảo thực hiện các nguyên tắc tư pháp tiến bộ đã được pháp luật ghi nhận (nguyên tắc bình đẳng trước Tòa án, nguyên tắc tranh tụng, nguyên tác suy đoán vô tội, nguyên tắc " tố tụng thân thiện " đối với người dưới 18 tuổi…) và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết, quá trình xây dựng Thông tư nói trên cũng được tiến hành rất thân trọng. Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan và các chuyên gia pháp luật, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, dự thảo Thông tư đã 2 lần được gửi xin ý kiên các Bộ, ngành có liên quan; khi còn có ý kiến khác nhau thì đã được gửi để xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao mới ký ban hành. Có thể thấy, việc quy định mới về phòng xử án là rất phù hợp, rất đáng ghi nhận để đưa hoạt động xét xử hướng đến bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa các bên buộc tội- gỡ tội, nhằm xây dựng một nền tư pháp hiện đại và hội nhập.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình  trả lời chất vấn các ĐBQH.

Theo Chánh án tòa án nhân dân tối cao, sau khi Thông tư được ban hành và có hiệu lực thi hành đã nhận được ý kiến đánh giá cao của dư luận trong và ngoài nước. Việc bố trí chỗ ngồi của Kiểm sát viên và Luật sư ngang hàng và đối diện nhau là nhằm đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án; đồng thời, việc bố trí hình thức phiên tòa eo mô hình mới cũng chính là sự thể hiện việc thay đổi từ mô hình tố tụng xét hỏi sang mô hình tố tụng kết hợp giữa xét hỏi và tranh tụng. Việc bố trí chỗ ngồi của Kiểm sát viên theo quy định của Thông tư 01 không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động xét xử của Viện kiểm sát, đây cũng là ý kiến kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Thông tư 01 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Để thực hiện các quy định mới về phòng xử án, thời gian qua Tòa án nhân dân tối cao đang tập trung kinh phí để cải tạo các phòng xét xử và trang cấp các trang thiết bị làm việc phù hợp cho các Tòa án, nhưng trước mắt mới chỉ tập trung đầu tư được cho các Tòa án nhân dân cấp tỉnh và một số đơn vị thủ phủ của tỉnh. Để đảm bảo thực hiện thông nhất các quy định mới về phòng xử án, thì hệ thống Tòa án nhân dân cần được bổ sung thêm kinh phí để triển khai một cách đồng bộ việc trang bị các phương tiện cho phòng xét xử của tất cả các Tòa án trong toàn quốc (bàn nghề, tăng âm loa đài...). Bên cạnh đó, các Tòa án cũng cần được bố trí đất và kinh phí để xây dựng các phòng xét xử thân thiện. Những nội dung này đã được Tòa án nhân dân tối cao tổng hợp và đề xuất với Chính phủ, Quốc hội và mong nhận được ý kiến từng hộ của Đại biểu tại các diễn đàn Quốc hội để giúp các Tòa án tháo gỡ khó khăn đảm bảo thực hiện đúng các quy định mới của pháp luật.

Để triển khai thực hiện các quy định mới về phòng xét xử, hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang tích cực chỉ đạo các Tòa án nhân dân khẩn trương cải tạo các phòng xét xử và mua sắm trang thiết bị để trang cấp cho các phòng xét xử theo mô hình mới, chậm nhất đến đầu tháng 4 năm 2018 sẽ hoàn thành để mô hình này được thực hiện rộng rãi trong toàn hệ thống Tòa án.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chân thành cảm ơn sự quan tâm của Đại biểu đối với các hoạt động của Tòa án nhân dân; đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của đại biểu Quốc hội đối với công tác của các Tòa án, qua đó sẽ giúp Tòa án nhân dân các cấp đề ra các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của mình./.

Hồ Hương

Các bài viết khác