ĐBQH TRỊNH NGỌC PHƯƠNG CHẤT VẤN VỀ VIỆC TRIỂN KHAI SỬA CHỮA QUỐC LỘ 22B

27/03/2020

Trước tình trạng xuống cấp trầm trọng quốc lộ 22B đoạn qua ngã ba Gò Dầu đến cửa khẩu Xa Mát, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương – Đoàn ĐQBH tỉnh Tây Ninh

Chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bằng văn bản, đại biểu Trịnh Ngọc Phương – Đoàn ĐQBH tỉnh Tây Ninh cho biết, Quốc lộ 22B đoạn từ ngã ba Gò Dầu đến cửa khẩu Xa Mát, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đi qua bốn huyện Gò Dầu, Hòa Thành, Châu Thành, Tân Biên. Thời gian qua đã xuống xuống cấp trầm trọng với nhiều điểm ngập úng cục bộ, điển hình như ở Gò Dầu, các điểm trước UBND xã Hiệp Thạnh, xã Cẩm Giang, trước Công ty cao su Yên Viên huyện Tân Biên (xã Trả Vong, Mỏ Công, Tân Phong, Thị Trấn, Thanh Tây, Tân Lập...). Theo kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải thì toàn tuyến này sẽ được nâng cấp sửa chữa giai đoạn 2017 – 2019 .

Trong suốt thời gian qua từ năm 2015 - 2017 người dân dọc tuyến đường này rất bức xúc trước tình trạng ngập úng cục bộ gây mất an toàn giao thông dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm chết người do các điểm ngập úng này gây ra. Điển hình nhất là tại biển đen thuộc lộ trình Km70+350. Từ năm 2015-2017 đã xảy ra 06 vụ làm chết 02 người. Trước tình hình bức xúc nêu trên, các huyện dọc tuyến đường có rất nhiều văn bản gửi tới các cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm với tuyến đường này nhưng vẫn chưa được phản hồi cụ thể để giải quyết. Riêng UBND huyện Tân Biên đã có các văn bản như sau:

1. Công văn số 830 ngày 13/02/2016 đề nghị Công ty CP Đầu tư Xây dựng công trình 742, Sở Giao thông vận tải khảo sát và lập kế hoạch xây dựng mương thoát nước tại 06 điểm ngập úng cục bộ trên địa phận huyện;

2. Công văn số 58 ngày 13/7/2017 gửi tiếp cho Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ IV.2 nội dung như Công văn 830;

3. Công văn số 394 ngày 09/8/2017 của Chi cục Quản lý đường bộ IV.2 gửi Cục Quản lý đường bộ IV về việc đầu tư xây dựng rãnh thoát nước dọc tuyến Km70+100- Km70+750 (P) QL.22B, tỉnh Tây Ninh;

4. Ngày 09/8/2017 Sở Giao thông vận tải tỉnh có Công văn số 784 về việc kiến nghị Cục Quản lý đường bộ IV lắp đặt hệ thống thoát nước dọc tuyến QL.22B tại lý chỉnh Km70+350;

5. Ngày 15/8/2017 UBND huyện Tân Biên tiếp tục có văn bản số 368 gửi Chi cục Quản lý đường bộ IV. 2, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng công trình 742 và Sở Giao thông vận tải đề nghị xử lý điểm đen nguy hiểm về tai nạn giao thông sau khi tại đây ngày 03/8/2017 xảy ra tai nạn giao thông làm một người chết.

Ngoài ra trong quá trình liên tiếp gửi các văn bản đến các cơ quan chức năng vào ngày 08/8/2017, 19/8/2017, UBND huyện Tân Biên, Cục Quản lý đường bộ IV.2 kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét đây là điểm đen (vì có chết người theo thông tư 62/ 2012/TT-BGTVT ngày 20/7/2012) để dùng kinh phí bảo đảm an toàn giao thông khắc phục - vì chờ Bộ Giao thông vận tải nâng cấp sửa chữa quá lâu nhưng đến nay vẫn im lìm và người dân vẫn mong đợi, tai nạn giao thông vẫn rình rập. Trước tình hình trên huyện và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng công trình 472 cùng bỏ kinh phí để tự khắc phục.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương đặt câu hỏi, khi nào QL. 22 B mới được triển khai. Nếu không triển khai được đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xử lý các điểm đen bằng nguồn kinh phí an toàn giao thông.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Dự án Sửa chữa, cải tạo QL.22B đoạn Km0+000 - Km84+162, tỉnh Tây Ninh đã được Bộ Giao thông vận tải cho phép lập dự án đầu tư tại Quyết định số 3084/QĐ-BGTVT ngày 06/11/2017 do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm Chủ đầu tư dự án với tổng mức đầu tư khoảng 255 tỷ đồng, thực hiện trong 03 năm 2017, 2018, 2019 với các nội dung công việc chủ yếu như sau:

- Sửa chữa hư hỏng cục bộ đoạn Km0+00 - Km84+162, bù vênh, hoàn trả bằng BTN dày TB 7cm;

- Những vị trí qua khu dân cư và nước đọng trên mặt đường chưa có rãnh dọc: xây dựng rãnh dọc kết cấu BTCT lắp ghép có nắp đan (qua khu dân cư thiết kế nắp đan chịu lực) kết hợp xây dựng cống ngang (nếu chưa có) để đảm bảo thoát nước tốt; khắc phục triệt để hiện tượng nước tràn, đọng trên mặt đường gây mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông;

- Phần lề gia cố đoạn Km336000 - Km84+162: Những đoạn đi qua khu thị trấn, thị tứ, khu đông dân cư: sửa chữa, gia cố lề với kết cấu như kết cấu mặt đường để tăng cường an toàn giao thông và vệ sinh môi trường (tận dụng vật liệu gia cố lề cũ làm lớp móng); những vị trí hư hỏng còn lại sửa chữa theo kết cấu cũ. Những vị trí bị xói mòn bù phụ bằng cấp phối sỏi đỏ, đâm lèn chặt theo quy định;

- Hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông gồm cọc tiêu, cọc H, biển báo, biển chỉ dẫn, sơn kẻ vạch đường theo đúng quy chuẩn hiện hành;

- Sửa chữa, thay thế khe co giãn, thảm BTN đường hai đầu cầu cho 13 cầu.

Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, trước khi dự án được triển khai thi công đồng bộ, để đảm bảo an toàn giao thông, Bộ chấp thuận cho phép chuẩn bị đầu tư công trình: xử lý điểm đen đoạn Km70+050-Km70+567 QL.22B, tỉnh Tây Ninh, với nội dung công việc: bổ sung hệ thống thoát nước, sửa chữa gia cố lề bằng nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương; Giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ IV thực hiện các bước tiếp theo và triển khai thi công hoàn thành trước tháng 15/02/2015./.

Bảo Yến