ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NGỌ DUY HIỂU: CHẤT VẤN CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VỀ VIỆC ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC TRANH TỤNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BẢN ÁN

28/03/2020

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) đã chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng nguyên tắc tranh tụng và giải pháp nâng cao chất lượng bản án.

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho biết, thời gian qua nhiều cử tri cũng như Luật sư có phàn nàn rằng, trong nhiều vụ án, nguyên tắc tranh tụng này chưa được thực hiện tốt. Một số vụ án hình sự khi Luật sư, người tham gia tố tụng đưa ra những chứng cứ, những lập luận tranh luận thì đại diện Viện kiểm sát chỉ nói một câu Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm như phần tranh luận lại phiên tòa. Nhìn lại các vụ án oan sai thời gian qua thì không ít những vụ án mà Luật sư đã tranh luận và đã lập luận, tuy nhiên không được tranh luận đến cùng, do vậy đã dẫn đến oan sai. Đại biểu đặt ra câu hỏi, với trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, tư lệnh ngành sẽ có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ ra rằng, trong số các bản án dân sự không được thi hành thời gian qua có tỷ lệ không nhỏ có nguyên nhân từ việc bản án tuyên không rõ ràng hoặc chưa đủ những căn cứ so với thực tế. Theo thống kê của Bộ Tư pháp đã có 525 bản án trong thời gian 01 năm vừa qua và Bộ Tư pháp đã gửi 569 kiến nghị để Toà án giải thích hoặc đính chính, xem xét kháng nghị. Tuy nhiên, Tòa án chỉ có hơn 200 trả lời, do vậy thời gian tới, đại biểu đề nghị cần có giải pháp để nâng cao chất lượng bản án.

Trả lời vấn đề đại biểu chất vấn, về thực hiện nguyên tắc tranh tụng, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trong những năm qua, việc thực hiện tranh tụng tại phiên tòa đã được các Tòa án ngày càng chú trọng. Tuy nhiên, vẫn còn những phiên tòa chưa làm tốt hoạt động này, còn có những ý kiến của luật sư chưa được Hội đồng xét xử cân nhắc kỹ lưỡng, cá biệt có những phiên tòa việc tranh tụng chưa đi tới cùng của vấn đề. Thực trạng này gân liên với Bộ luật tố tụng hình sự cũ, khi mà mô hình tố tụng thẩm vấn đã được lựa chọn và nguyên tắc tranh tụng chưa được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận… Sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013 và theo tinh thần các đạo luật tư pháp mới được sửa đổi, bổ sung thì mô hình tố tụng hiện nay được lựa chọn là mô hình thẩm vấn kết hợp với tính ưu việt của tranh tụng. Nguyên tắc tranh tụng đã được Hiến định, luật định. Nhiều chế định về quyền con người, công khai minh bạch, kiểm soát quyền lực tư pháp, về Luật sư… đã được ghi nhận, đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo cho việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa.

Trong hoạt động chỉ đạo điều hành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng đã yêu cầu các Toà án tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp, trong đó làm tốt hoạt động tranh tụng là một trong bốn yêu cầu đề ra. Năm 2017, các Tòa án đã phối hợp với Viện Kiểm sát các cấp tổ chức 7825 phiên tòa rút kinh nghiệm, tăng trên 3.500 phiên tòa so với năm 2016. Ngày càng có nhiều phiên tòa tổ chức tốt hoạt động tranh tụng và được dư luận đánh giá cao, xã hội, người dân và cả giới luật sư cũng ghi nhận điều này.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, cần tập trung thực hiện các giải pháp trong thời gian tới, cụ thể:

Triển khai nghiêm túc các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015(sửa đổi ); Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, khi xét xử Hội đồng xét xử không được hạn chế thời gian tranh tụng, mọi vấn đề Luật sư, Kiểm sát viên nêu ra đều phải được nhận định, phân tích trong bản án . Những nội dung mới xuất hiện tại tòa mà chưa được kiểm tra đúng quy định pháp luật thi xét hỏi đến cùng để làm sáng tỏ, nếu phát hiện có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội thì khởi tố vụ án hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án để điều tra làm rõ. Việc tuyên án phát dựa trên cơ sở hồ sơ và kết qủa tranh tụng tại phiên tòa.

Ban hành hướng dẫn về tổ chức các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Trong đó các yêu cầu đặt ra của phiên tòa này là : Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện tốt nguyệt tác tranh tụng; bảo vệ quyền con người; Hội đồng xét xử thực hiện đầy đủ các quyền năng tố tụng.

Tiếp tục giao chỉ tiêu cho từng Thẩm phán  làm chủ tọa các phiên tòa rút kinh nghiệm, coi đây là giải pháp đột phá và thiết thực để các Thẩm phán nâng cao tinh thần trách nhiệm tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, tạo bước chuyển biến rõ nét trong công tác xét xử của Tòa án.

Tăng cường tập huấn chuyên sâu về kỹ năng điều hành tranh tụng tại phiên tòa cho các Thẩm phán. Nghiên cứu xây dựng Cuốn sổ tay Thẩm phán và kỹ năng điều hành tranh tụng tại phiên tòa; tổ chức phát sóng các phiên tòa mẫu theo tinh thần cải cách tư pháp trên Kênh truyền hình Tòa án nhân dân để các Tòa án học tập, chia sẻ kinh nghiệm.

Thực hiện nghiêm túc việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao để nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của Tòa án.

Về nâng cao chất lượng của các bản án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, trong những năm gần đây số lượng các bản án tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự đã giảm một cách rõ rệt.  Tuy nhiên, tình trạng này cũng chưa được khắc phục một cách triệt để.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội.

Để nâng cao chất lượng các bản án, khắc phục tình trạng án tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự, Chánh án Nguyễn Hòa Bình chỉ ra các giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là:

Thực hiện tốt 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử đã được Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao để ra, gồm: (1) Tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thông nhất pháp luật; (2) Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; (3) Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; (4) Công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện từ Tòa án nhân dân;  (5) Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự ;  (6) Tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó giao chỉ tiêu tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm tới từng Thẩm phán ; (7) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ án; (8) Tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử, (9) Nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án; (10) Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu: (11) Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án, (12) Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc cho các Tòa án; (13) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án; (14) Làm tốt công tác thi đua khen thường. Đây là những giải pháp căn cơ, định hình và tạo tiền đề quan trọng để tạo ra sự chuyển biến trong hoạt động của các Tòa án trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05 / 2017 / CT - CA ngày 16 / 10 / 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc giải quyết các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành. Trước mặt cần tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cơ quan thi hành án chưa được giải quyết dứt điểm; Chỉ đạo các Tòa án chủ động phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự; Viện kiểm sát nhân dân xây dựng quy chế phối hợp trong cả soát, kiểm tra đối với các bản án chưa thi hành; xác định rõ trách nhiệm và giải pháp xử lý theo trách nhiệm của từng cơ quan; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng viết bản án cho các Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chân thành cảm ơn sự quan tâm của đại biểu Quốc hội đối với công tác của các Tòa án; mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa những ý kiến góp ý của các đại biểu, qua đó sẽ giúp cho các Tòa án đề ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình./.

Hồ Hương

Các bài viết khác