ĐBQH TRIỆU THỊ THU PHƯƠNG CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VỀ GIẢI PHÁP BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

30/03/2020

Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về giải pháp bảo vệ trẻ em tốt hơn trên môi trường mạng và các hình thức cung cấp, quảng bá thông tin khác dành riêng cho trẻ em.

Theo đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương, Điều 87 Luật Trẻ em quy định: Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm “quản lý, hướng dẫn quy chuẩn báo chí, xuất bản, viễn thông, Internet, phát thanh, truyền hình và các hình thức cung cấp, quảng bá thông tin khác dành riêng cho trẻ em, có trẻ em tham gia, liên quan đến trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử và các phương tiện thông tin khác”. Tuy nhiên, thực tế cử tri cho rằng, thời gian qua hầu như không có biện pháp nào bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông cho biết, thời gian qua, Bộ đã có biện pháp nào bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và những giải pháp sắp tới để bảo vệ trẻ em tốt hơn trên môi trường mạng cũng như các hình thức cung cấp, quảng bá thông tin khác dành riêng cho trẻ em.


Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương, ngày 08/12/2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Về bản chất công nghệ, môi trường Internet là môi trường mở, cho phép người sử dụng được tự do cung cấp, tìm kiếm và sử dụng thông tin. Vì vậy, tùy thuộc vào động cơ, mục đích và nhận thức của cá nhân/tổ chức sử dụng mà thông tin đưa lên Internet là tích cực hoặc tiêu cực, hoặc thậm chí đi ngược lại lợi ích chính đáng của cộng đồng, xã hội. Do đó, việc sử dụng mạng Internet như thế nào để có thể tránh được những tác động xấu tới tâm lý người dùng, đặc biệt là đối với trẻ em đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm.

Qua công tác quản lý thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy tác động tiêu cực của Internet dễ gây tổn hại đến sức khỏe, tâm sinh lý và hành vi của trẻ em, thể hiện qua một số hành vi như: Lợi dụng Internet để phát tán các sản phẩm văn hóa độc hại kích động bạo lực, dâm ô đồi trụy, các trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh về sức khỏe và tâm sinh lý của trẻ em; Lợi dụng các trang mạng xã hội, các diễn đàn giao lưu kết bạn để dụ dỗ, lừa đảo trẻ em nhằm trục lợi; Lợi dụng Internet để lôi kéo trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em hoặc để buôn bán trẻ em....

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, Bộ đã và đang triển khai các giải pháp chính sách và công nghệ nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, ngày 23/6/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số  09/2017/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phầm.

Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích các công ty công nghệ sản xuất các phần mềm, chương trình giúp gia đình quản lý và bảo vệ trẻ em sử dụng máy tính truy cập các trang web đen độc hại; tạo dựng trang web dành cho trẻ em; Triển khai hệ thống kỹ thuật tiếp nhận cảnh báo, tố cáo các nội dung không phù hợp, có hại cho trẻ em. Ngoài ra, là giải phải tăng cường công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng tuyên truyền thông qua hệ thống nhà trường và các tổ chức đoàn thể để giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về ý thức sử dụng thông tin trên Internet một cách chọn lọc tích cực cho trẻ em./.

Bích Lan

Các bài viết khác