ĐBQH BÙI XUÂN THỐNG CHẤT VẤN NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VỀ GIẢI PHÁP ĐỂ TẠO THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ DỰ ÁN BOT

30/03/2020

Đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đã có chất vấn bằng văn bản đối với Thống đốc Ngân hàng nhà nước về giải pháp để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án BOT giao thông.

Đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai 

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện cho vay vốn tài trợ cho các dự án hạ tầng giao thông. Nguồn vốn này đã góp phần đảm bảo tiến độ, khối lượng đầu tư xây dựng các công trình giao thông, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đến cuối tháng 9/2017, dư nợ đối với các dự án BOT, BT giao thông đạt 90.311 tỷ đồng tăng 3,53% so với cuối năm 2016, tăng 3,79% so với cùng kỳ 2016, chiếm tỷ trọng 1,46%.

Tuy nhiên, việc cấp tín dụng của các TCTD đối với lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án BOT giao thông còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc và những rủi ro liên quan như: (i) Năng lực tài chính của Nhà đầu tư hạn chế, ít khả năng hỗ trợ dự án khi có biến động trái chiều (tổng mức đầu tư tăng, giảm phí…); (ii) Nhà đầu tư không đảm bảo vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu rất thấp chỉ chiếm 10 -15% tổng mức đầu tư, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay từ các TCTD; (iii) Một số dự án có nguồn thu trong các năm đầu vận hành không đủ trả lãi vay ngân hàng; (iv) Dự án bị chậm tiến độ, giải phóng mặt bằng kéo dài; phải cơ cấu kéo dài thời gian trả nợ, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng,...

Để đảm bảo hoạt động cấp tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững, giảm thiểu rủi ro trong việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, bám sát chủ trương của Chính phủ, từ năm 2015, Ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD tăng cường các biện pháp quản lý, hạn chế rủi ro trong việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực này.

Về tăng thời gian vay vốn: Theo quy định tại Luật các TCTD năm 2010, các TCTD có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Việc cấp tín dụng của các TCTD, trong đó có thời hạn vay vốn đối với khách hàng được quyết định trên cơ sở phương án sử dụng vốn khả thi, chu kỳ hoạt động kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn, khả năng trả nợ của khách hàng, nguồn vốn cho vay của TCTD, biện pháp bảo đảm tiền vay của khách hàng và việc tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn của TCTD theo quy định của Ngân hàng nhà nước. Việc cho vay đối với các dự án BOT cũng thực hiện theo cơ chế hiện hành về cấp tín dụng.

Tuy nhiên, các dự án BOT giao thông thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay dài, trong khi vốn huy động của các TCTD chủ yếu là ngắn hạn. Do vậy, các TCTD gặp khó khăn khi đáp ứng nguồn vốn dài hạn.

Thời gian tới, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay thương mại, thời gian vay vốn theo thời gian dự án BOT, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD xem xét cho vay các dự án BOT nếu có phương án tài chính là khả thi, hiệu quả và các nhà đầu tư có năng lực thực sự, đủ điều kiện vay vốn theo quy định; Nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng và sàng lọc, lựa chọn các dự án hiệu quả.

Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc đầu tư các dự án theo hình thức PPP như sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/03/2015 quy định chi tiết thi hành một số Điều Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng

Bên cạnh các giải pháp ngành Ngân hàng đang triển khai, để hoạt động cấp tín dụng cho dự án BOT hiệu quả, các cơ quan liên quan và nhà đầu tư cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể sau:

Một là, Chính phủ sớm hoàn thiện cơ chế về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và các quy định có liên quan đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Hai là, Các Bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư có lộ trình triển khai áp dụng các trạm thu phí không dừng trên tất cả các dự án BOT đã và đang đầu tư nhằm kiểm soát hiệu quả nguồn thu của các dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong việc xem xét thẩm định và quyết định cho vay.

Ba là, Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; đẩy nhanh thủ tục về đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giải phóng mặt bằng,… để hoàn thiện cơ sở pháp lý của dự án, đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các dự án.

Bốn là, Các nhà đầu tư cần tăng vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các điều kiện trong tiếp cận vốn ngân hàng./.

Bảo Yến

Các bài viết khác