ĐBQH BÙI XUÂN THỐNG CHẤT VẤN VỀ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH THANH TOÁN QUA THẺ VÀ VIỆC LẮP ĐẶT ATM

30/03/2020

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai về giải pháp để đẩy mạnh việc thanh toán qua thẻ và việc bố trí vị trí lắp các trụ ATM, phí giao dịch thẻ còn cao, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng đã có văn bản trả lời đại biểu về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Về việc bố trí ATM và các giải pháp đẩy mạnh việc thanh toán thẻ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong thời gian qua, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán thẻ (máy ATM, máy POS) và tăng cường phát hành thẻ. Tính đến nay, cả nước có khoảng 17.400 ATM; 260.000 POS/mPOS và 127 triệu thẻ.

Hiện nay suất đầu tư cho 1 máy ATM hoạt động là khá lớn,cụ thể: tùy theo tính năng kỹ thuật, chủng loại, xuất xứ... chi phí mua 01 máy ATM khoảng 670 triệu/1máy/năm chưa tính đến các chi phí khác như tiền mặt, tiếp quỹ, bảo vệ,... Do đó trong điều kiện nguồn lực của các ngân hàng hạn chế như hiện nay thì việc đầu tư 17.400 máy ATM như trên là một sự cố gắng lớn của ngành Ngân hàng. Để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và đặc biệt là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, các ngân hàng vẫn đang và sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới ATM, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn có tình trạng xếp hàng để rút tiền tại các ATM, nhưng chủ yếu chỉ tập trung vào 02 kỳ lương trong tháng và Tết Nguyên đán tại một số khu công nghiệp đông công nhân. Để từng bước khắc phục triệt để tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên theo dõi và chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện:

Một là, Bố trí thêm ATM lưu động phục vụ trong các dịp cao điểm; tăng cường và sắp xếp mạng lưới ATM; áp dụng trả lương tại quầy giao dịch của ngân hàng; giám sát chặt chẽ hạn mức tồn quỹ của ATM để kịp thời tiếp quỹ phục vụ kịp thời nhu cầu rút tiền của khách hàng.

Hai là, Trao đổi, thống nhất với doanh nghiệp chia thời gian trả lương thành nhiều khung thời gian để giảm tải việc rút tiền cho ATM.

Ba là, Phát hành thẻ cho khách hàng phải tính đến bảo đảm khả năng và điều kiện đáp ứng về cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ tốt cho thanh toán thẻ.

Bốn là, Đẩy mạnh việc sử dụng thẻ trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, giảm dần việc rút tiền mặt tại các ATM: cho phép sử dụng thẻ trên các kênh ATM, POS, Mobile, Internet; thêm các tính năng, tiện như chuyển tiền, nạp tiền, thanh toán hóa đơn...

Thống kê số liệu về thanh toán cho thấy: thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm thanh toán thẻ đã tăng trưởng mạnh mẽ (tốc độ tăng trưởng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt của năm 2016 so với năm 2015 qua kênh POS đạt 30%, qua Internet đạt 43%, và qua Mobile 126%). Cùng theo đó việc rút tiền mặt tại ATM có xu hướng giảm mạnh, góp phần giảm dần thanh toán bằng tiền mặt (từ 32% của năm 2012/2011 xuống 26% của năm 2015/2014 và 15,7% của năm 2016/2015 ).

Với các biện pháp, kết quả như trên đã góp phần giảm tải ATM, giảm áp lực rút tiền mặt và tình hình 02 năm gần đây cho thấy hiện tượng tắc/nghẽn ATM để rút tiền mặt đã từng bước được cải thiện và giảm rõ rệt.

Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội về phí giao dịch thẻ còn cao, văn bản trả lời của Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, theo các quy định của pháp luật hiện hành, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức phí cung ứng dịch vụ cho khách hàng biết, trong đó có phí dịch vụ thẻ. Theo đó, khách hàng chỉ phải trả phí cho dịch vụ mà mình sử dụng.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng

Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư số 35/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012 quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, trong đó, quy định 06 loại phí cơ bản, như phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí rút tiền mặt, phí chuyển khoản, phí vấn tin tài khoản và phí sao kê. Thông tư cũng quy định các tổ chức phát hành thẻ cần có biện pháp phân loại đối tượng khách hàng để có hình thức hỗ trợ phù hợp đối với sinh viên nghèo, công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Theo quy định, mức phí cho giao dịch rút tiền mặt tối đa là 3.000 đồng/giao dịch (chưa gồm VAT). Mức phí này được quy định từ năm 2012 và từ đó đến nay vẫn chưa thay đổi trong khi đó các chi phí cho đầu tư, duy trì hoạt động của ATM đều tăng hàng năm (tỷ giá tăng, tiền lương tối thiểu tăng qua các năm, tiền điện tăng…).

Thực tế, hầu hết các ngân hàng (36/43 ngân hàng) miễn phí rút tiền ATM nội mạng, 7 ngân hàng thu ở mức 1.000đ/giao dịch nội mạng; phí giao dịch ngoại mạng là 3.000 đồng/giao dịch (chỉ chiếm khoảng gần 10% tổng số giao dịch). Theo tính toán của một số ngân hàng và tổ chức, chi phí đầu tư để thực hiện một giao dịch rút tiền trung bình khoảng từ 7.000-8.000 đồng/giao dịch.

(Tham khảo tại một số quốc gia trong khu vực cho thấy, mức phí tối đa rút tiền mặt hiện nay ở Thái Lan khoảng 20Bth/giao dịch, tương đương 13.720 đồng/giao dịch; Malaysia khoảng 1,06RM/giao dịch, tương đương 5.700 đồng/giao dịch; Philippines khoảng 10 Peso, tương đương 4.400 đồng/giao dịch).

Mặt khác, để tăng tiện ích của thẻ cho người sử dụng, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải bỏ thêm chi phí để đầu tư phần cứng, phần mềm, an ninh mạng và nhân lực công nghệ thông tin. Do đó việc thu phí thẻ hiện nay của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chỉ bù đắp được phần nào chi phí đầu tư.

Trong thời gian tới, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục nắm bắt, theo dõi tình hình và lắng nghe phản ánh của dư luận để kịp thời có những chính sách, giải pháp phù hợp góp phần thúc đẩy thanh toán thẻ và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người sử dụng thẻ./.

Bảo Yến

Các bài viết khác