ĐBQH HUỲNH THANH PHƯƠNG CHẤT VẤN VỀ TÌNH HÌNH GIA TĂNG CÁC THÔNG TIN SAI SỰ THẬT TRÊN CÁC TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ, MẠNG XÃ HỘI

29/04/2020

Mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp nhằm phát hiện, xử lý và ngăn chặn song tình trạng đăng tải các thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội xuyên biên giới có chiều hướng gia tăng. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã có phiếu chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về thực trạng này.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh

Chất vấn của gửi đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ: Thời gian qua, tình trạng các cá nhân và tổ chức nhất là các đối tượng thù địch, các loại tội phạm đăng tải các thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội xuyên biên giới, gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, kinh tế và cá tính mạng, gây hoang mang, bức xúc bất an xã hội. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, vì sao Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhằm phát hiện, xử lý và ngăn chặn nhưng tình trạng trên vẫn không giảm mà có chiều hướng gia tăng?

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì khả năng xảy ra các vi phạm cũng ngày càng nhiều. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu độc, vị phạm pháp luật.

Mặc dù kết quả đạt được khá tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, cùng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các các bộ ngành liên quan.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, các sai phạm chủ yếu từ các mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam (nổi bật là Facebook và Youtube), hoạt động không cần có giấy phép (vì không lập văn phòng đại diện tại Việt Nam), việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam rất hạn chế. Các mạng xã hội này có số lượng người sử dụng rất nhiều, tính tương tác cao, mức độ tác động, ảnh hưởng xã hội rất lớn. Nguyên nhân là do các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube tìm cách trốn tránh việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, nhất là về quản lý nội dung, cho phép các thành viên có thể thoải mái thảo luận, chia sẻ tất cả các vấn đề thời sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội, kể cả những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, nên đã tạo ra sức hấp dẫn rất lớn đối với người sử dụng trong nước.

Với những đặc điểm đó, Facebook và Youtube đã trở thành kênh thông tin quan trọng của đông đảo người dân Việt Nam, là nơi hình thành các luồng dư luận lớn tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, đồng thời là nguồn phát tán thông tin sai sự thật, thù ghét, xấu độc. Hiện các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, chống đối chính trị coi mạng xã hội là mặt trận chính để thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động đấu tranh, yêu cầu các doanh nghiệp Google, Facebook hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xuyên tạc, sai sự thật, thông tin xấu độc trên môi trường mạng.

Từ đầu năm 2017 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý thông tin xuyên tạc, sai sự thật, vi phạm pháp luật Việt Nam trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội xuyên biên giới.

Đối với Facebook (tỷ lệ chặn gỡ đạt 70%): đã gỡ 200 tài khoản cá nhân giả mạo, trong đó tài khoản giả mạo các vị Lãnh đạo Đảng nhà nước 46 tài khoản, còn lại là tài khoản tuyên truyền thông tin giả mạo, xấu độc kích động chống phá nhà nước Việt Nam. Đã gỡ 2.444 link rao bán sản phẩm bất hợp pháp;  gỡ 271 link phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ, làm nhục đối với các Lãnh đạo Đảng và nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức; gỡ 330 fanpages quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng.

Đồng thời Facebook và Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập được cơ chế làm việc Nhóm công tác. Facebook cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong việc xử lý các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để Facebook hoạt động, phát triển tại Việt Nam.

Đối với Google (tỷ lệ chặn gỡ đạt 85%): Trên YouTube đã ngăn chặn và gỡ bỏ 9.501 video vi phạm. Đặc biệt, thực hiện yêu cầu của Bộ Thông tin - Truyền thông, Google hiện đã ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 19/62 kênh Youtube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống pháp Nhà nước Việt Nam chứa khoảng 5.000 video clip (các kênh còn lại Youtube đang tiếp tục xem xét ngăn chặn).

Google đã gỡ 108/111 game trên Google Play, trong đó có 104 game bài và 1 game có tên “Lấy lại quê hương” có nội dung phản động, chống phá nhà nước Việt Nam và các game không phép.

Google cũng đã thiết lập cơ chế làm việc riêng đối với Chính phủ Việt Nam. Google ngừng và cam kết không chia sẻ tiền quảng cáo cho các kênh vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ. Cam kết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam nhằm thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam.

Mặc dù kết quả đạt được bước đầu khá tích cực nhưng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thừa nhận đúng như nhận định của Đại biểu, tình trạng trên chưa giảm mà có chiều hướng gia tăng là do số lượng các video clip và tài khoản bị Facebook và Google ngăn chặn, gỡ bỏ còn quá nhỏ bé so với số lượng thông tin xấu độc được đăng tải lên Youtube, Facebook mỗi ngày.

Lý giải nguyên nhân sâu xa của tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, người dân Việt Nam đang phụ thuộc vào các mạng xã hội nước ngoài. Hiện nay, ở nước ta, số lượng người dùng mạng xã hội Facebook và Youtube rất lớn (hiện có khoảng 35 triệu người sử dụng Youtube và 65 triệu người sử dụng Facebook). Trong khi đó, Việt Nam chưa xây dựng được một hệ sinh thái số đủ mạnh, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhân dân.

Hơn nữa, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý Internet và thông tin trên mạng còn bất cập, chưa cụ thể hóa, bao quát hết các đối tượng và hoạt động cần quản lý, hành vi sai phạm, chế tài xử lý chưa bảo đảm tính răn đe, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, vô tình dẫn đến sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi, quy trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực này theo quy định hiện hành mất khá nhiều thời gian, dẫn đến việc quy định vừa sửa đổi, bổ sung xong đã bắt đầu lạc hậu, gây khó khăn cho công tác quản lý./.

Bảo Yến

Các bài viết khác