ĐBQH LÊ THỊ THANH XUÂN CHẤT VẤN VỀ VIỆC BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

29/04/2020

Cho rằng việc bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng hiện còn chậm chạp, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã có phiếu chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị làm rõ vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk

Phiếu chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông của đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk nêu rõ: “Bộ trưởng có cho rằng chúng ta đang phản ứng chập trong việc bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng hay không?

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, Internet là kho dữ liệu khổng lồ của thế giới và trên đó ngoài các thông tin, kiến thức bổ ích, giải trí lành mạnh thì còn rất nhiều thông tin, hình ảnh, video có nội dung không phù hợp với trẻ em: các phim, trò chơi, video clip độc hại, bạo lực, cổ súy những hành vi sai trái, phản cảm của một số cá nhân đang được coi là “thần tượng” trên mạng xã hội như Khá Bảnh,...có ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi của giới trẻ.

Thời gian qua, Bộ đã tích cực triển khai các giải pháp trong việc bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng. Các quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực quản lý, cung cấp, sử dụng nội dung thông tin trên mạng đã được điều chỉnh, bổ sung như thẩm định nội dung game G1 để bảo đảm không kích động bạo lực, có các yếu tố vi phạm, thuần phong mỹ tục trước khi cho phép phát hành; Có quy định dán nhãn phân loại độ tuổi game để phân biệt game phù hợp trẻ em; Có biện pháp hạn chế giờ chơi 180 phút/ngày đối với game G1 khi người chơi là dưới 18 tuổi.

Đồng thời, khuyến khích các công ty công nghệ sản xuất các phần mềm, chương trình giúp gia đình quản lý và bảo vệ trẻ em sử dụng máy tính truy cập các trang web đen độc hại; tạo dựng trang web dành cho trẻ em; triển khai hệ thống kỹ thuật tiếp nhận cảnh báo, tố cáo các nội dung không phù hợp, có hại cho trẻ em.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, xử lý các đối tượng có hành vi sai trái, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội; phối hợp với Bộ Công an để điều tra xác định hành vi, nhân thân vi phạm và chuyển hồ sơ đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm đến mức phải xử lý hình sự.

Bộ cũng chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Google, Facebook, Apple buộc các doanh nghiệp này phải triển khai việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, có hại cho trẻ em; chặn, gỡ các game và link quảng cáo game vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trên các nền tảng này khi có yêu cầu từ phía Chính phủ Việt Nam. Đã xây dựng cơ chế phối hợp với Google, Facebook, Apple trong việc xử lý thông tin vi phạm trên hệ thống của các nền tảng này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Kể từ năm 2018, cơ chế phối hợp giữa Bộ Thông tin –Truyền thông và Google, Facebook, Apple đã đạt được bước tiến mới. Theo đó, tính đến hết tháng 12/2019, Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ: 9.501 video trên YouTube vi phạm. Đặc biệt, thực hiện yêu cầu của Bộ Thông tin –Truyền thông, Google hiện đã ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 19/62 kênh YouTube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá nhà nước có chứa khoảng 5.000 video clip. Facebook đã gỡ 200 tài khoản (trong đó có 46 tài khoản giả mạo các vị Lãnh đạo Đảng, nhà nước), 2.444 links bán sản phẩm bất hợp pháp, 271 links có nội dung vi phạm, gỡ bỏ 330 fanpages quảng cáo trò chơi cờ bạc, đổi thưởng... Google gỡ 108 trò chơi (104 trò chơi bài, 1 trò chơi có tên Lấy lại quê hương có nội dung phản động, chống phá nhà nước Việt Nam và các trò chơi không phép), Apple gỡ 13 trò chơi điện tử không phép, trò chơi cờ bạc, bạo lực... khỏi kho ứng dụng của mình.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ đạo các cơ quan báo chí chủ động tuyên truyền, đăng tải tin, bài nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về những tác động tiêu cực của mạng xã hội nói riêng và của Internet nói chung để trẻ em và đặc biệt là các bậc phụ huynh biết, hướng dẫn con em mình lựa chọn những chương trình, nội dung phù hợp, bổ ích khi tham gia mạng xã hội. Chú trọng tuyên truyền thông qua hệ thống nhà trường và các tổ chức đoàn thể để giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về ý thức sử dụng thông tin trên Internet một cách chọn lọc tích cực cho trẻ em./.

Bảo Yến

Các bài viết khác