ĐBQH TRẦN THỊ THANH LAM: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ VỀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC CÁN BỘ.

29/04/2020

Tại Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đã gửi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ về những hạn chế, thiếu sót của một số cơ quan, tổ chức trong công tác tổ chức cán bộ và công tác kiểm tra, giám sát trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

 Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Đại biểu Trần Thị Thanh Lam phản ánh: Báo cáo của Bộ trưởng có đánh giá: "Qua thanh tra, một số cơ quan, tổ chức nhận thức và chấp hành chưa đầy đủ các quy định của Đảng và của pháp luật về công tác tổ chức cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức chưa được coi trọng; không kịp thời phát hiện các thiếu sót về vi phạm để chấn chỉnh".

Hạn chế trên cho thấy đây là thiếu sót của cơ quan, tổ chức nhưng hậu quả cá nhân công chức chính là người chịu thiệt thòi (nhiều trường hợp đã công tác lâu năm, hơn 10 năm, 15 năm, thậm chí hơn 20 năm) hồi tố thị lại, điều này ảnh hưởng đến quyền lợi, lương, bổ nhiệm, đề bạt... gây bức xúc trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết quan điểm của mình và cách thức để giải quyết những hạn chế trên cho phù hợp.

Cũng từ vấn đề trên, tại Phiên chất vấn Bộ trưởng vào chiều ngày 7/11/2019, Bộ trưởng có nêu "những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng sẽ có những giải pháp cho từng trường hợp cụ thể, sao cho có lý, có tình". Đại biểu Trần Thị Thanh Lam đã nêu 8 trường hợp cụ thể tại tỉnh Bến Tre và đề nghị Bộ trưởng xem xét:

1, Ông Trần Văn Huấn, sinh ngày 13/4/1978; đơn vị công tác: Phòng Nội vụ huyện Mỏ Cày Bắc; chức vụ: Phó trưởng phòng, trình độ chuyên môn: Cử nhân quản trị kinh doanh; trình độ quản lý nhà nước: Chuyên viên chính; Tiếng Anh B; Tin học A; ngạch lương hiện giữ (mã số ngạch 01.003), bậc 4, hệ số lương 3,33; thời gian xét tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày 01/6/2016. Ông Huấn có hơn 10 năm kinh nghiệm công tác tại các cơ quan nhà nước, trong đó có hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực nội vụ với trình độ đại học.

2, Ông Mai Văn Cang, sinh ngày 15/5/1964, đơn vị công tác: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Bắc; chức vụ: Phó trưởng phòng; trình độ chuyên môn: Kỹ sư trồng trọt; Tin học A; ngạch lương hiện giữ (mã số ngạch 01.003), bậc 7, hệ số lương 4,32; thời gian xét tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày 01/11/2017. Ông Cang có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp với trình độ đại học.

3, Ông Cao Hoài Phương, sinh ngày 12/11/1980; đơn vị công tác: Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh; chức vụ: Thanh tra viên; trình độ chuyên môn: Kỹ sư Xây dựng cầu - đường, trình độ quản lý nhà nước: Chuyên viên; Tiếng Anh B; Tin học A; ngạch lương hiện giữ: Thanh tra viên (mã số ngạch 04.025), bậc 5, hệ số lương 3,66; thời gian xét tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày 01/3/2017. Ông Phương có hơn 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó có hơn 5 năm công tác với trình độ đại học.

4, Ông Trương Thành Lũy, sinh ngày 15/9/1977; đơn vị công tác: Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh; trình độ chuyên môn: Kỹ sư Xây dựng trình độ quản lý nhà nước: Chuyên viên; Tiếng Anh B; Tin học B; ngạch lượng hiện giữ: bậc 6, hệ số lương 3,99 (mã ngạch 01.003); thời gian xét tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày 01/01/2017. Ông Lũy có hơn 17 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực giao thông vận tải với trình độ đại học.

5, Ông Lê Thanh Liêm, sinh ngày 22/12/1977; đơn vị công tác: Phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên thuộc Sở Nội vụ; chức vụ: Phó trưởng phòng, trình độ chuyên môn: Cử nhân quản trị kinh doanh; trình độ quản lý nhà nước: Chuyên viên chính; Tiếng Anh B; Tin học B; ngạch lương hiện giữ: bậc 2, hệ số lương 4,74; thời gian xét tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày 01/01/2017. Ông Liêm có hơn 17 năm kinh nghiệm công tác với trình độ địa học, trong đó có hơn 07 năm công tác trong lĩnh vực nội vụ.

6, Ông Đỗ Trung Đông, sinh ngày 25/6/1975; đơn vị công tác: Phòng Khoa giáo - Văn xã thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; chức vụ: Phó trưởng phòng, trình độ chuyên môn: Thạc sĩ lịch sử, trình độ quản lý nhà nước: Chuyên viên chính; Tiếng Anh B1; Tin học B; ngạch lương hiện giữ: Chuyên viên (mã số ngạch 01.003), bậc 6, hệ số lương 3,99; thời gian xét tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày 01/01/2017. Ông Đông đã có hơn 16 năm kinh nghiệm công tác, trong đó có hơn 13 năm công tác với trình độ đại học,

7, Ông Nguyễn Hoài Minh, sinh ngày 02/12/1968; đơn vị công tác: Kho bạc Nhà nước Bến Tre; chức vụ: Phó Giám đốc phụ trách Kho bạc Nhà nước Bến Tre; trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Quản lý kinh tế; trình độ quản lý nhà nước; Chuyên viên chính; Tiếng anh: Chứng chỉ C; Tin học: Cử nhân; Ngạch công chức: Chuyên viên (mã số ngạch 01.003), bậc 9, hệ số lương 4,98; thời gian xét tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày 01/10/2017, Ông Minh có hơn 26 năm kinh nghiệm công tác.

8, Ông Võ Thanh Tâm, sinh ngày 23/12/1971, đơn vị công tác: Kho bạc Nhà nước Bến Tre, chức vụ: Trưởng phòng Kiểm soát chi; trình độ chuyên môn: Cử nhân kinh tế, trình độ quản lý nhà nước: Chuyên viên chính; Tiếng Anh cử nhân; Tin học A ứng dụng; Ngạch công chức: Chuyên viên (mã số ngạch 01.003), bậc 9, hệ số lương 4,98; thời gian xét tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày 01/10/2018. Ông Tâm có hơn 27 năm kinh nghiệm công tác.

Các trường hợp trên chưa có quyết định tuyển dụng công chức là do cơ quan sử dụng công chức trước đây chưa nắm rõ quy trình để thực hiện đúng quy định. Trách nhiệm chính thuộc về lỗi của cơ quan, tổ chức thực hiện việc tuyển dụng, không phải lỗi của cá nhân người được nhận vào làm việc.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến đối với những trường hợp nêu trên.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết:

1. Thực hiện Thông báo Kết luận số 43-TB/TW ngày 28/12/2017 của Bộ Chính trị về kết quả kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 24-KL/TW ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo gắn với thực hiện Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử và Kết luận số 48-KL/TW ngày 26/4/2019 của Ban Bí thư về kết quả tự kiểm tra, rà soát thực hiện công tác cán bộ theo Thông báo kết luận số 43-TB/TW ngày 28/12/2017 của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 48-KL/TW. Do vậy, đối với 08 trường hợp như nội dung chất vấn của Đại biểu đã nêu trên, Bộ Nội vụ đề nghị xem xét, xử lý theo Thông báo Kết luận số 43-TB/TW và Kết luận số 48-KL/TW.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

2. Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4, Trung ương 6 và Trung ương 7 khóa XII và theo nhiệm vụ được phân công, Bộ Nội vụ đã xây dựng nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua), theo đó có sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định về cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm đồng bộ, liên thông giữa quy định của Đảng và của pháp luật, trong đó đặc biệt chú trọng đến các nhiệm vụ nhằm đổi mới công tác cán bộ, như: Hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ, khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ như phân công, phân cấp thẩm quyền quản lý, quy trình bổ nhiệm... nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tổng thể, liên thông giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; chấn chỉnh, khắc phục tình trạng kén chọn vị trí, chức danh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai thực hiện việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch.

Để triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Bộ Nội vụ đã chủ động xây dựng nội dung các dự thảo Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội dung cho phù hợp với các quy định mới của Bộ Chính trị về công tác cán bộ, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của Đảng và của Nhà nước, trong đó có: (1) Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, để thay thế Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 161/2018/NĐ-CP; các quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo. (2) Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, để thay thế Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 161/2018/NĐ-CP; các quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm đối với viên chức quản lý tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP và Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg. (3) Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, Bộ Nội vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất về công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức nhằm kịp thời phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị biện pháp khắc phục, phòng ngừa và kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra thực hiện đúng quy định của Đảng và của pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Đối với các sai phạm, hạn chế về công tác bổ nhiệm, tuyển dụng phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ đã kiến nghị Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

- Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bổ nhiệm; ban hành các văn bản quy định về điều kiện, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo theo thẩm quyền phân cấp và phù hợp với quy định pháp luật để thống nhất thực hiện.

- Hủy bỏ, thu hồi quyết định đối với các trường hợp đã có kết luận vi phạm; đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra những hạn chế, tồn tại theo hướng dẫn chung tại Thông báo Kết luận số 43-TB/TW ngày 28/12/2017 của Bộ Chính trị, Kết luận số 48-KL/TW ngày 26/4/2019 của Ban Bí thư và các văn bản hướng dẫn chung của Đảng.

- Có kế hoạch cử đi đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức để bảo đảm đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn khi bổ nhiệm.

3. Để đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:

- Thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và của pháp luật trong công tác cán bộ.

- Xây dựng, hoàn thiện bộ khung tiêu chuẩn cho tất cả chức danh trong bộ máy hành chính nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý.

- Tiếp tục thực hiện cơ chế thi tuyển các chức danh bổ nhiệm bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và cạnh tranh lành mạnh, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng.

- Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực như "chạy chức", "chạy quyền" hoặc hình thức, chiếu lệ trong lựa chọn, bố trí cán bộ. Việc lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải đúng nguyên tắc, dân chủ, minh bạch, công khai, công tâm, khách quan.

- Thường xuyên tổ chức tập huấn về công tác tổ chức cán bộ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, sử dụng cán bộ, qua đó kịp thời xử lý tiêu cực; đồng thời phát hiện, thay thế cán bộ yếu kém bằng những người có đức, có tài, có đủ phẩm chất, năng lực; thực hiện công khai việc tuyển dụng công chức, viên chức; không phân biệt văn bằng, chứng chỉ, loại hình đào tạo; địa giới hành chính vùng miền.

- Quán triệt, triển khai sâu rộng và thực hiện nghiêm túc Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Bích Lan

Các bài viết khác