ĐBQH LỮ THANH HẢI: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ VỀ VIỆC ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC.

29/04/2020

Đại biểu Quốc hội Lữ Thanh Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa có chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ về kế hoạch khắc phục những hạn chế trong việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Đại biểu Quốc hội Lữ Thanh Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

Gửi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lữ Thanh Hải phản ánh: Hiện nay, việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chưa được định hướng cụ thể mức độ hoàn thành công tác, công việc do đó việc xếp loại mức bốn mức độ hoàn thành nhiệm vụ: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ còn mang tính khái quát ước lượng dẫn đến việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chưa thật chính xác. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ thuộc vị trí việc làm còn có những nhiệm vụ kiêm nhiệm như: Công tác đảng, đoàn thể... cũng chiếm khá nhiều thời gian, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến nhiệm vụ chuyên môn chính nhưng lại thiếu sự lượng hóa cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu chính xác công bằng.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Nội vụ đã có kế hoạch gì để triển khai khắc phục những hạn chế trên sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Đại biểu Lữ Thanh Hải cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ đã có kế hoạch xây dựng phương án xét nâng ngạch lên cán sự và lên chuyên viên như thế nào sau khi Luật có hiệu lực, bởi vì theo danh mục vị trí việc làm đã được Bộ Nội vụ phê duyệt hiện nay hầu như tất cả các vị trí việc làm đều yêu cầu ngạch tối thiểu là ngạch chuyên viên, có rất ít vị trí yêu cầu ngạch thấp hơn.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lữ Thanh Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, ngày 22/11/2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết:

Triển khai thực hiện Quy định số 89-QĐ/TW; Quy định số 132-QĐ/TW; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Công văn số 1255/VPCP-TCCV ngày 02/02/2018 và Công văn số 4818/VPCP-TCCV ngày 23/5/2018 của Văn phòng Chính phủ) giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 56/2015/NĐ-CP và Nghị định số 88/2017/NĐ-CP, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Nghị định, gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Ngày 13/3/2019, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo thẩm định số 38/BC-BTP về dự thảo Nghị định, theo đó Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc thời điểm trình Chính phủ ban hành Nghị định này đến sau khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được ban hành.

Tại Công văn số 4122/VPCP-TCCV ngày 16/5/2019 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý lùi thời hạn trình Nghị định này đến sau khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được thông qua.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Về xét nâng ngạch công chức: Tại nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có bổ sung hình thức xét nâng ngạch công chức. Tuy nhiên, việc xét nâng ngạch công chức chỉ đặt ra trong một số trường hợp đặc biệt đối với công chức đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện để được dự thi nâng ngạch (trừ điều kiện về thời gian giữ ngạch) và thực sự xuất sắc trong quá trình công tác được cấp có thẩm quyền công nhận theo quy định của Chính phủ hoặc là được bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo, quản lý theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội khóa XIV thông qua, Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, để thay thế Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, Nghị định số 93/2010/NĐ-CP và nội dung quy định về công chức tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, theo đó, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu để quy định cụ thể về nội dung xét nâng ngạch công chức.

Bích Lan

Các bài viết khác