ĐBQH ĐẶNG NGỌC NGHĨA: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ TN&MT VỀ TÌNH HÌNH Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ TẠI CÁC THÀNH PHỐ LỚN.

29/04/2020

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế về tình hình ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh).

Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế 

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã nhận được ý kiến của đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa tại Phiếu chất vấn số 188/GS-PCCV ngày 24/10/2019 về tình hình ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh). Trước ý kiến chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết:

1. Thực trạng, tình hình

Trên cơ sở kết quả quan trắc chất lượng không khí xung quanh tại một số thành phố trên địa bàn cả nước (Hà Nội, Hạ Long, Việt Trì, Huế, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy, chất lượng môi trường không khí tại các thành phố phổ biến ở mức trung bình, riêng tại Huế, phần lớn các ngày vẫn ở mức tốt. Tuy nhiên, trong một số ngày đã ghi nhận nồng độ PM2.5 vượt QCVN 05:2013/BTNMT tại một số thành phố. Điển hình là hai đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tại một số thời điểm đã ghi nhận ô nhiễm không khí ở mức khá cao với nguyên nhân chủ yếu là do bụi, đặc biệt là ô nhiễm bụi lơ lửng tổng số (TSP), bụi mịn (PM10, PM2.5). Các thông số khác cơ bản vẫn nằm trong giới hạn cho phép so với QCVN 05:2013/BTNMT. Trong một số thời điểm cuối năm 2019 ghi nhận ô nhiễm không khí tăng cao. Cụ thể:

- Tại Hà Nội: Kết quả quan trắc từ nửa cuối tháng 9 đến cuối tháng 11 năm 2019 ghi nhận một số khoảng thời gian có nồng độ trung bình 24h của PM2.5 vượt QCVN và duy trì liên tiếp trong một số ngày (từ ngày 23/9/2019 đến 03/10/2019 và từ ngày 05-13/11/2019). Các nghiên cứu cho thấy chất lượng không khí khu vực miền Bắc trong đó có thành phố Hà Nội chịu tác động rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu, ô nhiễm không khí thường tăng cao vào các khoảng thời gian giao mùa, thời tiết khô cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Bên cạnh đó, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch cuối tháng 9 cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí. Vào các khoảng thời gian ô nhiễm tăng cao, chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường ở mức kém (AQI >100), đôi lúc còn ở mức xấu (AQI >200) vào đêm và sáng sớm. Khi thời tiết có mưa, chất lượng không khí được cải thiện hơn, chỉ số AQI ở mức trung bình.

- Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Kết quả quan trắc cho thấy có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí do yếu tố thời tiết khí hậu cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm giảm khả năng hòa trộn và phát tán chất ô nhiễm trong không khí cũng như làm xuất hiện hiện tượng sương mù quang hóa, tuy nhiên nồng độ PM2.5 phần lớn vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Nhìn chung, tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, hiện tượng ô nhiễm không khí chỉ đối với chỉ số PM2.5, PM10 và mang tính cục bộ tại một số khu vực, một số thời điểm nhất định, các thông số khác vẫn nằm trong ngưỡng quy chuẩn cho phép. So sánh với một số thành phố trong khu vực châu Á (số liệu của 15 trạm quan trắc tự động đặt do Đại sứ quán/Lãnh sự quán Mỹ lắp đặt tại các thành phố của một số nước Châu Á trong giai đoạn 2016 -2018) cho thấy thành phố Hà Nội năm 2016, 2017 đứng thứ 10 trên 15 thành phố, ở mức độ ít ô nhiễm (số 1 là mức ô nhiễm cao nhất), năm 2018, đứng ở vị trí 11/15 (cải thiện 01 vị trí); Thành phố Hồ Chí Minh cả 3 năm từ 2016 -2018 được xếp 15/15, tức là chất lượng không khí tốt nhất trong số 15 thành phố mà Hoa Kỳ đặt thiết bị quan trắc.

2. Một số hoạt động đã thực hiện

Vấn đề ô nhiễm không khí là vấn đề thách thức đối với mọi quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, trong đó có Việt Nam. Nhận thức được tác hại của ô nhiễm môi trường không khí tới sức khỏe, đời sống của người dân cũng như tới quá trình phát triển bền vững, Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí. Cụ thể:

a) Bộ TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật giảm thiểu ô nhiễm không khí như: Quy định về trách nhiệm và một số biện pháp quản lý chất lượng không khí trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí xung quanh; Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo, giám sát chất lượng môi trường, trong đó có môi trường không khí.

b) Yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các khu công nghiệp có quy mô xả thải lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục, truyền dữ liệu về cơ quan quản lý môi trường tại địa phương (Sở Tài nguyên và Môi trường) và Trung ương (Tổng cục Môi trường). Vừa qua Bộ TN&MT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, trong đó có mở rộng các đối tượng phải quan trắc tự động, liên tục để kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường.

c) Các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương cũng đã tham mưu và tổ chức thực hiện một số chương trình, đề án như: Đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”. Mới đây, ngày 28/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô-tô tham gia giao thông và xe ô-tô đã qua sử dụng nhập khẩu. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ TN&MT, Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tuyên truyền về quản lý chất lượng không khí, tác hại của ô nhiễm không khí, lợi ích của việc sử dụng các phương tiện công cộng đối với môi trường không khí nói riêng. Tính từ ngày 01/6/2016 đến tháng 04/2019, các cơ quan báo chí đã có 31.515 tin, bài liên quan phản ánh đến vấn đề môi trường và không khí.

d) Trước tình hình gia tăng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ TN&MT đã gửi văn bản cho các Bộ, ngành và 02 thành phố này. Theo đó, đã yêu cầu thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường kiểm soát chất lượng môi trường không khí và xử lý các điểm nóng môi trường không khí. Yêu cầu các địa phương cần tiếp tục tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi; chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho UBND cấp huyện, cấp xã tuyên truyền, vận động người dân không đốt rác, rơm rạ sau thu hoạch; tăng cường tần suất quan trắc để kịp thời đưa ra cảnh báo cần thiết đối với người dân; triển khai nghiêm túc Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí.

đ) Các địa phương cũng đã cải thiện từng bước chất lượng môi trường không khí trên địa bàn. Ví dụ thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ từ việc ban hành các chỉ thị, quy định và tổ chức các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát các nguồn thải từ phương tiện giao thông, công nghiệp.

e) Hoạt động quan trắc chất lượng không khí tại các đô thị lớn trong thời gian qua để cung cấp thông tin cảnh báo chất lượng không khí tới người dân, cộng đồng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ở cấp quốc gia, Bộ TN&MT đã và đang triển khai chương trình quan trắc môi trường không khí tại 03 vùng Kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam; một số chương trình quan trắc của các Bộ, ngành, Ở cấp địa phương, chương trình quan trắc môi trường, trong đó có môi trường không khí cũng được triển khai định kỳ hàng năm. Hệ thống quan trắc môi trường không khí tự động cũng đã đầu tư phát triển khá mạnh mẽ cả ở trung ương và một số đô thị lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, TP.Hồ Chí Minh... Số liệu quan trắc chất lượng không khí và chỉ số AQI đã được công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ TN&MT, Sở TN&MT Hà Nội cũng như trên một số chương trình truyền thanh, truyền hình.

3. Một số tồn tại, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí

Môi trường không khí tại các đô thị chịu ảnh hưởng tổng hợp từ rất nhiều nguồn thải, bao gồm các nguồn tại chỗ như từ các hoạt động dân sinh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải... và cả những nguồn từ xa vận chuyên đến. Vì vậy, ngoài nguyên nhân sơ bộ như: ô nhiễm vào thời điểm giao mùa, hiện tượng nghịch nhiệt, thời điểm thu hoạch như đã nêu trên còn có các nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí là:

a) Quá trình quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư không hợp lý; phát triển các đô thị hiện nay phần lớn chưa chú trọng vào phòng ngừa ô nhiễm không khí, chỉ khi có phát sinh nguồn thải hoặc tùy theo từng vụ việc để kiếm soát, thiếu tính chủ động. Sự gia tăng mật độ dân cư và phương tiện giao thông; chưa kiểm soát được khí thải từ các phương tiện giao thông cũ. Hiện tượng giao thông tắc nghẽn, tắc đường xảy ra thường xuyên liên tục và phổ biến tại các đô thị làm gia tăng chất ô nhiễm tại một thời điểm. Đây được xem là nguồn gây ô nhiễm đối với môi trường không khí chính.

b) Hoạt động xây dựng chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, rửa xe trước khi ra khỏi công trường, phun nước rửa đường.

c) Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý, đốt chất thải sinh hoạt, sản phẩm phụ nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định tại các khu vực ven đô gây hiện tượng khói mù. Thói quen sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt của người dân vùng ven đô; khói thuốc lá; khí máy lạnh ...

d) Các nguồn thải vận chuyển từ xa đến (ô nhiễm xuyên biên giới) như khói bụi do cháy rừng từ các quốc gia lân cận, bụi mịn do đốt nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp nặng theo gió mùa đông bắc vận chuyển về.

đ) Nguồn lực (tổ chức bộ máy, nhân lực, kinh phí) về thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí, quan trắc và công bố thông tin chất lượng môi trường không khí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, năng lực cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu, ít có chương trình nhiệm vụ cho lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng môi trường không khí.

4. Giải pháp trong thời gian tới

Để kiểm soát được chất lượng không khí tại Việt Nam nói chung và tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Bộ TN&MT đã có báo cáo số 100/BC-BTNMT ngày 07/10/2019, trong đó đề xuất các giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường:

- Theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên trong Quyết định số 985a/QĐ-TTg; xây dựng, ban hành quy định và hướng dẫn kỹ thuật về Kế hoạch quản lý chất lượng không khí của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hướng dẫn về đánh giá, xác định, kiểm kê và kiểm soát nguồn thải bụi PM10 và PM2.5.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; yêu cầu chủ dự án các công trình đầu tư xây dựng phải tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động thi công, xây dựng..

- Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa các điều khoản sửa đổi về bảo vệ môi trường không khí, giám sát, kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường không khí trong sửa đổi Luật bảo vệ môi trường năm 2014; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; thiết lập các hàng rào kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường, tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.

- Xây dựng, thiết lập được mạng lưới các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục đủ lớn, đảm bảo cho việc quan trắc, thu nhận, truyền dẫn số liệu giúp các cơ quan quản lý có thể theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo được chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn; đa dạng hoá phương thức công bố thông tin về chất lượng môi trường nói chung, môi trường không khí nói riêng.

b) Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh/thành phố kiểm soát chặt nguồn khí thải gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn do giao thông; quản lý chất lượng phương tiện giao thông, đặt biệt là kiểm soát được khí thải của ô tô, xe máy; có biện pháp xử lý hiệu quả bụi và tiếng ồn phát sinh từ phương tiện giao thông, tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch, phát triển hạ tầng giao thông đô thị bền vững, quy hoạch hợp lý các tuyến giao thông đô thị, tăng mật độ cây xanh, áp dụng các biện pháp giảm tắc nghẽn giao thông, giảm thiểu tiếng ồn đô thị, vv...;

c) Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, đặc biệt trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch; kiểm soát chặt hoạt động của các dự án sản xuất công nghiệp từ giai đoạn lập, thi công và vận hành chính thức, nhất là các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như nhiệt điện than, xi măng, khai thác và chế biến khoáng sản, dầu khí, sản xuất hóa chất và phân bón, sản xuất thép và luyện kim, sản xuất bột giấy, dệt nhuộm và thuộc da,...;

d) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh/thành phố kiểm soát khí thải, bụi và tiếng ồn do hoạt động xây dựng tại các thành phố lớn, đặc biệt là khu vực xây dựng các khu dân cư cao tầng; kiểm soát, quản lý chặt nguồn phát sinh bụi, tiếng ồn từ công trình xây dựng bao gồm cả các công trình xây dựng trong giao thông (đường sắt đô thị, đường trên cao); nghiên cứu, sử dụng vật liệu chống ồn để xây dựng đường xá, tường cách âm, chống ồn tại các công trình xây dựng;

đ) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh/thành phố kiểm soát các hoạt động xử lý phụ phẩm, sản phẩm thải sau thu hoạch đảm bảo được xử lý an toàn, đúng quy định; làm tốt công tác tuyên truyền với người nông dân đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp đúng quy định bảo vệ môi trường;

e) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Phát huy vai trò then chốt trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, giám sát chất lượng không khí, thực hiện các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm không khí do các hoạt động phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, đặc biệt là lập và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương theo Quyết định số 985a/QĐ-TTg.

- Chú trọng phòng ngừa các nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường không khí; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, phương tiện giao thông vận tải, phát triển đô thị trong phạm vi từng địa bàn và kịp thời ứng phó, kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nói chung, môi trường không khí nói riêng.

- Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm xe phương tiện cá nhân, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Đầu tư xây dựng thêm nhiều không gian xanh trong các đô thị.

- Đầu tư và duy trì hệ thống quan trắc chất lượng không khí đảm bảo cập nhật chính xác và công bố thường xuyên thông tin chất lượng không khí trên địa bàn. Rà soát, chấn chỉnh tình trạng công bố thông tin không đáng tin cậy về môi trường không khí, hướng dẫn người dân tiếp cận nguồn thông tin chính thống.

Bích Lan

Các bài viết khác