ĐBQH TÔ THỊ BÍCH CHÂU CHẤT VẤN BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN NẠN GIẢ NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG TRÀN LAN

11/05/2020

Chất vấn Bộ Công thương, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu- Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Công thương giải trình tại sao chưa có giải pháp cho tình trạng nạn giả nhãn hiệu nổi tiếng trong nước, ngoài nước vẫn tràn lan hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu- Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu- Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Công thương giải trình rõ tại sao nạn giả nhãn hiệu nổi tiếng trong nước, ngoài nước vẫn tràn lan, nhức nhối mà Bộ Công thương chưa có giải pháp hiệu quả? Có hay không lợi ích nhóm trong việc này?

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu- Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh về  vấn đề này, Bộ Công thương cho biết, tình trạng vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp.

Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ rất đa dạng.

Trước tình hình trên, ngay từ năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 334/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất  xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020; đồng thời, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường bám sát chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để xây dựng, triển khai các phương án kế hoạch trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm góp phần ngăn chặn giảm thiểu các đối tượng công khai sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bộ Công thương dự báo trong thời gian tới tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp.

Để quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Bộ Công thương cùng các Bộ ngành, địa phương sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên việc kiểm tra, đôn đốc lực lượng chức năng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đề ra.

Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Bộ Công thương cũng sẽ xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là Bộ đội biên phòng.

Ngoài ra, Bộ sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, đa dạng về hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với xã hội và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này.

Đồng thời, tăng cường hợp tác với các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất  kinh doanh trong công tác chia sẻ, cung cấp thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ./.

Thu Phương

Các bài viết khác