HỌP TRỰC TUYẾN LÀ PHÁT HUY HIỆU QUẢ CỦA QUỐC HỘI ĐIỆN TỬ

19/05/2020

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan- Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, việc Quốc hội họp trực tuyến là phát huy hiệu quả của Quốc hội điện tử và góp phần đảm bảo tiến độ công việc trong những tình huống, sự cố bất ngờ xảy như khi có dịch bệnh Covid-19 yêu cầu các cơ quan, đơn vị không được tập trung đông người.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20/5/2020 theo đúng thông lệ nhưng với thời gian kéo dài 19 ngày và chia thành 02 đợt. Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố (từ ngày 20/5 đến ngày 29/5/2020). Đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 08/6 đến ngày 18/6/2020). Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 18/6/2020. Đặc biệt, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, đại biểu Quốc hội gửi chất vấn bằng văn bản đến người được chất vấn.


Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì Họp báo về Chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Phát biểu tại buổi Họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Trong các phiên họp trực tuyến, đại biểu tại điểm cầu của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện đăng ký phát biểu, tranh luận qua đường dây nóng. Đại biểu tại Hội trường Diên Hồng đăng ký phát biểu và tranh luận như các kỳ họp trước. Danh sách đăng ký phát biểu được kịp thời cập nhật vào hệ thống điều hành của Đoàn chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu và được thể hiện trên màn hình tại Hội trường Diên Hồng. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: Kỳ họp lần này thời gian không dài, hình thức họp trực tuyến là hình thức họp mới, nhưng Văn phòng Quốc hội sẽ đảm bảo các điều kiện kỹ thuật để các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin thuận tiện nhất.

Trước đó, phát biểu tại kỳ họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lần đầu tiên tiến hành họp trực tuyến là dịp để đổi mới hoạt động của Quốc hội, thể hiện sự đoàn kết dân tộc và hiệu triệu sau chống dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tập trung sức phục hồi kinh tế, xây dựng và phát triển đất nước.


Kiểm tra Trung tâm điều hành Quốc hội điện tử tại Nhà Quốc hội trước kỳ họp.

Ứng dụng công nghệ và khả năng làm chủ công nghệ vì thế cũng là những kỹ năng cơ bản của đại biểu, của các cơ quan giúp việc cho đại biểu ngay trong nhiệm kỳ này và dài hạn hơn là nhiệm kỳ tới. Thay đổi phương thức làm việc như Chủ tịch Quốc hội nói là yêu cầu cần thiết và triển khai Quốc hội điện tử phải bắt đầu từ nhận thức, đến kỹ năng và thực hành của từng đại biểu, từng cơ quan là hướng đi bắt buộc.

Để góp phần vào thực hiện Quốc hội điện tử hiệu quả, phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn Đại biểu Đỗ Thị Lan - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội.

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên Quốc sẽ họp có 1 phần theo hình thức trực tuyến và 1 phần tập trung các đại biểu đến hội trường thảo luận. Với hình thức họp này, Việt Nam là nước đầu tiên trên 200 Quốc hội các nước tổ chức kỳ họp Quốc hội thông qua hình thức trực tuyến. Quan điểm của đại biểu về hình thức họp trực tuyến này như thế nào?

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội: Trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ họp một phần là theo hình thức trực tuyến. Đây là hình thức họp tương đối phổ biến ở các cấp trong thời gian qua như: các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ đã tổ chức họp trực tuyến với các địa phương; các cuộc họp chuyên đề về các Nghị quyết, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; các Bộ triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ...

Ngay từ khi bệnh Covid-19 bùng phát và để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, các cơ quan của Quốc hội đã nhanh chóng chuyển sang hình thức họp, làm việc trực tuyến để đảm bảo an toàn, đồng thời không để công việc không bị gián đoạn. Các phiên họp của Ủy ban Đối ngoại, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban, Viện thuộc Thường vụ Quốc hội vẫn diễn ra kịp thời, đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao.


Đại biểu Đỗ Thị Lan - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội.

Tại kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội tổ chức họp một phần theo hình thức trực tuyến tương đối sâu và với cách thức tương đối khác so với các cuộc họp trực tuyến phổ biến của các cấp trong thời gian vừa qua. Theo đó, các đại biểu sẽ cài đặt phần mềm họp trực tuyến qua máy tính để tham gia kết nối với nhau, cùng tham gia ý kiến, thảo luận xây dựng các loại Luật; theo dõi các cuộc họp của Quốc hội...

Trước khi thực hiện kỳ họp theo hình thức trực tuyến, Quốc hội đã lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Hình thức này phù hợp với việc không nên có một kỳ họp tập trung quá đông người và góp phần phòng chống, lây lan dịch bệnh Covid-19. Để chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ họp này, Quốc hội đã chia kỳ họp theo 2 hình thức. Theo đó, trong đợt 1, các đại biểu đại diện ở địa phương nào sẽ họp trực tuyến ở địa phương đó trong 10 ngày (từ ngày 20/5 đến 29/5). Như vậy sẽ giảm tải số lượng đại biểu tập trung, các thành phần phục vụ cho kỳ họp trung đông ở họp ở Hội trường của Nhà Quốc hội. Còn đại biểu nào ở Hà Nội sẽ họp tập trung ở Hà Nội. Điều này cũng đảm bảo sự giãn cách và an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong đợt 2, các đại biểu Quốc hội sẽ họp tập trung, thảo luận, phát biểu những ý kiến còn khác nhau, thống nhất thông qua các dự án Luật, Nghị quyết.

Nhằm đảm bảo an toàn cho việc họp trực tuyến, các đơn vị của Văn phòng Quốc hội đã chỉ đạo các Bộ ngành, cơ quan chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để kết nối đường truyền Internet thông suốt, nhanh chóng và an toàn nhất. Cho đến nay, máy tính riêng của các đại biểu đã được Văn phòng Quốc hội cài đặt phần mềm để tiếp cận với tất cả thông tin, nội dung các dự án Luật để có thể phát biểu ý kiến khi đóng góp cho các Luật, Nghị quyết được trình lên Quốc hội xem xét, thông qua.

Có thể nói, việc Quốc hội họp trực tuyến là phát huy hiệu quả của Quốc hội điện tử và góp phần đảm bảo tiến độ của công việc trong những tình huống, sự cố bất ngờ xảy ra như khi có dịch bệnh Covid-19 yêu cầu các cơ quan, đơn vị không được tập trung đông người.

Phóng viên: Trong các phiên họp trực tuyến, đại biểu tại điểm cầu của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện đăng ký phát biểu, tranh luận qua đường dây nóng. Đại biểu tại Hội trường Diên Hồng đăng ký phát biểu và tranh luận như các kỳ họp trước. Về biểu quyết, các đại biểu Quốc hội sử dụng phần mềm cài đặt trên Ipad để biểu quyết. Kết quả biểu quyết sẽ được hiện trên màn hình ở Hội trường Diên Hồng. Ngoài ra, thay vì các đại biểu tập trung ở hội trường chất vấn các Bộ trưởng như những kỳ họp trước thì tại kỳ họp này, các Tư lệnh ngành sẽ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội bằng văn bản. Việc biểu quyết sẽ qua phần mềm, kết quả thể hiện trên màn hình phòng Diên Hồng. Đại biểu có ý kiến như thế nào về những thay đổi này?

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội: Trong những ngày họp trực tuyến, việc đại biểu tập trung họp tổ sẽ giảm đi. Thế nhưng, nội dung chương trình kỳ họp vẫn được bố trí hợp lý. Tại kỳ họp này, thay vì các đại biểu tập trung ở hội trường chất vấn các Bộ trưởng như những kỳ họp trước thì tại kỳ họp này, các Tư lệnh ngành sẽ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội bằng văn bản. Việc biểu quyết sẽ thông qua phần mềm, kết quả thể hiện trên màn hình phòng Diên Hồng. Tôi cho rằng, những thay đổi này sẽ không ảnh hưởng lớn tới cả kỳ họp nhưng mỗi đoàn, các tổ và từng đại biểu Quốc hội vẫn phải nêu cao  tinh trần trách nhiệm trước Quốc hội, đại diện cho cử tri và địa phương mình phụ trách phản ánh những vấn đề bức thiết trong đời sống xã hội.

Phóng viên: Hướng tới một Quốc hội điện tử thì kỳ họp thứ 9 là kỳ họp thử nghiệm quan trọng của Quốc hội. Theo đại biểu, muốn thực hiện tốt việc ứng dụng khoa học công nghệ trong thời đại công nghệ 4.0 trong kỳ họp thì các cơ quan của Quốc hội cũng như chính các đại biểu phải thay đổi như thế nào?

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội: Để thực hiện họp trực tuyến được thông suốt và hướng tới một Quốc hội điện tử, các cơ quan của Quốc hội phải chỉ đạo, phối hợp với các Bộ ngành chuẩn bị thật tốt đường truyền Internet để các đại biểu có thể dễ dàng kết nối với nhau và với cả hội trường. Hình ảnh, tiếng nói của các đại biểu phải nét đẹp, rõ ràng. Ngoài ra, mỗi đại biểu Quốc hội cần chủ động thành thạo các kỹ năng, sử dụng thuần thục hệ thống máy tính để tham gia góp ý kiến, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri cũng như thông qua các loại Luật, Nghị quyết.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!/.

Bích Lan