GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐẠI DỊCH COVID 19 – CHÍNH PHỦ VÀ NIỀM TIN TRONG DÂN

20/05/2020

Do ảnh hưởng của dịch Covid, bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới đang bị đè nặng, theo đấy là những dự báo u ám kéo dài. Cùng với đó, đời sống của người dân, nhất là những người lao động, người yếu thế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện gói chính sách an sinh xã hội dành cho những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với gần 62.000 tỷ đồng.

Sự vào cuộc của các cấp hỗ trợ người dân khi đại dịch xảy ra

Ngay trong những tháng đầu năm 2020, cả thế giới đều phải đối mặt với đại dịch Covid 19. Theo thống kê, Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ xuống dưới mức 2.5%, mức được xem là ngưỡng suy thoái với kinh tế thế giới. Tại Việt Nam, kết quả khảo sát nhanh trên 1.200 doanh nghiệp (phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ) của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) về ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng cho thấy nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Chỉ riêng trong tháng 2/2020, số người thất nghiệp trong cả nước đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng hơn 47.000 người, tăng hơn 63% so với tháng 1/2020.  

Để không ai bị bỏ lại phía sau trong "cuộc chiến" chống lại dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ cho hàng triệu người dân gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra trong cả nước. Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, ngày 8/4/2020, dưới dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triệu tập phiên họp bất thường để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngay từ khi cả nước bước vào cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, tư tưởng chỉ đạo và phương châm "chống dịch như chống giặc" được xác định kiên quyết, kiên trì và thực hiện xuyên suốt. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cả hệ thống chính trị đã quyết liệt vào cuộc, đoàn kết thống nhất, thực hiện tốt các biện pháp chống dịch mà Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đề ra, với quyết tâm cao; chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên toàn quốc và kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, bảo vệ tốt nhất tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Điều này đã góp phần khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, đội ngũ y, bác sĩ, các lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; sự hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc của đồng bào cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài; có sự vận động của các đại biểu Quốc hội cùng cử tri cả nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp chống dịch.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong phòng, chống dịch cũng như quan tâm đến vấn đề ổn định, khôi phục sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống của người dân. Đặc biệt, Chính phủ đã chủ động đề xuất các chính sách, biện pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thể hiện rõ tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn, việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho thấy sự nỗ lực rất cao của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của nhân dân, trước mắt sẽ đem lại sự yên tâm cho người dân, góp phần giải quyết những khó khăn, vất vả trong cuộc sống do dịch bệnh, tăng sự tin tưởng của người dân vào Đảng, Nhà nước, tiếp tục tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, sau khi các chính sách được ban hành, các cấp, các ngành chủ động thực hiện ngay, có hiệu quả để bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến người dân, hạn chế thấp nhất độ trễ của chính sách khi đi vào cuộc sống; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách, thiếu minh bạch trong tổ chức thực hiện.

Theo đó, gói hỗ trợ cho người yếu thế, bị mất việc và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lên tới gần 62 nghìn tỷ đồng, trong đó có 6 nhóm đối tượng tương đương với 20 triệu người  được thụ hưởng chính sách này. 

Cụ thể: 6 nhóm đối tượng được hưởng gói hỗ trợ gồm:

- Người có công với cách mạng: được hỗ trợ thêm 500.000 đồng một tháng (ngoài khoản tiền đang được nhận - hơn 1,13 triệu đồng).

- Hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia: nhận 1 triệu đồng/ 1 tháng

- Lao động bị tạm nghỉ do doanh nghiệp khó khăn bởi Covid-19: nhận 1,8 triệu đồng/1 tháng

- Doanh nghiệp có lao động ngừng việc trong 3 tháng: được vay lãi suất 0% để trả lương (vay không quá 12 tháng) tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Số tiền lương trong thời gian ngừng việc còn lại, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trả. Hạn mức vay tối đa 50% theo lương tối thiểu vùng. 

- Lao động bị buộc thôi việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: được hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng.

- Hộ kinh doanh cá thể doanh thu dưới 100 triệu đồng một năm ngừng kinh doanh: được hỗ trợ 1 triệu đồng một tháng.

Người dân được nhận tiền hỗ trợ do chịu ảnh hưởng của dịch Covid 19  

Không ít người dân đã bày tỏ sự cảm động đối với Đảng, nhà nước, Chính phủ trong việc hỗ trợ họ ổn định cuộc sống sau đại dịch. Ông Nguyễn Văn Bút, người có công tại xã Tiền lệ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội cho biết: Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các cơ quan đoàn thể trong huyện xã đã nhiệt tình đến động viên, không những về tinh thần mà còn về vật chất để giảm bớt khó khăn nên rất vui mừng. Bản thân ông thấy rất phấn khởi, xúc động trước sự quan tâm này.

Gia đình chị Tạ Thị Suốt, tỉnh Hà Nam với gánh nặng nuôi 3 con, chồng thì chạy thận, kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Do tình hình dịch bệnh, bản thân chị cũng  mất việc. Hồ sư của chị được lập ngay sau khi có chủ trương của Thủ tướng. Khi áp dụng tiêu chí theo quyết định 15, chị đủ điều kiện nhận hỗ trợ 3 triệu đồng theo tiêu chí nhóm lao động tự do. Chị cho biết “ Bản thân rất xúc động vì một mình phải nuôi 3 con, cùng với đó chồng luôn đau ốm, bệnh tật. Nên khi nhận được tiền chị vô cùng vui mừng. Chị cũng cảm ơn Đảng, các cấp chính quyền đã luôn quan tâm và hỗ trợ gia đình chị”

Gia đình chị Tạ Thị Suốt, tỉnh Hà Nam là một trong nhiều hộ dân được nhận hỗ trợ

Niềm vui của chị Suốt cũng là niềm vui của rất nhiều người dân nghèo và khó khăn. Từ giữa tháng 4,nhiều địa phương trên cả nước đã tiến hành rà soát và thống kê nhóm đối tượng được hưởng gói an sinh xã hội từ chính phủ. Chỉ mất khoảng 2 phút, mỗi người dân đã được nhận đủ 1 lần 3 tháng tiền hỗ trợ.

Ông Lê Văn Lệ, Quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cho biết “ Ông rất mừng, bây giờ đã già rồi, không làm được gì nhưng được nhà nước hỗ trợ là mừng lắm. Tiền ông được nhận sẽ cầm về để mua gạo cho con, cho cháu ăn”

Chị Nguyễn Thị Dung trú tại thành phố Đà Nẵng là một trong những lao động bị ảnh hưởng bởi dịch. Đến hôm nay chị cũng đã nhận được tiền hỗ trợ dịch. Chị cho biết “thời gian qua chị cũng không đi làm nên kinh tế bị thiếu hụt nhiều. Nhờ có gói hỗ trợ nên sẽ giúp gia đình phần nào trong lúc khó khăn này”

Tới thời điểm này, 63/63 tỉnh thành vẫn đang thực hiện chi trả những khoản tiền hỗ trợ đến với người dân. Cùng với đó, sẽ có thêm 6 dịch vụ công mới trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ hỗ trợ cho khoảng 4 triệu người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid – 19. Có thể nói, những khoản tiền hỗ trợ đến đúng lúc đã thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước không chỉ nhân văn, còn là phao cứu sinh kịp thời giúp người nghèo, người yếu thế vượt qua khó khăn mùa dịch.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách

Với tinh thần “không bỏ ai lại phía sau”, đối tượng nào xác định được tiêu chí rõ ràng thì cần phải hỗ trợ ngay lập tức. Nhiều địa phương trên cả nước đã quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ nhằm đưa gói hỗ trợ an sinh theo Nghị quyết 42 đến đúng, trúng đối tượng người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, mặt trái của các chính sách là vẫn luôn có những đối tượng lợi dụng để trục lợi. Vậy làm thế nào để  tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách, thiếu minh bạch trong tổ chức thực hiện? Phóng viên Cổng thông tin Quốc hội đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội:

Đại biểu Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào với sự vào cuộc của Chính phủ trong việc ổn định an sinh xã hội khi dịch Covid xảy ra?

Đại biểu Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội: Tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc cũng như quyết tâm của chính phủ chỉ đạo của Chính phủ. Ngay từ đầu khi chúng ta công bố dịch, Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp, rất nhiều biện pháp để chỉ đạo thực hiện ngay từ đầu làm sao để đảm bảo hạn chế việc lan nhanh của dịch Covid 19  cũng như đảm bảo về sức khỏe, ổn định tình hình đời sống của nhân dân.

Với tinh thần  thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội. Chính phủ đã sớm nghiên cứu chỉ đạo và đề nghị cho ý kiến về gói hỗ trợ an sinh xã hội gần 62.000 tỷ đồng. Qua phiên họp bất thường của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết này đã được thông qua qua đó có tác động rất lớn đối với các đối tượng liên quan trong đại dịch này. Cũng tại Nghị quyết 42 này, các nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp không chỉ tập trung vào những đối tượng bảo trợ xã hội mà còn mở rộng ra ở một số nhóm đối tượng như: đối tượng chính sách, người có công, người lao động hoặc lao động không có hợp đồng lao động. Thậm chí các doanh nghiệp, những hộ kinh doanh cá thể cũng được nhận trợ cấp từ gói chính sách này. Có thể thấy với sự vào cuộc nhanh chóng của mình, chính phủ đã đưa ra rất nhiều giải pháp cũng như hỗ trợ với người dân.

Phóng viên:Theo đại biểu, Các gói hỗ trợ của Chính phủ có ý nghĩa như thế  nào đối với người lao động và người yếu thế?

Đại biểu Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội: Liên quan đến các nhóm đối tượng này,chúng tôi thấy rằng nghị quyết của chúng ta ra đối với nhóm những người yếu thế,  hiện nay đang hưởng chính sách của bảo trợ xã hội, những người yếu thế thể hiện rất cao trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước và của Chính phủ đối với người dân vì mục tiêu đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân đồng thời phát triển kinh tế xã hội.

Với tinh thần “ không để ai bị bỏ lại phía sau” nhóm người yếu thế là nhóm người dễ tổn thương nhất trong đại dịch này nên việc hỗ trợ họ là cần thiết. Đối với nhóm người lao động, dù có hợp đồng hay không có hợp đồng đối với doanh nghiệp, nếu đủ điều kiện những người lao động này cũng nhận được tiền từ gói trợ cấp. Có thể thấy, với sự nỗ lực rất lớn Đảng và nhà nước ta đang từng bước giải quyết những khó khăn, vất vả cho người dân. Đồng thời, tăng sự tin tưởng của người dân vào Đảng, nhà nước.

Phóng viên: Vậy làm thế nào để tránh được tình trạng trục lợi chính sách, thiếu minh bạch khi triển khai gói hỗ trợ này, thưa đại biểu?

Đại biểu Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội: Trước khi ban hành nghị quyết 42 này, Uỷ ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội là cơ quan được tham gia ý kiến vào đề án trước khi trình lên cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến trước khi thông qua và ban thành nghị quyết. Chúng tôi thấy rằng việc triển khai này chúng ta phải làm quyết liệt và tích cực. Trong đó phải có sự chỉ đạo đồng bộ từ Chính phủ xuống các cấp uỷ, chính quyền nhân dân các cấp. Cùng với đó là sự vào cuộc của tất cả các hệ thống chính trị để thấy rõ được tinh thần trách nhiệm của mình thì chắc chắn sẽ giảm bớt được tình hình trục lợi này.

Một điều rất quan trọng nữa là đối với các cấp cơ sở, trách nhiệm của chúng ta là phải tìm ra đúng đối tượng, rà soát với tinh thần “ đi từng ngõ, gõ từng nhà”, điều tra, khảo sát chặt chẽ, bài bản. Đối với những người thụ hưởng cần có tinh thần tự nguyện, trách nhiệm trong việc kê khai. Cần nêu cao vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan dân cử, đoàn thể quần chúng. Tôi cũng cho rằng Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cũng cần thực hiện quyền giám sát làm sao để chúng ta thực hiện nghị quyết này một cách đúng đắn nhất, có hiệu quả nhất, trách tình trạng trục lợi như trước kia.

“Chén cơm cho người nghèo lúc khốn khó quý hơn ngàn lần những luận bàn cao siêu” - Việc nhanh chóng thực hiện gói hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội, đồng thời thể hiện cam kết một Chính phủ hành động. Chính sách đã được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay, bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất “độ trễ” của chính sách khi đi vào cuộc sống. Qua khó khăn, chúng ta mới thấy tinh thần “ tương thân tương ái” mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. Hy vọng rằng, những nghĩa cử cao đẹp, lòng nhân ái và các hoạt động thiện nguyện sẽ tiếp tục được khới dậy để giúp đỡ những đồng bào còn khó khăn trong suốt thời gian chống dịch cũng như sau khi dịch bệnh kết thúc, phát huy truyền thống quý báu “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thanh Hải