ĐBQH LÊ THANH VÂN CHẤT VẤN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CÓ HAY KHÔNG SỰ ƯU ÁI CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁC HÃNG TAXI CÔNG NGHỆ

27/05/2020

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phản ánh có ý kiến cho rằng việc thực hiện thí điểm trên diện rộng và ở nhiều địa phương là ưu ái cho các hãng taxi công nghệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã làm rõ việc ứng dụng công nghệ kết nối hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng.

Trong chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đối với Thủ tướng Chính phủ có phản ánh: “Kể từ khi cho phép được thí điểm thực hiện đến nay, các hãng taxi công nghệ nước ngoài (điển hình trong đó là Grap) cơ bản đã chiếm lĩnh từ 60-70% thị phần vận tải taxi ở các thành phố lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, đã đẩy các doanh nghiệp trong nước vào thế phá sản, thua lỗ. Nhiều ý kiến cho rằng, dẫn đến tình trạng đó, là do Bộ Giao thông vận tải đã quá ưu ái cho các hãng taxi công nghệ khi cho phép thực hiện thí điểm trên diện rộng và ở nhiều địa phương, khiến các doanh nghiệp trong nước không có đủ thời gian để thích nghi, học hỏi, chuyển giao công nghệ”.

Liên quan đến nội dung này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết ngay khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được đề cập (năm 2011), việc ứng dụng khoa học công nghệ đã và đang được các nước trên thế giới đẩy mạnh triển khai. Ở nước ta, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhân dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng 

Đối với ngành giao thông vận tải, trong những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện khuyến khích các mô hình đổi mới sáng tạo, nhất là các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, kinh tế chia sẻ, mà điển hình là hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ kết nối hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng (như Grab, Go Viet...) mà Đại biểu Quốc hội đề cập như trên.

Song, do đây là các mô hình kinh doanh mới, chưa được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng tại 05 địa phương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng) nhằm tổng kết, đánh giá, xây dựng chính sách quản lý phù hợp. Qua thời gian thí điểm tại 05 địa phương nêu trên, bước đầu đã đem lại kết quả tích cực, thuận tiện cho người dân, tạo công ăn việc làm cho nhiều lái xe, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh vận tải hành khách lành mạnh hơn. Việc thí điểm cũng đã cho thấy, chúng ta đã chủ động và hoàn toàn có thể phát triển bằng chính nội lực của các đơn vị vận tải cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối vận tải trong nước. Vì vậy, Đại biểu có thể yên tâm và tin tưởng rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực vận tải đang được thực hiện tốt, bảo đảm sự ổn định nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy nội lực và làm chủ công nghệ, trên cơ sở bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh (không lệ thuộc vào các đối tác nước ngoài).

Tuy nhiên, với thực tiễn đang diễn ra, việc phát triển của loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử cũng phần nào làm ảnh hưởng đến loại hình kinh doanh vận tải khách bằng taxi truyền thống; đây là quy luật tất yếu nhưng mang tính tích cực, hướng đến đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí phù hợp hơn, đảm bảo thuận tiện, an toàn, chất lượng dịch vụ của cả xe taxi và xe hợp đồng được nâng cao; việc chuyển đổi sang ứng dụng quản lý và điều hành hoạt động vận tải đối với các doanh nghiệp đã được chủ động hơn; công tác quản lý nhà nước trong vận tải, lĩnh vực quản lý, thu thuế được quan tâm và thực hiện sát sao hơn…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, mỗi việc thí điểm đều có những tác động tích cực hoặc hạn chế. Trong việc này, ngoài những kết quả tích cực đã nêu trên thì cũng cần nhìn nhận hạn chế để sớm điều chỉnh như: Phải có sự phối hợp sát sao và trách nhiệm hơn của các cơ quan từ trung ương đến địa phương; việc tổ chức giao thông cần phù hợp hơn, quản lý chặt chẽ hơn nữa các ứng dụng mới; cần nhanh chóng bổ sung, hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp các quy định trong quản lý hoạt động vận tải, quản lý công nghệ, thuế...

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu kinh nghiệm của các nước; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) trên tinh thần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông vận tải đối với tất cả các loại hình kinh doanh vận tải, tạo khung khổ pháp lý chặt chẽ, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu cao nhất là đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông./.

Bảo Yến